Thiên tai phức tạp, cực đoan gây ra nhiều thiệt hại

16:56 | 10/12/2021

|
Những thiệt hại do thiên tai gây ra cho nước ta năm nào cũng không hề nhỏ, cả về vật chất lẫn con người. Điều đó cho thấy, biến đổi khí hậu khiến thiên tai ngày càng phức tạp, cực đoan, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản, cần chủ động ứng phó.
Thiên tai phức tạp, cực đoan gây ra nhiều thiệt hại
Sạt lở đất là loại hình thiên tai nguy hiểm ở nước ta.

Năm 2021, thiệt hại hơn khoảng 4.400 tỷ đồng

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – NN&PTNT) Phạm Đức Luận, từ đầu năm đến nay, thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp, trên cả nước đã xảy ra 8 cơn bão, 3 áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, 128 trận động đất nhẹ, 325 trận mưa đá, dông lốc, sét; 166 trận mưa lớn, lũ cục bộ, trong đó 9 trận lũ ống, lũ quét, 160 vụ sạt lở bờ sông, 11 đợt nắng nóng và 18 đợt không lạnh, gió mùa đông bắc.

Thống kê cho thấy, thiên tai đã làm 91 người chết, 14 người mất tích, 95 người bị thương; ước tính thiệt hại về kinh tế khoảng 4.400 tỷ đồng. Đặc biệt từ ngày 27-30/11, khu vực miền Trung từ Quảng Nam đến Khánh Hòa và Bắc Tây Nguyên đã có mưa lớn, gây lũ, ngập lụt trên diện rộng. Các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi mưa phổ biến từ 500-700mm; Bình Định, Phú Yên mưa phổ biến 400-600mm.

Lũ lớn gần mức lịch sử đã xảy ra tại các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa. Mưa lũ đã làm 17 người chết, mất tích; 969ha lúa, 951ha hoa màu bị thiệt hại.

Mặc dù năm 2021 không có lũ lớn trên các tuyến sông có đê, nhưng hệ thống đê điều cũng đã xảy ra trên 70 sự cố, trong đó có những sự cố nghiêm trọng uy hiếp đến an toàn đê như: sự cố sạt lở đê tả Thao, tỉnh Phú Thọ; sạt lở kè Nghi Xuyên, đê tả Hồng, tỉnh Hưng Yên; nứt đê nghiêm trọng tại tuyến đê tả Đáy, thành phố Hà Nội, sụt lún đê hữu Đáy, tỉnh Ninh Bình…

Qua thực tế công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống lụt, bão và khắc phục hậu quả lụt, bão gây ra nhiều năm qua đã cho thấy nhiệm vụ của lực lượng quản lý đê có vai trò rất quan trọng, là lực lượng trực tiếp chỉ đạo triển khai xử lý sự cố đê ngay từ giờ đầu hạn chế được thiệt hại do lũ, bão gây ra; kiểm tra ngăn chặn xử lý vi phạm pháp luật về đê điều gây ảnh hưởng đến thoát lũ, đảm bảo an toàn đê điều.

Thiên tai phức tạp, cực đoan gây ra nhiều thiệt hại
Tổng cục Phòng chống thiên tai tập huấn về công tác quản lý đê điều.

Theo Vụ Quản lý thiên tai cộng đồng, tình hình vi phạm pháp luật về đê điều diễn ra hết sức phức tạp, việc ngăn chặn, xử lý còn hạn chế. Đặc biệt, tình trạng lấn chiếm sử dụng trái phép bãi sông để xây nhà ở, nhà xưởng, công trình, xe quá tải trọng được phép đi trên đê làm hư hỏng mặt đê.

Qua kiểm tra, nhiều địa phương vi phạm khi triển khai các dự án xây dựng công trình, nhà ở phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở bãi sông... Số liệu từ Vụ Quản lý đê điều – Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết, từ tháng 1/2011 đến tháng 10/2021 đã xảy ra 11.113 vụ vi phạm, nhưng tỉ lệ xử lý cũng chỉ mới đạt 31,6% (3.514 vụ).

Trước thực trạng này, Bộ NN&PTNT đã có nhiều văn bản đề nghị các địa phương triển khai thanh tra diện rộng việc chấp hành pháp luật đê điều và phòng chống thiên tai. Trong đó, Thanh tra Bộ NN&PTNT đã tiến hành tại 5 tỉnh, thành phố, đôn đốc các địa phương xử lý các vụ vi phạm. Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn rất thấp.

Hiện, Bộ NN&PTNT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về thực trạng công tác quản lý, sử dụng bãi sông hiện nay tại các địa phương, kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các địa phương tổ chức quản lý, sử dụng bãi sông tuân thủ quy định của pháp luật về đê điều.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Thái Bình - địa phương đạt kết quả khá tốt trong xử lý vi phạm đê điều, tỉnh đã xử lý được 142 vụ vi phạm mới phát sinh trong năm 2019 -2020 và 10 tháng năm 2021; 214 vụ vi phạm tồn đọng từ các năm trước, trong đó có nhiều vụ vi phạm quy mô lớn phức tạp gây bức xúc trong nhân dân và dư luận; giải tỏa hoặc buộc phải dừng hoạt động 52 bến bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng không nằm trong quy hoạch.

Bố trí kinh phí cho 03 dự án trọng điểm về đê điều

Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, bố trí kinh phí 3.280 tỉ đồng từ ngân sách trung ương và 360 tỉ đồng từ ngân sách địa phương đầu tư cho 3 dự án: Củng cố hoàn thiện và xử lý sạt lở đê biển một số tỉnh Bắc Bộ; Xử lý cấp bách các cống xung yếu dưới đê từ đê cấp III trở lên; Tu bổ xung yếu hệ thống đê điều giai đoạn 2021-2025.

Nguồn: Thiên tai phức tạp, cực đoan gây ra nhiều thiệt hại

Ngọc Trìu

baophapluat.vn