Tin ngân hàng ngày 30/6: Số dư tài khoản thanh toán của người dân vượt 1 triệu tỉ đồng

13:17 | 30/06/2022

|
NHNN hút ròng gần 100.000 tỉ đồng qua kênh tín phiếu, lãi suất liên ngân hàng nhích tăng; Shinhan Life Việt Nam hợp tác với Shinhan Finance mở rộng kênh phân phối bảo hiểm; Chuyển tiền quốc tế miễn phí trên MBBank… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.
Tin ngân hàng ngày 29/6: Sacombank mắc kẹt với phát mãi dự án KCN Phong Phú hàng nghìn tỉ đồngTin ngân hàng ngày 29/6: Sacombank mắc kẹt với phát mãi dự án KCN Phong Phú hàng nghìn tỉ đồng
Tin ngân hàng ngày 28/6:  Siết cho vay đặt cọc dự án hình thành trong tương laiTin ngân hàng ngày 28/6: Siết cho vay đặt cọc dự án hình thành trong tương lai

Số dư tài khoản thanh toán của người dân vượt 1 triệu tỉ đồng

Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, số dư tiền gửi trên tài khoản thanh toán cá nhân trong hệ thống ngân hàng đã ghi nhận xu hướng tăng mạnh trong 2 quý tính đến hết quý I/2022.

Tin ngân hàng ngày 30/6: Số dư tài khoản thanh toán của người dân vượt 1 triệu tỉ đồng
Số dư tài khoản thanh toán của người dân vượt 1 triệu tỉ đồng

Trong đó, chỉ tính riêng quý I năm nay, số dư này đã tăng gần 103.600 tỉ đồng, tương đương tăng hơn 11% và chính thức vượt mốc 1 triệu tỉ đồng.

Tài khoản thanh toán, về bản chất thì nó là một dạng tài khoản ngân hàng đơn thuần, nhưng xét về chức năng thì đa dạng hơn. Đây là tài khoản giúp cho người dùng có thể chuyển khoản ngân hàng, thanh toán các hóa đơn… Chính vì thế các khách hàng thường để tiền trong tài khoản thanh toán là nhằm phục vụ cho công việc chi tiêu của mình.

Tiền gửi trên tài khoản thanh toán chỉ có chức năng thanh toán, không sinh ra được lợi nhuận như tài khoản tiết kiệm.

Ngoài ra, tính đến hết quý I/2022, số lượng tài khoản thanh toán cá nhân cũng tăng khoảng 3.500 tài khoản so với thời điểm cuối quý IV/2021, lên 118.645 tài khoản.

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, Việt Nam đang phát triển mạnh thanh toán không dùng tiền mặt với tốc độ tăng trưởng về giao dịch thanh toán di động bình quân hàng năm đạt hơn 90%, các hoạt động mở tài khoản thanh toán.

Nhiều ngân hàng Việt Nam có trên 90% giao dịch trên kênh số; gần 70% người trưởng thành có tài khoản thanh toán; khoảng 1,1 triệu tài khoản Mobile-Money đã được mở, khoảng 60% trong đó được mở tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa...

Trong khi đó, cũng theo số liệu cập nhật từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết tháng 3/2022, tổng phương tiện thanh toán đạt hơn 13,86 triệu tỉ đồng, tăng 3,45% so với cuối năm 2021. Trong đó, tiền gửi tiết kiệm của cư dân đạt 5,47 triệu tỉ đồng, tăng hơn 170.000 tỉ so với thời điểm cuối năm 2021, tương đương mức tăng 3,28%. Đáng chú ý, mức tăng này lớn hơn mức tăng của cả năm 2021 - chỉ hơn 158.000 tỉ đồng.

Trong khi đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế vào các tổ chức tín dụng tính đến cuối tháng 3 là 5,86 triệu tỉ đồng, tăng 3,9% so với thời điểm cuối năm 2021.

NHNN hút ròng gần 100.000 tỉ đồng qua kênh tín phiếu, lãi suất liên ngân hàng nhích tăng

Theo thông tin mới cập nhật về diễn biến trên thị trường mở, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hút thêm 30.000 tỉ đồng khỏi hệ thống thông qua nghiệp vụ bán tín phiếu.

Cụ thể, trong hai phiên giao dịch ngày 27/6 và 28/6, NHNN đã bán thành công 15.000 đồng tín phiếu kỳ hạn 7 ngày với lãi suất bình quân là 0,65% - thấp hơn so với mức lãi suất của những phiên trước đó (0,7%).

Trong tuần trước, NHNN đã bất ngờ tái khởi động kênh phát hành tín phiếu trên hoạt động thị trường mở sau hơn hai năm ngừng hoạt động này nhằm hỗ trợ thanh khoản. Tổng lượng tiền NHNN hút ròng qua kênh tín phiếu đạt 69.800 đồng chỉ sau 4 phiên giao dịch, với kỳ hạn 7 ngày và lãi suất bình quân 0,7%.

Như vậy, tính cả 2 phiên giao dịch ngày 27-28/6, NHNN đã hút ròng gần 100.000 tỉ đồng thông qua hoạt động thị trường mở.

Đáng chú ý, trong đợt điều tiết lần này, NHNN đã không ấn định lãi suất phát hành như những trước đó mà sử dụng hình thức đấu thầu lãi suất. Thanh khoản dư thừa trong hệ thống khiến lãi suất phát hành chỉ ở mức 0,65-0,7% - thấp hơn nhiều so với lãi suất kỳ hạn 1 tuần trên thị trường liên ngân hàng.

Sau hành động của NHNN, lãi suất liên ngân hàng đã tăng nhẹ, kết tuần 20-24/6, lãi suất kỳ hạn qua đêm ở 0,66% (tăng 0,09 điểm %) và 1 tuần ở 1,46% (tăng 0,12 điểm %).

Theo CTCP Chứng khoán SSI, thực tế động thái nhanh chóng hút tiền về của NHNN là phù hợp trong ngắn hạn nhằm giảm áp lực lên đồng VND và cũng các giúp NHTM giải quyết vấn đề thừa thanh khoản tiền đồng.

Trong thời gian qua, trần tăng trưởng tín dụng chưa được nới khiến thanh khoản tiền đồng thừa và đã đẩy lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng xuống thấp. Chênh lệch âm giữa lãi suất VND và USD giảm xuống dưới 0% và khiến nhu cầu nắm giữ USD nhanh chóng tăng trong hệ thống.

Việc hút bớt tiền đồng thông qua kênh tín phiếu sẽ phần nào thu hẹp chênh lệch giữa lãi suất VND và USD và do vậy giảm bớt áp lực lên VND, giúp NHNN có dư địa điều hành trong trung hạn.

Mặt khác, báo cáo mới đây của Chứng khoán Bảo Việt cho biết trong khoảng 1,5 tháng gần đây, lãi suất liên ngân hàng liên tục có diễn biến giảm và hiện vẫn đang ở mặt bằng rất thấp so với giai đoạn đầu năm 2022 cũng như cả năm 2021.

Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng đã có phần chững lại sau khoảng thời gian tăng mạnh. Việc các NHTM tiến sát tới mức tín dụng được NHNN cấp từ đầu năm đã khiến cho nhiều NHTM phải dừng việc giải ngân tín dụng, làm dư thừa thanh khoản hệ thống.

Trước diễn biến này, NHNN đã có động thái sử dụng lại công cụ bán hẳn trên hoạt động thị trường mở sau 2 năm kênh này đóng băng để hút về nguồn vốn đang dư thừa trên hệ thống ngân hàng, qua đó kiểm soát lãi suất liên ngân hàng.

Shinhan Life Việt Nam hợp tác với Shinhan Finance mở rộng kênh phân phối bảo hiểm

Vừa qua, tại TP. Hồ Chí Minh, Công ty TNHH Bảo hiểm Shinhan Life Việt Nam (Shinhan Life Việt Nam) và Công ty Tài chính TNHH MTV Shinhan Việt Nam (Shinhan Finance) đã ký kết hợp tác kinh doanh bảo hiểm. Theo đó, Shinhan Finance sẽ trở thành đối tác chiến lược của Shinhan Life Việt Nam và triển khai cung cấp sản phẩm bảo hiểm nhân thọ của Shinhan Life Việt Nam trên các kênh phân phối của Shinhan Finance.

Theo thỏa thuận hợp tác, từ tháng 6/2022, Shinhan Finance tư vấn và giới thiệu các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ của Shinhan Life Việt Nam đến khách hàng của Shinhan Finance trên toàn quốc với sản phẩm Shinhan - Tín Dụng (Sản phẩm Bảo hiểm Tử kỳ dư nợ tín dụng).

Chia sẻ về chương trình hợp tác chiến lược này, ông Lee Eui Chul - Tổng Giám đốc Shinhan Life Việt Nam cho biết: Bên cạnh danh mục sản phẩm bảo hiểm nhân thọ đang ngày càng đa dạng, Shinhan Life tiếp tục tập trung phát triển các kênh phân phối, đặc biệt là hợp tác kinh doanh cùng các công ty trong cùng Tập đoàn Tài chính Shinhan. Những năm gần đây, khách hàng Việt Nam đã hiểu hơn nhiều về tầm quan trọng của bảo hiểm nhân thọ, nắm bắt những cơ hội này để cung cấp những kế hoạch tài chính phù hợp cho khách hàng. Sự hợp tác cùng Shinhan Finance sẽ mở ra những cơ hội mới về danh mục sản phẩm, nguồn khách hàng cùng các dịch vụ tài chính phù hợp, đồng thời thể hiện cam kết gắn bó lâu dài của Shinhan Life Việt Nam tại thị trường Việt Nam trong thời gian tới.

Tại lễ ký kết, ông Oh TaeJoon - Tổng Giám đốc Shinhan Finance khẳng định: Thông qua chương trình hợp tác với Shinhan Life Việt Nam, các khách hàng của Shinhan Finance sẽ dễ dàng và thuận tiện hơn khi tiếp cận các dịch vụ bảo hiểm và an tâm hơn khi sử dụng các dịch vụ tài chính của công ty.

“Shinhan Finance sẽ tiếp tục mang đến cho khách hàng những trải nghiệm mới, giá trị mới khi sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính của công ty. Chúng tôi sẽ không ngừng kiến tạo những giải pháp tài chính ưu việt và những đóng góp có ý nghĩa đến cộng đồng”, ông Oh TaeJoon nhấn mạnh.

Ngoài việc cung cấp ra thị trường những sản phẩm và dịch vụ tiện ích nhất, Shinhan Life Việt Nam và Shinhan Finance cũng sẽ hợp tác xây dựng những sản phẩm, dịch vụ phù hợp với nhu cầu riêng của từng nhóm khách hàng để mang đến những giá trị cao nhất cho các khách hàng của mình.

Chuyển tiền quốc tế miễn phí trên MBBank

Khách hàng được miễn phí chuyển tiền cho thân nhân ở nước ngoài với hạn mức tới 100.000 USD (hoặc ngoại tệ khác quy đổi tương đương) mỗi giao dịch.

Tin ngân hàng ngày 30/6: Số dư tài khoản thanh toán của người dân vượt 1 triệu tỉ đồng
Chuyển tiền quốc tế miễn phí trên MBBank

Những năm gần đây, nhu cầu chuyển tiền, thanh toán quốc tế tăng cao. Nắm bắt tình hình, các ngân hàng tại Việt Nam tích cực ứng dụng chuyển đổi số để nâng cấp các tính năng của ứng dụng ngân hàng trên điện thoại di động.

Với khách hàng của Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), chỉ với một chiếc điện thoại và thao tác trên ứng dụng MBBank, chủ tài khoản có thể chuyển tiền quốc tế ngay tại nhà mà không phải di chuyển tới các quầy giao dịch.

Cụ thể, người dùng truy cập vào ứng dụng MBBank, chọn tính năng chuyển tiền quốc tế, tạo lệnh chuyển tiền, chọn mục đích chuyển tiền theo danh mục hiển thị và làm theo các hướng dẫn trên ứng dụng. Nếu chưa có tài khoản ngoại tệ, khách hàng cũng có thể chủ động mở online ngay trên MBBank.

Theo đó, khách hàng có thể đặt cọc phí du học, thanh toán học phí, chi phí khám chữa bệnh, chuyển tiền trợ cấp và sinh hoạt phí cho thân nhân đang ở nước ngoài với hạn mức lên tới 100.000 USD (hoặc ngoại tệ khác quy đổi tương đương) mỗi giao dịch. Mọi giao dịch chuyển tiền của khách hàng trên ứng dụng MBBank được bảo mật với độ an toàn cao.

Đặc biệt, khách hàng của MB được miễn phí hoàn toàn phí chuyển tiền quốc tế online. Bên cạnh đó, khách hàng được tham khảo tỉ giá và phí chuyển tiền ưu đãi trước khi thực hiện giao dịch cũng như chủ động theo dõi tình trạng xử lý hồ sơ tại MB từ khi tạo lệnh đến khi giao dịch thành công. Thời gian xử lý giao dịch nhanh chóng, tra cứu lịch sử giao dịch dễ dàng.

Theo thống kê của MB, số lượng khách hàng dùng ứng dụng MBBank tăng 3,1 lần trong năm 2021, giao dịch trên ngân hàng số tăng 4,3 lần. Số lượng khách hàng mới đến với MB trong năm 2021 gần bằng 26 năm trước đây. Tính đến đầu quý II năm nay, MB có 13 triệu khách hàng, trong đó 11 triệu khách hàng dùng nền tảng số.

Nguồn: Tin ngân hàng ngày 30/6: Số dư tài khoản thanh toán của người dân vượt 1 triệu tỉ đồng

Huy Tùng

kinhtexaydung.petrotimes.vn