Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Nhiều ngân hàng muốn niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán trong năm 2022

13:50 | 08/05/2022

|
Một quỹ đầu tư của SCIC vừa mua khớp lệnh 1 triệu cổ phiếu MB; Co-opBank ra mắt dịch vụ chuyển tiền nhanh bằng mã QR; Vietcombank được thành lập mới 14 chi nhánh, phòng giao dịch… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật trong tuần qua.
Tin ngân hàng ngày 7/5: Yêu cầu giữ nguyên lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp bình ổn giáTin ngân hàng ngày 7/5: Yêu cầu giữ nguyên lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp bình ổn giá
Tin ngân hàng ngày 6/5: Hệ thống ngân hàng sẽ tăng vốn điều lệ gần 2,8 tỷ USD trong năm 2022Tin ngân hàng ngày 6/5: Hệ thống ngân hàng sẽ tăng vốn điều lệ gần 2,8 tỷ USD trong năm 2022

Nhiều ngân hàng muốn niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán trong năm 2022

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên vừa qua, nhiều ngân hàng đang giao dịch cổ phiếu trên UPCoM đã bàn về kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán.

Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Nhiều ngân hàng muốn niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán trong năm 2022
Nhiều ngân hàng muốn niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán trong năm 2022

Tại ABBank, Hội đồng quản trị (HĐQT) đã trình trình cổ đông xem xét việc niêm yết cổ phiếu ABB tại Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HoSE) và được thông qua. Đồng thời, cổ đông sẽ uỷ quyền và giao HĐQT quyết định, thực hiện niêm yết cổ phiếu ABB tại Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh. Cụ thể, ủy quyền cho HĐQT quyết định thời điểm thực hiện niêm yết cổ phiếu ABB (chuyển từ sàn UpCOM); Thực hiện các hồ sơ thủ tục cần thiết để thực hiện niêm yết cổ phiếu ABB; Quyết định các vấn đề khác phát sinh liên quan để triển khai thực hiện niêm yết cổ phiếu ABB. Hội đồng Quản trị có trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện các nội dung công việc theo uỷ quyền nêu trên (nếu phát sinh) cho Đại hội đồng Cổ đông tại phiên họp gần nhất.

Tương tự tại Kienlongbank, theo thông tin tại đại hội cổ đông, trong năm 2022, HĐQT cũng cho biết sẽ triển khai các thủ tục để niêm yết cổ phiếu KLB trên sàn giao dịch chứng khoán theo Nghị quyết của ĐHĐCĐ, nâng cao vị thế của KienlongBank trên thị trường giao dịch chứng khoán tập trung, tiếp cận với các chuẩn mực về quản trị công ty dành cho doanh nghiệp niêm yết. Được biết, cổ phiếu KLB giao dịch trên UPCoM từ ngày 29/6/2017 đến nay.

ĐHĐCĐ NamABank hôm 29/4 cũng đã thông qua kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán HoSE/HNX. ĐHĐCĐ giao HĐQT quyết định sàn giao dịch và tổ chức thực hiện, quyết định về giá niêm yết, thời điểm niêm yết.

Trên thực tế, kế hoạch nộp hồ sơ niêm yết lên HoSE đã được NamABank đưa ra trong 2 năm nay. Ngày 9/10/2020, cổ phiếu của NamABank chính thức giao dịch trên UPCoM với mã chứng khoán NAB. Chỉ sau chưa đầy 2 tháng, HoSE thông báo đã nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết của NamABank. Tuy nhiên kế hoạch này vẫn chưa thực hiện được.

Một quỹ đầu tư của SCIC vừa mua khớp lệnh 1 triệu cổ phiếu MB

Công ty TNHH MTV Đầu tư SCIC (SIC) vừa thông báo mua xong 1 triệu cổ phiếu Ngân hàng TMCP Quân đội (MB - Mã: MBB) để đầu tư tài chính. Giao dịch dự kiến được thực hiện theo phương thức khớp lệnh trong thời gian gian 12/4 - 4/5. Trước đó, SIC không sở hữu cổ phiếu MBB.

Trong thời gian SIC mua cổ phiếu, giá MBB giao động trong khoảng 29.000 - 33.000 đồng/cp. Ước tính theo giá trung bình 31.000 đồng/cp, số tiền mà SIC đã chi ra để thực hiện giao dịch là khoảng 31 tỷ đồng.

Theo giới thiệu trên website, SIC là công ty thuộc sở hữu của SCIC, hợp nhất báo cáo tài chính với SCIC, được SCIC cấp vốn điều lệ để hoạt động, được phân cấp trong quá trình đầu tư.

SIC có hai chức năng chính là đầu tư tài chính (thực hiện đầu tư mua cổ phần, cổ phiếu, trái phiếu, mua bán sáp nhập) và đầu tư dự án. Mục tiêu của công ty, trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp trên thị trường và là công cụ hữu hiệu trong hoạt động đầu tư của Tổng công ty SCIC.

SCIC hiện là cổ đông lớn thứ hai của MB, sở hữu hơn 356 triệu cổ phiếu MBB, tương đương 9,42% vốn điều lệ ngân hàng. Bà Vũ Thái Huyền, Thành viên Hội đồng Quản trị MB đang là đại diện phần vốn góp của Tổng Công ty Đầu tư Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC - chủ sở hữu của SIC) tại ngân hàng.

Về hoạt động kinh doanh của MB, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2022 đạt 20.300 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2021. Ngân hàng dự kiến tổng tài sản tăng 15% lên 700.000 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng tăng khoảng 16% lên 472.600 tỷ đồng và theo giới hạn room mà Ngân hàng Nhà nước giao cho.

Trong năm nay, MB dự kiến tăng vốn điều lệ thêm 7.556 tỷ đồng thông qua phát hành 755,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tương đương tỷ lệ 20%.

Co-opBank ra mắt dịch vụ chuyển tiền nhanh bằng mã QR

Nhằm gia tăng trải nghiệm của người dùng, hướng tới cung cấp cho khách hàng những tiện ích mới trong chuyển tiền và thanh toán không tiếp xúc, Co-opBank đã phối hợp với Napas triển khai dịch vụ Chuyển tiền bằng mã QR

Nhằm gia tăng trải nghiệm của người dùng, hướng tới cung cấp cho khách hàng những tiện ích mới trong chuyển tiền và thanh toán không tiếp xúc, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (Co-opBank) đã phối hợp với Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) triển khai dịch vụ Chuyển tiền bằng mã QR - đây là một phương thức giao dịch mới, hiện đại với nhiều lợi ích và phù hợp với mọi đối tượng khách hàng mà không phát sinh bất kỳ chi phí nào.

Dịch vụ chuyển tiền bằng mã QR cho phép khách hàng chuyển tiền từ tài khoản của mình tới tài khoản người khác tại Co-opBank hoặc ngân hàng liên minh trong mạng lưới của Napas thông qua hình thức quét mã QR cá nhân.

Mã QR của mỗi cá nhân là thông tin thanh toán đã được mã hóa gồm số tài khoản, ngân hàng thụ hưởng, số tiền, nội dung chuyển tiền giúp việc khởi tạo lệnh chuyển tiền được thực hiện chính xác, nhanh chóng và an toàn. Khách hàng có thể tạo mã QR cá nhân ngay trên ứng dụng Co-opBank Mobile Banking và cung cấp mã QR này cho người chuyển.

Khi có nhu cầu chuyển tiền, thay vì phải nhập các thông tin thụ hưởng theo cách truyền thống, khách hàng chỉ cần thao tác Quét mã QR, thông tin về ngân hàng, số tài khoản/số thẻ được mã hóa sẽ tự động hiển thị trên màn hình giao dịch giúp giảm bớt các thao tác cũng như giảm thiểu rủi ro cho khách hàng.

Không chỉ thuận tiện trong giao dịch chuyển tiền, mã QR còn thuận tiện trong giao dịch thanh toán mua, bán hàng hóa. Theo đó, người bán dễ dàng nhận tiền từ người chuyển thông qua hình thức in mã QR đặt tại quầy thanh toán, gắn trên trang bán hàng online hoặc gửi hình ảnh mã QR cho người mua giúp việc thanh toán được đơn giản hóa và chính xác thông tin.

Cùng với dịch vụ chuyển tiền nhanh Napas 247, phương thức chuyển tiền bằng mã QR trên ứng dụng Co-opBank Mobile Banking được thực hiện mọi lúc, mọi nơi kể cả ngày nghỉ, lễ, Tết với hạn mức giao dịch dưới 500 triệu đồng còn giúp khách hàng thoải mái trong chi tiêu, mua sắm, tận hưởng các dịch vụ hữu ích khác.

Vietcombank được thành lập mới 14 chi nhánh, phòng giao dịch

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) mới đây đã có văn bản số 2848/NHNN-TTGSNH về việc chấp thuận Kế hoạch phát triển mạng lưới năm 2021 của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).

Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Nhiều ngân hàng muốn niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán trong năm 2022
Vietcombank được thành lập mới 14 chi nhánh, phòng giao dịch

Theo đó, Thống đốc NHNN chấp thuận việc Vietcombank thành lập 5 chi nhánh: Đông Hà Nội (TP Hà Nội), Tây Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang), Bắc Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa), Tây Long Anh (tỉnh Long An), Nam Đồng Nai (tỉnh Đồng Nai).

Đồng thời, chấp thuận việc Vietcombank thành lập 9 phòng giao dịch gồm PGD Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng), PGD Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình), PGD Đầm Hà (tỉnh Quảng Ninh), PGD Lục Nam (tỉnh Bắc Giang), PGD Cẩm Mỹ (tỉnh Đồng Nai), PGD Sông Lô (tỉnh Vĩnh Phúc), PGD Long Sơn (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), PGD Đồng Văn IV (tỉnh Hà Nam), PGD Kim Động (tỉnh Hưng Yên).

NHNN yêu cầu Vietcombank có trách nhiệm thực hiện các thủ tục khai trương hoạt động; đăng ký, thông báo lập địa điểm kinh doanh, đăng báo đối với các chi nhánh, phòng giao dịch đã được chấp thuận thành lập nêu trên theo quy định tại Thông tư số 21/2013/TT-NHNN ngày 9/9/2013 của Thống đốc NHNN quy định về mạng lưới hoạt động của ngân hàng thương mại (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 01/2022/TT-NHNN ngày 28/01/2022) và các quy định của pháp luật hiện hành có liên quan.

Trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày ký văn bản này, Vietcombank phải khai trương hoạt động các chi nhánh, phòng giao dịch đã được chấp thuận nêu trên. Quá thời hạn này, văn bản chấp thuận của NHNN đương nhiên hết hiệu lực.

Nguồn: Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Nhiều ngân hàng muốn niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán trong năm 2022

Huy Tùng

kinhtexaydung.petrotimes.vn