Tin ngân hàng ngày 11/1: Tổng tài sản BIDV vượt 2 triệu tỷ đồng, lợi nhuận chạm mốc 1 tỷ USD

13:36 | 11/01/2023

|
Bộ Tài chính tìm cách tháo gỡ điểm nghẽn gói hỗ trợ lãi suất 2%; TPBank báo lợi nhuận tăng 30% trong năm 2022; VietBank điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2022, lợi nhuận giảm gần 27%… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.
Tin ngân hàng ngày 10/1: Vietcombank vượt tất cả các chỉ tiêu kinh doanh trong năm 2022Tin ngân hàng ngày 10/1: Vietcombank vượt tất cả các chỉ tiêu kinh doanh trong năm 2022
Tin ngân hàng ngày 9/1: Năm 2022, lợi nhuận trước thuế của VietinBank ước đạt 20.500 tỷ đồngTin ngân hàng ngày 9/1: Năm 2022, lợi nhuận trước thuế của VietinBank ước đạt 20.500 tỷ đồng

Tổng tài sản BIDV vượt 2 triệu tỷ đồng, lợi nhuận chạm mốc 1 tỷ USD

Thông tin từ BIDV cho biết, đến hết 31/12/2022, các chỉ tiêu kinh doanh của BIDV đều đạt kế hoạch Ngân hàng Nhà nước và Đại hội đồng cổ đông giao.

Tin ngân hàng ngày 11/1: Tổng tài sản BIDV vượt 2 triệu tỷ đồng, lợi nhuận chạm mốc 1 tỷ USD
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Trong đó, tổng tài sản ngân hàng đạt hơn 2,08 triệu tỷ đồng, tăng trưởng gần 21% so với năm 2021; là ngân hàng thương mại đầu tiên vượt mốc này, tiếp tục giữ vững vị thế là Ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô tổng tài sản lớn nhất tại Việt Nam.

Tổng nguồn vốn huy động đạt 1,95 triệu tỷ đồng, tăng 21,1% so với đầu năm; trong đó huy động vốn tổ chức, dân cư đạt 1,62 triệu tỷ đồng, tăng 8,8% so với đầu năm và chiếm gần 13,6% thị phần tiền gửi toàn ngành ngân hàng.

Tổng dư nợ tín dụng và đầu tư đạt 1,96 triệu tỷ đồng, tăng 19% so với đầu năm; trong đó dư nợ tín dụng đạt 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 12,65% so với đầu năm, cao hơn mức thực hiện năm 2021 (11,8%), đảm bảo giới hạn Ngân hàng Nhà nước giao (12,7%), đứng đầu thị trường về thị phần tín dụng (chiếm khoảng 12,5%).

Về chất lượng tài sản, tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 11/2021/TT-NHNN kiểm soát ở mức 0,9%, BIDV trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định. Tỷ lệ trang trải nợ xấu (dư quỹ dự phòng rủi ro tín dụng/dư nợ xấu) đạt 245%, mức cao nhất trong các năm gần đây.

Lợi nhuận trước thuế khối ngân hàng thương mại đạt 22.560 tỷ đồng; Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 23.190 tỷ đồng.

Các chỉ tiêu sinh lời, chỉ tiêu an toàn hoạt động của hệ thống được đảm bảo, ROA đạt 0,95%; ROE đạt 20,2%, hoàn thành vượt kế hoạch đề ra; Hệ số an toàn vốn (CAR) đạt 8,76%, đảm bảo tuân thủ quy định tại Thông tư 41/2016/ TT-NHNN.

Bộ Tài chính tìm cách tháo gỡ điểm nghẽn gói hỗ trợ lãi suất 2%

Theo Bộ Tài chính, tính đến cuối tháng 11/2022, doanh số cho vay của gói hỗ trợ lãi suất 2% mới đạt gần 30.000 tỷ đồng. Hiện Bộ cũng đang xin ý kiến để tìm cách tháo gỡ điểm nghẽn.

Trước mắt, Ngân hàng Nhà nước cần nhanh chóng sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định chưa phù hợp thực tế để thúc đẩy, tạo thuận lợi cho việc giải ngân.

Bên cạnh đó, cần nhanh chóng đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh vốn sang chương trình khác để nâng cao hiệu quả chính sách hỗ trợ, sớm tháo gỡ các khó khăn vướng mắc của gói hỗ trợ này để doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Gói hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước với khoản vay của doanh nghiệp được Chính phủ công bố hồi tháng 5/2022. Theo đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được hỗ trợ lãi suất 2%/năm, tính trên số dư nợ vay và thời hạn cho vay hỗ trợ lãi suất thực tế nằm trong khoảng thời gian quy định. Ngân hàng sẽ thực hiện giảm số lãi tiền vay.

Điều kiện để hỗ trợ là khách hàng có đề nghị được hỗ trợ lãi suất, đáp ứng các điều kiện vay vốn theo quy định của pháp luật hiện hành về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.

Theo kế hoạch đăng ký, ước tính các ngân hàng sẽ dành khoảng 800.000 tỷ đồng dư nợ cho vay chỉ riêng trong năm 2022. Số tiền lãi hỗ trợ khoảng 16.035 tỷ đồng. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện chương trình này chậm, hiện chỉ mới giải ngân được một phần nhỏ của gói hỗ trợ nên Chính phủ đã nhiều lần thúc giục phải đẩy nhanh.

Trong nhiều cuộc họp vừa qua, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, nguyên nhân đầu tiên khiến việc giải ngân chậm là các ngân hàng thương mại còn lúng túng để xác định đối tượng được hỗ trợ lãi suất. Ngoài ra, nhiều hộ gia đình sản xuất kinh doanh vay vốn tại các ngân hàng thương mại nhưng không đăng ký hộ kinh doanh nên lại không thuộc diện được hỗ trợ.

Một nguyên nhân nữa là ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng đã đăng ký quy mô dư nợ hỗ trợ lãi suất lớn trong năm nay đã không còn hạn mức tín dụng. Tuy nhiên, về hạn mức tín dụng, hôm 5/12 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5-2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

TPBank báo lợi nhuận tăng 30% trong năm 2022

Mới đây, đại diện Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cho biết, năm 2022, lợi nhuận trước thuế của TPBank đạt 7.828 tỷ đồng, tương đương tăng khoảng 30% so với năm 2021. Mức lợi nhuận này còn đến từ việc gia tăng dịch vụ bảo lãnh và tài trợ thương mại để tăng thu nhập từ phí. Ngoài ra, sự phục hồi tích cực của các khách hàng được giãn nợ trong thời kỳ dịch bệnh cũng góp phần gia tăng nguồn thu của ngân hàng. Trích lập dự phòng rủi ro cũng thấp hơn các năm trước.

Tổng tài sản của ngân hàng ghi nhận tăng hơn 12% so với cùng kỳ năm trước, cán mốc gần 329 nghìn tỷ đồng. Tổng thu nhập hoạt động của TPBank trong năm nay đạt trên 15.600 tỷ đồng, tăng hơn 15,5% so với năm 2021. Lãi thuần từ dịch vụ đạt khoảng 2.700 tỷ đồng, tăng gần 75% so với cùng kỳ.

Song song, bằng việc điều tiết nhu cầu tăng trưởng huy động theo nhu cầu sử dụng vốn nhằm đạt được hiệu quả tốt nhất, tổng huy động năm 2022 của TPBank đã đạt những bước tiến lớn khi chạm mốc khoảng 289 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 10% so với cùng kỳ. Nguồn vốn cũng được TPBank sử dụng hiệu quả với chỉ số lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) đạt khoảng 2%. Tỷ lệ dư nợ trên tổng tiền gửi (LDR) của TPBank ở mức khoảng 85%, TPBank đã thu hút được nguồn vốn huy động lớn từ dân cư, chính bởi niềm tin và sự ghi nhận từ khách hàng vào một định chế tài chính vững mạnh.

Có kết quả tăng trưởng tốt, những năm gần đây, TPBank còn luôn sẵn sàng đồng hành, chia sẻ với người dân và khách hàng xuyên suốt các thời kỳ khó khăn bởi dịch bệnh và diễn biến bất định của thị trường. Không chỉ đóng góp hàng chục tỷ đồng cho các hoạt động phòng chống dịch bệnh, TPBank liên tục đưa ra nhiều chương trình hỗ trợ lãi suất lớn và đặc biệt sẵn sàng chia sẻ phần nào lợi nhuận kinh doanh của mình trong năm để bình ổn lãi suất cho vay, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Năm 2022, Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (VNR) công bố TPBank là một trong 10 ngân hàng thương mại Việt Nam Uy tín, đồng thời là một trong số 4 ngân hàng tư nhân Uy tín nhất của năm 2022. TPBank đã liên tiếp giữ vững vị trí trong bảng xếp hạng này 4 năm liên tiếp.

VietBank điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2022, lợi nhuận giảm gần 27%

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) vừa công bố Nghị quyết Hội đồng quản trị thông về việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2022.

Tin ngân hàng ngày 11/1: Tổng tài sản BIDV vượt 2 triệu tỷ đồng, lợi nhuận chạm mốc 1 tỷ USD
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Theo đó, HĐQT VietBank đã thông qua việc giảm kế hoạch lợi nhuận trước thuế từ 1.090 tỷ đồng xuống còn 800 tỷ đồng, tương đương giảm gần 27%.

Ban lãnh đạo ngân hàng cũng dự kiến tổng tài sản cuối năm nay chỉ đạt 115.000 tỷ, thấp hơn 18.000 tỷ so với kế hoạch đã giao. Trong đó, dư nợ cho vay vẫn giữ nguyên ở mức 65.200 tỷ. Huy động từ khách hàng (gồm giấy tờ có giá) theo kế hoạch mới chỉ đạt 84.000 tỷ, thấp hơn 18.000 tỷ so với mức 102.000 tỷ đưa ra trước đó.

Ngoài ra, VietBank cũng dự kiến tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2022 ở mức 2,5% tổng dư nợ tín dụng, trong khi ban đầu kế hoạch là thấp hơn mức này.

VietBank cho biết, HĐQT ngân hàng sẽ báo cáo lại Đại hội đồng cổ đông thường niên về kế hoạch kinh doanh năm 2022 đã được điều chỉnh.

Theo kế hoạch kinh doanh đã được ĐHĐCĐ thường niên 2022 VietBank thông qua vào cuối tháng 4, ngân hàng dự kiến đến hết năm 2022, quy mô tổng tài sản sẽ đạt 133.000 tỷ đồng, tăng trưởng 28,7% so với năm 2021. Tổng dư nợ cho vay tăng 15% lên mức 65.200 tỷ đồng. Huy động từ khách hàng (bao gồm giấy tờ có giá) tăng 37,1% và đạt 102.000 tỷ. Lợi nhuận sẽ tăng 71,4% lên 1.090 tỷ đồng - lần đầu tiên đặt mục tiêu ngàn tỷ.

Trước đó, VietBank đã công bố báo cáo tài chính quý III với lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm 2022 đạt 536 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện gần 50% kế hoạch năm. Riêng quý 3/2022, lợi nhuận của Vietbank là 148 tỷ đồng, tăng 117% so với cùng kỳ.

Tại ngày 30/9/2022, tổng tài sản ngân hàng đạt 109.207 tỷ đồng, tăng 5,6% so với đầu năm. Tổng huy động vốn từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt 70.137 tỷ đồng, tăng 5,1%. Dư nợ cho vay khách hàng đạt 57.415 tỷ đồng, tăng 13,6%. Nợ xấu cuối quý 3 của VietBank là 2.486 tỷ đồng, tăng 35% so với đầu năm.

Nguồn:Tin ngân hàng ngày 11/1: Tổng tài sản BIDV vượt 2 triệu tỷ đồng, lợi nhuận chạm mốc 1 tỷ USD

Huy Tùng

kinhtexaydung.petrotimes.vn