Ngôn từ của giới trẻ: Hòa nhập đừng hòa tan
Trong làn sóng giao lưu các ngôn ngữ, sự xâm nhập của một ngôn ngữ nước ngoài vào là không tránh khỏi và ngày càng diễn ra với tốc độ cao hơn. Ảnh minh họa. |
Thói quen sử dụng “ngôn ngữ mạng”, ngôn từ “sáng tạo” hay “chêm” tiếng nước ngoài ở một bộ phận người dùng, đặc biệt là giới trẻ vẫn luôn là chủ đề tạo nhiều luồng ý kiến trái chiều.
Làn sóng gây tranh cãi
“Ngôn ngữ mạng” là khái niệm thường được sử dụng trong ngôn ngữ nói hoặc viết trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, YouTube, TikTok, Instagram… Ngoài ra, “ngôn ngữ mạng” còn được sử dụng tại các kênh giao tiếp khác như Zalo, Viber, WhatsApp…
Mặc dù được coi là ngôn ngữ phi chính thống nhưng sức ảnh hưởng của chúng trong cuộc sống thường ngày của người sử dụng lại vô cùng sâu sắc, thậm chí hình thành một “hệ ngôn ngữ” riêng cho cư dân mạng.
Khác với ngôn ngữ chính thống, “ngôn ngữ mạng” hay nhiều ngôn từ do giới trẻ tự sáng tạo ra chú trọng đến việc viết và nói nhanh, gọn, thuận tiện, mang tính chất bông đùa và có phần thiếu nghiêm túc...
Từ đó, nhiều từ ngữ trong tiếng Việt đã bị “biến tấu” thành ngôn ngữ mạng chỉ với cách thức giản lược, thay chữ. Trước tình trạng này, một số bậc phụ huynh bày tỏ sự lo ngại về việc các ngôn từ không chính thống sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc tiếp thu ngôn ngữ chuẩn mực của con em mình.
Chị Trần Thị Mai Trang (39 tuổi, quận Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ, con trai của mình là cháu Trần Gia Bảo (14 tuổi) thường xuyên sử dụng ngôn ngữ sáng tạo trong giao tiếp, kể cả khi nhắn tin hay nói chuyện với phụ huynh, người lớn tuổi.
Ví dụ, có lần, cháu nhắn tin cho mẹ: “Hello mẹ, xin phép mẹ hôm nay con khum về ăn cơm, học xong cả team con sang nhà bạn ăn” (Chào mẹ, xin phép mẹ hôm nay con không về ăn cơm, học xong cả nhóm con sang nhà bạn ăn - PV).
“Tôi cũng hỏi han và lắng nghe cháu giải thích. Qua đó, tôi hiểu rằng, việc này đơn giản là một trào lưu thể hiện sự “sành điệu”, bắt kịp xu hướng của các bạn nhỏ thôi. Việc chèn thêm các từ tiếng Anh như là xuất phát từ thói quen giao tiếp của bọn trẻ với nhau.
Nhiều khi các cháu thấy các bạn nói nên nói theo, tôi cũng không cấm các con trêu đùa nói chuyện với nhau như vậy. Bởi trong xã hội ngày nay, con trẻ tiếp xúc với mạng xã hội nhiều, việc cấm đoán hoàn toàn không khả thi”, chị Mai Trang chia sẻ.
Song chị Trang cũng đã giải thích cặn kẽ để con hiểu, việc lạm dụng những ngôn ngữ phi chính thức trong giao tiếp thường ngày là điều không nên. Đặc biệt, khi các con còn đang tuổi học sinh, nếu biến thành thói quen thì sẽ khiến cho trẻ em quên đi cách sử dụng từ ngữ theo đúng chuẩn mực, gây trở ngại trong quá trình giao tiếp với những người không cùng thế hệ như bố mẹ, ông bà, người lớn tuổi... Sau khi được mẹ “chấn chỉnh”, Gia Bảo cũng đã hiểu ra vấn đề.
Thuộc thế hệ Z, Nguyễn Thu Quỳnh (25 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) - cựu sinh viên Khoa Ngôn ngữ học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN) cũng thường xuyên sử dụng các ngôn từ phi chính thức, chèn thêm tiếng nước ngoài khi bình luận trên mạng xã hội hay nhắn tin với bạn bè.
Song bạn trẻ này cũng cho rằng, “ngôn ngữ mạng” thì chỉ nên được sử dụng trên mạng, hoặc có thể sử dụng trong giao tiếp ngoài đời nhưng chỉ mang tính chất bông đùa, trêu cợt, thân thiết.
Còn việc sử dụng một số từ tiếng Anh thông dụng như thank you (cảm ơn), sorry (xin lỗi), ok (đồng ý), bye (tạm biệt)… hoặc những từ như dạng tiếng lóng, theo trào lưu giúp cho cuộc trò chuyện trở nên thân mật, gần gũi hơn, giảm bớt tính trang nghiêm, trịnh trọng.
“Thực tế, cũng xuất hiện nhiều trường hợp các bạn trẻ ngày nay có phần “bừa bãi” và thiếu cẩn trọng khi sử dụng từ ngữ. Nhiều bạn đem những ngôn ngữ chưa phù hợp khi giao tiếp với đối tác, khách hàng hay ngay chính cấp trên của mình.
Bản thân tôi làm tại bộ phận tuyển dụng của doanh nghiệp, đã từng gặp những bạn trẻ khi gửi email ứng tuyển mà lại sử dụng ngôn từ không chính thống, tất nhiên những ứng viên đó tôi loại ngay vì họ chưa thật sự nghiêm túc, thể hiện ngay cả từ thái độ của mình”, Thu Quỳnh cho biết.
PGS.TS Vương Toàn, nguyên Phó Viện trưởng - Viện Thông tin Khoa học xã hội là người có nhiều đóng góp cho bộ môn Ngôn ngữ học tại Việt Nam. |
Xu thế tất yếu
Chia sẻ với Báo GD&TĐ, PGS.TS Vương Toàn, nguyên Phó Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học xã hội - người có rất nhiều đóng góp cho bộ môn Ngôn ngữ học, cho biết, bản chất của ngôn ngữ là một hiện tượng xã hội. Cùng với sự biến đổi của thời gian, đời sống xã hội, ngôn ngữ tất yếu cũng sẽ có nhiều thay đổi.
Giới trẻ ngày nay đang sống trong một xã hội hiện đại với nhịp sống hối hả, năng động, vì vậy việc họ có những “sáng tạo” riêng khi sử dụng ngôn ngữ trong quá trình giao tiếp để việc truyền tải tình cảm sinh động hơn cũng là điều dễ hiểu.
Theo PGS.TS Vương Toàn, việc các nền tảng mạng xã hội phát triển nhanh chóng, cùng với xu hướng toàn cầu hóa khiến các bạn trẻ được tiếp cận, học hỏi đa dạng các ngôn ngữ nước ngoài là một trong những nguyên nhân khách quan dẫn tới hiện tượng nêu trên.
Ngoài ra, nguyên nhân chủ quan đến từ nhu cầu muốn thể hiện bản sắc, cái tôi riêng của thế hệ trẻ. Việc sử dụng tiếng lóng trong ngôn ngữ giao tiếp được hiểu đơn giản như là một thứ “tín hiệu” giữa những người đồng trang lứa.
“Nhiều người cho rằng những ngôn từ sáng tạo của giới trẻ là “nhố nhăng”, song theo tôi không hẳn là như vậy. Như đã nói, ngôn ngữ sẽ biến đổi theo sự phát triển của xã hội như một xu hướng tất yếu. Chẳng hạn, thời xưa không có ai biết tới khái niệm chơi “game”.
Thế nhưng hiện nay ở Việt Nam, không chỉ giới trẻ mà hầu hết tất cả mọi người đều sử dụng từ “game” để chỉ các trò chơi điện tử. Một ví dụ khác, khi nói về căn bệnh “ết” (AIDS), hầu hết mọi người đều sẽ hiểu ngay. Ít ai nói “chứng suy giảm miễn dịch” trong giao tiếp thường ngày bởi nói như vậy dài quá, không thuận tiện.
Ngay cả trong cuộc sống của chúng ta ngày nay, những từ ngữ thông dụng như cái xi lanh, bình ắc quy, múa ba lê, xe buýt… cũng là các từ mượn của tiếng Pháp. Nói cách khác, sự giao thoa ngôn ngữ là một điều tất yếu.
Tóm lại, ngôn ngữ là quy ước. Các quy ước ngôn ngữ không phải là tĩnh, chúng phát triển theo thời gian khi xã hội thay đổi. Từ mới có thể được tạo ra, ý nghĩa có thể thay đổi và cách sử dụng có thể thay đổi dựa trên động lực xã hội. Nếu cứ đặt nặng về việc phải sử dụng các ngôn từ chính thống mà người nghe không hiểu thì cũng vô cùng khó”, PGS.TS Vương Toàn khẳng định.
Bên cạnh đó, PGS.TS Vương Toàn còn đưa ra những ví dụ về ngôn ngữ của giới trẻ ngày nay đã dần đi vào đời sống. Ví dụ như một số quán cà phê thường sử dụng “menu” thay cho “thực đơn”, “order” thay vì “gọi món”. Hay mới đây nhất là lối sống “phông bạt”.
Theo nghĩa đen, phông bạt là loại vải bạt được sử dụng trong đời sống, thường được dùng để làm nền cho các buổi trình diễn, sự kiện hay trang trí không gian, hoặc dùng để che chắn, che nắng, che mưa, tạo bối cảnh hoặc làm đẹp cho những gì nằm phía sau nó. Còn lối sống “phông bạt” nghĩa bóng dùng để ám chỉ một lối sống giả tạo, che đậy sự thật không như ý bằng lớp vỏ hào nhoáng.
Nhiều ngôn từ sáng tạo của giới trẻ được đưa vào đời sống thường nhật. |
Sức nặng của ngôn từ
Nói về các ý kiến cho rằng những ngôn từ sáng tạo của các bạn trẻ làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt, PGS.TS Vương Toàn nêu quan điểm, những ngôn từ này không được sử dụng trong các văn bản quy phạm pháp luật, vì vậy nó không làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt.
Tuy nhiên, lịch sử của dân tộc ta đã trải qua không ít thăng trầm nhưng nhân dân ta đã luôn làm tất cả để bảo tồn ngôn ngữ, ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết, hồn cốt của dân tộc. Bởi dù ở thời đại nào, ngôn ngữ vẫn là công cụ của tư duy, của giao tiếp, đồng thời truyền tải cả một nền văn hóa, một tinh thần dân tộc.
Tiếng Việt đã góp phần tạo nên bản sắc Việt Nam trong suốt quá trình hình thành và phát triển dân tộc, là nhân tố, là chìa khóa tạo nên sự thống nhất, hòa hợp, đoàn kết trong đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước Việt Nam.
Tiếng nói Việt Nam luôn là niềm tự hào vang lên trên các diễn đàn, trên trường quốc tế. Vì vậy, bất cứ ai cũng có trách nhiệm trong sứ mệnh bảo tồn, duy trì và phát triển tiếng Việt.
Thế nên, mặc dù hướng tới sự toàn cầu hóa và nhân loại có những bước tiến vượt bậc, giao lưu văn hóa là xu hướng chung, nhưng mỗi người cần có ý thức làm sao để “hòa nhập nhưng không hòa tan”.
Điều này thể hiện ngay trong giao tiếp thường ngày, người dùng có thể linh hoạt để phù hợp với thời đại, song cần có sự kiểm soát nhất định. Việc lạm dụng, sử dụng ngôn từ không hợp bối cảnh, không đúng đối tượng vừa thể hiện sự thiếu tôn trọng với người khác, đồng thời cũng khiến mọi người có cái nhìn không mấy thiện cảm với chính bản thân người nói.
Nguồn:Ngôn từ của giới trẻ: Hòa nhập đừng hòa tan
Hà Trang
giaoducthoidai.vn
-
Mê mẩn không khí Giáng sinh trên phố Hàng Mã
-
Hé lộ dàn khách mời 'Anh trai vượt ngàn chông gai'
-
Xuân Son lọt Top 3 Vua phá lưới Cúp C2 châu Á
-
HLV Kim Sang-sik muốn vô địch AFF Cup 2024
-
Người hâm mộ được xem miễn phí Club World Cup
-
Tử vi ngày 6/12/2024: Tuổi Tỵ sự nghiệp như ý, tuổi Thìn cơ hội phát triển
- 20/11 - Ngày gửi gắm lời tri ân
- Trường Đại học Thành Đông tổ chức Lễ kỷ niệm 15 năm ngày thành lập trường
- Từ ngày 25/12, muốn livestream trên mạng phải xác thực số điện thoại
- Science Tornado 2024: Lan tỏa niềm hứng thú và đam mê tìm tòi khoa học
- Khai mạc giải cầu lông Kamito Open tranh cúp Thương hiệu và Pháp luật lần thứ III – năm 2024
-
Tiệm bánh Mizuki - Nơi chỉ có tình trong bánh
-
PV Power – hướng tới nguồn năng lượng sạch cho tương lai
-
Dự báo thời tiết đêm nay và ngày mai 3/12: Hà Nội và các khu vực trên cả nước
-
Làng lụa Vạn Phúc hút khách trong Tuần Văn hóa-Du lịch
-
Tử vi ngày 3/12/2024: Tuổi Tuất chinh phục mục tiêu, tuổi Hợi vững vàng ý chí
-
Ông Nguyễn Đăng Trình giữ chức Tổng giám đốc PVOIL
-
"Chải" Long Vũ lần đầu được đề cử tại VTV Awards
-
Bản tin Năng lượng xanh: Mỹ quyết định đưa ra một đợt thuế quan mới đối với pin mặt trời nhập khẩu từ 4 nước Đông Nam Á
-
Sắc tím Đà Lạt