Tin bất động sản ngày 17/3: Vina Land muốn làm dự án nghìn tỷ tại Hà Nam

11:45 | 17/03/2023

|
Đề xuất ban hành bảng giá đất 2-3 năm một lần; Becamex IDC chuyển nhượng hơn 22.000 m2 đất Khu dân cư Mỹ Phước 3; Bình Định đặt mục tiêu thu hút 28 dự án vào Khu kinh tế trong năm 2023…là những tin tức bất động sản đáng chú ý.
Tin bất động sản ngày 16/3: Tạm dừng thanh tra các dự án trên địa bàn Quảng NamTin bất động sản ngày 16/3: Tạm dừng thanh tra các dự án trên địa bàn Quảng Nam
Tin bất động sản ngày 15/3: Đất nông nghiệp được bồi thường tối đa 38 lần giá nhà nướcTin bất động sản ngày 15/3: Đất nông nghiệp được bồi thường tối đa 38 lần giá nhà nước

Vina Land muốn làm dự án nghìn tỷ tại Hà Nam

Mới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Nam đang cùng lúc lựa chọn nhà đầu tư 3 dự án khu đô thị có tổng chi phí thực hiện hơn 8.600 tỷ đồng (chưa kể chi phí bồi thường, tái định cư), mỗi dự án có 2 nhà đầu tư đăng ký tham gia.

Tin bất động sản ngày 17/3: Vina Land muốn làm dự án nghìn tỷ tại Hà Nam
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Theo đó, Dự án Đầu tư xây dựng Khu đô thị Đại học Nam Cao địa phận TP Phủ Lý có tổng mức đầu tư hơn 6.369 tỷ đồng (trong đó sơ bộ tổng chi phí thực hiện Dự án là 5.251,465 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư là 1.118,772 tỷ đồng), diện tích gần 300 ha tại xã Tiên Ngoại, phường Tiên Nội (thị xã Duy Tiên), xã Tiên Hiệp và xã Tiên Tân (TP Phủ Lý). Hai nhà đầu tư nộp hồ sơ đăng ký thực hiện Dự án là Công ty TNHH Liên doanh Việt - SK Group; Công ty CP Đầu tư địa ốc Vina Land (Vina Land).

Dự án Đầu tư xây dựng khu đô thị mới thuộc địa bàn xã Lê Hồ, xã Nguyễn Úy, huyện Kim Bảng (KB-DT.06.22.4) có sơ bộ tổng chi phí thực hiện 1.638,94 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư là 183,111 tỷ đồng. Dự án được thực hiện trên quỹ đất 521.000 m2, quy mô đầu tư xây dựng khoảng 317 căn nhà ở. Theo biên bản mở hồ sơ đăng ký thực hiện Dự án có 2 nhà đầu tư nộp hồ sơ gồm: Vina Land; Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng Long - Lands.

Dự án Đầu tư xây dựng khu đô thị mới thuộc địa bàn xã Lê Hồ, xã Đại Cương (KB-DT.06.22.3) có sự tham gia của 2 nhà đầu tư: Vina Land và Công ty CP Đầu tư phát triển đô thị Đại Việt.

Dự án này được đầu tư trên quỹ đất 529.000 m2, quy mô đầu tư khoảng 751 căn nhà ở liền kề trên các trục đường chính của Dự án; khu đất ở tái định cư thực hiện trên diện tích khoảng 13.800 m2. Sơ bộ tổng chi phí thực hiện Dự án là 1.796,25 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư là 245,636 tỷ đồng.

Để trúng thầu cả 3 dự án nêu trên, ngoài kinh nghiệm thực hiện dự án tương tự, Vina Land phải đáp ứng năng lực tài chính theo yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm ở mỗi dự án.

Đáng chú ý, tại thời điểm đăng ký thực hiện 3 dự án, Vina Land được thành lập chưa đầy 2 năm (thành lập ngày 1/6/2021).

Đề xuất ban hành bảng giá đất 2-3 năm một lần

Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị không ban hành bảng giá đất hàng năm (mỗi năm một lần) vì chưa hội đủ điều kiện thực hiện.

Trong văn bản, HoREA cho rằng chỉ nên ban hành bảng giá đất định kỳ 3 năm hoặc 2 năm một lần để phù hợp với thực tiễn trình độ, năng lực của bộ máy hành chính, trang thiết bị công nghệ thông tin, phần mềm quản lý hiện nay.

Ngoài ra, trình tự, thủ tục xây dựng bảng giá đất định kỳ hiện quy định nhiều công đoạn và công việc rất chi tiết, phức tạp, mất nhiều thời gian. Hiện có 9 bước thủ tục để xây dựng bảng giá đất định kỳ 5 năm một lần.

“Hiệp hội nhận thấy, với trình độ, năng lực của bộ máy nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện hiện nay và yêu cầu và khối lượng công việc đồ sộ để xây dựng bảng giá đất định kỳ 5 năm một lần theo các quy định trên đây đã cho thấy rõ là hiện nay chưa thể thực hiện xây dựng bảng giá đất định kỳ hàng năm”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết.

Chủ tịch HoREA giải thích thêm, hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường tuy đã lập được bản đồ giá đất cho hàng triệu thửa đất nhưng cơ sở dữ liệu đầu vào (bao gồm cả dữ liệu thuế) vẫn chưa đảm bảo tính chính xác và chưa được cập nhật kịp thời theo thời gian thực.

Với trình tự, thủ tục xây dựng bảng giá đất hiện nay, nếu quy định xây dựng hàng năm, cơ quan nhà nước cấp tỉnh, huyện suốt năm bận rộn, loay hoay cho việc này và sẽ khó làm tròn nhiệm vụ quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn.

Theo đó, nếu quy định xây dựng bảng giá đất hằng năm thì phải có cơ sở dữ liệu quốc gia về giá đất ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và Chat GPT sẽ làm thay con người để thực hiện khối lượng đồ sộ công việc khảo sát, so sánh, đối chiếu các số liệu.

Như vậy, Nhà nước hoàn toàn có thể kiểm soát được giá bất động sản, giá đất 24/7 để xây dựng cơ chế chính sách hoặc có giải pháp xử lý kịp thời, hiệu quả.

Becamex IDC chuyển nhượng hơn 22.000 m2 đất Khu dân cư Mỹ Phước 3

Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex IDC - HoSE: BCM) công bố chuyển nhượng 22.238 m2 đất tại Khu dân cư Mỹ Phước 3, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Bên nhận chuyển nhượng là Công ty cổ phần SetiaBecamex. Giá trị chuyển nhượng hơn 222 tỷ đồng.

Khu dân cư Mỹ Phước 3 tọa lạc mặt tiền đường Quốc lộ 13 (Đại lộ Bình Dương), cách trung tâm Thành Phố Mới Bình Dương 3 km. Dự án được xây dựng trên khu đất có diện tích 2.200 ha, thiết kế theo kiểu mẫu Singapore với sự kết hợp khu đô thị xem lẫn khu công nghiệp và khu thương mại dịch vụ. Khu dân cư có các sản phẩm nhà phố, biệt thự.

SetiaBecamex là công ty liên doanh giữa Becamex và Setia - tập đoàn bất động sản hàng đầu của Malaysia. Hai bên đã hợp tác để phát triển dự án EcoLakes Mỹ Phước (Khu công nghiệp đô thị Mỹ Phước, Bình Dương). Dự án có diện tích 224 ha với vốn đầu tư hơn 800 triệu USD.

Tính đến ngày 31/12/2022, Becamex IDC đang sở hữu 40% vốn điều lệ CTCP SetiaBecamex. Cùng thời điểm trên, giá trị ghi nhận của khoản đầu tư này tại mục công ty liên doanh, liên kết hơn 334 tỷ đồng (tăng gần 15% so với đầu năm). Giá gốc khoản đầu tư này là 264 tỷ đồng.

Năm 2022, Becamex IDC có doanh thu giảm 7% còn 6.507 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ gần 1.685 tỷ đồng, tăng 16%, thực hiện gần 60% kế hoạch đề ra.

Bình Định đặt mục tiêu thu hút 28 dự án vào Khu kinh tế trong năm 2023

UBND tỉnh Bình Định vừa ban hành quyết định Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2023.

Theo đó, Bình Định ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ hiện đại, có hàm lượng trí thức cao, thân thiện với môi trường sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, có sản phẩm mang lợi thế cạnh tranh.

Tin bất động sản ngày 17/3: Vina Land muốn làm dự án nghìn tỷ tại Hà Nam
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Cụ thể, năm 2023, Bình Định đặt mục tiêu thu hút mới 60 dự án đầu tư, trong đó Sở Kế hoạch và Đầu tư 32 dự án, Ban Quản lý Khu kinh tế 28 dự án.

Tỉnh sẽ tiếp tục tập trung mời gọi nhà đầu tư trong và ngoài nước có tiềm lực, thương hiệu mạnh để đầu tư các dự án then chốt vào 5 trụ cột chính, gồm: Công nghiệp, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ cảng và logistics, kinh tế đô thị gắn với quá trình đô thị hóa.

Địa phương này ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ hiện đại, có hàm lượng trí thức cao, thân thiện với môi trường sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, có sản phẩm mang lợi thế cạnh tranh.

Đồng thời, tiếp tục tập trung nhóm các nhà đầu tư vừa và nhỏ nhưng có công nghệ sạch và cao của Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Australia, New Zealand, Israel và các quốc gia châu Âu để vừa đẩy nhanh tiến độ lấp đầy Khu kinh tế Nhơn Hội và các khu Công nghiệp, cụm công nghiệp (KCN, CCN) trên địa bàn tỉnh, vừa đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, cơ sở hạ tầng và các dịch vụ kèm theo, tạo tiền đề hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư lớn.

Tỉnh cũng tiếp tục xúc tiến đầu tư theo hướng lựa chọn nhà đầu tư có năng lực để tập trung giới thiệu, thu hút có trọng tâm, trọng điểm vào Khu kinh tế Nhơn Hội và các KCN, CCN. Tổ chức thực hiện tốt quy định ký quỹ cam kết đầu tư đối các dự án để nâng cao hiệu quả việc thực hiện đúng tiến độ của dự án. Tích cực phối hợp, hỗ trợ nhà đầu tư trong việc hoàn thành các thủ tục hành chính, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc để sớm triển khai xây dựng dự án.

Nguồn:Tin bất động sản ngày 17/3: Vina Land muốn làm dự án nghìn tỷ tại Hà Nam

Huy Tùng

kinhtexaydung.petrotimes.vn