Vì sao Ngân hàng Eximbank Ba Đình bị người dân "tố" bội tín?

07:05 | 23/09/2021

|
Mặc dù giữa hai bên đã ký Biên bản thỏa thuận để thuê và nhận mặt bằng vào ngày 16/8/2021, tuy nhiên đến phút cuối, bất ngờ phía Eximbank Ba Đình bị chủ nhà "tố" lật kèo?
Vì sao Ngân hàng Eximbank Ba Đình bị người dân

Hành xử “tiền hậu bất nhất”?

Theo phản ánh của vợ chồng bà Hoàng Thanh Bình, chủ sở hữu nhà đất tại địa chỉ 79 Láng Hạ (phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết, ngày 10/6/2021, những người có thẩm quyền tại Ngân hàng Eximbank Ba Đình đã liên hệ, khảo sát và gặp gỡ trực tiếp bà Bình để thương thảo, đàm phán việc thuê mặt bằng (từ tầng 1-4) tòa nhà 10 tầng để làm trụ sở.

Để thuê nhà, phía Eximbank Ba Đình đã đưa ra nhiều điều kiện và bà Bình đã đáp ứng yêu cầu từ phía ngân hàng. Đến ngày 5/7/2021, giữa hai bên đã ký kết Biên bản làm việc thống nhất thuê địa điểm 79 Láng Hạ với điều khoản Eximbank Ba Đình thuê 4 tầng, tổng diện tích sàn là 820m2, thời hạn thuê 10 năm (từ 1/8/2021 đến 31/7/2031), với giá thuê 393.040.000 đồng/tháng, đặt cọc bảo đảm hợp đồng,... và nhiều điều khoản về quyền và nghĩa vụ của 2 bên. Biên bản thể hiện ngày bàn giao và thanh toán tiền thuê nhà là 1/8/2021.

Sau đó, phía bà Bình đã chấm dứt hợp đồng với đơn vị đang thuê mặt bằng nêu trên và tiến hành phá dỡ vách tường ngăn, hệ thống điện nước,... tại các tầng (tầng 1-4) theo đúng yêu cầu trong Biên bản làm việc với phía ngân hàng.

Vì sao Ngân hàng Eximbank Ba Đình bị người dân
Bà Bình cho rằng, phía Eximbank Ba Đình đã "lật kèo" không thuê mặt bằng dù đã được sửa chữa theo yêu cầu của ngân hàng?

Tuy nhiên, Eximbank Ba Đình đã đề nghị lùi ngày nhận nhà và thanh toán tiền thuê đến ngày 16/8/2021, vì lý do dịch bệnh. Hai bên tiếp tục ký Biên bản làm việc vào ngày 26/7/2021 và thống nhất lại những nội dung này. Ngoài ra, trong thời gian trên, phía Eximbank Ba Đình yêu cầu vợ chồng bà Bình cam kết là bảo đảm việc thuê nhà ổn định, liên tục trong quá trình ngân hàng thuê, nếu bà Bình có hành vi làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh của ngân hàng thì phải bồi thường thiệt hại và được chấp thuận.

Theo bà Bình, ngày 11/7/2021, phía Hội sở Ngân hàng Eximbank đã cử cán bộ liên hệ bà Bình lấy bản vẽ thiết kế tòa nhà để tính toán và lên phương án xây dựng kho tiền. Tuy nhiên, điều bất ngờ là đến thời điểm nhận mặt bằng thì phía Eximbank Ba Đình lại “lật kèo” không thuê mặt bằng nữa, vì lý do bị lãnh đạo “không đồng ý về giá và vị trí”?

“Sáng 16/8/2021, ông Phạm Xuân Sáng – Giám đốc Eximbank Ba Đình thông báo Eximbank Ba Đình sẽ không thuê nhà vì ông Nguyễn Cảnh Vinh – Quyền Tổng Giám đốc Eximbank (miễn nhiệm chức vụ ngày 8/9/2021-PV) không đồng ý về giá và vị trí. Chiều cùng ngày, tôi nhận được một văn bản của ngân hàng do bà Triệu Minh Phương – Phó Giám đốc Eximbank Ba Đình gửi qua mạng xã hội (zalo) có nội dung “Vì lý do dịch bệnh kéo dài, đại diện Eximbank Hội sở đã thương lượng tiếp để lùi ngày ký hợp đồng nhưng không được chủ nhà chấp nhận nên Eximbank Ba Đình sẽ không thuê nhà của bà Hoàng Thanh Bình, tại địa chỉ 79 Láng Hạ nữa”, bà Bình bức xúc cho biết.

Người dân khởi kiện ngân hàng đòi quyền lợi

Mặc dù trong hơn 2 tháng đã mất rất nhiều thời gian để làm việc, đàm phán, đáp ứng các điều kiện của phía ngân hàng và thực hiện đúng theo cam kết trong văn bản thỏa thuận, nhưng bà Bình rất bức xúc trước việc Eximbank “lật kèo” và đưa ra lý do bất hợp lý.

Bà Bình cho hay, trên thực tế kể từ 26/7/2021 cho đến ngày 16/8/2021, Eximbank Ba Đình không có bất cứ văn bản nào gửi cho bà đề nghị lùi thời gian nhận bàn giao nhà. Trong khoảng thời gian 20 ngày nêu trên, phía ngân hàng không có liên hệ gì với bà Bình, cho đến khi bà Bình chủ động liên hệ với ông Phạm Xuân Sáng vào chiều ngày 15/8/2021.

Đến chiều ngày 18/8/2021, đại diện của bà Bình có liên hệ với ông Nguyễn Cảnh Vinh thì ông này cho biết: “Chi nhánh chưa trình gì với Hội sở và Hội sở cũng chưa quyết gì về vấn đề thuê hay không thuê”.

Trước cách làm việc bị cho là “tiền hậu bất nhất” của phía Ngân hàng Eximbank Ba Đình, mặc dù nhiều lần liên hệ, gửi thông báo đề nghị được giải quyết trên tinh thần thiện chí và hợp tác, nhưng phía bà Bình chỉ nhận được câu trả lời “phủi” trách nhiệm từ phía đại diện Ngân hàng Eximbank là “không còn muốn thuê nữa”?

Vì sao Ngân hàng Eximbank Ba Đình bị người dân
Ngày 6/9/2021, Tòa án Nhân dân quận Ba Đình đã tiếp nhận đơn khởi kiện của vợ chồng bà Bình và sẽ tiến hành xem xét đơn khởi kiện theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

“Phía Ngân hàng Eximbank Ba Đình đã bội tín, tùy tiện lật kèo gây thiệt hại nhiều tỷ đồng cho gia đình tôi. Thiệt hại sẽ còn gia tăng nếu ngân hàng tiếp tục trì hoãn việc nhận mặt bằng và thanh toán tiền thuê nhà. Gia đình tôi đã phải từ chối việc ngân hàng khác đến khảo sát và đặt vấn đề thuê mặt bằng. Hơn nữa, tôi cũng đã chấm dứt hợp đồng với công ty cũ đang thuê mặt bằng tại đây và tiến hành sửa chữa theo yêu cầu của phía Ngân hàng Eximbank Ba Đình”, bà Bình cho hay.

Điều mà bà Bình đặt ra dấu hỏi là tại sao một ngân hàng lớn và uy tín như Eximbank lại có cách hành xử với đối tác như vậy? Cực chẳng đã, ngày 27/8/2021, vợ chồng bà Bình đã chính thức nộp đơn khởi kiện Ngân hàng Eximbank Ba Đình ra Tòa án Nhân dân quận Ba Đình (Hà Nội) để bảo vệ danh dự, uy tín cũng như tài sản, quyền lợi chính đáng của mình. Ngày 6/9/2021, Tòa án ký gửi Giấy xác nhận số 272/GXN – TA, về việc đã tiếp nhận đơn khởi kiện của vợ chồng bà Bình và cho biết sẽ tiến hành xem xét đơn khởi kiện theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

“Biên bản làm việc có giá trị như hợp đồng”?

Liên quan đến vụ việc trên, trả lời báo chí luật sư Nguyễn Hoàng Trung, Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Trung và Anh Em phân tích: Vụ việc thuê nhà 79 Láng Hạ của ngân hàng Eximbank, đây là thỏa thuận giữa hai bên, biên bản làm việc được lập vào ngày 26/7/2021, được lập giữa bên thuê (tức là Ngân hàng Eximbank) và bên cho thuê là chủ nhà số 79 Láng Hạ (phường Thành Công, quận Ba Đình, TP. Hà Nội).

“Hiện đang có việc hiểu sai lầm về biên bản làm việc này có giá trị như là hợp đồng hay không, trong đó chủ yếu bên phía Eximbank. Phía ngân hàng cho rằng biên bản làm việc này không phải là một hợp đồng, nhưng theo quy định tại Điều 385 của Bộ Luật Dân sự thì văn bản này là hội tụ đầu đủ yếu tố cấu thành là một hợp đồng”, vị luật sư cho biết.

Cụ thể, đây là một thỏa thuận về giao kết một giao dịch dân sự, trong đó đã phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên và trong trường hợp này thì các nghĩa vụ của Eximbank chắc chắn phát sinh rồi. Bởi vì trong nội dung của văn bản này thể hiện rất rõ hai bên thỏa thuận thuê địa điểm nhà số 79 Láng Hạ và các điều khoản trong đó đã nêu rõ trách nhiệm của từng bên sẽ tiến hành như thế nào, thống nhất, thỏa thuận về các nội dung cơ bản của giao dịch này.

Luật sư Nguyễn Hoàng Trung khẳng định, theo quy định của pháp luật, đặc biệt là quy định cụ thể tại Điều 385, 386 của Bộ Luật Dân sự 2015 thì đây là hợp đồng dân sự đã được ký kết.

Theo quy định này, biên bản làm việc cũng được hiểu như hợp đồng, không phải như mọi người nghĩ đây không phải là hợp đồng. Không cần thiết trong hợp đồng phải quy định cụ thể là bồi thường như thế nào, bởi vấn đề đó đã được pháp luật quy định cụ thể. Nếu vi phạm cam kết phát sinh thiệt hại của người tham gia ký hợp đồng cùng với mình, trong trường hợp chứng minh được có thiệt hại xảy ra thì trách nhiệm của anh là phải bồi thường.

Bên cạnh đó, có một số ý kiến cho rằng do văn bản này là của Giám đốc chi nhánh Eximbank Ba Đình ký. Với cơ cấu của các ngân hàng thương mại hoạt động tại Việt Nam hiện nay thì gần như tất cả các giao dịch là thực hiện thông qua chi nhánh của mình, đây là nơi trực tiếp tiếp xúc với các khách hàng trong việc huy động cũng như tạo lập các khoản vay, bảo lãnh, ký quỹ… Bất kỳ ngân hàng thương mại nào cũng đều phân cấp ủy quyền cho giám đốc chi nhánh, hoặc người đại diện cho chi nhánh là có thể thay mặt, đại diện pháp nhân là ngân hàng đó ký kết các hợp đồng giao dịch và các hợp đồng, giao dịch này mặc nhiên được công nhận có giá trị pháp lý.

Trong trường hợp này, bên phía Eximbank, văn bản ký kết là do ông Phạm Xuân Sáng, chức vụ Giám đốc chi nhánh Eximbank Ba Đình thực hiện việc ký kết. Như vậy, chủ thể ký kết là hoàn toàn hợp lệ, văn bản này không có bất kỳ yếu tố vi phạm quy phạm pháp luật và với văn bản có giá trị pháp lý này, nó làm phát sinh nghĩa vụ của phía Eximbank trong việc thuê nhà 79 Láng Hạ. Còn về phía chủ nhà, xuất phát từ văn bản này, họ phải chịu một số trách nhiệm hiện phát sinh các chi phí mà nếu trường hợp Eximbank không thực hiện hợp đồng thuê thì phải bồi thường. Cái này là thỏa đáng và đúng pháp luật.

"Giống như các vụ tranh chấp đã từng xảy ra giữa Eximbank với các đối tác, khách hàng của mình. Phần thua kiện, phải bồi thường luôn thuộc về Eximbank, đồng nghĩa với việc cổ đông của ngân hàng này mất tiền mà không phải do lỗi của họ. Vậy nên trong vụ việc này, theo quan điểm của tôi, Eximbank nên ngồi lại thương thảo với bên phía chủ nhà để thực hiện việc thuê nhà đã được thống nhất. Nếu đạt được như vậy, bên phía Eximbank vừa giữ được uy tín của mình, vừa không phải bồi thường thiệt hại", luật sư Trung phân tích.

Trao đổi nhanh với PV về vụ việc trên, ông Phạm Xuân Sáng – Giám đốc Eximbank Ba Đình xác nhận có sự việc trên và cho biết, phía Eximbank Ba Đình “đang báo cáo Hội sở và việc thuê mặt bằng nêu trên vẫn đang trong giai đoạn đàm phán”. Đơn vị này hiện cũng chưa nhận được bất kỳ thông báo gì từ phía Tòa án.

Thiết nghĩ, vụ việc trên cần sớm được các cơ quan chức năng vào cuộc giải quyết nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan.

Nguồn: Vì sao Ngân hàng Eximbank Ba Đình bị người dân “tố“ bội tín?

Nguyễn Ngọc

reatimes.vn