Tin ngân hàng ngày 18/1: Dự trữ ngoại hối cuối năm 2023 có thể lấy lại mốc hơn 100 tỷ USD

15:14 | 18/01/2023

|
Sacombank nỗ lực chung tay vì cộng đồng; Bùng nổ chuyển đổi số ngân hàng; Năm 2022, Co-opBank đạt tăng trưởng tín dụng 19,04% …là những tin tức bất động sản đáng chú ý.
Tin ngân hàng ngày 17/1: SMBC xác nhận không còn là cổ đông lớn của EximbankTin ngân hàng ngày 17/1: SMBC xác nhận không còn là cổ đông lớn của Eximbank
Tin ngân hàng ngày 16/1: Nhiều ngân hàng Tin ngân hàng ngày 16/1: Nhiều ngân hàng "dính lỗi" chuyển tiền online những ngày cận tết

Dự trữ ngoại hối cuối năm 2023 có thể lấy lại mốc hơn 100 tỷ USD

Trong báo cáo mới nhất, Công ty chứng khoán VnDirect kỳ vọng dự trữ ngoại hối của Việt Nam sẽ phục hồi và lên mức 3,3 tháng nhập khẩu, tương đương 102 tỷ USD vào cuối năm 2023 so với mức hiện tại là 90 tỷ USD.

Tin ngân hàng ngày 18/1: Dự trữ ngoại hối cuối năm 2023 có thể lấy lại mốc hơn 100 tỷ USD
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Dự trữ ngoại hối được VnDirect kỳ vọng phục hồi nhờ tỷ giá ổn định hơn, thặng dư thương mại cao và tài khoản vãng lai chuyển sang thặng dư trong năm tới.

Cụ thể, công ty chứng khoán dự báo thặng dư thương mại năm 2023 có thể đạt 13,4 tỷ USD, tăng thêm 1 tỷ USD so với năm 2022. VnDirect cũng kỳ vọng tài khoản vãng lai chuyển từ thâm hụt trong năm trước sang thặng dư ở mức 1,4% GDP vào năm nay.

Trong 10 tháng năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã phải bán một lượng lớn dự trữ ngoại hối để ổn định tỷ giá, ước khoảng 20% dự trữ ngoại hối. Điều này đã khiến dự trữ ngoại hối của Việt Nam giảm xuống dưới mức khuyến nghị của IMF (thấp hơn 3 tháng nhập khẩu).

Bước sang những tháng cuối 2022 và đầu 2023, đồng USD hạ nhiệt đã làm giảm áp lực lên tỷ giá. Tính đến cuối 2022, tỷ giá chính thức trên ngân hàng chỉ tăng khoảng 3% so với đầu năm.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước có thể chuyển ưu tiên sang ổn định lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, theo VnDirect. Để bơm thanh khoản VND ra thị trường nhằm hạ nhiệt mặt bằng lãi suất, Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét mua vào dự trữ ngoại hối.

Điều này theo công ty chứng khoán có thể tính đến trong bối cảnh dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang ở sát với ngưỡng khuyến nghị 3 tháng nhập khẩu của IMF. Ngân hàng Nhà nước từ giữa tháng 12/2022 cũng đã phát tín hiệu quay trở lại mua ngoại tệ sau ba tháng "để trắng" giá bên mua.

Cùng quan điểm với công ty chứng khoán, Standard Chartered cũng cho rằng việc cải thiện dự trữ ngoại hối có thể là ưu tiên chính của Ngân hàng Nhà nước trong năm nay. Sự cải thiện của cán cân vãng lai và sự phục hồi du lịch có thể hỗ trợ cho tiền đồng, theo đó, tỷ giá USD/VND được ngân hàng này dự báo đạt 23.400 đồng vào cuối năm 2023 và 23.000 đồng vào cuối năm 2024.

Sacombank nỗ lực chung tay vì cộng đồng

Vừa qua, Sacombank tổ chức chuỗi hoạt động thường niên "Ấm tình mùa Xuân" lần thứ 20 tại 51 tỉnh, thành phố và Lào, Campuchia với tổng kinh phí 7,8 tỷ đồng.

Chương trình triển khai vào ngày 23/12/2022 đến 16/1/2023 nhằm chia sẻ với các hoàn cảnh khó khăn dịp đầu năm mới. Theo đó, lãnh đạo và nhân viên Sacombank tại các địa phương đã trực tiếp đến xã phường, cơ sở từ thiện, mái ấm tình thương, bệnh viện... tổ chức hoạt động thăm hỏi, động viên. Đơn vị tặng nhiều phần quà cho các trẻ em cơ nhỡ, người khuyết tật, người già neo đơn và hộ gia đình hoàn cảnh khó khăn.

Sau 20 năm triển khai, Sacombank đã dành ra hơn 85,3 tỷ đồng để chung tay với các tổ chức trong xã hội chia sẻ khó khăn, động viên tinh thần, mang niềm vui khi Tết đến Xuân về cho các hoàn cảnh còn thiếu may mắn. Đây là hoạt động thể hiện cam kết gắn bó lâu dài, góp phần vào công tác an sinh xã hội và phát triển kinh tế địa phương của Sacombank.

Với phương châm "Đồng hành cùng phát triển", nhà băng còn triển khai nhiều hoạt động vì cộng đồng thường niên khác như Hiến máu nhân đạo "Chia sẻ từ trái tim"; Học bổng "Ươm mầm cho những ước mơ"... Đặc biệt, trong năm 2022, Sacombank tiếp tục trao thêm hai tỷ đồng cho chương trình Mặt trời Hy vọng thuộc Quỹ Hy vọng, nâng tổng số tiền đóng góp lên 6 tỷ đồng. Các hoạt động này nhằm tiếp tục góp phần mang đến cơ hội chữa lành cho trẻ em ung thư có hoàn cảnh khó khăn.

Cũng trong năm 2022, hàng chục nghìn nhân viên Sacombank đã tích cực tham gia 5 chặng đi, chạy bộ thuộc giải "Những bước chân vì cộng đồng" do Sacombank và Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức nhằm gây quỹ xây dựng Nhà văn hóa cộng đồng cho đồng bào các dân tộc ít người...

Bùng nổ chuyển đổi số ngân hàng

Mới đây, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, nhiều nghiệp vụ ngân hàng như mở tài khoản thanh toán, thanh toán chuyển tiền, gửi tiết kiệm… đã được số hóa 100%, cho phép khách hàng thực hiện hoàn toàn trên kênh số. Nhiều ngân hàng chuyển đổi số ở tốp đầu đã ghi nhận tỷ lệ hơn 90% giao dịch khách hàng thực hiện qua kênh số, với tỷ lệ chi phí trên thu nhập ở mức tối ưu, chỉ 30-40%, phản ánh hiệu quả của chuyển đổi số, phát triển dịch vụ ngân hàng số.

Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng, ứng dụng dịch vụ ngân hàng số tại Việt Nam hiện đã đuổi kịp các thị trường phát triển. Tỷ lệ khách hàng cá nhân tại thị trường châu Á - Thái Bình Dương sử dụng dịch vụ ngân hàng số tăng từ 55% vào năm 2017 lên 88% vào năm 2021. Ở thị trường Việt Nam, mức tăng trưởng tương ứng là 41% lên 82%.

Với việc sử dụng thuận lợi, nhiều người dân đã không còn thói quen trực tiếp giao dịch tại ngân hàng hay sử dụng tiền mặt, thay vào đó là sử dụng các dịch vụ ngân hàng trực tuyến. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) Nguyễn Quang Minh thông tin, tỷ lệ giao dịch rút tiền mặt giảm từ 12% trong năm 2021 xuống mức 6,56% trong năm 2022. Song song, thanh toán điện tử tăng trưởng 96,5% về lượng giao dịch và 87,3% về giá trị so với năm 2021.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng cũng đánh giá: “Trên thực tế các số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước gần đây đều cho thấy, người dân ngày càng ít dùng tiền mặt. Các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt khác như chuyển khoản, quét mã QR, thẻ, ví điện tử… đang ngày càng phát triển. Và quan trọng là các phương thức này được người dân ưa dùng bởi tính tiện lợi”.

Số liệu thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, toàn thị trường có 120 triệu ví điện tử. Trong đó 47 triệu ví đã kích hoạt và 29 triệu ví đang hoạt động. Có đến 3.300 tỷ đồng được người dân duy trì trong ví điện tử để thanh toán.

Năm 2022, Co-opBank đạt tăng trưởng tín dụng 19,04%

Theo kết quả hoạt động Co-opBank năm 2022, đến 31/12/2022 tổng nguồn vốn hoạt động của Co-opBank là 49.799 tỷ đồng, tăng 1,33% so với 31/12/2021. Trong đó, tiền gửi điều hoà từ các quỹ tín dụng nhân dân là 24.309 tỷ đồng, giảm 11.471 tỷ đồng so với 31/12/2021 (giảm 32,06%).

Tin ngân hàng ngày 18/1: Dự trữ ngoại hối cuối năm 2023 có thể lấy lại mốc hơn 100 tỷ USD
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Tổng dư nợ cho vay là 31.185 tỷ đồng, tăng 4.987 tỷ đồng (tỷ lệ tăng 19,04%) so với 31/12/2021.

Tính đến 31/12/2022, dư nợ cho vay đối với quỹ tín dụng nhân dân đạt 5.590 tỷ đồng, tăng 60,57% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là số dư cao nhất từ trước đến nay.

Đến 31/12/2022, Co-opBank đã kết nạp thêm 81 quỹ tín dụng nhân dân là thành viên hệ thống trên địa bàn các chi nhánh trong toàn hệ thống Co-opBank, nâng tổng số điểm giao dịch của Co-opBank lên 761 điểm bao gồm 32 chi nhánh, 66 phòng giao dịch và 663 quỹ tín dụng nhân dân.

Số liệu giao dịch của các quỹ tín dụng nhân dân qua hệ thống chuyển tiền của Co-opBank cho thấy, giao dịch chuyển tiền đi là 275.562 món (tăng 21%) với doanh số chuyển đi là 40.485 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ năm trước. Giao dịch chuyển tiền đến là 273.107 món (tăng 78%) với doanh số chuyển tiền đến là 19.191 tỷ đồng, tăng 75% so cùng kỳ năm trước.

Co-opBank cũng đã cấp hạn mức thấu chi tài khoản thanh toán cho 407 quỹ tín dụng nhân dân thành viên tham gia hệ thống CF-eBank, với hạn mức được cấp là 542 tỷ đồng, doanh số sử dụng thấu chi đạt 7.440 tỷ đồng.

Đến 31/12/2022, có 259 quỹ tín dụng nhân dân tham gia thành viên hệ thống thẻ thanh toán của Co-opBank với số lượng giao dịch là 59.825 giao dịch, với tổng số tiền giao dịch là 3.296 tỷ đồng (tăng 70% về số lượng và hơn 151,8% về giá trị so với năm 2021).

Nguồn:Tin ngân hàng ngày 18/1: Dự trữ ngoại hối cuối năm 2023 có thể lấy lại mốc hơn 100 tỷ USD

Huy Tùng

kinhtexaydung.petrotimes.vn