Tin ngân hàng ngày 23/9: Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng trần lãi suất huy động

18:03 | 23/09/2022

|
Sacombank tiếp sức doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh; SCB tuyển dụng tập trung 300 nhân sự tài chính - ngân hàng; BIDV sắp rao bán loạt tài sản của Licogi 166 với giá khởi điểm 11 tỷ đồng… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.
Tin ngân hàng ngày 22/9: Agribank đấu giá khoản nợ hơn trăm tỷ của Công ty Xây dựng Thăng LongTin ngân hàng ngày 22/9: Agribank đấu giá khoản nợ hơn trăm tỷ của Công ty Xây dựng Thăng Long
Tin ngân hàng ngày 21/9: NHNN thông tin về đề xuất nâng mức tối đa vay vốn qua tín chấpTin ngân hàng ngày 21/9: NHNN thông tin về đề xuất nâng mức tối đa vay vốn qua tín chấp

Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng trần lãi suất huy động

Ngày 22/9, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành 2 Quyết định về điều chỉnh một loạt lãi suất điều hành.

Tin ngân hàng ngày 23/9: Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng trần lãi suất huy động
Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng trần lãi suất huy động/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Theo đó, Quyết định số 1607/QĐ-NHNN nâng mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức (trừ tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) và cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định tại Thông tư số 07/2014/TT-NHNN ngày 17 tháng 3 năm 2014 như sau:

Mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 0,5%/năm (tăng 0,3%/năm so với hiện hành).

Mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 5,0%/năm; riêng Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô áp dụng mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 5,5%/năm (tăng 1%/năm so với hiện hành).

Quyết định 1607/QĐ-NHNN có hiệu lực thi hành kể từ ngày 23 tháng 9 năm 2022 và thay thế Quyết định số 1729/QĐ-NHNN ngày 30 tháng 9 năm 2020 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định tại Thông tư số 07/2014/TT-NHNN ngày 17 tháng 3 năm 2014.

Quyết định thứ hai là Quyết định số 1606/QĐ-NHNN về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Theo đó, các lãi suất này cũng tăng thêm 1%/năm so với hiện hành. Cụ thể, lãi suất tái cấp vốn: 5,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu: 3,5%/năm; Lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài: 6,0%/năm.

Quyết định 1606 /QĐ-NHNN có hiệu lực thi hành kể từ ngày 23 tháng 9 năm 2022 và thay thế Quyết định số 1728/QĐ-NHNN ngày 30 tháng 9 năm 2020 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các ngân hàng.

Sacombank tiếp sức doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh

Nhằm hưởng ứng chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP và của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) theo Thông tư 03/2022/TT-NHNN, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% nhằm hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh.

Cụ thể, Sacombank hỗ trợ lãi suất 2%/năm dành cho các khách hàng doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh có mục đích sử dụng vốn vay thuộc một trong các ngành đã được đăng ký kinh doanh quy định tại Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 6/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành hệ thống ngành kinh tế Việt Nam, bao gồm: hàng không, vận tải kho bãi (H), du lịch (N79), dịch vụ lưu trú, ăn uống (I), giáo dục và đào tạo (P), nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (A), công nghiệp chế biến, chế tạo (C), xuất bản phần mềm (J582), Lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan (J-62), hoạt động dịch vụ thông tin (J-63); trong đó có hoạt động xây dựng phục vụ trực tiếp cho các ngành kinh tế nói trên nhưng không bao gồm hoạt động xây dựng cho mục đích kinh doanh bất động sản quy định tại mã ngành kinh tế (L) theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg. Đồng thời, chương trình cũng áp dụng cho vốn vay doanh nghiệp thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ thuộc danh mục dự án do Bộ Xây dựng tổng hợp, công bố.

Bằng việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% áp dụng tính trên số dư nợ vay được hỗ trợ lãi suất, có thời hạn cho vay được ký kết và giải ngân trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2022 đến ngày 31/12/2023, Sacombank tiếp tục là một trong những đơn vị tiên phong hưởng ứng chủ trương của Chính phủ và NHNN trong việc thực hiện các giải pháp thúc đẩy, phục hồi kinh tế sau đại dịch.

SCB tuyển dụng tập trung 300 nhân sự tài chính - ngân hàng

Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) triển khai Chương trình Tuyển dụng Tập trung “Vững sự nghiệp - Chắc tương lai", mở ra hơn 300 cơ hội cho các ứng viên trẻ (dưới 3 năm kinh nghiệm) ngành Tài chính - Ngân hàng trên toàn hệ thống Đơn vị Kinh doanh…

Cụ thể, từ nay đến hết ngày 30/10/2022, SCB tuyển dụng gần 300 nhân sự cho các vị trí Chuyên viên/Nhân viên Khách hàng Cá nhân, Chuyên viên/Nhân viên Tư vấn Dịch vụ Tài chính Cá nhân và Giao dịch viên trên toàn hệ thống Đơn vị Kinh doanh, trọng điểm ở TP HCM, Hà Nội, khu vực Tây Nam Bộ, Duyên hải Bắc Bộ…

Khi trở thành nhân viên SCB, ứng viên sẽ được đào tạo các kiến thức, kỹ năng thực tiễn để có thể nhanh chóng hòa nhập vào môi trường làm việc. Người lao động sẽ được hưởng chế độ lương thưởng hấp dẫn tương xứng theo năng lực và các phúc lợi tài chính/phi tài chính khác.

SCB cũng rất chú trọng đến việc phát triển và giữ chân nhân tài với các lựa chọn nghề nghiệp và lộ trình thăng tiến hấp dẫn, cùng các chương trình huấn luyện, hỗ trợ đồng hành, khuyến khích cán bộ nhân viên theo đuổi các mục tiêu cá nhân và tham gia đóng góp những giá trị tích cực cho tổ chức. Bên cạnh đó, môi trường làm việc tại SCB luôn sôi động, gắn kết, đa dạng hoạt động tinh thần - nghệ thuật, teambuilding, thể thao, văn hoá xanh…

Ông Nguyễn Tường Quang - Quyền Giám đốc Khối Quản trị Nguồn Nhân lực SCB chia sẻ: “Song song với mục tiêu đáp ứng nhân lực cho tổ chức, SCB luôn hiểu rằng sự nghiệp mang ý nghĩa rất lớn đối với cuộc sống mỗi cá nhân. Khi có cơ hội đồng hành, chúng tôi luôn muốn tạo điều kiện để nhân sự được phát triển tốt nhất và có những bước tiến sự nghiệp tại Ngân hàng. Đặc biệt, với chương trình này, SCB đặt việc đào tạo và định hướng làm trọng tâm, là cơ hội phù hợp cho các ứng viên trẻ trau dồi bản thân, vững vàng nền tảng nghiệp vụ để toả sáng trong tương lai sự nghiệp ngành Ngân hàng”.

BIDV sắp rao bán loạt tài sản của Licogi 166 với giá khởi điểm 11 tỷ đồng

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Hà Nội có thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản của Công ty cổ phần Licogi 166 (HNX: LCS).

Tin ngân hàng ngày 23/9: Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng trần lãi suất huy động
BIDV sắp rao bán loạt tài sản của Licogi 166 với giá khởi điểm 11 tỷ đồng/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Lô tài sản bao gồm 6 máy công trình, một dây chuyền nghiền sàng đá và hai ô tô. Trong đó hai ô tô gồm Ford biển số 29C-797.81 sản xuất năm 2017 và ô tô tải HOWO biển số 29C-701.55 sản xuất năm 2015.

BIDV cho biết phần lớn các thiết bị này trong tình trạng để lâu không hoạt động, có máy đã cũ, nhiều chi tiết hư hỏng phải sửa chữa mới hoạt động lại. Giá khởi điểm dự kiến cho toàn bộ tài sản trên là hơn 11 tỷ đồng.

CTCP Licogi 166 tiền thân là Chi nhánh CTCP Licogi 16 tại Hà Nội, được thành lập ngày 18/5/2007. Lĩnh vực hoạt động chính của doanh nghiệp là thi công xây lắp, tập trung nguồn lực cho lĩnh vực sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng, thi công các công trình điện.

Kết quả kinh doanh năm 2021, doanh nghiệp báo lỗ hơn 67 tỷ đồng, trong khi năm 2020 lãi hơn 256 triệu đồng. Tính đến 31/12/2021, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn của doanh nghiệp là hơn 87,3 tỷ đồng.

Chia sẻ về lý do thua lỗ, doanh nghiệp cho biết ngoài khó khăn đến từ dịch bệnh Covid-19, doanh nghiệp còn gặp khó khăn về tài chính do công ty bị dính nợ xấu nhóm 5, ngân hàng không cấp tín dụng dẫn đến nhiều dự án của công ty đang theo đuổi để được giao thầu, hoặc dự án đã ký hợp đồng nhưng không có vốn nên bị dừng thi công hoặc chuyển giao cho đơn vị khác thực hiện như dự án đường tránh TP Buôn Ma Thuột, Dự án Đê An Vương.

Bên cạnh đó, Licogi 166 cũng cho biết các khoản vay ngắn hạn và trung hạn với các tổ chức tín dụng đến kỳ đã không trả được cho ngân hàng và rơi vào nợ xấu nhóm 5, cộng với nợ phải trả các nhà cung cấp lũy kế từ năm trước lớn. Công ty đã phải bán thanh lý các thiết bị theo yêu cầu của ngân hàng.

Cho đến nay, Licogi 166 vẫn chưa công bố báo cáo tài chính quý I, quý II. Cuối tháng 6, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) ra quyết định duy trì diện đình chỉ giao dịch đối với cổ phiếu LCS do Công ty tiếp tục vi phạm quy định về công bố thông tin, đồng thời chậm nộp báo cáo soát xét năm 2021 quá 6 tháng so với quy định.

Nguồn: Tin ngân hàng ngày 23/9: Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng trần lãi suất huy động

Huy Tùng (T/h)

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/