Tin ngân hàng ngày 3/10: NHNN tăng lãi suất điều hành để đối phó với áp lực phá giá VND

20:51 | 03/10/2022

|
OCB triển khai phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu; Ngân hàng số Timo có Chủ tịch và Giám đốc điều hành mới; VietinBank rao bán bến xe bỏ hoang 10 năm ở Đà Nẵng để thu hồi nợ… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.
Tin ngân hàng ngày 1/10: Trình phương án tăng vốn cho “Big 4” và 15 ngân hàng thương mạiTin ngân hàng ngày 1/10: Trình phương án tăng vốn cho “Big 4” và 15 ngân hàng thương mại
Tin ngân hàng ngày 30/9: Lãi suất huy động được đẩy lên 8,2%/nămTin ngân hàng ngày 30/9: Lãi suất huy động được đẩy lên 8,2%/năm

NHNN tăng lãi suất điều hành để đối phó với áp lực phá giá đồng VND

Vừa qua, Chứng khoán ACB (ACBS) ước tính từ đầu năm đến cuối tháng 6/2022, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bán ra tới 15 tỷ USD; kể từ tháng 7/2022, khi NHNN tăng tỷ giá chào bán từ 23.250 lên 23.400 VND/USD, có thêm 5,7 tỷ USD đã được bán ra, dẫn đến dự trữ ngoại hối giảm xuống còn khoảng 90 tỷ USD.

Tin ngân hàng ngày 3/10: NHNN tăng lãi suất điều hành để đối phó với áp lực phá giá VND
NHNN tăng lãi suất điều hành để đối phó với áp lực phá giá đồng VND/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Theo ACBS, những động thái gần đây của NHNN nhằm tăng lãi suất điều hành thêm 100 điểm cơ bản là một hành động nhằm đối phó với áp lực phá giá ngày càng tăng đối với đồng VND, chứ không phải là một động thái cố gắng làm giảm nhu cầu trước tình hình lạm phát gia tăng.

ACBS cho rằng, đồng VND đã phải đối mặt với áp lực giảm giá từ một số mặt, bao gồm việc tăng lãi suất dự kiến sẽ tiếp tục trong suốt nửa cuối năm 2022 của hơn 16 Ngân hàng Trung ương lớn trên thế giới, đặc biệt là Mỹ (FED) và Anh (BOE).

Bước sang năm 2023, nhóm phân tích dự báo áp lực lạm phát sẽ vẫn còn trong một vài tháng đầu năm, nếu hành động của các Ngân hàng Trung ương có tác động như dự kiến và lạm phát được kiểm soát, dự kiến chính sách tiền tệ có thể được nới lỏng trong nửa cuối năm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sẽ lại trở thành ưu tiên của các nhà hoạch định chính sách.

Theo ACBS, FED cùng với BOE và ECB đang ngừng tái đầu tư tài sản đáo hạn và bắt đầu thu hẹp giá trị tài sản trên bảng cân đối kế toán của họ (còn được gọi là chương trình Thắt chặt Định Lượng). Morgan Stanley ước tính rằng bảng cân đối kế toán của các ngân hàng trung ương bị ảnh hưởng nặng nề nhất sẽ giảm khoảng 4 nghìn tỷ USD vào cuối năm tới. Những sự kiện này sẽ ảnh hưởng đến giá trị VND trong những tháng tới.

Ngoài ra, lạm phát vẫn thấp và được kiểm soát dưới 4%; Xuất khẩu, động lực tăng trưởng kinh tế chính của Việt Nam, tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khi hoạt động sản xuất dần phục hồi và dự kiến sẽ tiếp tục đi lên trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu phục hồi; FDI giải ngân tăng mạnh trong 8 tháng đầu năm 2022 (+10,5 %).

Bên cạnh đó, sự hỗ trợ từ NHNN để giữ chênh lệch lãi suất dương giữa lãi suất VND và USD liên ngân hàng cũng giúp ổn định tỷ giá VND/USD. Ngoài ra, với nguồn dự trữ ngoại hối hiện cũng ở mức tương đối dồi dào (ước tính còn lại khoảng 90 tỷ USD) và việc mạnh tay tăng các loại lãi suất điều hành vừa qua sẽ góp phần duy trì sự ổn định của VND trong những tháng tới.

OCB triển khai phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu

Mới đây, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) vừa công bố việc triển khai tăng vốn điều lệ lên hơn 17.808 tỷ đồng thông qua hình thức phát hành cổ phiếu thưởng 30% cho cổ đông hiện hữu từ nguồn vốn chủ sở hữu.

Theo thông tin công bố ngày 30/9/2022, Hội đồng Quản trị OCB đã thông qua triển khai tăng vốn điều lệ bằng hình thức phát hành cổ phiếu thưởng 30% cho cổ đông hiện hữu từ nguồn vốn chủ sở hữu. Theo đó, vốn điều lệ của OCB tăng thêm hơn 4.109 tỷ đồng, từ hơn 13.698 tỷ đồng lên hơn 17.808 tỷ đồng sau khi có chấp thuận của cơ quan chức năng.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên vào ngày 23/4/2022, trong phương án trình đến cổ đông, OCB cho biết sẽ tiếp tục tăng vốn điều lệ thông qua các hình thức: (i) phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (50 tỷ đồng đồng), phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho Ngân hàng Aozora (8,82 tỷ đồng) và (ii) phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 30%.

Hiện nay, OCB đã công bố nghị quyết không tiếp tục thực hiện việc phát hành ESOP và phát hành riêng lẻ này trong tháng 9 mà sẽ được thực hiện vào thời điểm khác phù hợp với quy định. Thay vào đó, OCB sẽ triển khai việc phát hành cổ phiếu thưởng 30% cho cổ đông hiện hữu.

Theo báo cáo kết quả kinh doanh nửa đầu năm, OCB ghi nhận kết quả khả quan với nhiều mảng kinh doanh cốt lõi, đặc biệt trong lĩnh vực số hóa. Cụ thể, nhà băng này kết hợp với đối tác BĐS giới thiệu nền tảng Unlock Dream Home (Mở khoá ngôi nhà mơ ước) và nhận được sự quan tâm lớn trên thị trường vay mua nhà.

Chỉ sau một thời gian ngắn triển khai, đã có gần 200.000 lượt truy cập vào website Unlock Dream Home, hơn 5.000 người đăng ký được tư vấn và hơn 26.000 bất động sản đa dạng ở nhiều tỉnh thành cùng hàng trăm khách hàng đã được tiếp cận khoản vay và chọn được ngôi nhà như ý.

Các sản phẩm số khác cũng được OCB liên tục mở rộng thêm nhiều tính năng. Cụ thể, tại ứng dụng ngân hàng số OCB OMNI đã tích hợp hơn 150 sản phẩm dịch vụ và tiện ích tài chính trên app, cung cấp đầy đủ các dịch vụ ngân hàng.

Ngân hàng số Timo có Chủ tịch và Giám đốc điều hành mới

Mới đây, Ngân hàng số Timo (Timo) đã có thông báo về việc bổ nhiệm Chủ tịch điều hành và Giám đốc điều hành mới. Theo đó, ông Nguyễn Bảo Hoàng trở thành tân Chủ tịch điều hành Timo.

Theo thông báo của Timo, trong 2 năm qua, ông Bảo Hoàng đã theo sát giai đoạn phát triển nhanh chóng của Timo, giúp Timo tăng trưởng bền vững. Với tư cách Chủ tịch điều hành, ông Bảo Hoàng sẽ tiếp tục tham gia sâu vào việc định hướng chiến lược để Timo trở thành một công ty cốt lõi trong nền kinh tế số hóa nhanh chóng của Việt Nam.

Ông Bảo Hoàng hiện cũng đang giữ chức Chủ tịch của Phoenix Holdings và McDonald's Việt Nam.

Người kế nhiệm ông Bảo Hoàng làm Giám đốc điều hành Timo là ông Jonas Eichhorst. Ông Jonas Eichhorst lần đầu tiên tham gia vào hội đồng quản trị của Timo vào năm 2020 với vị trí Giám đốc Tài chính.

Trong 15 năm qua, ông Jonas đã đảm nhiệm nhiều vai trò trong hội đồng quản trị và điều hành, đầu tư và xây dựng các doanh nghiệp công nghệ ở nhiều quốc gia khác nhau bao gồm Singapore, Việt Nam, Ấn Độ, Pakistan...

Được biết, ông Nguyễn Bảo Hoàng sinh năm 1974 tại TP HCM, sau đó ông sang Mỹ định cư cùng gia đình.

Ông Bảo Hoàng tốt nghiệp cử nhân Quản trị kinh doanh Đại học Harvard, bác sĩ Y khoa trường Đại học Northwestern và thạc sĩ Quản trị kinh doanh của trường Kellogg School of Management, Mỹ.

Trước khi đầu quân cho Ngân hàng số Timo, ông Bảo Hoàng là Tổng giám đốc quỹ đầu tư IDG Venture Việt Nam (IDGVV), chuyên đầu tư vào các công ty thuộc lĩnh vực tiêu dùng, công nghệ, truyền thông và viễn thông tại Việt Nam từ năm 2004.

Ông Bảo Hoàng cũng từng có thời gian giữ chức vụ Giám đốc điều hành công ty VITC tại khu vực châu Á và là cộng sự tại Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs tại NewYork, chuyên nghiên cứu về các công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ và phát triển phần mềm; trường Y Harvard và bệnh viện Memorial Northwestern.

Ngoài ra, ông Bảo Hoàng là người có công lớn đưa chuỗi cửa hàng ăn nhanh hàng đầu thế giới McDonald's về Việt Nam từ đầu năm 2014. Những nhà hàng đầu tiên được đặt tại TP HCM do chính ông quản lý.

VietinBank rao bán bến xe bỏ hoang 10 năm ở Đà Nẵng để thu hồi nợ

Theo đó, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank) đang rao bán gồm quyền sử dụng đất cơ sở sản xuất kinh doanh với diện tích 3.180m2 và toàn bộ tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai đối với dự án Bến xe khách liên tỉnh phía Nam TP Đà Nẵng của Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai tại xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang.

Tin ngân hàng ngày 3/10: NHNN tăng lãi suất điều hành để đối phó với áp lực phá giá VND
VietinBank rao bán bến xe bỏ hoang 10 năm ở Đà Nẵng để thu hồi nợ/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Giá bán tối thiểu được VietinBank đưa ra là hơn 48 tỷ đồng, toàn bộ số tiền thu được sẽ dùng để thanh toán nợ vay của Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai tại Vietinbank.

VietinBank sẽ phối hợp bên có tài sản để thực hiện chuyển nhượng tài sản cho người mua có phương án chuyển nhượng khả thi và trả giá cao nhất.

Bến xe phía Nam Đà Nẵng do Công ty CP Đức Long Đà Nẵng (thuộc Cty CP tập đoàn Đức Long Gia Lai) đầu tư gần 130 tỷ đồng, đưa vào sử dụng nhưng đến nay gần như bỏ hoang, trang thiết bị hư hỏng.

Bến xe nằm trên trục QL1A thuộc thôn Quá Giáng (Hòa Phước, Hòa Vang, Đà Nẵng) có diện tích hơn 30.000 m2 (giai đoạn 1) xây dựng khang trang, đầy đủ các hạng mục: nhà chờ, phòng bán vé, bãi đỗ xe theo tuyến, các công trình dịch vụ tiện ích, nhà nghỉ, trạm y tế, quầy vé… theo chuẩn bến xe loại 1.

Tháng 9/2012, Bến xe phía Nam khánh thành, năng lực khai thác lên đến 800 - 1.000 lượt xe xuất bến/ngày.

Theo tìm hiểu của PV, hiện trạng bến xe vắng lặng là do chỉ sau 2 năm đưa vào hoạt động, các nhà xe, doanh nghiệp vận tải hành khách rút khỏi bến, lần lượt chuyển về đăng ký tuyến tại Bến xe Trung tâm Đà Nẵng.

Nguyên nhân là Bến xe phía Nam quá xa trung tâm thành phố Đà Nẵng, việc phân luồng, tuyến cũng có những bất hợp lý. Cụ thể, thay vì được phân đúng luồng tuyến đã quy hoạch cho Bến xe phía Nam, tháng 11/2012, UBND TP Đà Nẵng có văn bản chỉ đạo không đồng ý điều chuyển một số hoạt động vận tải khách từ Bến xe Trung tâm Đà Nẵng về Bến xe phía Nam.

Sau nhiều năm không hoạt động, một số hạng mục của bến xe bị hư hỏng, xuống cấp và VietinBank rao bán để thu hồi nợ vay của Công ty CP Đức Long Đà Nẵng.

Nguồn: Tin ngân hàng ngày 3/10: NHNN tăng lãi suất điều hành để đối phó với áp lực phá giá VND

Vân Anh

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/