Tin bất động sản nổi bật trong tuần qua: Phát hiện nhiều khu du lịch sinh thái trái phép tại Đà Nẵng

13:56 | 08/05/2022

|
Bộ Tài chính yêu cầu chủ đầu tư kinh doanh bất động sản công khai giá bán; Hà Nội tăng cường giám sát quản lý tài sản công là nhà, đất sở hữu nhà nước; Thông qua Đồ án quy hoạch KĐT mới đường Võ Nguyên Giáp; Cưỡng chế thuế 2 doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm… là những tin tức bất động sản đáng chú ý trong tuần qua.
Tin bất động sản ngày 7/5: Hai doanh nghiệp BĐS bị phạt hơn 400 triệu đồngTin bất động sản ngày 7/5: Hai doanh nghiệp BĐS bị phạt hơn 400 triệu đồng
Tin bất động sản ngày 6/5: Đồng Nai hủy bỏ 12 dự án khu dân cư tại huyện Long ThànhTin bất động sản ngày 6/5: Đồng Nai hủy bỏ 12 dự án khu dân cư tại huyện Long Thành

Phát hiện nhiều khu du lịch sinh thái trái phép tại Đà Nẵng

Vừa qua, ông Nguyễn Thành Tiến, Trưởng Ban Đô thị HĐND TP Đà Nẵng ký báo cáo kết quả giám sát chuyên đề liên quan đến tình hình quản lý đất nông nghiệp, lâm nghiệp thuộc địa bàn xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang).

Tin bất động sản nổi bật trong tuần qua: Phát hiện nhiều khu du lịch sinh thái trái phép tại Đà Nẵng
Nhiều khu du lịch sinh thái trái phép tại Đà Nẵng

Qua đó đã ghi nhận tình trạng xây dựng công trình trái quy định trên đất nông nghiệp để hình thành các cơ sở dịch vụ du lịch trái phép, một số mô hình phát triển du lịch sinh thái, tự ý dựng các lều sạp, trang trí các tiểu cảnh trên đất nông nghiệp nhằm phục vụ cho việc tổ chức sinh hoạt vui chơi, trải nghiệm và có cả lưu trú.

Điển hình như khu A Lăng Như tại thôn Giàn Bí do ông A Lăng Như xây dựng. Khu Heart Organic Farm tại thôn Phù Nam do ông Võ Quang Hùng xây dựng. Khu Làng Coco tại thôn Lộc Mỹ do ông Nguyễn Đức Vinh xây dựng.

Khu Làng Mê tại thôn Nam Yên do ông Ngô Quốc Bình xây dựng. Khu Yên Retreat tại thôn Nam Yên do ông Bùi Đức Tuấn xây dựng... Các khu du lịch này chưa phù hợp với các quy định pháp luật.

Ngoài ra, một số khu vực chuyển đổi từ đất rừng sản xuất sang hình thức tự phát theo mô hình phát triển du lịch sinh thái dọc theo tuyến đường từ Tà Lang, Giàn Bí đến đèo Mũi Trâu... chưa đúng quy định.

Bên cạnh đó, hoạt động chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp tại xã Hòa Bắc chưa đúng đối tượng, chưa được kiểm soát chặt chẽ.

Công tác tuyên truyền, triển khai các nội dung chỉ đạo của HĐND TP còn hạn chế dẫn đến có sự lợi dụng, biến tướng trong hoạt động kinh doanh bất động sản trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp, các đối tượng cò đất tung tin đồn không chính xác nhằm đẩy giá đất, trục lợi.

Do vậy, Ban Đô thị HĐND TP Đà Nẵng kiến nghị Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Hòa Vang, chấn chỉnh, xử lý, chấm dứt việc sử dụng đất không đúng mục đích, xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp như nói trên.

Ngoài ra, Ban Đô thị HĐND TP Đà Nẵng còn đề nghị UBND huyện Hòa Vang rà soát, báo cáo Thường trực HĐND TP về tình hình giao đất, giao rừng cho Công ty Cổ phần Vinafor Đà Nẵng trên địa bàn xã Hòa Bắc.

Bộ Tài chính yêu cầu chủ đầu tư kinh doanh bất động sản công khai giá bán

Mới đây, Bộ Tài chính ban hành Công văn yêu cầu các địa phương chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp các cơ quan có liên quan thường xuyên khảo sát để xây dựng cơ sở dữ liệu giá giao dịch từ chuyển nhượng bất động sản làm căn cứ để tham mưu UBND cấp tỉnh xác định hệ số điều chỉnh giá đất hàng năm sát với giá giao dịch thực tế trên thị trường bất động sản nhằm tránh thất thu thuế.

Đối với các vị trí đất, đoạn đường, đường đã có giá theo bảng giá đất và hệ số điều chỉnh giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành đề nghị UBND cấp tỉnh ban hành bảng giá đất (trong đó bao gồm cả hệ số điều chỉnh giá đất) nhằm tạo điều kiện cho công tác tính thuế theo quy định.

Đối với các vị trí đất, đoạn đường, đường chưa có giá tại bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành đề nghị UBND cấp tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát để tham mưu UBND cấp tỉnh ban hành kịp thời Quyết định điều chỉnh, bổ sung bảng giá đất cụ thể đối với từng vị trí, đảm bảo phù hợp với giá giao dịch thực tế trên thị trường và giá bán ra của chủ đầu tư.

Trường hợp chưa ban hành thì yêu cầu chủ đầu tư trên địa bàn công khai giá bán theo quy định và thông báo cho các tổ chức, cá nhân có liên quan khi thực hiện các giao dịch về bất động sản hình thành trong tương lai cũng như khi kê khai nghĩa vụ tài chính liên quan đến chuyển nhượng bất động sản.

Đối với trường hợp hồ sơ chuyển nhượng bất động sản nộp tại cơ quan tiếp nhận hồ sơ theo cơ chế một cửa liên thông (Cơ quan Tài nguyên Môi trường, cơ quan Đăng ký đất đai, Bộ phận Một cửa của UBND,...): Cơ quan tiếp nhận hồ sơ theo cơ chế một cửa liên thông có trách nhiệm phổ biến pháp luật, tuyên truyền, hướng dẫn người nộp thuế rõ vị trí, đường phố, cách xác định và áp dụng cụ thể giá của từng loại bất động sản (bao gồm cả hệ số điều chỉnh giá đất theo quy định của UBND cấp tỉnh) để tổ chức, cá nhân hiểu và thực hiện đúng khi kê khai nghĩa vụ tài chính liên quan đến chuyển nhượng bất động sản.

Hà Nội tăng cường giám sát quản lý tài sản công là nhà, đất sở hữu nhà nước

Thường trực HĐND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 08/QĐ-HĐND về tổ chức Đoàn giám sát của HĐND Thành phố giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật trong quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước của Thành phố.

Tin bất động sản nổi bật trong tuần qua: Phát hiện nhiều khu du lịch sinh thái trái phép tại Đà Nẵng
Hà Nội tăng cường giám sát quản lý tài sản công là nhà, đất sở hữu nhà nước

Theo đó, mục đích của đợt giám sát là đánh giá tình hình và kết quả thực hiện các quy định pháp luật trong quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội của Thành phố Hà Nội; quản lý, sử dụng quỹ nhà, quỹ đất 20-25% của các dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị để làm nhà ở xã hội trên địa bàn Thành phố.

Yêu cầu của đợt giám sát là phải đánh giá chính xác, khách quan, đúng thực tế và quy định pháp luật, văn bản chỉ đạo của Trung ương và Thành phố về quản lý, sử dụng tài sản công.

Dự kiến trong tháng 5 và 6/2022, Đoàn giám sát sẽ làm việc với UBND Thành phố, các sở, ngành, đơn vị liên quan và UBND quận, huyện, thị xã về nội dung này.

Trong đó, Đoàn chú trọng xem xét, đánh giá kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, sử dụng tài sản công là các cơ sở nhà, đất gồm: Trụ sở cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị - xã hội của Thành phố; nhà thuộc sở hữu Nhà nước thuộc thẩm quyền quản lý của UBND Thành phố cho các tổ chức, cá nhân thuê sử dụng vào mục đích kinh doanh, dịch vụ; nhà thuộc sở hữu Nhà nước sử dụng vào mục đích để ở nhà công vụ, nhà ở cũ, nhà tái định cư và nhà ở xã hội được đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước; quỹ nhà kinh doanh dịch vụ tầng 1 nhà chung cư tái định cư tại các dự án, khu đô thị (diện tích do Thành phố quản lý); quỹ nhà, quỹ đất 20-25% của các dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị để làm nhà ở xã hội trên địa bàn Thành phố.

Cùng đó, Đoàn giám sát sẽ tổng hợp những khó khăn, vướng mắc, xác định nguyên nhân, trách nhiệm để có kiến nghị với các tổ chức, cá nhân liên quan nhằm thực hiện có hiệu quả các quy định pháp luật trong công tác quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước của Thành phố.

Hậu Giang: Thông qua Đồ án quy hoạch KĐT mới đường Võ Nguyên Giáp

UBND tỉnh Hậu Giang vừa có cuộc làm việc với đơn vị tư vấn về việc thông qua Đồ án quy hoạch chi tiết chi tiết 1/500 đối với Khu đô thị mới đường Võ Nguyên Giáp.

Khu đô thị mới đường Võ Nguyên Giáp rộng gần 60ha, tại phường IV, thành phố Vị Thanh, tiếp giáp với khu đô thị DIC đang xây dựng và đường Võ Nguyên Giáp.

Đây là dự án thành phần trong tổng thể quy hoạch đô thị được duyệt của thành phố Vị Thanh mở rộng qua địa bàn xã Vị Đông, huyện Vị Thủy.

Theo đồ án quy hoạch, dự án có khoảng 47% đất ở, dịch vụ; gần 40% đất giao thông, hẻm kỹ thuật và đê bao; còn lại là công viên xây xanh, mặt nước và đất giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao…

Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh yêu cầu đơn vị tư vấn tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, điều chỉnh lại quy hoạch đảm bảo hạ tầng kết nối trong nội bộ dự án và với các dự án khác.

Đặc biệt, cần chú ý các tuyến đường giao thông nội bộ kết nối với nhau, bố trí nút giao để giảm liều lượng xe trong khu đô thị, điều chỉnh kích thước các đường theo chuẩn quy định của giao thông, phối hợp dự án hiện hữu trong xây dựng các cầu, bố trí bãi đỗ xe phù hợp.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị quy hoạch phải theo hướng khu đô thị xanh, giữ diện tích cây xanh nhiều hơn diện tích xây dựng; bố trí đồng bộ hệ thống trường, lớp học thuận lợi cho người học và vấn đề quản lý dân cư; dựa trên cơ sở tổng thể để bố trí khu vui chơi văn hóa phù hợp.

Việc bố trí tái định cư cho người dân phải đặt ở vị trí tốt hơn vị trí thu hồi, đảm bảo các điều kiện hoạt động dịch vụ, giá cả lợi nhuận cao hơn khu đất đã bàn giao cho dự án.

Về thời gian thực hiện, Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất kéo dài thêm 3 tháng nhằm đảm bảo theo đúng trình tự thủ tục quy định. Tuy nhiên, cần tích cực đẩy nhanh tiến độ để có thể công bố một số thông tin dự án tại Hội nghị xúc tiến đầu tư sắp tới của tỉnh, cần liên kết đồ án quy hoạch chung của thành phố Vị Thanh để thực hiện hiệu quả đồ án.

TP Hồ Chí Minh: Cưỡng chế thuế 2 doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm

Chiều 6/5, Chi cục Thuế TP Thủ Đức chính thức ban hành quyết định cưỡng chế thuế đối với 2 doanh nghiệp đã trúng đấu giá đất Thủ Thiêm tại buổi đấu giá ngày 10/12/2021.

Tin bất động sản nổi bật trong tuần qua: Phát hiện nhiều khu du lịch sinh thái trái phép tại Đà Nẵng
Cưỡng chế thuế 2 doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm tại ô đất 3-5 và 3-8

Trước đó, tại buổi làm việc với cơ quan thuế sáng 21/3, doanh nghiệp trúng thầu cho biết sẽ thực hiện nghĩa vụ thuế trong thời gian tới, không có ý định bỏ cọc nhưng do tình hình dịch Covid-19 khó khăn nên chưa thực hiện được. Theo như hợp đồng trúng đấu giá lô đất, thời hạn mất cọc là 180 ngày nên phía doanh nghiệp sẽ cố gắng thực hiện.

Phía cơ quan thuế cho biết, quy định về thuế chỉ cho thời hạn 90 ngày sẽ áp dụng từng bước các hình thức cưỡng chế thuế (hóa đơn, phong tỏa tài khoản ngân hàng, thu hồi giấy phép…).

Như vậy, sau thời hạn 90 ngày 2 doanh nghiệp trên vẫn không thực hiện việc nộp thuế, chiều 6/5, Chi cục Thuế TP Thủ Đức đã ban hành Quyết định 1572 về việc cưỡng chế số tiền thuế 1.794 tỷ đồng với Công ty cổ phần Dream Republic và Quyết định 1573 về việc cưỡng chế số tiền thuế 1.796 tỷ đồng với Công ty cổ phần Sheen Mega và đã gửi trực tiếp cho 2 doanh nghiệp này, đồng thời được gửi đến các ngân hàng và chính thức có hiệu lực kể từ ngày 6/5.

Được biết, ngày 10/12/2021, Công ty Cổ phần Dream Republic đã trúng đấu giá lô đất số 3-5 (diện tích 6.446m2). Doanh nghiệp này phải đóng 3.820 tỷ đồng tiền sử dụng đất và 500 triệu đồng tiền lệ phí trước bạ vào ngân sách nhà nước. Công ty Cổ phần Sheen Mega trúng đấu giá lô đất số 3-8 (diện tích 8.568,1m), đóng 4.000 tỷ đồng tiền sử dụng đất, được miễn nộp lệ phí trước bạ theo hướng dẫn về lệ phí trước bạ đối với diện tích đất ở.

Nguồn: Tin bất động sản nổi bật trong tuần qua: Phát hiện nhiều khu du lịch sinh thái trái phép tại Đà Nẵng

Huy Tùng

kinhtexaydung.petrotimes.vn