Tổng hợp COVID-19 ngày 31/7: Siết chặt giãn cách xã hội, không để dân rời khỏi cư trú từ ngày 1/8

05:53 | 01/08/2021

|
Ngày 31/7, Việt Nam ghi nhận 8.624 ca mắc mới. Đáng chú ý, Bình Dương có mức tăng cao và nhanh, đứng sau TP Hồ Chí Minh...

Có 3.250 bệnh nhân COVID-19 được công bố khỏi bệnh

Trong ngày 31/7, Việt Nam ghi nhận 8.624 ca mắc mới, trong đó 4 ca nhập cảnh và 8.620 ca ghi nhận trong nước. Thành phố Hồ Chí Minh cao nhất với có 4.180 ca mắc mới. Bình Dương ghi nhận 2.075 ca.

Chú thích ảnh

Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người lao động. Ảnh: TTXVN

Như vậy, đến 19 giờ ngày 31/7, Việt Nam có tổng cộng 2.239 ca nhập cảnh và 143.447 ca mắc trong nước. Số ca mắc mới ghi nhận trong nước của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 141.877 ca, trong đó có 35.960 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Có 4 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới là Yên Bái, Điện Biên, Quảng Ninh, Bắc Kạn. Có 9 tỉnh, thành phố không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn là Lào Cai, Ninh Bình, Kon Tum, Hà Giang, Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang, Quảng Trị, Nam Định.

Trong 24 giờ qua đã thực hiện 216.438 xét nghiệm cho 456.461 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 6.070.003 mẫu cho 17.356.646 lượt người. Tổng số liều vaccine đã được tiêm là 5.931.376 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 5.342.483 liều, tiêm mũi 2 là 588.893 liều.

Cũng trong ngày, có 3.250 bệnh nhân COVID-19 được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 38.734 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị hồi sức tích cực (ICU) là 441 ca; số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị tim phổi nhân tạo (ECMO) là 21 ca.

Tuyệt đối không để người dân rời khỏi nơi cư trú từ sau ngày 31/7/2021

Chú thích ảnh

Đường Nguyễn Huệ, TP Long Xuyên (An Giang) vắng người và phương tiện trong thời gian tỉnh áp dụng Chỉ thị 16. Ảnh: Thanh Sang/TTXVN.

Đây là nội dung quan trọng trong Công điện hỏa tốc số 1063/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phát đi ngày 31/7 gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19.

Công điện nêu rõ: Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, thực hiện Lời kêu gọi của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Nghị quyết số 30/2021/QH13 ngày 28/7/2021 của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tập trung chỉ đạo thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt, thực chất, hiệu quả các biện pháp cụ thể phòng, chống dịch theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã ban hành trong thời gian qua.

Các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg phải thực hiện nghiêm, nhất quán theo phương châm chỉ có thể thực hiện cao hơn, sớm hơn phù hợp theo tình hình thực tiễn tại địa phương.

Tuyên truyền rộng rãi, kiểm soát nghiêm ngặt và thực hiện ngay các biện pháp hỗ trợ cần thiết về đời sống, y tế để người dân an tâm “ai ở đâu ở đấy”. Tuyệt đối không để người dân di chuyển khỏi nơi cư trú từ sau ngày 31/7/2021 tới khi hết giãn cách (trừ những người được chính quyền cho phép).

Lãnh đạo tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để người dân tự ý di chuyển ra khỏi địa phương mình. Đối với người dân đã rời khỏi tỉnh xuất phát đến địa bàn tỉnh khác thì các tỉnh liên quan phải tổ chức đón, đưa về địa phương đích đến bảo đảm an toàn. Tổ chức xét nghiệm, vận chuyển bằng xe ca (có thể bố trí xe tải chở theo xe gắn máy của người dân nếu người dân di chuyển bằng xe gắn máy).

Thực hiện bàn giao đầy đủ, tổ chức cách ly, giám sát y tế theo đúng quy định, không để dịch bệnh lây lan. Bộ Công an chỉ đạo Công an tỉnh, thành phố tham mưu cho UBND tỉnh và tổ chức đưa đón người dân. Tổ chức tốt hệ thống, mạng lưới chăm sóc, điều trị người bị nhiễm vi rút SARS-CoV-2 theo các tầng điều trị; tập trung và ưu tiên năng lực, nâng cao chất lượng điều trị, đặc biệt là đối với các bệnh nhân diễn tiến nặng, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong.

Kiến nghị giãn cách xã hội thêm 14 ngày tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam

Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội thêm 14 ngày tại 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.

Chú thích ảnh

Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Trên cơ sở ý kiến thảo luận tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo yêu cầu Tiểu ban Giám sát dịch COVID-19 (của Ban Chỉ đạo) tiếp tục giám sát chặt chẽ để kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo khi các địa phương có dấu hiệu chuyển từ nguy cơ lên nguy cơ cao (phải giãn cách theo Chỉ thị 15/CT-TTg), nguy cơ cao lên nguy cơ rất cao (phải giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg) để chỉ đạo các địa phương và báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, đối với thành phố Hà Nội, sau khi hệ thống giám sát cảnh báo về mức nguy cơ rất cao, Ban Chỉ đạo đã báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ, yêu cầu thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg.

Ban Chỉ đạo thống nhất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg thêm 14 ngày tại 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Tuy nhiên, tùy vào mức độ kiểm soát dịch bệnh, các địa phương có thể nới lỏng cục bộ. Đối với khu vực tiếp giáp, khi thực hiện nới lỏng công tác phòng, chống dịch phải thống nhất với các địa phương khác; báo cáo Tổ trưởng Tổ Công tác đặc biệt của Chính phủ và Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia trước khi quyết định.

Bộ Y tế tăng cường nhân lực tinh nhuệ hỗ trợ 12 tỉnh Tây Nam Bộ phòng dịch

Trước diễn biến phức tạp, xu hướng tiếp tục gia tăng ca mắc mới COVID-19 tại các tỉnh miền Tây Nam bộ, Bộ Y tế đã có những biện pháp kịp thời hỗ trợ 12 địa phương trong khu vực phòng chống dịch COVID-19.

Chú thích ảnh

Nguồn nhân lực tinh nhuệ và trang thiết bị y tế đã được chuẩn bị để hỗ trợ 12 tỉnh Tây Nam bộ chống COVID-19. Ảnh: TTXVN

Làm việc trực tiếp với các tỉnh miền Tây Nam bộ, GS.TS Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế, đã có quyết định thành lập thêm 2 Tổ công tác của Bộ Y tế hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19 đặt tại 2 tỉnh: Bạc Liêu và Cần Thơ.

Mỗi Tổ công tác gồm 12 - 16 thành viên gồm 1 tổ trưởng, 1 - 2 tổ phó. Họ là những chuyên gia, cán bộ có kinh nghiệm của các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế.

Tại các địa phương, Tổ công tác có nhiệm vụ giám sát, hỗ trợ và phối hợp với các đơn vị liên quan của tỉnh để triển khai các hoạt động: Phòng chống dịch trong cộng đồng; trong doanh nghiệp; trong khu cách ly; hướng dẫn thực hiện xét nghiệm, điều trị, cách ly F1 tại nhà và công tác vệ sinh môi trường khử khuẩn.

Bộ Y tế cũng có 2 quyết định bổ sung thành viên Tổ công tác của Bộ Y tế hỗ trợ phòng chống dịch tại Đồng Tháp và Tiền Giang. Mỗi đoàn bổ sung 7 - 8 thành viên. Trong đó, Tổ công tác thường trực tại Đồng Tháp sẽ triển khai hoạt động hỗ trợ phòng chống dịch tại tỉnh này và An Giang, Vĩnh Long. Còn Tổ công tác thường trực tại Tiền Giang sẽ triển khai hoạt động hỗ trợ phòng chống dịch tại tỉnh này và Bến Tre, Trà Vinh.

Để hỗ trợ cho công tác điều trị các trường hợp mắc COVID-19 tại TP Cần Thơ, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin, Bộ Y tế sẽ thiết lập tại thành phố Trung tâm hồi sức quy mô 500 giường (trong trường hợp cần thiết có thể nâng lên thành 800 - 1.000 giường). Trung tâm này mang tính chất khu vực chứ không chỉ phục vụ riêng Cần Thơ. Bộ Y tế sẽ làm việc với Bệnh viện 103 và sẽ điều các chuyên gia của Bệnh viện vào hỗ trợ hoạt động của Trung tâm này.

Đồng hành cùng Long An chống dịch, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Y tế, từ ngày 1/7, Tổ công tác của Bộ Y tế do TS Hoàng Quốc Cường - Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh làm tổ trưởng gồm 6 thành viên là các chuyên gia về lĩnh vực dịch tễ, điều trị, xét nghiệm… của các bệnh viện/viện trực thuộc Bộ Y tế đã về “cắm chốt” tại Long An.

Ngoài ra, đoàn công tác gồm 80 cán bộ, bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên các chuyên ngành hồi sức, cấp cứu, truyền nhiễm, xét nghiệm… giàu kinh nghiệm trong điều trị COVID-19 của tỉnh Bắc Giang cũng đã đến hỗ trợ tỉnh Long An chống dịch. Cùng với đó, đoàn Bến Tre với 12 cán bộ, thầy thuốc cũng đã có mặt hỗ trợ y tế Long An chống dịch.từ ngày 20/7.

Thành phố Hồ Chí Minh đã có 3 triệu liều vaccine phòng COVID-19

Chú thích ảnh

Một công dân Pháp đang sinh sống và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh được tiêm chủng vaccine phòng COVID-19. Ảnh: TTXVN phát

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã ưu tiên phân bổ vaccine cho Thành phố Hồ Chí Minh triển khai tiêm chủng chống dịch. Đến ngày 31/7/2021, Thành phố Hồ Chí Minh đã được phân bổ 3 triệu liều, ước khoảng 22,3% nhu cầu tiêm chủng cho người từ 18 tuổi trở lên, đạt tỷ lệ phân bổ cao nhất cả nước đến thời điểm này.

Ngày 24/7/2021 của Bộ Y tế đã có công văn thông báo về việc dự kiến phân bổ vaccine phòng COVID-19 năm 2021, theo đó Thành phố Hồ Chí Minh sẽ được phân bổ khoảng 13,8 triệu liều, đảm bảo tỷ lệ đạt khoảng 99% người trên 18 tuổi được tiêm vaccine. Riêng trong tháng 8/2021, dự kiến Thành phố Hồ Chí Minh sẽ nhận được 5 triệu trong số 13,8 triệu liều này.

Ngày 31/7, Thành phố Hồ Chí Minh đã nhận 1 triệu trong tổng số 5 triệu liều vaccine Vero Cell do Sapharco mua.

Đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã tiêm được khoảng 1,5 triệu liều vaccine, trong đó có 1,3 triệu người đã được tiêm 1 liều vaccine và gần 75.000 người được tiêm đủ 2 liều vaccine.

Để đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 29/7, Bộ Y tế đã cử Đoàn công tác đặc biệt hỗ trợ công tác tiêm chủng cho thành phố và Bộ Y tế cũng đã có hướng dẫn cụ thể việc triển khai tiêm chủng trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg tại thành phố.

Tại hướng dẫn, Bộ Y tế nêu rõ: Đối tượng tiêm chủng bao gồm tất cả các trường hợp từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn; ưu tiên tiêm chủng cho lực lượng y tế tuyến đầu, người cao tuổi, các trường hợp có bệnh lý nền; cần đẩy nhanh việc tăng độ bao phủ tiêm chủng; huy động tối đa các lực lượng tham gia tiêm chủng bao gồm cả y tế nhà nước và tư nhân, các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh, y tế các ngành… Thành phố tổ chức tiêm tại các cơ sở cố định và nhiều điểm tiêm chủng lưu động tại các khu dân cư, kể cả các khu vực đang phong toả; đẩy mạnh việc áp dụng nền tảng Hồ sơ sức khỏe điện tử để quản lý và theo dõi tiến độ tiêm chủng.

Nguồn: Tổng hợp COVID-19 ngày 31/7: Siết chặt giãn cách xã hội, không để dân rời khỏi cư trú từ ngày 1/8

Hải Yên

baotintuc.vn