Thí sinh cần làm gì khi biết điểm chuẩn đại học?

20:05 | 17/09/2021

|
Tính đến 17 giờ ngày 16-9, các cơ sở đào tạo đại học trên cả nước đã hoàn thành việc công bố điểm chuẩn trúng tuyển căn cứ vào kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 cho thí sinh. Dù đã dự đoán được trước, tuy nhiên mức điểm chuẩn của hầu hết các ngành đều tăng cao, thậm chí có ngành tăng 9 điểm so với năm 2020, khiến không ít phụ huynh, học sinh bất ngờ.

Điểm chuẩn tăng đột biến

Do đề thi giảm nội dung khó, phù hợp với bối cảnh Covid-19 và mục đích chính là xét tốt nghiệp trung học phổ thông nên điểm thi cao hơn năm ngoái.

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội có mức điểm chuẩn dao động từ 23,53 đến 28,43 điểm. Trong đó, 3 ngành có mức điểm chuẩn cao nhất là Khoa học máy tính (28,43 điểm), Kỹ thuật máy tính (28,1 điểm), Khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (28,04 điểm).

Đáng chú ý, trong mùa tuyển sinh năm nay, có một số ngành có điểm chuẩn tăng đột biến. Ví dụ như ngành Giáo dục chính trị của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội có điểm chuẩn là 28,25 điểm, trong khi năm 2020, có điểm chuẩn là 19,25, tăng 9 điểm. Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) gây bất ngờ khi lấy tới 30,5 điểm ngành Sư phạm Ngữ văn chương trình chất lượng cao, tức mỗi môn trong tổ hợp xét tuyển thí sinh phải đạt 10 và có điểm ưu tiên. Năm ngoái, ngành Sư phạm Ngữ văn chất lượng cao của trường lấy 29,25 điểm.

Thí sinh cần làm gì khi biết điểm chuẩn đại học?
Điểm chuẩn năm 2021 của các trường tăng mạnh

Ngành Hàn Quốc học của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) năm thứ hai liên tiếp lấy điểm tuyệt đối 30. Thí sinh phải đạt 3 điểm 10, hoặc được 27,25 trở lên và cộng điểm ưu tiên mới trúng tuyển.Khối trường công an cũng gây bất ngờ khi ngành Xây dựng lực lượng công an nhân dân của Học viện Chính trị Công an nhân dân (Hà Nội) lấy tới 30,34 điểm với tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa), cao hơn năm ngoái 3 điểm. Ngành Nghiệp vụ an ninh của Học viện An ninh nhân dân lấy gần mức tuyệt đối 29,99, tăng hơn năm ngoái gần 2 điểm. Tuy nhiên, cách tính điểm vào khối công an hơi khác do kết hợp với kết quả học tập ba năm trung học phổ thông, quy về thang điểm 30.

Khối kinh tế điểm chuẩn tăng mạnh. Đại học Ngoại thương cơ sở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh lấy không dưới 28, cao nhất là ngành Kinh tế (Quản trị kinh doanh) 28,55. Đại học Kinh tế quốc dân lấy từ 26,85 trở lên. Để trúng tuyển trường top đầu này mà không có điểm cộng, thí sinh phải đạt trung bình 9 điểm mỗi môn.

Theo thông báo của Trường Đại học Kinh tế quốc dân, năm nay, trường tuyển sinh 54 ngành đào tạo; ngành Quản lý công và chính sách có mức điểm chuẩn thấp nhất là 26,85. Như vậy, thí sinh phải đạt trung bình 8,95 điểm/môn. Trường Đại học Ngoại thương có mức điểm chuẩn thấp nhất là 28,05 với ngành Luật.

Một số ngành “hot” như Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Marketing cũng có mức điểm chuẩn tăng mạnh. Đơn cử, điểm các ngành trên của Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường đều có mức chuẩn tăng 9 điểm so với năm 2020. Cũng ở trường này, có 7 ngành có mức điểm chuẩn tăng 8 điểm trở lên, gồm: Bất động sản, Luật, Công nghệ thông tin, Quản trị kinh doanh, Quản trị khách sạn, Kế toán, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia và lãnh đạo các cơ sở đào tạo, một trong những nguyên nhân khiến điểm chuẩn tăng là phổ điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông tăng, trong khi các trường đều thực hiện đa dạng phương thức xét tuyển.

Ngoài phương thức xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, các trường còn sử dụng phương thức xét học bạ và xét tuyển kết hợp (dựa vào kết quả thi và chứng chỉ ngoại ngữ). Điểm chuẩn là tổng điểm ba môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo tổ hợp xét tuyển cộng với điểm ưu tiên khu vực (nơi thí sinh có hộ khẩu thường trú) và đối tượng (con thương binh, liệt sĩ, người dân tộc thiểu số...), tính theo thang 30; một số ngành thi Ngoại ngữ, Năng khiếu nhân hệ số 2, thang 40.

Những điều thí sinh cần nhớ

Sau khi các cơ sở đào tạo đã công bố điểm chuẩn, đối với các thí sinh trúng tuyển, việc cần thực hiện trước tiên là truy cập vào trang thông tin điện tử của trường để tra cứu danh sách thí sinh trúng tuyển, nhằm bảo đảm chắc chắn có tên trong danh sách trúng tuyển.

Quy định bắt buộc đối với các thí sinh trúng tuyển là phải đăng ký xác nhận nhập học. Theo Thông tư số 16/2021/TT-BGDĐT về “sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế tuyển sinh trình độ đại học; tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục mầm non ban hành kèm theo Thông tư số 09/2020/TT-BGDĐT”, thí sinh phải thực hiện thủ tục xác nhận nhập học vào cơ sở đào tạo đã trúng tuyển bằng cách gửi bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi đến cơ sở đào tạo bằng hình thức trực tiếp hoặc bằng thư chuyển phát nhanh. Thí sinh đã xác nhận nhập học không được tham gia xét tuyển ở các cơ sở đào tạo khác.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm nay, các cơ sở đào tạo đều hướng dẫn thí sinh đăng ký xác nhận nhập học theo hình thức trực tuyến. Đại học Quốc gia Hà Nội quy định thời gian xác nhận nhập học từ 8 giờ ngày 17-9 đến 17 giờ ngày 26-9-2021; đồng thời, hướng dẫn thí sinh các bước xác nhận nhập học trực tuyến.

Thí sinh lưu ý nhập chính xác mã xác nhận nhập học là 12 ký tự số được ghi trên Giấy chứng nhận kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Thí sinh đã sử dụng mã này để xác nhận vào trường không được rút, hủy hồ sơ hay xác nhận nhập học vào bất kỳ một cơ sở đào tạo nào khác.

Sau khi xác nhận nhập học trực tuyến, thí sinh gửi bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi tốt nghiệp đến Hội đồng tuyển sinh bằng thư chuyển phát nhanh hoặc nộp trực tiếp khi thí sinh được đến trường.

Đây cũng là cách thức chung của các trường trong quy trình xác nhận nhập học trực tuyến. Tuy nhiên, thí sinh cần lưu ý, mỗi trường quy định thời gian xác nhận nhập học khác nhau, nên cần tra cứu thông tin của trường mình đã trúng tuyển để nắm rõ thời gian xác nhận nhập học chính xác, bởi nếu không xác nhận nhập học, thí sinh được coi như không có nguyện vọng học, nhà trường sẽ loại thí sinh đó ra khỏi danh sách trúng tuyển.

Ví dụ, trường Đại học Kinh tế quốc dân yêu cầu thí sinh đăng ký xác nhận nhập học từ 13 giờ ngày 17-9 đến 17 giờ ngày 26-9-2021; trường Đại học Ngoại thương quy định thời gian xác nhận nhập học từ ngày 21-9 đến 23-9-2021…

Đối với thí sinh chưa trúng tuyển, các em vẫn có thể tìm cơ hội ở các trường có tổ chức xét tuyển dựa vào học bạ hoặc chờ đợt xét tuyển bổ sung. Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thời gian dự kiến tuyển sinh bổ sung của các trường là từ ngày 3-10-2021.

Nguồn: Thí sinh cần làm gì khi biết điểm chuẩn đại học?

Lê Anh

qdnd.vn