Vi vu miền sơn cước ngày Tết, xem những phong tục đón năm mới kì lạ của đồng bào dân tộc

15:48 | 14/02/2021

|
Dịp Tết này đừng quên ghé thăm miền sơn cước và khám phá những phong tục đón năm mới độc đáo của người dân nơi đây nhé!

'Phát sốt' trước chuyến xe khách tình yêu đi Sapa đẹp mê hồn

Săn mây ở đỉnh Pu Xai Lai Leng - Tây Bắc thu nhỏ ở miền Tây xứ Nghệ

Check-in 'cháy máy' tại bảo tàng Đắk Lắk với vạn góc sống ảo tuyệt đỉnh

Vùng cao phía Bắc nước ta không chỉ nổi tiếng với cảnh sắc núi rừng hoang sơ, hùng vĩ mà còn là nơi sinh sống của rất nhiều dân tộc ít người với những nét văn hoá đặc sắc. Cùng đón tết Nguyên Đán, song mỗi dân tộc vùng núi phía Bắc lại có một tập tục riêng rất độc đáo. Nghỉ Tết hãy cùng vi vu lên miền sơn cước để tìm hiểu về những phong tục đón tết kì lạ của đồng bào dân tộc, chắc chắn bạn sẽ có được những trải nghiệm thú vị.

Tục vỗ mông của người H’Mông

Vi vu miền sơn cước ngày Tết, xem những phong tục đón năm mới kì lạ của đồng bào dân tộc 001

Người H’Mông ở vùng núi phía Bắc có phong tục lễ tết rất phong phú và nhiều màu sắc. Vào những ngày đầu năm, họ sẽ mở hội tại những khu đất rộng, tổ chức các trò chơi như đẩy gậy, kéo co, múa khèn, thi hát đối đáp… Đầu năm cũng là dịp trai gái hẹn hò, giao duyên. Trong đám đông, nếu chàng trai muốn bày tỏ tình ý với một cô gái, anh ta sẽ tiến lại gần và vỗ vào mông cô. Nếu cô gái ưng thuận, cô ấy sẽ vỗ mông chàng trai để đáp lại.

Như một màn “làm quen” khá đặc biệt, theo tục lệ, nếu trai gái phải lòng nhau, họ sẽ vỗ mông nhau đủ 9 cái trước sự chứng kiến của mọi người, sau đó sẽ chính thức thành đôi, có thể dắt nhau lên núi tìm nơi hẹn hò, tâm tình.

Tục hát thi với gà trống của người Pu Péo

Vi vu miền sơn cước ngày Tết, xem những phong tục đón năm mới kì lạ của đồng bào dân tộc 002

Đây là một phong tục đón tết kì lạ của người dân tộc Pu Péo ở tỉnh Hà Giang. Phong tục này đã tồn tại từ rất lâu đời, cùng với sự hình thành và phát triển của tộc người Pu Péo, nên nó có ý nghĩa rất quan trọng. Trong đêm giao thừa, đồng bào sẽ thức để canh chừng chú gà trống nhà mình, khi chú gà vỗ cánh chuẩn bị cất tiếng gáy, họ sẽ đốt một quả pháo ném vào chuồng để khiến những chú gà trong chuồng thi nhau nhảy lên và gáy vang.

Khi những tiếng gà gáy bắt đầu vang vọng, người Pu Péo cũng theo đó mà hò hát vang trời. Đối với người Pu Péo, tiếng gà gáy là dấu hiệu để đánh thức mặt trời, khởi đầu một ngày mới tốt lành. Do đó, ai hát to, hát khoẻ làm át được tiếng gáy thiêng liêng đó thì năm mới ắt sẽ gặp nhiều điều may mắn, hạnh phúc.

Tục thờ bát nước lã của người Pà Thẻn

Vi vu miền sơn cước ngày Tết, xem những phong tục đón năm mới kì lạ của đồng bào dân tộc 003

Trên bàn thờ tổ tiên của người Pà Thẻn luôn có một bát nước lã. Bát nước này phải là nước sạch được lấy từ đầu nguồn của con suối trong nhất, sạch nhất của bản và phải được đậy kín suốt cả năm. Một năm, chủ nhà người Pà Thẻn chỉ được phép mở bát nước ra hai lần vào cuối tháng 6 để tiếp thêm nước và vào ngày 30 tết để thay bát nước mới.

Theo đó, vào đêm 30 Tết, các hộ gia đình đồng bào Pà Thẻn sẽ đóng cửa cài then, bịt kín mọi lỗ thông khí trong nhà rồi nấu một nồi cháo gà để cả nhà cùng quây quần ăn tết. Ăn cháo xong, chủ nhà mới lấy bát nước lã để quanh năm trên ban thờ xuống để cọ rửa, thay nước mới.

Đây là một phong tục đón tết kì lạ của người dân tộc Pà Thẻn và được coi là việc làm rất thiêng liêng, gia chủ phải hoàn thành nghi thức này trước khi cúng giao thừa. Việc thờ bát nước lã phải tuyệt đối giữ bí mật, vì người Pà Thẻn tin rằng nếu để người khác biết được thì năm mới làm ăn sẽ vất vả, gia đình sẽ ốm đau.

Tục ăn trộm lấy may của người Lô Lô

Vi vu miền sơn cước ngày Tết, xem những phong tục đón năm mới kì lạ của đồng bào dân tộc 004

Người Lô Lô ở Cao Bằng quan niệm rằng vào đầu năm mới nếu một thành viên trong gia đình mang về nhà được chút vật dụng gì đó của người khác thì cả năm gia đình sẽ làm ăn thuật lợi, có nhiều của cải. Bởi vậy, từ lâu trong cộng đồng người Lô Lô đã tồn tại phong tục đón tết kì lạ là ăn trộm để lấy may.

Người Lô Lô đi lấy may rất lặng lẽ, không ồn ào rủ rê nhau, cũng thật bí mật không để ai biết, nếu lỡ gặp người quen cũng không chào hỏi. Họ chỉ lấy về những vật nhỏ bé, ít giá trị, chủ yếu mang ý nghĩa tượng trưng như củ hành, củ tỏi, thanh củi… nhưng phải đủ con số 12 vì đây là số may mắn.

Số 12 này gửi gắm ước vọng về 12 tháng trong năm đều được sung túc, no đủ. Bởi vậy nếu lấy ngô, họ sẽ phải lấy 12 bắp, nếu lấy hoa quả phải lấy đủ 12 trái. Do đây là tập tục lâu đời nên nếu bị chủ nhà phát hiện, người lấy trộm cũng không bị trách mắng.

Tục xem bói gan lợn thiến của người Hà Nhì

Vi vu miền sơn cước ngày Tết, xem những phong tục đón năm mới kì lạ của đồng bào dân tộc 005

Lợn là gia súc quan trọng của đồng bào dân tộc miền núi phía Bắc, không chỉ mang giá trị kinh tế, con vật này còn mang một số ý nghĩa quan trọng với một số tộc như người Hà Nhì ở Lai Châu. Theo phong tục lễ Tết truyền thống của người dân tộc Hà Nhì, mỗi gia đình đều nuôi một con lợn đực, vào ngày đầu năm họ sẽ đem lợn đi thiến, để dành Tết năm sau thì mổ con lợn đó để làm lễ cúng gia tiên. Thịt lợn là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ Tết của đồng bào Hà Nhì, dù gia đình đó khá giả hay nghèo túng.

Khi mổ lợn để làm cỗ đón năm mới, người Hà Nhì đặc biệt chú ý đến lá gan. Nếu lá gan lợn lành lặn, màu sắc tươi đỏ, túi mật căng đầy thì năm đó việc chăn nuôi, làm ăn sẽ phát triển, thời tiết thuận hoà, gia đình hạnh phúc. Đây gọi là tục bói gan lợn – một trong những phong tục đón tết kì lạ của người dân tộc Hà Nhì.

Tục gọi vía trâu về ăn Tết của người Mường

Vi vu miền sơn cước ngày Tết, xem những phong tục đón năm mới kì lạ của đồng bào dân tộc 006

Là một trong những tộc người cổ xưa nhất của đất Việt, người Mường ở Hoà Bình có những phong tục ăn tết rất đặc biệt. Coi “con trâu là đầu cơ nghiệp”, trong những ngày Tết, đồng bào Mường cũng không quên để cho con vật nuôi quan trọng này cùng ăn Tết với gia đình mình. Từ mấy ngày trước Tết, họ thường chuẩn bị sẵn một chiếc mõ, để qua giao thừa thì đốt đuốc đi gọi vía trâu. Không chỉ có vậy, người Mường còn treo những xâu bánh ống lên các công cụ lao động thường ngày như cày, bừa, đòn gánh… để mời những “người bạn thân thiết” này ăn Tết.

Phong tục đón tết kì lạ của người dân tộc Mường này có ý nghĩa rất nhân văn, thể hiện lòng biết ơn của con người đối với con vật nuôi trung thành đã giúp đỡ gia chủ việc đồng áng quanh năm. Người Mường quan niệm, sau một năm làm lụng vất vả, con trâu hay cái cày cũng đều xứng đáng được nghỉ ngơi.

Tục niêm phong nhà bằng giấy đỏ của người Cao Lan

Vi vu miền sơn cước ngày Tết, xem những phong tục đón năm mới kì lạ của đồng bào dân tộc 007

Khoảng trước tết 2 ngày, đồng bào dân tộc Cao Lan sẽ thực hiện việc dán giấy đỏ lên các vật dụng trong nhà: từ các công cụ lao động cho đến cửa ra vào, cổng nhà, ban thờ tổ tiên, chuồng gia súc, gia cầm…

Sắc đỏ trong ngày Tết không chỉ mang đến sự ấm cúng, niềm vui mà với người Cao Lan, họ còn tin rằng màu đỏ là màu tượng trưng cho an khang, thịnh vượng và những điều tốt lành sẽ đến trong năm mới.Trong ngày Tết của người dân tộc Cao Lan cũng có tục gói bánh chưng, làm bánh khảo và bánh vắt vai. Đây là ba loại bánh đặc trưng của họ, đặc biệt là bánh vắt vai được làm bằng gạo nếp, có nhân đỗ và đường, gói bằng lá chuối thành dáng dài như đòn gánh, dễ vắt lên vai để mang đi biếu họ hàng nội ngoại.

Theo: Petrotimes