Tết Việt trong mắt người nước ngoài: Hào hứng và gợi nhớ thương

10:00 | 15/01/2023

|
Dù chọn đến Việt Nam với những mục đích khác nhau nhưng những người nước ngoài đều bị thu hút bởi không khí Tết Nguyên đán cổ truyền và những nét đẹp văn hóa của người Việt.
Hà Nội bắn pháo hoa đêm giao thừa Tết Nguyên đán 2023 ở những đâu?Hà Nội bắn pháo hoa đêm giao thừa Tết Nguyên đán 2023 ở những đâu?
Nhà cửa sạch sẽ là phong thủy tốt nhất để đón TếtNhà cửa sạch sẽ là phong thủy tốt nhất để đón Tết

Trên các diễn đàn điện tử lớn như Quora, Tết Nguyên đán – lễ hội lâu đời nhất ở Việt Nam là đề tài được nhiều người nước ngoài quan tâm bàn luận sôi nổi.

Cô Ken Fern – giáo viên từng dạy tiếng Anh ở Việt Nam cho biết: “Tôi đã sống ở Việt Nam hơn 2 năm và có thể kể cho các bạn biết về một vài điều đặc biệt về Tết Nguyên đán hay còn gọi tắt là Tết ở đất nước hiếu khách này.

Khoảng 7 ngày trước thời điểm mùng 1/1 theo Âm lịch là lúc người Việt Nam bận rộn nhất để chuẩn bị đón Tết. Mọi người sẽ dọn dẹp nhà cửa và văn phòng. Rất nhiều người đi cắt tóc và sắm cho mình những bộ đồ mới để tạo không khí tươi mới đầu năm. Hoa được mua rất nhiều trong những ngày gần Tết. Ở Hà Nội, người ta thường bày hoa đào trong nhà, còn ở thành phố Hồ Chí Minh, hoa mai vàng lại được ưa chuộng hơn cả”.

Là người từng đón nhiều cái Tết ở Việt Nam, Ken Fern thấy rằng ở một số thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, khoảng 2/3 dân số sẽ đổ về quê vào các ngày sát Tết Nguyên đán. Đường phố dịp cận Tết thường rất tấp nập, thậm chí còn xảy ra tình trạng kẹt xe. Tuy nhiên trong 3 ngày đầu năm mới Âm lịch, những con đường sẽ trở nên vắng vẻ lạ thường. Điều này khiến người nước ngoài như Ken không khỏi bỡ ngỡ.

Ông Christophe Picoulet, 65 tuổi đến từ Pháp đã 3 lần cùng vợ và các con đón tết ở Việt Nam.

Tết Việt trong mắt người nước ngoài: Hào hứng và gợi nhớ thương
Ông Christophe Picoulet, đến từ Pháp

Ông chia sẻ: “Điều thú vị nhất tôi cảm nhận ở Việt Nam đó chính là một cái tết sum họp với gia đình, mọi người đi đến nhà thăm hỏi, chúc Tết và cùng ăn tiệc với nhau. Điều này làm cho Tết cổ truyền Việt Nam khác hẳn so với Tết ở phương Tây, chỉ ăn Tết có một ngày và rất ít khi tụ họp”.

Những ngày giáp Tết, ông Christophe thường phụ vợ gói bánh chưng, mua hoa về trang trí nhà cửa.

Cô Cherry (tên tiếng Anh), tiếp viên hàng không đến từ Myanmar được trải nghiệm những ngày ăn Tết ở Việt Nam trong sự ngỡ ngàng. Phong tục lì xì cho nhau của người Việt khiến cô thực sự thấy bất ngờ và thú vị.

"Tôi thấy rất nhiều du khách trở về nhà trong thời gian này, hầu hết các chuyến bay nội địa đều chật kín hành khách. Sau này tôi mới biết, Tết cũng là dịp để gia đình đoàn tụ.

Tôi cũng nghe được nhiều câu chúc hơn là "Chúc mừng Năm Mới", rằng mọi người chúc nhau thịnh vượng và may mắn, chẳng hạn như “Chúc mọi việc suôn sẻ, công việc thành công, dồi dào sức khỏe” và tất nhiên tôi cảm thấy rất tích cực và biết ơn mặc dù tôi không hiểu chính xác ý nghĩa khi lần đầu được nghe" - Cherry tâm sự.

Tết Việt trong mắt người nước ngoài: Hào hứng và gợi nhớ thương
Cô Cherry đến từ Myamar

Cherry cứ mãi say sưa kể về việc được đi hội hoa xuân, chơi trò chơi dân gian ở Việt Nam và đặc biệt là được người dân mời ăn Tết. Cô đặc biệt thích món bánh chưng. Cherry cảm thấy mình may mắn khi đón tết ở Đà Nẵng 2 năm, cô đã được xem bắn pháo hoa tuyệt vời và cùng mọi người chung tay làm sạch thành phố sau lễ hội.

“Càng gắn bó với Việt Nam tôi lại càng yêu mến đất nước và con người nơi đây. Vào những dịp Tết mà được bạn bè Việt Nam mời về quê ăn Tết cùng gia đình các bạn, tôi lại cảm nhận được sự thân thiện, mến khách và sự hào phóng của người Việt Nam” – cô tiếp viên cho hay.

Tết Việt mang lại nhiều niềm vui nhưng bên cạnh đó là thấp thoáng của những nỗi buồn man mác. Bởi vì thời điểm Tết của 2 đất nước khác nhau, nên đó cũng là lý do khi ở lại Việt Nam ăn Tết Việt vì dịch Covid-19, Nakagawa Ami, du học sinh Nhật Bản lại thấy nhớ không khí đầu năm ở Nhật.

“Hà Nội những ngày đầu năm yên tĩnh và vắng vẻ lạ thường khiến tôi không khỏi lặng đi, phảng phất chút buồn. Thực sự, tôi thấy vui cho mọi người vì được hưởng những điều tôi đang không có, cũng vui cho mình vì được nghỉ dưỡng một khoảng thời gian không ngắn sau một năm làm việc miệt mài... Dù vẫn luôn coi Việt Nam là quê hương thứ 2 của mình nhưng dù thế nào tôi vẫn là người Nhật, sinh ra và lớn lên ở Nhật nên có đôi chút nhớ về quê nhà”, Ami tâm sự.

Tết Việt trong mắt người nước ngoài: Hào hứng và gợi nhớ thương
Cô Nakagawa Ami, du học sinh Nhật Bản

Cô gái 22 tuổi đang chuẩn bị cho chuyến thăm nhà của một người bạn Việt Nam vào ngày 30 Tết. Điều cô hào hứng nhất chính là những phong tục của người Việt trong ngày đầu năm mới.

Những người phải xa nhà như Cherry hay Nakagawa Ami đều có chút ghen tị với không khí sum họp ấm cúng của các gia đình Việt.

"Nếu bạn hỏi Tết có nhớ gia đình không, tôi sẽ trả lời là không vì không chỉ Tết mà ngày nào tôi cũng nhớ họ. Tôi tin không chỉ riêng tôi mà mỗi người xa xứ sẽ nhớ gia đình của họ hơn bất cứ ai. Không có nơi nào an toàn hơn nhà, phải không? Vì vậy, khi mọi người đón Tết ở đây khiến tôi cũng muốn dành nhiều thời gian hơn cho gia đình mình" - Cherry cho biết.

Xa gia đình trong những ngày người Việt sum họp, nhiều người nước ngoài có cách đón Tết riêng. Nhớ nhà, hay đôi lúc có cảm giác cô đơn, nhưng ai cũng cố gắng tận hưởng không khí năm mới một cách trọn vẹn.

Nguồn: Tết Việt trong mắt người nước ngoài: Hào hứng và gợi nhớ thương

Thùy Linh

giadinhonline.vn