Petrovietnam tiên phong dẫn dắt nền kinh tế
Đồng hành cùng những thăng trầm trong tiến trình lịch sử đất nước, các thế hệ “những người đi tìm lửa” với bản lĩnh, trí tuệ, sự kiên trì đã quyết tâm xây dựng ngành công nghiệp Dầu khí mạnh. Đến nay, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã phát triển hoàn chỉnh và đồng bộ, góp phần to lớn trong việc bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh kinh tế, an ninh lương thực, an ninh quốc phòng và an sinh xã hội cho đất nước, khẳng định vị t
Từ những ngày đầu khai mở bởi tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, ngành Dầu khí Việt Nam đến nay đã có những bước tiến thần tốc và đáng tự hào. Từ vị trí ban đầu là những người vừa làm thuê vừa học việc, người Dầu khí Việt Nam đã từng bước kiên trì, không ngừng học hỏi để tiến đến vị trí làm chủ các công nghệ thăm dò, khai thác tiên tiến nhất, đạt được những thành tựu kỹ thuật to lớn, làm thay đổi cả kiến văn về cấu tạo địa chất mỏ dầu trên thế giới. Ngành Dầu khí Việt Nam, mà chủ lực là Petrovietnam, đã thành công xây dựng nên một chuỗi hoàn chỉnh, đồng bộ, khép kín từ tìm kiếm, thăm dò khai thác, đến tàng trữ, vận chuyển và chế biến sâu.
Khai thác dầu khí trên Biển Đông. |
Hiện nay, sản lượng khai thác dầu thô trong nước của Petrovietnam trung bình đạt 7,5-8,5 triệu tấn/năm; sản lượng khí đạt 6-8 tỷ m3/năm. Hằng năm, Petrovietnam cung cấp trên 13,5 triệu tấn xăng dầu các loại, đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xăng dầu trong nước; cung cấp 1,8 triệu sản phẩm hóa dầu; cung cấp 1,6-1,7 triệu tấn phân đạm, đáp ứng 70-80% nhu cầu phân đạm trong nước (khoảng 2 triệu tấn/năm). Petrovietnam đang vận hành thương mại 9 nhà máy điện với tổng công suất 6.600 MW, tương đương 8,5% tổng công suất lắp đặt hệ thống điện quốc gia. Các sản phẩm chủ lực của Petrovietnam như dầu thô, xăng dầu, khí thiên nhiên, khí hóa lỏng, điện, đạm... đã tham gia vào mọi hoạt động đời sống của đất nước với tỷ trọng lớn, góp phần quan trọng cho ổn định, phát triển kinh tế - xã hội.
Nhà máy điện Nhơn Trạch 2. |
Với sự phát triển đồng bộ của chuỗi công nghiệp dầu khí, Petrovietnam đã trở thành nòng cốt, hạt nhân trong việc hình thành các khu công nghiệp tập trung tại: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai - Hiệp Phước, Cà Mau, Dung Quất - Quảng Ngãi, Vũng Áng - Hà Tĩnh, Nghi Sơn - Thanh Hóa... Sự đầu tư đồng bộ này đã làm thay đổi căn bản cơ cấu kinh tế, mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách quốc gia, cơ bản đáp ứng yêu cầu về năng lượng, phân bón của cả nước. Các dự án như Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất, Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau... hoạt động hiệu quả, đóng góp to lớn cho kinh tế - xã hội nói chung của đất nước và từng vùng, địa phương nơi có dự án vận hành.
Trong quá trình hoạt động, cùng với việc đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, công tác an sinh xã hội luôn được Petrovietnam và các đơn vị thành viên quan tâm, chú trọng. |
Tất cả những giá trị mà chuỗi ngành công nghiệp Dầu khí mang lại đã khẳng định vai trò, vị thế dẫn đầu của Petrovietnam trong việc góp phần bảo đảm duy trì 5 chữ “An” cho đất nước: an ninh năng lượng, an ninh kinh tế, an ninh lương thực, an ninh quốc phòng và an sinh xã hội.
Khẳng định vị thế
Để đạt được những thành tựu to lớn ấy, Petrovietnam đã thường xuyên cập nhật, áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, tiệm cận trình độ thế giới trong hoạt động; nghiên cứu, phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới; tìm kiếm cơ hội đầu tư các dự án mới tiềm năng; cải tiến kỹ thuật, cải hoán các nhà máy, công trình hiện hữu nhằm tối ưu hóa công suất, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, giúp giảm giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh. Hệ thống các doanh nghiệp trực thuộc và thành viên của Petrovietnam như Liên doanh Vietsovpetro, Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP), Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS), Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL), Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power), Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo), Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC), Tổng công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC), Tổng công ty CP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling), Tổng công ty CP Vận tải Dầu khí (PVTrans)... đều được biết đến là những doanh nghiệp có tiềm lực mạnh, hoạt động hiệu quả, có vị trí hàng đầu, dẫn dắt trong các ngành, các lĩnh vực của nền kinh tế đất nước.
Trong thời gian qua, cùng với việc tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh hiện có, thúc đẩy hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí để tận dụng nguồn tài nguyên dầu khí của quốc gia, Petrovietnam đã chủ động nghiên cứu, xây dựng lộ trình phát triển mới dựa trên việc phát huy các lợi thế sẵn có của ngành. Tập đoàn đã có định hướng chiến lược về phát triển các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo, mở rộng chuỗi giá trị sản phẩm dầu khí như điện gió ngoài khơi, điện gió ven biển; nhập khẩu, cung ứng LNG; tăng tỷ trọng khí trong các hoạt động thăm dò, khai thác, sản xuất điện và chế biến hóa dầu, hóa chất. Tập đoàn cũng bắt đầu phát triển chuỗi giá trị hydrogen/amonia, bao gồm sản xuất, lưu trữ, vận chuyển và phân phối; phát triển các trạm sạc/pin nhiên liệu, tận dụng lợi thế cơ sở hạ tầng sẵn có tại các cửa hàng xăng dầu; phát triển công nghiệp cơ khí chế tạo, dịch vụ kỹ thuật năng lượng, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; phát triển công nghệ thu hồi, lưu trữ carbon CCS/CCUS...
Sản xuất chân đế trụ điện gió tại Trung tâm công nghiệp năng lượng và hậu cần kỹ thuật PTSC, thành phố Vũng Tàu. |
Trong từng lĩnh vực hoạt động, Petrovietnam đều xây dựng chiến lược cụ thể, cũng như các nhiệm vụ, giải pháp và tổ chức thực hiện một cách bài bản, phù hợp với đặc điểm, lợi thế của từng ngành, lĩnh vực. Các đơn vị của Petrovietnam cũng chủ động trong cập nhật, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch dài hạn, phù hợp với xu hướng mới.
Cụ thể, PTSC là đơn vị tiên phong và đã trở thành tổng thầu có năng lực hoàn thiện nhất tại Việt Nam trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi, đã nhanh chóng tham gia vào chuỗi cung ứng dịch vụ thiết kế, sản xuất, cung cấp thiết bị điện gió ngoài khơi cho nhiều đối tác, dự án lớn trên thế giới. PV GAS là đơn vị tiên phong, duy nhất hiện nay của Việt Nam nhập khẩu và kinh doanh LNG. PVOIL tham gia cùng với đối tác triển khai lắp đặt trạm sạc xe điện tại các cửa hàng xăng dầu. Các đơn vị sản xuất, nghiên cứu như VPI, BSR, PVFCCo, PVCFC... cũng không ngừng nghiên cứu, cho ra đời các sản phẩm, vật liệu mới mang lại giá trị cao như: sản phẩm hạt nhựa PP định hình nhiệt TF4035 có nhiều đặc tính ưu việt, tính ứng dụng cao và thân thiện với môi trường; các sản phẩm xăng dầu chất lượng cao phục vụ trong quân đội như Jet A-1K, DO L-62, RON 83; sản xuất thành công ống Nano Carbon (CNT) từ nguồn nguyên liệu là khí thiên nhiên giàu CO2; phân bón nhả chậm được bọc bằng vật liệu nano; dầu nhờn chứa phụ gia trên cơ sở vật liệu Graphene, giúp giảm tiêu hao nhiên liệu và giảm lượng khí thải... Các đơn vị cũng đã và đang tiếp tục đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng, thúc đẩy hợp tác, nghiên cứu với các đối tác trong nước và quốc tế để thực hiện các định hướng chiến lược.
Petrovietnam đã chủ động nghiên cứu, hoạch định chiến lược để thích nghi cũng như tận dụng cơ hội trong chuyển dịch năng lượng nhằm tiếp tục phát triển, giữ vững vị thế trụ cột, đóng góp nhiều hơn nữa cho nền kinh tế của đất nước”. Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn |
Sẵn sàng vươn tới những đỉnh cao mới
Ngày 24/4/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận 76-KL/TW về tình hình thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW ngày 23/7/2015 về định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và một số định hướng cho giai đoạn mới.
Việc Bộ Chính trị ban hành Kết luận 76-KL/TW đã tạo điều kiện để phát triển ngành Dầu khí nhanh, bền vững, đồng bộ, hiệu quả, phù hợp với thể chế phát triển, nhất là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế trong giai đoạn mới. Tương lai của ngành Dầu khí được gắn kết chặt chẽ với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược và quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia và yêu cầu của quá trình chuyển dịch năng lượng, thúc đẩy tăng trưởng xanh, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Sự phát triển của ngành cũng đồng thời gắn liền với phát triển bền vững kinh tế biển, góp phần bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, quốc phòng, an ninh biển, đảo, an toàn môi trường sinh thái...
Đó là nền tảng, cơ sở vững chắc và lợi thế rất lớn của Petrovietnam trên hành trình chuyển đổi thành Petrovietnam - Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng Quốc gia; giúp Petrovietnam có đủ điều kiện thực hiện thành công các mục tiêu chiến lược, cũng như tăng khả năng chịu đựng, thích ứng và vượt qua các khó khăn, biến động trong quá trình thực hiện chiến lược.
Với vai trò, vị thế và sứ mệnh “Năng lượng cho phát triển”, cùng với việc phát huy truyền thống văn hóa Dầu khí “Khát vọng - Trí tuệ - Chuyên nghiệp - Nghĩa tình”, trên tinh thần “Một đội ngũ - Một mục tiêu”, thế hệ “những người đi tìm lửa” hôm nay sẽ cùng nhau tiếp tục khai mở những cơ hội trong khó khăn, thách thức, “làm mới động lực cũ” và “bổ sung động lực mới”, “vươn tới đỉnh cao mới”, đưa Petrovietnam sớm hoàn thành mục tiêu trở thành Petrovietnam - Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng Quốc gia; luôn tăng trưởng và phát triển bền vững, là niềm tự hào của người lao động Dầu khí và sự tin tưởng của nhân dân cả nước./.
Tr.L