Tin ngân hàng ngày 13/7: Xử lý nghiêm vi phạm trên thị trường trái phiếu, chứng khoán, tiền tệ

13:25 | 13/07/2022

|
SCB thông báo chuyển đổi dữ liệu ngân hàng điện tử; TPBank vào top 4 ngân hàng tư nhân uy tín Việt Nam 2022; VietBank được chấp thuận tăng vốn điều lệ lên 5,780 tỷ đồng… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.
Tin ngân hàng ngày 12/7: Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng gần 175 nghìn tỷ đồngTin ngân hàng ngày 12/7: Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng gần 175 nghìn tỷ đồng
Tin ngân hàng ngày 11/7: Lợi nhuận ngân hàng sẽ kém sắc hơn trong nửa cuối năm?Tin ngân hàng ngày 11/7: Lợi nhuận ngân hàng sẽ kém sắc hơn trong nửa cuối năm?

Xử lý nghiêm vi phạm trên thị trường trái phiếu, chứng khoán, tiền tệ

Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký ban hành Nghị quyết 86/NQ-CP của Chính phủ về phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, huy động nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội.

Tin ngân hàng ngày 13/7: Xử lý nghiêm vi phạm trên thị trường trái phiếu, chứng khoán, tiền tệ
Xử lý nghiêm vi phạm trên thị trường trái phiếu, chứng khoán, tiền tệ

Một trong những nội dung được đề cập trong Nghị quyết đó là Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục thực hiện tái cơ cấu tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, tăng cường chất lượng hiệu quả công tác thanh tra, giám sát để hạn chế tình trạng sử dụng vốn vay không đúng mục đích, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Giám sát việc cấp tín dụng, đầu tư, huy động vốn trong hoạt động ngân hàng và cung cấp dịch vụ trên thị trường vốn của các tổ chức tín dụng. Kịp thời cảnh báo sớm và có biện pháp xử lý theo quy định, hạn chế xảy ra rủi ro, mất an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đối với thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán và tiền tệ, lành mạnh hóa thị trường, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, bảo đảm thị trường chứng khoán minh bạch, ổn định, an toàn, bền vững, góp phần phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô. Không hình sự hóa các quan hệ dân sự, quan hệ kinh tế.

Chỉ đạo các đơn vị, lực lượng chức năng điều tra, xác minh để xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm đúng người, đúng tội theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm thị trường chứng khoán minh bạch, ổn định, an toàn, góp phần phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô.

Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là các hành vi đưa tin sai lệch, không chính xác gây mất an ninh, an toàn thị trường. Kịp thời thông tin tình hình xử lý để đảm bảo ổn định thị trường…

SCB thông báo chuyển đổi dữ liệu ngân hàng điện tử

Từ ngày 07/07 đến ngày 25/07/2022, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) sẽ tiến hành chuyển đổi các ứng dụng ngân hàng điện tử hiện tại sang ứng dụng Ngân hàng số S-Connect.

Nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, hiện thực cam kết đầu tư số hóa hệ thống giao dịch để mang lại cho khách hàng những trải nghiệm tối ưu, SCB sẽ tiến hành chuyển đổi các ứng dụng Ngân hàng điện tử (Internet Banking và Mobile Banking) sang ứng dụng Ngân hàng số S-Connect.

Quá trình chuyển đổi hệ thống sẽ diễn ra từ ngày 07/07 đến ngày 25/07/2022.

Sau thời gian này, S-Connect là ứng dụng hợp nhất chính thức và duy nhất của SCB, cung cấp đầy đủ mọi nhu cầu của khách hàng với công nghệ hiện đại, bảo mật, giao diện thân thiện, dễ sử dụng.

Trong thời gian chuyển đổi hệ thống, đối với các Khách hàng đang sử dụng ứng dụng Internet Banking và Mobile Banking có thông tin cá nhân khác nhau, SCB sẽ thông báo đến Khách hàng bằng tất cả các email, số điện thoại đã đăng ký. Danh sách Khách hàng được chuyển đến toàn bộ Đơn vị kinh doanh để công tác chăm sóc Khách hàng được thực hiện tốt nhất.

Từ ngày 26/07/2022, SCB sẽ thực hiện chuyển đổi theo nguyên tắc ưu tiên lựa chọn thông tin của Quý Khách hàng sử dụng gần nhất để sử dụng cho việc chuẩn hóa dữ liệu.

TPBank vào top 4 ngân hàng tư nhân uy tín Việt Nam 2022

Nỗ lực đổi mới, ứng dụng công nghệ giúp TPBank đứng thứ 4 trong bảng xếp hạng ngân hàng tư nhân uy tín Việt Nam 2022 của Vietnam Report.

Cũng theo xếp hạng của Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), TPBank đứng thứ 8 trong top 10 ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín năm 2022.

Để đạt được kết quả này, TPBank đã trải qua những tiêu chí đánh giá cụ thể từ ban tổ chức. Cụ thể, tiêu chí thứ nhất là, năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính năm gần nhất. Thứ hai là, uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding - mã hóa các bài viết về ngân hàng trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng. Cuối cùng là tiêu chí dựa trên khảo sát các đối tượng liên quan được thực hiện trong tháng 6/2022.

Theo đó, hội đồng chuyên môn của VNR500 đánh giá cao những nỗ lực của TPBank trong việc liên tục cập nhật, đổi mới, dẫn dắt xu hướng, áp dụng công nghệ hiện đại để nâng tầm trải nghiệm cho khách hàng, làm đa dạng hệ sinh thái ngân hàng số của TPBank.

Trong đó, Ngân hàng tự động LiveBank ghi điểm với hệ thống gần 400 điểm giao dịch, phục vụ tương tự như một chi nhánh truyền thống nhưng thời gian được rút ngắn tối đa. Đồng thời, công nghệ hiện đại cho phép khách hàng không cần mang theo thẻ hay giấy tờ tùy thân vẫn có thể giao dịch nhanh chóng.

Ngoài ra, mô hình LiveBank+ 24/7 kết hợp giữa ngân hàng tự động và cửa hàng tiện lợi cũng được đánh giá cao. Mô hình này mang đến cho khách hàng những trải nghiệm mới lạ như: sử dụng WiFi miễn phí, sạc dự phòng điện thoại, mua nước tự động hay trải nghiệm tủ giao nhận đồ thông minh. Bên cạnh đó, TPBank cũng nổi bật với các tính năng như tài khoản nickname, shopname, thanh toán bằng khuôn mặt FacePay...

Năm 2022 là năm thứ ba liên tiếp, TPBank có mặt trong top 4 ngân hàng tư nhân uy tín theo báo cáo của Vietnam Report. Trước đó, năm 2021, TPBank cũng được vinh danh trong top 10 Ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín (xếp thứ 8).

TPBank cũng đồng thời được VNR xếp hạng là một trong 50 công ty đại chúng uy tín và hiệu quả, tạp chí Forbes xếp hạng 50 công ty niêm yết tốt nhất trên thị trường gần đây.

VietBank được chấp thuận tăng vốn điều lệ lên 5,780 tỷ đồng

Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn bản chấp thuận việc tăng vốn điều lệ của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank, UPCoM: VBB) thêm hơn 1,003 tỷ đồng.

Tin ngân hàng ngày 13/7: Xử lý nghiêm vi phạm trên thị trường trái phiếu, chứng khoán, tiền tệ
VietBank được chấp thuận tăng vốn điều lệ lên 5,780 tỷ đồng

Cụ thể, NHNN chấp thuận việc VietBank tăng vốn điều lệ tối đa thêm 1,003 đồng thông qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo phương án tăng vốn điều lệ đã được ĐHĐCĐ thông qua.

NHNN yêu cầu VietBank thực hiện việc phát hành cổ phiếu, tăng vốn điều lệ theo đúng quy định của pháp luật; thông báo bằng văn bản cho các tổ chức, cá nhân mua cổ phần của Vietbank thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của cổ đông theo đúng quy định.

Trong thời hạn tối đa 10 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành việc phát hành cổ phiếu theo quy định của pháp luật, VietBank thực hiện thủ tục sửa đổi, bổ sung Giấy phép theo quy định.

Trước đó, ĐHĐCĐ thường niên 2022 của VietBank đã thông qua phương án phát hành 100.3 triệu cp cho cổ đông hiện hữu nhằm tăng vốn điều lệ năm 2022, với tỷ lệ 21% (cổ đông sở hữu 100 cp sẽ được mua thêm 21 cp mới). Thời gian thực hiện dự kiến từ quý 3-4/2022. Nếu thành công, vốn điều lệ của VietBank sẽ tăng từ mức 4,777 tỷ đồng lên 5,780 tỷ đồng.

Toàn bộ số vốn tăng thêm từ phát hành cổ phiếu năm 2022 là 1,003 tỷ đồng được dự kiến sử dụng toàn bộ cho việc mở rộng mạng lưới hoạt động, đảm bảo các tỷ lệ an toàn trong hoạt động sinh lời cho VietBank.

Bên cạnh đó, VietBank còn đặt mục tiêu đến năm 2025 đạt quy mô tổng tài sản 100,000 tỷ đồng, ngoài lợi nhuận giữ lại để tăng vốn tự có, Ngân hàng cần tăng ròng vốn tự có hàng năm từ 2,000-2,400 tỷ đồng.

Nguồn: Tin ngân hàng ngày 13/7: Xử lý nghiêm vi phạm trên thị trường trái phiếu, chứng khoán, tiền tệ

Huy Tùng

kinhtexaydung.petrotimes.vn