Trở về sau phút sinh tử trên biển

15:07 | 30/06/2022

|
Trong vụ tàu cá QNg91426TS do ông Trần Văn Công (48 tuổi, ở xã Tịnh Kỳ, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) làm chủ kiêm thuyền trưởng, bị tàu vận tải đâm chìm tại vùng biển Quảng Nam vào rạng sáng 6/6/2022, có 4 ngư dân nằm ở hầm giáp buồng máy thì 3 người chết, chỉ có ông Đinh Thành Trinh (64 tuổi) may mắn sống sót, được ngư dân vớt được, sau đó, được BĐBP Quảng Nam hỗ trợ.
Trở về sau phút sinh tử trên biển
Ông Trinh thoát chết nhờ ôm bình đựng nước khoáng. Ảnh: Văn Chương

Rủi ro tức tưởi

Vụ việc tàu đánh cá bị tàu vận tải đâm chìm khiến nhiều ngư dân ở tỉnh Quảng Ngãi bức xúc vì thời đại công nghệ 4.0 mà vẫn xảy ra tai nạn tức tưởi, không đáng có. Bởi hiện nay, phần lớn các tàu đánh cá đều lắp đặt thiết bị phát sóng tín hiệu AIS để tránh đâm va.

Trước khi xảy ra vụ việc này, tôi từng có mặt trên tàu đánh cá cơm của ngư dân Quảng Ngãi và chứng kiến hiệu quả của thiết bị phát sóng tín hiệu AIS; khi có phương tiện tiến tới gần tàu cá, thiết bị định dạng trên tàu hiện ngay cảnh báo về loại phương tiện, số hiệu để thuyền trưởng cảnh giác, đề phòng.

Tàu nào gây họa; thiết bị an toàn hàng hải của tàu QNg91426TS và tàu gây tai nạn như thế nào sẽ được BĐBP Quảng Nam điều tra làm rõ. Tuy nhiên, những ngư dân tới chia sẻ, động viên với gia đình ông Trinh cho biết, tàu đánh cá lắp thiết bị phát sóng AIS nên các vụ đâm va trên biển không còn là điều đáng sợ như trước đây nữa. Nhưng sao vẫn xảy ra rủi ro, khiến tàu chìm và 3 người ở xã Tịnh Kỳ chết tức tưởi.

Trở về thôn An Kỳ, xã Tịnh Kỳ, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi vào chiều 6/6/2022, ngư dân Đinh Thành Trinh, người thoát chết trên tàu QNg91426TS vẫn còn những vết đỏ bầm trên khuôn mặt. Ông Trinh phải rướn cổ, lấy hơi để kể lại ký ức kinh hoàng khi tàu cá bị đâm chìm trên biển. “Tàu bị đâm chìm rạng sáng 6/6, nhưng nếu trôi nổi cả ngày mà không ai vớt thì sẽ bỏ mạng hết, bởi không ai bơi nổi vì đói khát” - ông Trinh cho biết. Sáng định mệnh hôm đó, ông Trinh đã la khản cổ kêu cứu khi thấy một tàu cá từ phía đằng xa đi tới, cùng lúc đó 3 bạn thuyền đang bám vào chiếc phi dùng tay đập ùm ùm để gây sự chú ý.

Theo ông Trinh thuật lại, cả đêm hôm trước tàu chỉ đánh bắt được ít sản lượng. Khoảng 2 giờ sáng, các ngư dân quyết định dừng lưới, thả trôi tàu để ngủ lấy sức đến 3 giờ sẽ dậy đánh phiên lưới cuối. Đúng vào thời điểm định mệnh khi thuyền trưởng tàu QNg91426TS tắt máy và cho tàu chạy đồng đồng thì tai họa xảy ra. Chạy đồng đồng có nghĩa là bật đèn và cho tàu trôi tự do để thu hút cá. Khi tàu chạy đồng đồng thì ngư dân đều ngủ say nên rất dễ bị tai nạn, nhất là đối với tàu “mù” sóng AIS.

Thuyền trưởng Trần Văn Công sau khi thoát chết đã miêu tả tai họa xảy ra quá nhanh khi thấy một bóng tàu lướt qua. Ông Công nằm ở ca bin trên nên văng ra ngoài, còn có thời gian kịp quan sát thủ phạm. Còn ông Trinh nằm ở buồng ca bin gần máy tàu, là khoang tàu kín, nên khi thoát được ra ngoài thì chỉ thấy màn đêm đen kịt.

Kinh nghiệm thoát hiểm

Ngay khi tàu chìm, ông Trinh đưa tay quờ quạng và theo phản xạ tự nhiên, cào mạnh vào thành gỗ. Có một vạch nứt nhỏ và ông chen mạnh ngón tay vào. Nhưng đó không phải là khe để thoát ra ngoài, chỉ là khe hở giữa 2 tấm lót sàn. Sàn phía trên gọi là tầng 1 ca bin, là nơi thuyền trưởng Trần Văn Công nằm ngủ.

Trở về sau phút sinh tử trên biển
Tàu hành nghề cá cơm hoạt động trên tuyến biển có nhiều tàu vận tải qua lại. Ảnh: Văn Chương

Ông Trinh cào mạnh tay lần nữa, lần này là lấy cả 2 tay để vạch. Nhưng tay thì làm sao vạch được những phiến gỗ có bề dày lên tới 3cm. Lúc này ông mới ý thức được mình đang bị nhốt trong khoang tàu đã bị úp ngược xuống dưới nước và chổng bụng lên trời. Sau một hồi vùng vẫy, tay ông Trinh quờ trúng những bàn tay khác. Đó là 3 ngư dân lớn tuổi ở cùng thôn: Ông Võ Đình Nam (sinh năm 1963), ông Nguyễn Văn Thành (sinh năm 1968), ông Trần Gương (sinh năm 1961). Cả 3 ngư dân này nằm ngủ với ông ở khoang ca bin dưới cùng, nơi mà tấm ván ép được phả hơi nóng của động cơ, khiến họ nhanh chóng chìm sâu vào giấc ngủ...

Trong giờ khắc sinh tử, sở dĩ ông Trinh thoát được ra khỏi chiếc hầm nhỏ với 4 người quẫy đạp là nhờ bình tĩnh và kỹ năng nín thở tốt nhờ thời nhỏ theo nghề lặn biển. Sau chừng 4 phút vùng vẫy, ông Trinh đã tìm được lối thoát ra ngoài hầm tàu và kéo theo một bạn chài, nhưng khi trồi lên tới mặt nước thì người bạn chài đã chết. Lên được mặt biển, ông may mắn vớ được một vỏ bình đựng nước suối loại lớn và ráng giữ chặt, không để nước biển tuồn vào lỗ nhỏ như đầu đũa trên nắp. “Vậy mà nước vẫn vô rất nhanh làm mình sợ, vì không có chiếc bình này, mình cũng đuối sức mà chết trên biển” - ông Trinh thổn thức kể lại.

Ông Đinh Thành Trinh và 4 ngư dân khác trên tàu QNg91426TS gặp nạn đã may mắn được tàu QNa03874TS cứu nạn kịp thời, sau đó được ca nô của Đồn Biên phòng Cửa Đại (BĐBP Quảng Nam) đưa vào bờ an toàn vào chiều 6/6. Tuy nhiên, 3 bạn chài đã không qua khỏi vì kẹt dưới hầm tàu.

Đánh cá cơm là một nghề phổ biến ở các làng chài Quảng Ngãi. Các tàu khi hành nghề thường bám sát bờ, sau đó ra các đảo cách bờ 10-20 hải lý rồi lại quay vào. Vì tàu đánh cá cơm đi sát bờ nên đêm nào cũng gặp hàng chục tàu vận tải loại nhỏ đi về các cảng biển ở khu vực miền Trung.

Thông thường tàu đánh cá cơm bật tung đèn pha suốt đêm để thu hút cá, nên các tàu khác sẽ dễ dàng nhận ra tránh né. Nhưng nhiều tàu sử dụng phương thức tắt đèn, thả trôi, đợi thời điểm thích hợp mới bật đèn để đánh bắt. Các ngư dân có kinh nghiệm cho biết, thông thường, chủ tàu rủ thêm một người bạn tâm đầu ý hợp để hùn chung làm ăn, mỗi khi đi biển, anh em thay nhau cầm lái và cũng trở thành người gác tàu. Nhưng nhiều tàu, chủ tàu kiêm thuyền trưởng phải cầm lái tàu suốt ngày đêm; khi mệt thì lăn ra ngủ và không có ai gác tàu.

Yếu tố quan trọng nhất đảm bảo an toàn hàng hải khi đánh bắt trên biển là thiết bị phát sóng AIS. Tàu lắp thiết bị phát sóng AIS thì ngư dân luôn được cảnh báo va chạm từ xa; nguy cơ mất an toàn sẽ rất lớn đối với những tàu thiếu thiết bị này.

Theo điều tra ban đầu, BĐBP Quảng Nam xác định, tàu vận tải Thịnh Long 68 đã va chạm với tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi. Camera trên tàu còn lưu lại hình ảnh vụ va chạm và thuyền trưởng khai nhận có nghe tiếng va chạm mạnh vào lúc 3 giờ, ngày 6/6.

Nguồn: Trở về sau phút sinh tử trên biển

Lê Văn Chương

bienphong.com.vn