Tắm đêm ngày nắng nóng có gây ra đột quỵ?

13:05 | 27/06/2022

|
Thời tiết nắng nóng, nhiều người chọn tắm đêm hoặc tắm nước lạnh để giải nhiệt, tuy nhiên không ít trường hợp vì thế mà xảy ra đột quỵ.
Nắng nóng đỉnh điểm, làm gì để tránh sốc nhiệt?Nắng nóng đỉnh điểm, làm gì để tránh sốc nhiệt?
Đột quỵ mùa nắng: Dấu hiệu nhận biết và cách sơ cứuĐột quỵ mùa nắng: Dấu hiệu nhận biết và cách sơ cứu

Bác sĩ chuyên khoa I Bùi Thị Thu Hà, Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, đột quỵ hay tai biến mạch máu não thường xảy ra đột ngột khi nguồn máu cung cấp cho não bị tắc nghẽn, gián đoạn hoặc suy giảm. Khi đó, não bị thiếu oxy, dinh dưỡng và các tế bào của cơ quan này bắt đầu chết trong vòng vài phút.

Người bị đột quỵ có nguy cơ tử vong cao nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời. Đây là một trong những bệnh lý thần kinh nguy hiểm và phổ biến nhất.

Tắm đêm ngày nắng nóng có gây ra đột quỵ?
Đột quỵ là một trong những bệnh lý thần kinh nguy hiểm và phổ biến nhất (Ảnh minh họa)

Đột quỵ có liên quan đến tắm đêm muộn hoặc tắm lạnh đột ngột?

Đang trong tháng cao điểm của mùa hè, thời tiết nắng nóng kéo dài, công việc căng thẳng hoặc đặc thù công việc làm khuya, đã có một số trường hợp đột quỵ xảy ra sau khi tắm đêm hoặc tắm lạnh đột ngột. Bác sĩ Bùi Thị Thu Hà cho hay về mặt dịch tễ học, tỷ lệ bị đột quỵ thay đổi theo mùa. Tỷ lệ đột quỵ vào mùa đông cao hơn so với mùa hè.

Đột quỵ do thiếu máu cục bộ phổ biến hơn vào mùa đông và đột quỵ xuất huyết phổ biến hơn vào mùa xuân. Tiên lượng xấu với những bệnh nhân bị đột quỵ vào mùa đông. Tỷ lệ tử vong cho thấy sự thay đổi theo mùa với đỉnh điểm vào mùa đông.

Trong một nghiên cứu đăng trên tạp chí dịch tễ học lâm sàng cũng cho thấy nhiệt độ giảm 5°C có liên quan đến việc tăng 7% số người nhập viện vì đột quỵ. Các tác giả cho rằng tỷ lệ đột quỵ cao là do thay đổi thành phần lipid, huyết áp và đông máu trong mùa đông.

Tuy nhiên khi tắm lạnh và đặc biệt là tắm đêm do thay đổi nhiệt độ đột ngột có thể ảnh hưởng gián tiếp đến các yếu tố nguy cơ như: Tăng huyết áp, đái tháo đường, xơ vữa mạch máu… đó là các nguyên nhân gây ra đột quỵ não.

"Về mặt sinh lý bệnh, sự hoạt hóa của hệ thần kinh giao cảm và bài tiết catecholamine tăng lên khi phản ứng với nhiệt độ lạnh, có thể dẫn đến tăng huyết áp, tăng gánh nặng cho tim.

Hơn nữa, trong quá trình tắm đêm với nước lạnh, nhiệt độ da giảm gây ra phản ứng hô hấp mạnh mẽ, được gọi là 'sốc lạnh', bao gồm thở hổn hển, tăng thông khí, giảm C02, nhịp tim nhanh, co mạch ngoại vi và tăng huyết áp. Những phản ứng hô hấp này và sự thay đổi trong lưu lượng máu não có thể dẫn đến chấn thương thần kinh, đột quỵ não", bác sĩ Thu Hà phân tích.

Vị chuyên gia này nhấn mạnh tắm đêm muộn hay tắm quá lạnh vào ban đêm không phải nguyên nhân gây đột quỵ nhưng chúng là yếu tố thúc đẩy các nguy cơ gây bệnh nặng hơn. Do đó, đột quỵ dễ xảy ra, đặc biệt người cao tuổi, có nhiều bệnh nền.

Tắm đêm ngày nắng nóng có gây ra đột quỵ?
Tắm đêm muộn hay tắm quá lạnh vào ban đêm không phải nguyên nhân gây đột quỵ nhưng chúng là yếu tố thúc đẩy nguy cơ gây bệnh nặng hơn (Ảnh minh họa)

Điều trị đột quỵ như thế nào?

Theo bác sĩ Hà, thời gian kéo dài càng lâu, số lượng tế bào chết càng nhiều, khả năng vận động và tư duy của cơ thể càng bị ảnh hưởng, thậm chí có thể tử vong. Vì vậy, người bị đột quỵ cần được cấp cứu y tế, chẩn đoán và điều trị ngay lập tức.

"Thời gian vàng" trong cấp cứu đột quỵ rất quan trọng. Chúng được hiểu là thời gian tốt nhất để cấp cứu, điều trị bệnh nhân đột quỵ, có tỷ lệ phục hồi cao và biến chứng thấp nhất. Trong 3 - 4,5 giờ đầu, bệnh nhân cần dùng thuốc tan máu đông đối với nhồi máu não. Trong 6 giờ đầu, người bệnh cần can thiệp lấy huyết khối.

"Tùy theo tình trạng của người bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định các can thiệp y học cần thiết để cứu sống bệnh nhân và hạn chế tàn tật sau hồi phục. Bệnh nhân đột quỵ cần được thăm khám, chẩn đoán và điều trị nhanh nhất, tránh lỡ thời gian vàng khiến tổn thương não nặng, hiệu quả can thiệp kém dẫn đến tai biến sau can thiệp cao", bác sĩ Thu Hà nói.

Bác sĩ Hà nhấn mạnh bệnh đột quỵ không có biểu hiện sớm để phòng bệnh. Bệnh nhân đã có biểu hiện tức là tình trạng đột quỵ đã xảy ra.

Ba dấu hiệu phổ biến và dễ nhận biết nhất khi bệnh nhân bị đột quỵ là đột ngột méo miệng, cơ mặt thay đổi không cân xứng, tay chân yếu, giọng nói thay đổi.

Khi thấy bệnh nhân có biểu hiện trên, cách xử lý bước đầu mà người nhà có thể làm là tránh để bệnh nhân té ngã gây tổn thương não. Sau đó, đưa bệnh nhân đến bệnh viện để bác sĩ can thiệp càng sớm càng tốt. Vì các biện pháp cấp cứu tốt nhất được thực hiện trong 3,5 – 4h đầu sau khi khởi phát “giờ vàng trong đột quỵ”.

Nguồn: Tắm đêm ngày nắng nóng có gây ra đột quỵ?

Kim Ngân

giadinhonline.vn