Vì sao phiên xử ông Trần Phương Bình bị hoãn?

14:50 | 19/05/2022

|
Luật sư của Ngân hàng Đông Á đề nghị HĐXX lùi ngày xét xử cựu Tổng giám đốc Trần Phương Bình để làm rõ thêm một số nội dung.
Đề nghị tuyên phạt cựu Thứ trưởng Trương Quốc Cường 7-8 năm tùĐề nghị tuyên phạt cựu Thứ trưởng Trương Quốc Cường 7-8 năm tù
Đang xét xử cựu Phó Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Tài và đồng phạmĐang xét xử cựu Phó Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Tài và đồng phạm

Sáng 19/5, TAND Hà Nội dự kiến xét xử ông Trần Phương Bình (cựu Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Á - DAB) và 9 bị cáo khác trong vụ nhà băng cho Công ty An Phát vay vốn trái quy định, gây thiệt hại hơn 184 tỷ đồng. Thẩm phán Trần Thị Tâm làm chủ tọa.

Theo kế hoạch, phiên tòa kéo dài 3 ngày liên tiếp. Tuy nhiên, sáng 19/5, ông Bình và đồng phạm không được dẫn giải đến nơi xét xử. Về lý do, phía tòa án cho biết trước khi khai mạc, luật sư đại diện cho Ngân hàng Đông Á đã có đơn đề nghị hoãn xét xử để làm rõ thêm một số nội dung liên quan.

Sau khi nghiên cứu, HĐXX quyết định tạm hoãn làm việc.

Theo cáo buộc, năm 2007, Công ty An Phát và DAB ký hợp đồng tín dụng với nội dung An Phát vay của ngân hàng 22 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo là 2 căn nhà trên đường Mạc Đĩnh Chi, quận 1, TP.HCM. Tuy nhiên, hợp đồng này không được giải ngân, không thể hiện trên hệ thống của Ngân hàng Đông Á.

Một năm sau đó, bà Phan Thúy Mai (Giám đốc An Phát) được bị cáo Nguyễn Thị Kim Xuyến (cựu Phó tổng giám đốc DAB, sở hữu 5% cổ phần tại An Phát) giới thiệu đến DAB chi nhánh Hà Nội để vay vốn. Bà Xuyến bị cáo buộc dùng chức vụ và sự ảnh hưởng tại ngân hàng rồi chỉ đạo cấp dưới giải ngân nhanh cho đối tác.

Vì sao phiên xử ông Trần Phương Bình bị hoãn?
Ông Bình đang thụ án chung thân do liên quan nhiều vụ án. Ảnh: Hoài Thanh.

Tiếp nhận hồ sơ của An Phát, ông Trần Đạo Vũ (cựu Giám đốc DAB chi nhánh Hà Nội) đã ký duyệt tờ trình để từ đó, ông Trần Phương Bình và bà Xuyến duyệt cấp tín dụng cho Công ty An Phát. Từ tháng 5/2007 đến tháng 1/2008, DAB Hà Nội có 2 lần giải ngân cho Công ty An Phát vay 53 tỷ đồng.

Cũng trong năm 2008, DAB Hà Nội còn cho An Phát vay 185.000 chỉ vàng, tài sản thế chấp là 74 quyền sử dụng đất mang tên công ty này trị giá 430 tỷ đồng.

Tuy nhiên, cơ quan tố tụng làm rõ hợp đồng vàng trên là khống. Thực tế không có việc giải ngân vàng cho Công ty An Phát, hồ sơ được lập chỉ là để hợp thức hóa theo yêu cầu của Trần Phương Bình, nhằm che giấu số vàng bị Bình làm thất thoát.

Giai đoạn 2007-2014, ông Bình còn bị cáo buộc đã chỉ đạo DAB Hà Nội cấp gói tín dụng 500 tỷ đồng cho Công ty An Phát và phê duyệt cho vay số tiền 184 tỷ trái quy định.

Ngoài ông Bình, 9 bị cáo còn lại hầu tòa lần này gồm: Nguyễn Thị Kim Xuyến, Phan Thúy Mai, Trần Đạo Vũ, Lương Ngọc Quý (Giám đốc DAB Hà Nội), Nguyễn Thị Kim Đường (Phó giám đốc DAB Hà Nội) và nhóm nhân viên chi nhánh Nguyễn Thị Ngọc Anh, Võ Thị Bạch Hương, Nguyễn Minh Hoàng, Nguyễn Thị Phương.

Đây là vụ án thứ 3 ông Trần Phương Bình bị truy tố. Năm 2019, cựu Tổng giám đốc DAB bị TAND Cấp cao tại TP.HCM tuyên án chung thân do gây thiệt hại hơn 3.600 tỷ đồng cho DAB liên quan Phan Văn Anh Vũ.

Năm 2020, ông Bình lĩnh bản án chung thân thứ 2 trong vụ DAB thất thoát hơn 8.800 tỷ đồng.

Nguồn: Vì sao phiên xử ông Trần Phương Bình bị hoãn?

Hoàng Lam

zingnews.vn