Tin ngân hàng ngày 29/4: Hệ sinh thái ngân hàng số - Lợi thế cạnh tranh của các nhà băng

14:48 | 29/04/2022

|
VPBank huy động thành công khoản vay hợp vốn quốc tế trị giá 600 triệu USD; LienVietPostBank hợp tác với IBM nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kỹ thuật số; Eximbank tổ chức Đại hội cổ đông bất thành… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.
Tin ngân hàng ngày 28/4: VietABank báo lãi quý 1/2022 gần gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoáiTin ngân hàng ngày 28/4: VietABank báo lãi quý 1/2022 gần gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái
Tin ngân hàng ngày 27/4: Quý 1/2022, Techcombank báo lãi trước thuế 6.800 tỷ đồng, tăng 23%Tin ngân hàng ngày 27/4: Quý 1/2022, Techcombank báo lãi trước thuế 6.800 tỷ đồng, tăng 23%

Hệ sinh thái ngân hàng số, lợi thế cạnh tranh của các nhà băng

Ngân hàng số ra đời không chỉ giúp các ngân hàng phục vụ hiệu quả, mang lại giá trị cho khách hàng mà còn góp phần xây dựng thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ toàn diện cho ngân hàng.

Tin ngân hàng ngày 29/4: Hệ sinh thái ngân hàng số - Lợi thế cạnh tranh của các nhà băng
Hệ sinh thái ngân hàng số, lợi thế cạnh tranh của các nhà băng

Nổi bật trong đó là hệ sinh thái số OneBank - “một chạm mọi trải nghiệm” từ Nam A Bank. Tại đây, khách hàng có thể thực hiện các giao dịch mọi lúc, bất kể cuối tuần hay ngày lễ. Điều này có nghĩa OneBank sẽ đáp ứng nhu cầu giao dịch ngân hàng của khách hàng bất cứ thời điểm nào trong ngày mà không phụ thuộc giờ hành chính, giúp khách hàng chủ động về thời gian.

Bên cạnh đó, hệ sinh thái số của ngân hàng này còn có Open Banking, Robot Opba với chức năng tư vấn, phục vụ khách hàng nhờ công nghệ AI hiện đại.

“Hệ sinh thái ngân hàng số là lựa chọn ưu việt, giúp cả 2 bên tiết kiệm thời gian và công sức, mang lại những trải nghiệm cao cấp cho khách hàng. Thời gian qua chúng tôi đã đầu tư, đổi mới công nghệ, cập nhật hàng loạt ứng dụng tiên tiến vào hệ sinh thái ngân hàng số nhằm mang đến những trải nghiệm khác biệt cho khách hàng, thực hiện chiến lược số hóa toàn diện”, đại diện Nam A Bank cho biết.

Chiến lược số hóa ngân hàng sẽ tạo ra cuộc đua tiến đến vị thế dẫn đầu của nhiều ngân hàng. Sự đầu tư mạnh mẽ về nguồn lực, kết hợp với công nghệ hiện đại sẽ mang đến nhiều lợi ích cho khách hàng. Cuộc đua số hóa này cũng góp phần định hình lĩnh vực ngân hàng, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của ngành trong thời gian tới.

VPBank huy động thành công khoản vay hợp vốn quốc tế trị giá 600 triệu USD

Ngày 28/4, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) thông báo đã rút vốn thành công toàn bộ khoản vay hợp vốn quốc tế trị giá 600 triệu USD, kỳ hạn 3 năm.

Khoản vay được đồng thu xếp và bảo lãnh phát hành toàn bộ bởi Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) và Maybank Securities Pte (Maybank). Các bên tham gia cho vay bao gồm: SMBC, Maybank, Cathay United Bank, CTBC Bank và State Bank of India.

Việc huy động thành công một khoản vay lớn trong khoảng thời gian ngắn, đặc biệt trong bối cảnh thị trường tài chính thế giới có nhiều biến động mạnh vừa qua là lời khẳng định uy tín VPBank đang ngày càng được nhiều đối tác nước ngoài đánh giá rất cao trên trường quốc tế.

Cuối năm 2021, VPBank cũng đã được tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới Moody’s Investors Service nâng mức đánh giá tín dụng cơ sở (BCA) từ B1 lên Ba3, ngang với xếp hạng quốc gia Moody’s dành cho Việt Nam, với triển vọng tích cực.

Như vậy, chỉ trong vòng chưa đến nửa năm, VPBank đã nhận được ba khoản vay hợp vốn quốc tế cùng được tham gia thu xếp bởi ngân hàng SMBC của Nhật Bản. Trước đó, cuối năm 2021, VPBank đã liên tiếp hai lần huy động thành công các khoản vay hợp vốn có tổng trị giá 300 triệu USD.

Trong kế hoạch kinh doanh 2022, VPBank kỳ vọng vào mức tăng trưởng tín dụng cao dựa trên sự phục hồi kinh tế đang ngày càng rõ nét và các kết quả kinh doanh khả quan của phân khúc khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ trong quý I/2022. Trong 3 tháng đầu năm 2022, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng đạt 10,3%, gấp đôi mức trung bình ngành.

Khoản vay 600 triệu USD nằm trong kế hoạch huy động vốn từ đầu năm của ngân hàng. Theo đó, VPBank sẽ có thêm nguồn lực quan trọng để củng cố nền tảng vốn, tăng trưởng bền vững và tiếp tục cung ứng các giải pháp hỗ trợ giúp khách hàng phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch.

LienVietPostBank hợp tác với IBM nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kỹ thuật số

Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) và IBM mới đây đã công bố việc IBM Consulting sẽ hỗ trợ LienVietPostBank đưa ra lộ trình chiến lược nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kỹ thuật số.

Với bề dày kinh nghiệm, cùng với khả năng tiếp cận các công nghệ mới nhất và tốt nhất, IBM được lựa chọn là đối tác chuyển đổi kỹ thuật số của ngân hàng. Thông qua sự hợp tác này, LienVietPostBank đặt mục tiêu đẩy nhanh quá trình áp dụng công nghệ thế hệ tiếp theo cùng các giải pháp sử dụng kỹ thuật số, giúp mang lại kết quả kinh doanh tốt hơn, cho phép triển khai ứng dụng nhanh hơn và mang lại sự nhanh nhạy với khả năng phục hồi và bảo mật được nâng cao.

LienVietPostBank sẽ tận dụng kinh nghiệm của IBM Consulting trong việc xây dựng và áp dụng Kiến trúc Tổng thể (Enterprise Architecture) thế hệ tiếp theo để giúp ngân hàng này thiết lập một lộ trình chuyển đổi kỹ thuật số và bổ sung cho hệ sinh thái công nghệ thông tin (CNTT) hiện có, phù hợp với chiến lược kinh doanh của ngân hàng.

LienVietPostBank cũng có thể thúc đẩy quá trình chuyển đổi nhanh hơn và hiệu quả hơn bằng cách hiện đại hóa cơ sở hạ tầng CNTT, áp dụng và triển khai hiệu quả các công nghệ nền tảng như điện toán đám mây, phân tích và khai thác dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo… vào các hệ thống và dịch vụ của mình, giúp ngân hàng cải thiện trải nghiệm khách hàng và tối ưu hóa chi phí vận hành, tạo ra các mô hình kinh doanh phi truyền thống mới và áp dụng hình thức làm việc kỹ thuật số mới trong tương lai.

Eximbank tổ chức Đại hội cổ đông bất thành

Theo kế hoạch, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 vào sáng ngày 28/4.

Tin ngân hàng ngày 29/4: Hệ sinh thái ngân hàng số - Lợi thế cạnh tranh của các nhà băng
Ngày 28/4, Eximbank tổ chức Đại hội cổ đông bất thành

Tuy nhiên, tính đến lúc 9h ngày 28/4, bà Phạm Thị Mai Phương - Thành viên BKS kiêm Trưởng ban thẩm tra tư cách cổ đông - thông báo có 90 cổ đông và đại diện cổ đông tham dự. Số lượng cổ phần tham dự tương ứng là gần 688,5 triệu cổ phiếu, chiếm 56% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Theo điều lệ của ngân hàng, tỷ lệ này không đáp ứng đủ yêu cầu để tiến hành cuộc họp cổ đông thường niên lần đầu. Như vậy, đại hội lần này chưa thể tiến hành và sẽ có kế hoạch cho lần thứ 2.

Đây là tỷ lệ rất thấp, cho thấy lại có những bất đồng về quan điểm của các nhóm cổ đông lớn. Cuộc họp cổ đông bất thường gần nhất vào giữa tháng 2 vừa qua có tỷ lệ tham dự lên đến gần 95%.

Theo kế hoạch ban đầu, kỳ họp cổ đông thường niên 2022 của Eximbank sẽ lấy ý kiến về các kết quả và kế hoạch kinh doanh, giải trình bán cổ phiếu STB hay đầu tư trụ sở chính...

Cụ thể, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2022 đạt 2.500 tỷ đồng, cao hơn gấp đôi kết quả năm 2021. Nếu được thông qua, đây sẽ là mức lợi nhuận lớn nhất từ 2012 đến nay.

HĐQT ngân hàng cũng dự kiến trình cổ đông thông qua báo cáo kết quả chuyển nhượng cổ phiếu STB của Sacombank. Đây là báo cáo giải trình theo yêu cầu của Cục Thanh tra giám sát NHNN TP HCM đưa ra từ năm 2018 nhưng đến nay mới báo cáo với cổ đông.

Trong trường hợp cổ đông thông qua báo cáo thì Ban điều hành Eximbank phải nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm, tự đề xuất hướng xử lý đối với tổ chức, cá nhân có liên quan.

Ngược lại, nếu các cổ đông không thông qua, cơ quan quản lý yêu cầu ban lãnh đạo Eximbank xác định cụ thể trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan, chịu trách nhiệm bồi hoàn số tiền hơn 6,3 tỷ đồng (chưa bao gồm thuế và phí) cho ngân hàng.

Một nội dung khác được HĐQT dự kiến trình cổ đông là chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng trụ sở Eximbank tại số 7 Lê Thị Hồng Gấm bằng 100% nguồn vốn tự có.

Nguồn: Tin ngân hàng ngày 29/4: Hệ sinh thái ngân hàng số - Lợi thế cạnh tranh của các nhà băng

Huy Tùng

kinhtexaydung.petrotimes.vn