Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Đã có hướng xử lý hai ngân hàng yếu kém CBBank và OceanBank

11:55 | 15/05/2022

|
Triển khai dịch vụ thu ngân sách nhà nước tại LienVietPostBank; Ông Phan Ngọc Hòa thôi giữ chức Phó tổng giám đốc VPBank; 4 Ngân hàng Việt lọt Top 2.000 doanh nghiệp lớn nhất thế giới của Forbes; Hệ thống mua bán vàng vật chất trực tuyến eGold ra mắt tính năng mới… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật trong tuần qua.
Tin ngân hàng ngày 13/5: BIDV rao bán nhiều tài sản thế chấp của Thép Việt NhậtTin ngân hàng ngày 13/5: BIDV rao bán nhiều tài sản thế chấp của Thép Việt Nhật
Tin ngân hàng ngày 12/5: Tài xế công nghệ có thể vay vốn từ ứng dụng gọi xe với lãi suất ưu đãiTin ngân hàng ngày 12/5: Tài xế công nghệ có thể vay vốn từ ứng dụng gọi xe với lãi suất ưu đãi

Đã có hướng xử lý hai ngân hàng yếu kém CBBank và OceanBank

Chính phủ vừa có Báo cáo "Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022".

Trong đó, Chính phủ đã tổ chức tổng kết, đánh giá tình hình triển khai Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 và xây dựng, hoàn thiện Đề án cho giai đoạn 2021-2025.

Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Đã có hướng xử lý hai ngân hàng yếu kém CBBank và OceanBank
Đã có hướng xử lý hai ngân hàng yếu kém CBBank và OceanBank

Đặc biệt, Chính phủ đã chủ động, tích cực triển khai nhiều giải pháp để xử lý 3 ngân hàng mua bắt buộc và Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á, tìm kiếm đối tác, đàm phán với các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài có nguyện vọng tham gia cơ cấu lại ngân hàng; sắp xếp lại mạng lưới hoạt động, tiết giảm chi phí, triển khai các hoạt động kinh doanh an toàn... trên nguyên tắc quyết liệt, thận trọng, chặt chẽ.

Đồng thời, rà soát, hoàn thiện phương án cơ cấu lại theo định hướng mới, trong đó đã có phương án xử lý đối với Ngân hàng Xây dựng (CBBank) và Ngân hàng Đại dương (OceanBank).

Được biết, Vietcombank và MB là hai ngân hàng đã được lựa chọn để tham gia tái cơ cấu hai ngân hàng yếu kém theo hình thức chuyển giao bắt buộc (CGBB).

Về nội dung cơ bản của việc nhận CGBB, sau khi Vietcombank và MB nhận CGBB, TCTD hoạt động dưới hình thức ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Vietcombank và MB sở hữu 100% vốn điều lệ, là pháp nhân độc lập và không thực hiện hợp nhất BCTC vào BCTC hợp nhất của hai ngân hàng nhận chuyển giao.

Hai ngân hàng nhận chuyển giao sẽ không góp vốn vào TCTD trong thời gian TCTD còn lỗ lũy kế, đồng thời, không chịu trách nhiệm về thanh khoản và các nghĩa vụ tài chính của TCTD trong thời gian thực hiện phương án CGBB.

Vietcombank và MB sẽ tham gia quản trị, điều hành và triển khai các biện pháp hỗ trợ tại Phương án CGBB được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Đồng thời, cả hai bên nhận chuyển giao và được chuyển giao đều được áp dụng các biện pháp hỗ trợ theo quy định tại Luật các tổ chức tín dụng, các quy định của pháp luật có liên quan được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt tại Phương án CGBB.

Triển khai dịch vụ thu ngân sách nhà nước tại LienVietPostBank

Vừa qua, Kho bạc Nhà nước (KBNN) Trung ương đã đồng ý cho Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) triển khai mở rộng dịch vụ phối hợp thu ngân sách nhà nước (NSNN) và thanh toán song phương điện tử (TTSPĐT) trên toàn quốc.

Mở rộng ngân hàng thu và đa dạng hóa phương thức thu NSNN là một trong những nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước nhằm tăng cường cải cách hành chính, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, hỗ trợ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp, tổ chức khi thực hiện nghĩa vụ với NSNN.

Trên thực tế, kể từ tháng 12/2021, LienVietPostBank đã triển khai thí điểm dịch vụ phối hợp thu NSNN với KBNN tại hai địa bàn Bến Tre và Hòa Bình. Ngân hàng hiện đang trong quá trình kết nối với KBNN các địa phương còn lại để triển khai mở rộng dịch vụ phối hợp thu NSNN và thanh toán song phương điện tử trên toàn quốc.

Với dịch vụ này, LienVietPostBank thực hiện kết nối trực tiếp với cổng thanh toán song phương điện tử của KBNN và thu các khoản từ các cá nhân, doanh nghiệp/tổ chức bao gồm thuế, phí, lệ phí, phạt vi phạm hành chính và các khoản thu khác của NSNN.

Khách hàng có thể nộp NSNN bằng các hính thức như nộp tiền mặt hoặc chuyển khoản tại quầy giao dịch của Ngân hàng, nộp online trên website Tổng Cục Thuế, website Tổng cục Hải quan, và cổng thanh toán dịch vụ công. Ngoài ra, LienVietPostBank hiện cũng đang làm việc với Tổng cục Thuế và KBNN để cho phép Khách hàng có thể nộp NSNN qua E-tax Mobile, dự kiến sẽ được Ngân hàng vận hành chính thức vào tháng 5/2022.

Dịch vụ thu NSNN được triển khai sẽ tạo thêm tiện ích cho khách hàng của LienVietPostBank. Ngoài việc có thêm nhiều sự lựa chọn về địa điểm và hình thức nộp NSNN, các giao dịch nộp NSNN của khách hàng được ghi nhận tức thời trên hệ thống tài khoản chuyên thu của KBNN mở tại LienVietPostBank.

Ông Phan Ngọc Hòa thôi giữ chức Phó tổng giám đốc VPBank

Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vừa có nghị quyết về việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông Phan Ngọc Hoà - Phó Tổng Giám đốc. Quyết định có hiệu lực từ ngày 10/5/2022.

Ông Phan Ngọc Hoà sinh năm 1971, có bằng Cử ngân Tài Chính - Đại học Kinh tế TP HCM. Ông Hoà từng đảm nhận nhiều vị trí quan trọng tại VPBank như Phó Tổng Giám đốc phụ trách Hội sở phía Nam kiêm Phó Giám đốc Khối Bán hàng và Kênh phân phối; Phó Tổng Giám đốc, Trưởng Văn phòng Đại diện Miền Nam kiêm Giám đốc Khối KHDN; Phó Tổng Giám đốc, Trưởng Văn phòng Đại diện Miền Nam...

Tính đến cuối năm 2021, ông Hoà sở hữu 693.712 cổ phiếu VPB, tương đương tỉ lệ sở hữu 0,015% vốn điều lệ ngân hàng, theo báo cáo thường niên 2021.

Mới đây, VPBank đã tổ chức thành công đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2022 và thông qua nhiều kế hoạch quan trọng như phương án tăng vốn khủng lên trên 79.000 tỉ đồng, mục tiêu lợi nhuận trước thuế gấp đôi năm trước đạt 29.662 tỉ đồng, tăng trưởng tín dụng 35%,...

ĐHĐCĐ cũng thông qua việc mua lại CTCP Bảo hiểm OPES, có vốn điều lệ 550 tỉ đồng. Theo đó, VPBank sẽ mua 100% hoặc phần lớn (dự kiến trên 90%) vốn cổ phần của công ty với giá dự kiến không quá 1,5 lần giá trị sổ sách của công ty.

Đại hội cổ đông sẽ xem xét uỷ quyền cho HĐQT được toàn quyền quyết định, tổ chức thực hiện, tìm kiếm các doanh nghiệp phù hợp để VPBank tham gia phương án này.

4 Ngân hàng Việt lọt Top 2.000 doanh nghiệp lớn nhất thế giới của Forbes

Tạp chí Forbes vừa công bố danh sách Global 2000 năm 2022 xếp hạng 2.000 doanh nghiệp lớn nhất thế giới theo 4 tiêu chí là doanh thu, lợi nhuận thuần, tổng tài sản và giá trị thị trường.

Forbes sử dụng số liệu tài chính của 12 tháng gần nhất tính đến ngày 22/4/2022 để xếp hạng các doanh nghiệp trên toàn cầu.

Theo Forbes, có 58 quốc gia sở hữu đại diện trong danh sách Global 2000 năm 2022. Trong đó, Mỹ tiếp tục là đất nước đứng đầu về số lượng doanh nghiệp lớn nhất toàn cầu với 590 công ty, tiếp theo là Trung Quốc/Hồng Kông (351) và Nhật Bản (196).

Việt Nam có 5 đại diện lọt trong Top 2000 là Vietcombank (xếp hạng 950), VietinBank (xếp hạng 1.560), Tập đoàn Hòa Phát (xếp hạng 1.564), BIDV (xếp hạng 1.605), và Techcombank (xếp hạng 1.854).

Forbes cho biết các doanh nghiệp trong danh sách Global 2000 năm nay có tổng doanh thu khoảng 47.600 tỉ USD, tổng lợi nhuận 5.000 tỉ USD, tổng tài sản 233.700 tỉ USD và tổng vốn hóa 76.500 tỉ USD.

Theo Forbes, mức vốn hóa tối thiểu trong danh sách năm nay là 7,6 tỉ USD, thấp hơn so với mức 8,26 tỉ USD của năm ngoái do thị trường chứng khoán toàn cầu diễn biến tiêu cực. Tuy nhiên, mức tối thiểu với cả ba tiêu chí còn lại là doanh thu, tài sản và lợi nhuận đều tăng.

Berkshire Hathaway của tỉ phú Warren Buffett lần đầu tiên giành lần đầu tiên giành vị trí số 1 kể từ khi Forbes công bố danh sách Global 2000 vào năm 2003; qua đó đẩy Ngân hàng Công thương Trung Quốc xuống vị trí thứ 2 sau 9 năm liên tiếp đứng đầu danh sách.

Nhóm dầu khí đã phục hồi nhanh chóng từ mức thấp của năm ngoái, nhờ giá dầu tăng. Trong đó, ExxonMobil vọt lên vị trí 15 từ vị trí 317 vào năm 2021 và Shell tăng từ vị trí 324 lên 16.

Hệ thống mua bán vàng vật chất trực tuyến eGold ra mắt tính năng mới

EGold là hệ thống mua bán vàng vật chất trực tuyến của Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI kết hợp với TPBank - Ngân hàng số hàng đầu Việt Nam, ứng dụng công nghệ hiện đại giúp khách hàng mua bán vàng ngay tại nhà dễ dàng chỉ cần máy tính, máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh có kết nối Internet. Với nhiều lợi ích vượt trội, an toàn, bảo mật và nhanh chóng, eGold là xu hướng mua bán vàng trong thời đại mới của kỷ nguyên số 4.0, là giải pháp toàn diện được khách hàng tin tưởng lựa chọn để giao dịch vàng, đặc biệt vào các dịp lễ, Tết nhu cầu tăng cao hoặc thời điểm giá vàng biến động lớn.

Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Đã có hướng xử lý hai ngân hàng yếu kém CBBank và OceanBank
Hệ thống mua bán vàng vật chất trực tuyến eGold ra mắt tính năng mới

Với mong muốn mang đến những trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng về dịch vụ, từ tháng 5/2022, eGold nâng cấp thêm 2 tính năng ưu việt: đăng ký tài khoản nhanh chóng chỉ cần thông tin cá nhân và nâng cấp hệ thống liên kết thanh toán với 54 ngân hàng. Việc ra mắt thêm các tính năng mới giúp người dùng thao tác nhanh chóng, thuận tiện, áp dụng thanh toán linh hoạt và tiết kiệm thời gian, gia tăng trải nghiệm vượt trội hơn cho khách hàng khi giao dịch vàng.

Chỉ với các thông tin cá nhân như số CMND/CCCD, số điện thoại, email, khách hàng có thể tạo lập ngay mã số khách hàng trên hệ thống mà không bắt buộc phải đăng ký tài khoản internet banking của TPBank như trước đây. Việc tạo lập tài khoản với các thông tin cá nhân cơ bản giúp đăng ký tài khoản dễ dàng hơn, tiết kiệm thời gian cho khách hàng

Ngoài việc kết nối thanh toán qua TPBank đã có sẵn trên eGold, trong phiên bản cập nhật mới này, người dùng sẽ được mở rộng thêm nhiều phương thức thanh toán mua/ bán vàng với số lượng liên kết lên tới 54 ngân hàng, gồm nhiều ngân hàng lớn hàng đầu Việt Nam.

Việc tích hợp thanh toán thêm hàng loạt các ngân hàng uy tín trên ứng dụng eGold của DOJI giúp người dùng có được trải nghiệm liền mạch, linh hoạt hơn khi giao dịch mua bán vàng trong mọi thời điểm. Tính năng này ra mắt nhằm đáp ứng phản hồi của khách hàng, mong muốn có thêm nhiều lựa chọn để thanh toán thuận tiện hơn trên ứng dụng.

Nguồn: Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Đã có hướng xử lý hai ngân hàng yếu kém CBBank và OceanBank

Huy Tùng

kinhtexaydung.petrotimes.vn