Tin ngân hàng ngày 19/9: Còn dư địa mở rộng tín dụng

14:43 | 19/09/2022

|
VPBank chốt danh sách chi thưởng hơn 2,2 tỷ cổ phiếu cho cổ đông, tỷ lệ 2:1; Ngân hàng ADB giải thích vì sao Việt Nam chưa tăng lãi suất; PVcomBank phát hành Thẻ Việt tại Hội chợ Du lịch quốc tế ITE HCMC 2022… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.
Tin ngân hàng ngày 17/9: HDBank sắp phát hành hơn 500 triệu cổ phiếu trả cổ tức năm 2021Tin ngân hàng ngày 17/9: HDBank sắp phát hành hơn 500 triệu cổ phiếu trả cổ tức năm 2021
Tin ngân hàng ngày 16/9: Đâu là “bến đỗ mới” của GPBank?Tin ngân hàng ngày 16/9: Đâu là “bến đỗ mới” của GPBank?

Còn dư địa mở rộng tín dụng

Mới đây, nhiều chuyên gia tài chính, ngân hàng cho rằng, nếu lạm phát được kiểm soát dưới mức mục tiêu, Ngân hàng nhà nước (NHNN) có thể mở rộng thêm tín dụng ngoài chỉ tiêu của kịch bản cứng.

Tin ngân hàng ngày 19/9: Còn dư địa mở rộng tín dụng
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Mặc dù trong tương lai, nhiều kinh tế gia tin tưởng việc NHNN sẽ xem xét bỏ trần tín dụng, song vai trò định hướng vốn của NHNN thông qua công cụ này hiện vẫn hữu dụng.

Đối với việc NHNN vừa điều chỉnh nới room tín dụng, theo TS. Đinh Thế Hiển, điều quan trọng nhất cần làm là các NHTM phải xác định và làm đúng nhiệm vụ tiếp vốn mà NHNN đã định hướng. Đó là dành vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, như sản xuất - kinh doanh; xuất khẩu; nông nghiệp; doanh nghiệp vừa và nhỏ…

Bản thân các doanh nghiệp SMEs thường cần lượng vốn lưu động vài tỷ đến vài chục tỷ đồng, trong thời gian ngắn và quay vòng nhanh, sẽ không chiếm quá nhiều room mà vẫn tạo việc làm, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đối với nhóm doanh nghiệp bất động sản, cần có chiến lược huy động vốn riêng. Công ty bất động sản cần có thực lực tài chính bằng vốn chủ sở hữu (tăng vốn qua cổ phiếu), hợp tác bằng các dự án với các tổ chức, định chế, tiết giảm chi phí và tăng bán hàng để duy trì dòng tiền…

Theo TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia tài chính ngân hàng, Việt Nam không cần quá lo lắng với vấn đề lạm phát, kể cả khi tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống lên mức 15-16%. Theo tính toán của ông, sau đợt nới room lần này, dư địa tăng trưởng tín dụng 14% cả năm chưa được nhà điều hành dùng hết. Ước tính vẫn để dành dư địa tín dụng 1-2% dự phòng cho nhu cầu phát sinh cuối năm. Nhiều khả năng sẽ còn một đợt tăng hạn mức khác nhưng quy mô không nhiều. Điều đó cũng làm dấy lên hy vọng vào đợt nới room cuối cùng của năm.

VPBank chốt danh sách chi thưởng hơn 2,2 tỷ cổ phiếu cho cổ đông, tỷ lệ 2:1

Vừa qua, Hội đồng Quản trị Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã phê duyệt ngày đăng ký cuối cùng thực hiện quyền của đợt phát hành tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu.

Cụ thể, ngày đăng ký cuối cùng hưởng quyền là 29/9. Tương ứng ngày giao dịch không hưởng quyền là 28/9.

Theo kế hoạch, VPBank dự kiến phát hành hơn 2,237 tỷ cổ phiếu cho cổ đông để tăng vốn. Tỷ lệ thực hiện quyền là 2:1, tức cổ đông sở hữu hai cổ phiếu phổ thông tại ngày chốt quyền sẽ được nhận thêm một cổ phiếu mới.

Nguồn phát hành lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 21.002 tỷ đồng và nguồn quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ là 1.374 tỷ đồng.

Trước đó, VPBank đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chấp thuận việc tăng vốn điều lệ thêm tối đa 22.377 tỷ đồng dưới hình thức phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu.

Sau khi phát hành thành công, vốn điều lệ của VPBank sẽ đạt 67.433 tỷ đồng, vươn lên trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống.

Hiện vốn điều lệ của VPBank đang là 45.056 tỷ đồng, cao nhất trong nhóm ngân hàng thương mại tư nhân và chỉ xếp sau 3 ông lớn ngân hàng thương mại có vốn nhà nước là BIDV, VietinBank và Vietcombank.

Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2022, cổ đông VPBank đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 76% bằng phương án phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu và chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài.

Nếu hoàn tất phát hành này, vốn điều lệ của VPBank sẽ tăng lên mức 79.334 tỷ đồng, vượt xa các ngân hàng quốc doanh như Vietcombank, VietinBank hay BIDV.

Năm 2022, VPBank đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế hợp nhất tăng hơn gấp đôi, lên 29.662 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận của ngân hàng mẹ ước đạt trên 23.000 tỷ đồng, tăng trưởng 66% so với năm trước.

Tổng tài sản đến cuối năm đạt 697,4 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 27,4% so với cuối năm 2021, trong đó, dư nợ cấp tín dụng dự kiến đạt hơn 518,4 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng tới 35%. Tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá đến cuối năm dự kiến đạt hơn 413 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 27,8%. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng riêng lẻ kiểm soát dưới 2%.

Ngân hàng ADB giải thích vì sao Việt Nam chưa tăng lãi suất

SBV đặt mục tiêu giữ lãi suất liên ngân hàng ở mức cao bằng việc áp trần lãi suất trên thị trường mở nhằm duy trì chênh lệch giữa khoản vay được định giá bằng đồng Việt Nam và khoản vay bằng đồng USD.

SBV đã chọn sử dụng các hoạt động thị trường mở (là hoạt động ngân hàng trung ương mua vào hoặc bán ra những giấy tờ có giá của chính phủ trên thị trường) để quản lý cung tiền và ổn định tỷ giá hối đoái.

Trong những tháng gần đây, SBV đã liên tục phát hành tín phiếu ngân hàng trung ương và hạn chế tăng trưởng tín dụng, rút ​​thanh khoản khỏi thị trường.

Do đó, diễn biến lợi suất trái phiếu của Việt Nam chênh lệch so với khu vực vì Việt Nam là thị trường duy nhất ở Đông Á mới nổi có sản lượng tăng trên đường cong trái phiếu.

Tăng trưởng của thị trường trái phiếu nội tệ LCY của Việt Nam tăng vọt 8,1% so với quý trước để đạt quy mô 2.315,9 nghìn tỷ đồng (99,5 tỷ USD) vào cuối tháng 6, tăng trưởng nhanh hơn so với mức tăng 2,4% của quý trước. Sự tăng trưởng nhanh hơn được đóng góp bởi cả hai phân khúc trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp.

Trái phiếu LCY của Việt Nam vẫn bị chi phối bởi trái phiếu chính phủ, chiếm 70,2% tổng số trái phiếu phát hành tại thời điểm cuối tháng 6. 29,8% trái phiếu còn lại là trái phiếu doanh nghiệp.

Thị trường trái phiếu chính phủ LCY đạt 1.626,2 nghìn tỷ đồng tính tới cuối tháng 6 với mức tăng trưởng 7,4% so với quý trước. Trong đó, đóng góp nhiều vào mức tăng trưởng là tín phiếu ngân hàng trung ương.

Theo ADB, không giống các nước mới nổi Đông Á khác, SBV cho đến nay chưa nâng lãi suất mà thay vào đó tận dụng các hoạt động thị trường mở như đã nói ở trên nhằm đạt được mục tiêu của mình.

Lạm phát giá cả tiêu dùng của Việt Nam hiện vẫn được kiềm chế khá tốt so với nhiều thị trường khác trong khu vực, theo ADB. Dù rằng lạm phát đã leo thang trong những tháng gần đây nhưng vẫn dưới mức 4% mục tiêu kiểm soát của Chính phủ cho năm 2022.

Lạm phát giá cả tiêu dùng trong tháng 7/2022 và tháng 8/2022 đã giảm xuống còn lần lượt 3,1% và 2,9% từ mức 3,4% của tháng 6/2022. Chính phủ hoàn toàn tự tin về mục tiêu không để lạm phát vượt quá 4% trong năm nay.

Trong bối cảnh lạm phát trên toàn cầu tăng cao, thời gian qua nhiều ngân hàng trung ương trên khắp thế giới và trong khu vực đã điều chỉnh tăng lãi suất điều hành nhưng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn chưa có động thái tăng lãi suất.

PVcomBank phát hành Thẻ Việt tại Hội chợ Du lịch quốc tế ITE HCMC 2022

Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã trở thành đơn vị đồng hành cùng Thẻ Việt - sản phẩm tích hợp nhiều tính năng thông minh ứng dụng trong các dịch vụ công cộng và xã hội.

Tin ngân hàng ngày 19/9: Còn dư địa mở rộng tín dụng
PVcomBank phát hành Thẻ Việt tại Hội chợ Du lịch quốc tế ITE HCMC 2022/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Thẻ Quốc gia (hay còn gọi là Thẻ Việt) được triển khai theo Hệ thống Một thẻ quốc gia thuộc Chương trình Phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2014 - 2020, do Thủ tướng Chính phủ ban hành và Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương chủ trì. Thẻ Việt được ứng dụng công nghệ chip EMV, mã hóa Triple DES, tích hợp đa chức năng về du lịch, y tế, ngân hàng, thương mại, giao thông, giáo dục… hỗ trợ người dùng có thể lựa chọn đa dạng phương thức thanh toán như thanh toán một chạm, thanh toán trực tuyến, thanh toán không tiếp xúc. Với thế mạnh về nền tảng công nghệ, đặc biệt là sự đầu tư lớn cho các sản phẩm dịch vụ số hóa, PVcomBank đã trở thành ngân hàng đồng phát hành Thẻ Việt, mang tới phương tiện thanh toán thông minh, an toàn, tiện lợi và nhanh chóng cho khách hàng.

Trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế ITE HCMC 2022, PVcomBank đồng phát hành sản phẩm “Thẻ Việt - Thẻ du lịch thông minh”, mang đến cho khách hàng những trải nghiệm trực tiếp ngay khi sở hữu. Mọi giao dịch thanh toán điện tử giữa người mua và người bán đều được miễn phí. Với khách du lịch, Thẻ Việt giúp định danh bằng mã thẻ; tra cứu thông tin công ty lữ hành, thông tin hướng dẫn viên, xem lịch trình tour; góp ý, phản hồi, đánh giá chất lượng tour ngay trên ứng dụng Du lịch Việt Nam.

Việc đồng hành và trở thành đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán không tiền mặt cho Thẻ Việt của PVcomBank đã phần nào thể hiện trách nhiệm, sự ủng hộ đối với cộng đồng các doanh nghiệp, địa phương, người dân trong bối cảnh các ngành đang nỗ lực phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng sau thời gian dài tạm ngưng các hoạt động. Đồng thời, hoạt động này cũng thể hiện sự quyết tâm chuyển đổi số mạnh mẽ, toàn diện của PVcomBank và góp phần gia tăng hệ sinh thái các sản phẩm công nghệ với tính năng ưu việt, hiện đại, tiện ích của Ngân hàng.

Nguồn: Tin ngân hàng ngày 19/9: Còn dư địa mở rộng tín dụng

Huy Tùng (T/h)

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/