Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Kiến nghị với ngân hàng miễn phí nạp tiền vào tài khoản VETC

20:23 | 07/08/2022

|
Đầu tháng 8, lãi suất tiết kiệm tiếp tục tăng cao; Lãi trước thuế Nam A Bank đạt hơn 1,171 tỷ đồng, nợ xấu giảm 6%; Yêu cầu ngành ngân hàng phải hành động quyết liệt trong chuyển đổi số; KBank công bố kế hoạch mở rộng tại Việt Nam… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật trong tuần qua.
Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Chất lượng nợ xấu giảm, ACB có khả năng mất vốn tăng gần 60%Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Chất lượng nợ xấu giảm, ACB có khả năng mất vốn tăng gần 60%
Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Tiền gửi chảy mạnh vào hệ thống ngân hàngTin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Tiền gửi chảy mạnh vào hệ thống ngân hàng

Kiến nghị với ngân hàng miễn phí nạp tiền vào tài khoản VETC

Các nhà cung cấp dịch vụ đang tiếp tục đàm phán với các tổ chức tín dụng để xem xét liên kết dịch vụ và miễn phí khi nạp tiền vào tài khoản thu phí không dừng.

Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Kiến nghị với ngân hàng miễn phí nạp tiền vào tài khoản VETC
Kiến nghị với ngân hàng miễn phí nạp tiền vào tài khoản VETC/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Đối với vấn đề nạp tiền vào tài khoản phải mất phí, đại diện nhà cung cấp dịch vụ là VETC và VDTC cho biết hai đơn vị này không hề thu bất cứ loại phí nạp tiền nào của người dân, phí này là do phía ngân hàng hoặc đơn vị trung gian thanh toán theo quy định.

Hiện nay, có khoảng 10 kênh để nạp tiền vào tài khoản giao thông, nhà cung cấp dịch vụ đang tiếp tục đàm phán với các tổ chức tín dụng để xem xét liên kết dịch vụ và miễn phí khi nạp tiền vào tài khoản giao thông.

Hai nhà cung cấp dịch vụ cũng đã thông báo và khuyến nghị cho người dân nên sử dụng dịch vụ chuyển khoản miễn phí vào tài khoản ngân hàng của VETC hoặc VDTC bằng hình thức Internet banking để nạp tiền, nội dung chuyển khoản chỉ cần điền thông tin biển số xe hoặc số tài khoản giao thông là có thể đảm bảo thành công. Số tiền trong tài khoản giao thông thuộc quyền sở hữu và quản lý của khách hàng, khi xe đi qua trạm thì số tiền bị trừ sẽ thuộc quyền sở hữu của đơn vị cung cấp dịch vụ và số dư còn lại khách hàng có thể rút ra tùy theo nhu cầu của khách hàng.

Với ý kiến cho rằng hình thức trả tiền sau sẽ giải quyết được bất cập trong việc phải duy trì số dư, tính phí khi nạp tiền tài khoản ETC, đại diện Tổng cục Đường bộ cho biết sẽ xây dựng hành lanh pháp lý để áp dụng trong giai đoạn 2 của lộ trình thu phí không dừng, đặc biệt là phải phân tích rất nhiều tình huống xử lý như xe không chính chủ, phương thức thu hồi nợ, phát sinh nợ xấu và vấn đề đánh giá tín chấp của người sử dụng…

Đầu tháng 8, lãi suất tiết kiệm tiếp tục tăng cao

Trong số 36 ngân hàng được VnExpress khảo sát mới đây, có 14 nhà băng điều chỉnh lãi suất tăng. Đây là thời điểm có nhiều ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm nhất kể từ đầu năm đến nay.

Nhìn chung các ngân hàng tăng lãi suất ở tất cả kỳ hạn, phổ biến với biên độ trên 0,2% một năm. Nhiều nhà băng điều chỉnh mạnh 0,5% một năm như ABBank, ACB, Sacombank... Thậm chí, KienlongBank tăng đến 0,6% một năm cho tiền gửi một tháng tại quầy, mức tăng tương tự cũng được Techcombank áp cho kỳ hạn 6 và 9 tháng... Ngân hàng có mức tăng lãi suất tiết kiệm mạnh nhất hiện nay là Sacombank khi cộng thêm 0,65% một năm cho tiền gửi 9 tháng tại quầy và online.

So với tháng trước, lãi suất tiết kiệm 12 tháng toàn thị trường tăng 9 điểm cơ bản lên bình quân 6,16% tại quầy - mức tăng mạnh nhất từ đầu năm tới nay. Trong khi đó, mặt bằng lãi suất gửi online nhích thêm 3 điểm cơ bản, lên 6,37%. Với lãi suất tiền gửi trên 6% áp tại quầy có 23 ngân hàng; còn gửi online là 26 đơn vị.

Trong đợt này, vị trí quán quân về lãi suất cũng đã đổi chủ. CBBank đang dẫn đầu thị trường khi trả 7,45% cho tiền gửi 12 tháng tại quầy và 7,5% cho khách hàng gửi tiết kiệm online, tăng 0,3% so với trước. Mức lãi suất cao nhất thị trường được nhà băng này lập mới chỉ sau 3 tháng SCB vươn lên dẫn đầu thị trường khi trả lãi 7,3%.

Ngoài ra, việc các ngân hàng quốc doanh điều chỉnh lãi suất tiết kiệm sau thời gian dài cũng khiến tình hình thêm nóng lên. Vietcombank mới đây cộng 0,1% một năm vào lãi suất tiền gửi 1, 3 và 12 tháng tại quầy. Với khách hàng gửi tiết kiệm online, đơn vị này nâng 0,2% một năm ở tất cả kỳ hạn phổ biến. Hiện Vietcombank trả 5,6% cho tiền gửi 12 tháng tại quầy và 5,8% với kênh online.

Trước đó, BIDV và Agribank cũng đã điều chỉnh lãi suất tăng 0,1% cho kỳ hạn 12 tháng. Tuy nhiên các ngân hàng quốc doanh vẫn xếp ở nhóm cuối bảng với mức lãi tiền gửi rất thấp. Lãi suất tiết kiệm 12 tháng của Agribank, Vietcombank, BIDV và Vietinbank đang thấp hơn mức trung bình toàn thị trường từ 0,57-0,65%.

Theo SSI Research, sắp tới lãi suất huy động có thể tăng thêm 0,5-0,7% nếu hạn mức tín dụng được nới. Lãi suất tiết kiệm cả năm có thể tăng 1-1,5%.

Cùng quan điểm, Chứng khoán ACB (ACBS) dự báo lãi suất huy động tiếp tục tăng thêm khoảng 0,5% để bổ sung nguồn vốn trong nửa cuối năm nay. Con số trên được đưa ra trên giả định các ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng và đẩy mạnh cho vay vào dịp cuối năm.

Lãi trước thuế Nam A Bank đạt hơn 1,171 tỷ đồng, nợ xấu giảm 6%

Theo BCTC hợp nhất quý 2/2022, Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) báo lãi trước thuế nửa đầu năm hơn 1,171 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ. Nợ xấu cuối quý 2 giảm 6% so với đầu năm.

Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Kiến nghị với ngân hàng miễn phí nạp tiền vào tài khoản VETC
Lãi trước thuế Nam A Bank đạt hơn 1,171 tỷ đồng, nợ xấu giảm 6%/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Trong nửa đầu năm, Nam A Bank thu được gần 2,340 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng 11% so với cùng kỳ.

Các nguồn thu ngoài lãi cũng tăng so với cùng kỳ như lãi từ dịch vụ (+74%), lãi từ kinh doanh ngoại hối (+58%), lãi từ hoạt động khác (gấp 2.9 lần)…

Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng 14%, thu được 1,419 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm, Nam A bank tăng 41% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, trích gần 248 tỷ đồng. Do đó, Ngân hàng báo lãi trước thuế hơn 1,171 tỷ đồng, tăng 9%.

So với kế hoạch 2,250 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế được đặt ra cho cả năm, Ngân hàng đã thực hiện được 52% mục tiêu sau nửa đầu năm.

Riêng trong quý 2, Nam A Bank báo lãi trước thuế gần 526 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ. Ngân hàng cho biết nguyên nhân chủ yếu do chi phí hoạt động tăng theo định hướng (+32%, 629 tỷ đồng), lộ trình và kế hoạch kinh doanh trọng điểm trong năm 2022. Theo đó, Ngân hàng sẽ tập trung vào hoạt động bán lẻ, chiến lược mở rộng mạng lưới, phát triển các điểm giao dịch số theo chủ trương cấp phép mở rộng mạng lưới từ NHNN.

Tính đến cuối quý 2, tổng tài sản của Ngân hàng tăng 12% so với đầu năm, lên mức 171,124 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi tại NHNN giảm 23% (còn 3,940 tỷ đồng), tiền gửi tại các TCTD khác tăng 35% (23,738 tỷ đồng), cho vay khách hàng tăng 9% (111,897 tỷ đồng)…

Về nguồn vốn, tiền gửi khách hàng tăng 8% (124,522 tỷ đồng), tiền gửi của các TCTD khác tăng 38% (17,976 tỷ đồng), phát hành giấy tờ có giá tăng 12% (11,631 tỷ đồng)…

Chất lượng nợ vay góp thêm điểm sáng cho Nam A Bank khi tổng nợ xấu tại ngày 30/06/2022 giảm 6% so với đầu năm, chỉ còn 1,517 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn giảm mạnh nhất (-68%), chỉ còn 102 tỷ đồng. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay giảm từ mức 1.57% đầu năm xuống còn 1.36%.

Yêu cầu ngành ngân hàng phải hành động quyết liệt trong chuyển đổi số

Ngày 4/8, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, đã dự và phát biểu chỉ đạo tại sự kiện Chuyển đổi số ngành ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức.

Phát biểu tại sự kiện, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được xây dựng, tiếp cận theo hướng đặt người dân, khách hàng ở vị trí trung tâm, với các mục tiêu rất cụ thể đến năm 2025, như 50% các nghiệp vụ ngân hàng được số hóa, 70% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số, 50% khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng khách hàng cá nhân được số hóa, tự động...

Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh ngành ngân hàng hội tụ đủ những yếu tố để tiên phong trong tiến trình chuyển đổi số. Thủ tướng yêu cầu NHNN và ngành ngân hàng cần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn nữa trong chuyển đổi số; đánh giá kỹ tình hình, kết quả, nguyên nhân, hạn chế, bất cập, những bài học kinh nghiệm trong nước và quốc tế; phân tích, dự báo tình hình sắp tới, xác định mục tiêu ngắn hạn, trung hạn, dài hạn; xây dựng chương trình chuyển đổi số toàn ngành với lộ trình, giải pháp và nguồn lực phù hợp, cụ thể.

Người đứng đầu Chính phủ đã nêu một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, trong đó yêu cầu khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ Nghị định thanh toán không dùng tiền mặt; xây dựng, thử nghiệm và áp dụng khung pháp lý mới đối với phát triển công nghệ tài chính; tích hợp, kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…

Cũng nhân sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kêu gọi các ngân hàng thương mại chia sẻ khó khăn, đóng góp tích cực hơn cho nền kinh tế, người dân và doanh nghiệp.

KBank công bố kế hoạch mở rộng tại Việt Nam

Ngân hàng của Thái Lan là Kasikornbank (KBank) đang xúc tiến kế hoạch trở thành ngân hàng số khu vực với mục tiêu mở rộng tại Việt Nam.

Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Kiến nghị với ngân hàng miễn phí nạp tiền vào tài khoản VETC
KBank công bố kế hoạch mở rộng tại Việt Nam/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Với mục tiêu đầu tư hơn 2,7 tỷ baht (khoảng 1.766 tỷ đồng) để củng cố mạng lưới dịch vụ của mình trong AEC + 3 (ASEAN cộng với Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc), KBank đã công bố cam kết mở rộng sự hiện diện của mình tại thị trường Việt Nam để phục vụ khách hàng trên tất cả các phân khúc bằng các dịch vụ kỹ thuật số.

Đối với thị trường Việt Nam, ngân hàng đặt mục tiêu cho vay 20 tỷ baht (hơn 13.000 tỷ đồng) và có cơ sở khách hàng bán lẻ là 1,2 triệu vào năm 2023.

Giám đốc điều hành KBank, bà Kattiya Indaravijaya cho rằng triển vọng tươi sáng đang chờ đợi nền kinh tế ASEAN sau đại dịch. Bên cạnh nền kinh tế đang phục hồi, ASEAN được biết đến với thị trường rộng lớn với tỷ lệ người trẻ ngày càng tăng - động lực chính thúc đẩy nền kinh tế mở rộng.

Hơn nữa, nền kinh tế của khối được dự báo sẽ tăng trưởng theo cấp số nhân khi ngày càng có nhiều người tiêu dùng hướng tới cuộc sống kỹ thuật số, bà Kattiya nói thêm.

CEO của KBank cho biết, trong ba năm tới, ngân hàng sẽ tập trung phát triển công nghệ và nguồn nhân lực, đầu tư vào các công ty khởi nghiệp và mua lại các doanh nghiệp trong các lĩnh vực chiến lược quan trọng tại khu vực.

Mục tiêu của KBank là xây dựng mạng lưới kinh doanh kết hợp với DNA của một “ngân hàng thách thức” để cung cấp các dịch vụ nền tảng kỹ thuật số cho người dùng địa phương, đồng thời hướng tới mục tiêu trở thành ngân hàng hàng đầu về kỹ thuật số trong khu vực.

Còn Chủ tịch KBank Pipit Aneaknithi cho biết, Việt Nam được kỳ vọng sẽ là quốc gia có nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong ASEAN nhờ tiềm năng thu hút đầu tư từ khắp nơi trên thế giới.

KBank đặt mục tiêu trở thành ngân hàng nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam cung cấp “giải pháp sản phẩm số” hoàn chỉnh cho tất cả các nhóm khách hàng. Ngân hàng có kế hoạch liên tục mở rộng với các sản phẩm và dịch vụ mới, ông Pipit Aneaknithi cho biết thêm.

Hiện tại, mạng lưới dịch vụ ở nước ngoài của KBank phủ khắp các quốc gia AEC + 3 trở lên, tổng cộng là 16 quốc gia. Chi nhánh nước ngoài mới nhất tại Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam sẽ chính thức khai trương ngày 5/8.

Nguồn: Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Kiến nghị với ngân hàng miễn phí nạp tiền vào tài khoản VETC

Huy Tùng

kinhtexaydung.petrotimes.vn