Tin ngân hàng ngày 20/1: Năm 2022, ngân hàng không được trả cổ tức bằng tiền mặt

08:50 | 20/01/2022

|
Xử lý nghiêm trường hợp yêu cầu khách hàng phải mua bảo hiểm khi cấp tín dụng; OCB cung cấp Giải pháp vốn trữ hàng dịp Tết cho doanh nghiệp…là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật
Tin ngân hàng ngày 19/1/2022: Napas tiếp tục giảm mạnh phí chuyển tiền nhanh 24/7Tin ngân hàng ngày 19/1/2022: Napas tiếp tục giảm mạnh phí chuyển tiền nhanh 24/7
Tin ngân hàng ngày 18/1/2022: Ngân hàng đua nhau tăng lãi suất huy động, cao nhất lên đến 7,6%/nămTin ngân hàng ngày 18/1/2022: Ngân hàng đua nhau tăng lãi suất huy động, cao nhất lên đến 7,6%/năm

Năm 2022, ngân hàng không được trả cổ tức bằng tiền mặt

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các nhà băng giảm chỉ tiêu lợi nhuận, tiếp tục không chia cổ tức bằng tiền để hạ thêm lãi suất cho vay.

Tin ngân hàng ngày 20/1: Năm 2022, ngân hàng không được trả cổ tức bằng tiền mặt
Năm 2022, ngân hàng không được trả cổ tức bằng tiền mặt/

Các ngân hàng gần đây cũng "chuộng" phương án phát hành cổ tức bằng cổ phiếu thay vì chia tiền mặt, bởi cách này giúp tăng vốn điều lệ và nâng cao tỷ lệ an toàn vốn, thông qua đó nhà băng có dư địa tăng trưởng tín dụng tốt hơn.

Một trong những nhiệm vụ các nhà băng được giao trong năm 2022 là "giảm chi phí hoạt động, tiết giảm lợi nhuận, không chia cổ tức bằng tiền" để dành nguồn lực giảm thêm lãi suất cho vay hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Ngân hàng Nhà nước năm ngoái cũng đã dùng nhiều cách từ việc hạ lãi suất điều hành hỗ trợ hệ thống, cho đến khuyến khích và dùng "quota" tăng trưởng tín dụng để tưởng thưởng các nhà băng trong việc giảm lãi cho vay. Trong đó, các nhà băng có vốn nhà nước là những đơn vị mạnh tay nhất trong chính sách giảm lãi vay hỗ trợ doanh nghiệp, theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước.

Theo thống kê của Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS), lãi suất cho vay ghi nhận mức giảm khoảng 1,5% so với trước dịch Covid-19, trong khi đó lãi suất huy động giảm trung bình khoảng 1,7%.

Ngoài ra, theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, trong năm 2022, nhà băng cần ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp thuộc các ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19 và doanh nghiệp có hệ thống quản trị tốt, có khả năng phục hồi sản xuất, kinh doanh tốt.

Các nhà băng cần tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng nhưng cần đảm bảo không nới lỏng các điều kiện để đảm bảo an toàn vốn vay. Như định hướng nhiều năm nay, Ngân hàng Nhà nước sẽ kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông, hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp...

Xử lý nghiêm trường hợp yêu cầu khách hàng phải mua bảo hiểm khi cấp tín dụng

Mới đây, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam (NHNN) yêu cầu các TCTD phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm; tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ đối với hoạt động đại lý bảo hiểm trên toàn hệ thống và xử lý nghiêm những trường hợp yêu cầu khách hàng phải mua các loại bảo hiểm khi cấp tín dụng cho khách hàng.

Tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN được ban hành gần đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều chỉ đạo quan trọng về nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2022.

Trong đó, đối với các Tổ chức tín dụng (TCTD) có hoạt động đại lý bảo hiểm, NHNN yêu cầu phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm; tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ đối với hoạt động đại lý bảo hiểm trên toàn hệ thống và xử lý nghiêm những trường hợp yêu cầu khách hàng phải mua các loại bảo hiểm khi cấp tín dụng cho khách hàng.

Bancassurance là hình thức hợp tác giữa ngân hàng và công ty bảo hiểm nở rộ nhiều năm gần đây. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều khách hàng, một số ngân hàng, tổ chức tín dụng có biểu hiện ép khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn đã gây bức xúc cho nhiều người thời gian qua.

Không chỉ Ngân hàng Nhà nước mà Bộ Tài chính cũng nhiều lần lên tiếng về thực trạng này. Trong công văn hồi tháng 12/2021, Bộ Tài chính yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm rà soát, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm đã ký với các ngân hàng, tổ chức tín dụng, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm và quy định pháp luật khác có liên quan.

"Trong trường hợp phát hiện có vi phạm quy định về hoạt động đại lý bảo hiểm cần có các biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời theo quy định tại hợp đồng đại lý và quy định pháp luật có liên quan", Bộ Tài chính nhấn mạnh.

OCB cung cấp Giải pháp vốn trữ hàng dịp Tết cho doanh nghiệp

Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cung cấp sản phẩm hỗ trợ tài chính cho nhà phân phối ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) với tỷ lệ cấp tín dụng lên đến 150% giá trị tài sản bảo đảm.

Tin ngân hàng ngày 20/1: Năm 2022, ngân hàng không được trả cổ tức bằng tiền mặt
OCB cung cấp Giải pháp vốn trữ hàng dịp Tết cho doanh nghiệp

Để đáp ứng nhu cầu mua sắm gia tăng của người dân trước Tết Nguyên đán, nhiều doanh nghiệp, nhà phân phối luôn phải chuẩn bị sẵn số lượng hàng hóa dự trữ lớn kèm theo đó là nhu cầu vốn. Tuy nhiên, không phải nhà phân phối nào cũng dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn vay với chi phí rẻ, thủ tục đơn giản và nhanh chóng.

Nắm bắt được khó khăn của các nhà phân phối khi tiếp cận nguồn vốn tăng thêm ngắn hạn này, OCB cung cấp sản phẩm "Hỗ trợ tài chính dành cho nhà phân phối ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG)" với tỷ lệ cấp tín dụng lên đến 100% giá trị tài sản bảo đảm. Mức cấp thêm không cần tài sản bảo đảm lên đến 70 tỷ đồng với mỗi nhà phân phối. Vào mùa cao điểm Tết, ngân hàng sẽ cấp thêm hạn mức không cần tài sản bảo đảm với mức lãi suất cho vay vốn lưu động ưu đãi từ 6% một năm, kéo dài đến 30/6/2022.

Ngoài chương trình này, OCB tiếp tục ưu đãi giảm lãi suất tối thiểu 0,5% một năm cho các khoản vay ngắn hạn và giảm tối đa 50% phí phát hành thư bảo lãnh so với khách hàng thông thường, miễn phí giao dịch trên OMNI đối với khách hàng doanh nghiệp.

Thông qua sản phẩm "Hỗ trợ tài chính dành cho nhà phân phối ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG)", OCB hy vọng sẽ chung tay giải quyết bài toán vốn của đối tác là nhà phân phối trong mùa cao điểm, tăng doanh số bán hàng do tăng khả năng trữ hàng, giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp. Từ đó, tăng sức cạnh tranh với đối thủ và thắt chặt quan hệ hợp tác với các nhà cung cấp, nhà sản xuất lớn, giúp nhà phân phối yên tâm tập trung vào phát triển kinh doanh.

Nguồn: Tin ngân hàng ngày 20/1: Năm 2022, ngân hàng không được trả cổ tức bằng tiền mặt

Huy Tùng

kinhtexaydung.petrotimes.vn