Tuyên bố chung Việt Nam và Pháp
Tuyên bố chung Việt Nam - Cuba |
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Pháp Jean Castex. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN) |
Tại hội đàm, Thủ tướng Chính phủ hai nước hoan nghênh mối quan hệ lâu đời và bền vững giữa Việt Nam và Pháp. Trên cơ sở Tuyên bố chung được thông qua nhân chuyến thăm chính thức Pháp của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng từ ngày 25 đến 27 tháng 3 năm 2018, hai Thủ tướng khẳng định quyết tâm làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác chiến lược ký năm 2013.
Hướng tới kỷ niệm năm mươi năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước vào năm 2023, hai Thủ tướng nhất trí tăng cường các cuộc trao đổi, tiếp xúc cấp cao và thực thi nỗ lực sâu rộng trong giai đoạn mới của quan hệ đối tác Việt – Pháp trong các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực vệ tinh, cũng như các dự án cơ cấu khác trong lĩnh vực công nghệ cao mang tính chiến lược nhằm nâng cao mức độ quan hệ đối tác.
Việt Nam đánh giá cao vai trò của Pháp và Liên minh châu Âu (EU) tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cũng như các chiến lược của Pháp và EU khẳng định sự quan tâm của Pháp và EU đối với khu vực này. Việt Nam ủng hộ nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm góp phần củng cố hệ thống quốc tế dựa trên luật pháp quốc tế, ứng phó với các thách thức toàn cầu và đặt nền tảng cho phục hồi kinh tế nhanh chóng, công bằng và bền vững, tạo ra thịnh vượng lâu dài. Pháp nhấn mạnh tầm quan trọng của Quan điểm của ASEAN về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (ASEAN Indo-Pacific Outlook - AIPO).
Việt Nam và Pháp chia sẻ quan điểm gần gũi trên nhiều vấn đề lớn của khu vực và quốc tế, trong đó có an ninh, y tế và phát triển bền vững. Trong các chiến lược của Pháp và châu Âu về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Việt Nam, cũng như các thành viên khác của ASEAN, chiếm một vị trí thiết yếu.
Hai nhà Lãnh đạo Chính phủ đã thông qua tuyên bố sau đây :
1. Việt Nam và Pháp trước hết khẳng định tình đoàn kết trong đại dịch Covid-19 và tầm quan trọng của việc thúc đẩy tiếp cận công bằng, bình đẳng vắc-xin và thuốc điều trị Covid-19. Dịch bệnh càng làm nổi bật mối quan hệ vững chắc giữa hai nước, qua việc Việt Nam trao tặng một số lượng lớn khẩu trang cho Pháp vào năm 2020 và Pháp trao tặng 2 triệu liều vắc xin cho Việt Nam vào tháng 9 và tháng 11 năm 2021. Việt Nam hoan nghênh sự đóng góp của Liên minh châu Âu và các quốc gia thành viên của EU, những nước đóng góp hàng đầu cho cơ chế COVAX.
Dịch bệnh Covid-19 đã chứng tỏ tầm quan trọng của mối quan hệ hợp tác lịch sử giữa Việt Nam và Pháp trong lĩnh vực y tế, được khởi nguồn từ việc thành lập Viện Pasteur đầu tiên bên ngoài nước Pháp vào năm 1891, theo sáng kiến của Louis Pasteur. Việt Nam và Pháp đặc biệt mong muốn phát triển mối quan hệ đối tác tăng cường giữa Viện Pasteur Paris và 3 Viện Pasteur Việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu các bệnh mới nổi. Quan hệ hợp tác ưu tiên này cũng được hiện thực hóa thông qua các chương trình đào tạo y khoa và nhiều dự án nghiên cứu chung, đặc biệt xuất phát từ quan hệ đối tác được thiết lập giữa cơ quan nghiên cứu Pháp ANRS-MIE và Bộ Y tế Việt Nam mà hai bên mong muốn tiếp tục duy trì. Mặt khác, hai bên hoan nghênh việc tăng cường hợp tác về chủ đề kháng kháng sinh, ví dụ các dự án chung DRISA và ROADMAP có sự phối hợp của các phòng thí nghiệm nghiên cứu của hai nước.
Để phát triển hợp tác trong lĩnh vực dược, hai bên khuyến khích các tổ chức nhà nước và tư nhân Pháp và Việt Nam thiết lập quan hệ đối tác mới và tăng cường trao đổi. Hai bên nhận thấy tầm quan trọng của việc đảm bảo cho dược phẩm của Pháp và Châu Âu thực sự tiếp cận thị trường Việt Nam theo tinh thần của Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu.
Dịch bệnh Covid-19 cho thấy cần tăng cường hợp tác quốc tế trong giám sát và ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm mới nổi từ động vật. Pháp hoan nghênh việc các cơ quan Việt Nam và các đối tác, trong đó có Pháp, đã ký kết quan hệ đối tác liên bộ và liên ngành «Một sức khỏe» giai đoạn 2021-2025. Pháp cũng nhắc lại cam kết của mình trong khuôn khổ dự án khu vực (FSPI) « Một sức khỏe trong thực hành ở Đông Nam Á » đang được triển khai tại nhiều nước ASEAN trong đó có Việt Nam. Dự án này nhằm xây dựng một cộng đồng nghiên cứu về y tế và đặc biệt về các bệnh mới nổi, thông qua trao đổi dữ liệu về sức khỏe con người, thú y và môi trường, là cách tiếp cận phù hợp được chứng minh qua đại dịch Covid-19. Dự án bao gồm các hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực và phát triển các dự án hợp tác quy tụ tất cả các nước ASEAN (trị giá 1,6 triệu € trong đó có 759.000 € đồng tài trợ).
Pháp hoan nghênh Việt Nam ký Tuyên bố ý định ủng hộ sáng kiến PREZODE (PREventing ZOonotic Diseases Emergence - Phòng ngừa Dịch bệnh mới nổi từ động vật) do Pháp khởi xướng tại Hội nghị Thượng đỉnh One Planet Summit ngày 11 tháng 1 năm 2021.
2. Việt Nam và Pháp tái khẳng định mong muốn tăng cường hợp tác trước những thách thức chung. Hai nước nhấn mạnh vai trò quan trọng của chủ nghĩa đa phương, trong đó Liên hợp quốc giữ vị trí trung tâm và tái khẳng định sự gắn bó với Hiến chương Liên hợp quốc, đặc biệt là tầm quan trọng của việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người và các quyền tự do cơ bản đối với sự phát triển của mỗi quốc gia.
Về biến đổi khí hậu, trong bối cảnh đang diễn ra hội nghị COP26, hai bên tái khẳng định mong muốn tăng cường hợp tác và quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng bền vững theo tinh thần của Chương trình nghị sự 2030 vì phát triển bền vững. Hai bên nhất trí tầm quan trọng của việc hỗ trợ các nước đang phát triển đạt được các mục tiêu quốc gia tham vọng trong khuôn khổ Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu. Pháp cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam hướng tới quỹ đạo tăng trưởng các-bon thấp, thông qua tiếp tục tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Hai bên khuyến khích tập đoàn Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và các đối tác Việt Nam tiếp tục nỗ lực tạo thuận lợi và đẩy nhanh các thủ tục triển khai các chương trình, dự án mới phù hợp với các ưu tiên của Việt Nam. Kể từ khi có mặt tại Việt Nam, AFD đã tài trợ gần 2,5 tỷ € cho các dự án và dự kiến tăng cường hoạt động trong vòng 5 năm tới thông qua các khoản cho vay trong khuôn khổ chương trình « 100% Thỏa thuận Paris ». Việt Nam và Pháp hoan nghênh việc ký khoản vay bảo lãnh Chính phủ của AFD trong lĩnh vực kiểm soát ngập lụt (tỉnh Điện Biên) và việc hoàn tất các thủ tục để sớm ký hai khoản vay không bảo lãnh cho Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) để mở rộng đập Hòa Bình và nâng cao hiệu quả các mạng lưới điện của Tập đoàn. Pháp cũng hoan nghênh sự ủng hộ của Việt Nam đối với Liên minh vì nông nghiệp sinh thái, được khởi xướng theo sáng kiếncủa Pháp tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc về Hệ thống Lương thực ngày 23 tháng 9 vừa qua và điều đó cho thấy hai bên đang phối hợp nhịp nhàng để chuyển đổi bền vững các hệ thống nông nghiệp.
Trong lĩnh vực văn hóa và giảng dạy tiếng Pháp, hai bên thể hiện quyết tâm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác. Đây là một lĩnh vực quan trọng trong quan hệ song phương. Lĩnh vực này góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và tình đoàn kết giữa nhân dân hai nước. Hai nhà đứng đầu Chính phủ ghi nhận vai trò quan trọng của Viện Pháp tại Hà Nội và Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp trong hợp tác văn hóa giữa hai nước. Việt Nam cam kết phối hợp chặt chẽ với phía Pháp để tìm ra một giải pháp bất động sản lâu dài và hợp lý về tài chính cho Viện Pháp từ nay cho tới năm 2023. Hai bên hoan nghênh thành công của các trường Pháp Alexandre Yersin tại Hà Nội và Marguerite Duras tại Thành phố Hồ Chí Minh trong việc giảng dạy các học sinh quốc tịch Pháp, Việt Nam và các nước thứ ba. Việt Nam và Pháp tái khẳng định cam kết chung nhất quán của hai nước đối với Cộng đồng Pháp ngữ và khẳng định tăng cường trao đổi và hợp tác giữa hai nước tại diễn đàn này. Việc đẩy mạnh giảng dạy tiếng Pháp và bằng tiếng Pháp tại Việt Nam, đặc biệt là trong các lớp song ngữ tiếng Pháp, cũng như việc dạy tiếng Việt tại Pháp sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi học sinh, sinh viên, khuyến khích hợp tác trên mọi lĩnh vực và góp phần thắt chặt quan hệ giữa nhân dân hai nước. Việt Nam hoan nghênh chương trình đào tạo thường xuyên cho giáo viên Việt Nam giảng dạy tiếng Pháp và bằng tiếng Pháp ở Việt Nam giai đoạn 2021-2023 do Pháp tài trợ và cam kết nghiên cứu khả năng tiếp tục chương trình này thông qua việc cấp khoản tài chính cần thiết kể từ năm 2023.
Về hợp tác trong lĩnh vực luật pháp và tư pháp, Việt Nam và Pháp mong muốn tiếp tục duy trì và thúc đẩy quan hệ hợp tác truyền thống giữa hai nước trong gần 30 năm qua. Hai bên hoan nghênh sự năng động trong hợp tác cũng như việc ký kết, triển khai thực hiện các Thỏa thuận hợp tác giữa các cơ quan pháp luật, tư pháp và các tổ chức luật gia của hai nước. Về hợp tác trong lĩnh vực quản trị, hai nước hoan nghênh việc ký kết Thỏa thuận hành chính giữa Bộ Nội vụ Việt Nam và Bộ Chuyển đổi và Công vụ Pháp trong thời gian tới. Cụ thể về hợp tác trong quản trị số và hiện đại hóa nền hành chính, hai nước hoan nghênh hợp tác giữa Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và Văn phòng Chính phủ Việt Nam đang tiến hành và mong muốn tiếp tục hợp tác lâu dài thông qua việc triển khai một dự án mới cho giai đoạn 2022-2023.
Pháp và Việt Nam nhấn mạnh khoa học và công nghệ cũng như giáo dục đại học là một trong những lĩnh vực ưu tiên trong hợp tác song phương. Hai bên tái khẳng định sự cần thiết ký lại Hiệp định hợp tác khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, trên cơ sở Hiệp định đã ký năm 2007, đồng thời nghiên cứu khả năng xây dựng các hoạt động hợp tác cụ thể trong một số lĩnh vực ưu tiên như công nghệ số, khoa học hàng không vũ trụ, công nghệ sinh học ứng dụng trong nông nghiệp và y tế, năng lượng. Khuôn khổ này có thể giúp xác định quy chế cho những nhà nghiên cứu, giảng viên nghiên cứu và chuyên gia kỹ thuật có đóng góp quan trọng cho hợp tác Việt – Pháp. Hai bên hoan nghênh thỏa thuận đã đạt được về việc công nhận lẫn nhau về văn bằng và đào tạo, đồng thời cam kết tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực đào tạo cán bộ hành chính công thông qua các chương trình đào tạo ngắn hạn và dài hạn. Hai bên tái khẳng định mong muốn có khả năng tiếp cận học bổng đào tạo tiến sĩ của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Đề án 89) cho các cơ sở giáo dục đại học Pháp. Hai bên cam kết tìm giải pháp tạo thuận lợi cho việc đến và lưu trú của các nhà nghiên cứu, giảng viên-nghiên cứu và chuyên gia kỹ thuật hai nước trên lãnh thổ Việt Nam và Pháp trên cơ sở tôn trọng luật pháp nước sở tại. Hai bên hoan nghênh vai trò của các trung tâm nghiên cứu của Pháp trong lĩnh vực khoa học bền vững, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học sức khỏe: Viện Nghiên cứu Phát triển (IRD), Trung tâm Hợp tác quốc tế về nghiên cứu nông nghiệp vì sự phát triển (CIRAD), Trường Viễn Đông Bác cổ (EFEO) và Cơ quan Nghiên cứu Quốc gia về AIDS và Viêm gan siêu vi (ANRS). Mặt khác, Việt Nam và Pháp cam kết tăng cường hợp tác trong lĩnh vực di sản, đặc biệt về bảo tồn (tiếp tục các hoạt động đào tạo chuyên gia, trao đổi kinh nghiệm). Hai bên cam kết tăng cường các dự án hợp tác chất lượng cao hiện có như Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH), Trung tâm Đào tạo Quản lý Pháp-Việt (CFVG) / Đại học Quản lý Châu Âu (EMU), Chương trình Đào tạo Kỹ sư Chất lượng cao tại Việt Nam (PFIEV), Chương trình Pháp-Việt đào tạo kiến trúc và cảnh quan đô thị của Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội (HAU).
Trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh, trong bối cảnh Việt Nam và Pháp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ quốc phòng, hai bên tái khẳng định quyết tâm tạo xung lực mới cho lĩnh vực hợp tác này trong khuôn khổ đối tác chiến lược song phương qua việc tiến hành một dự án mang tính cơ cấu nhằm khẳng định mức độ tin cậy lẫn nhau giữa hai nước. Việt Nam và Pháp hoan nghênh các trao đổi trong khuôn khổ Đối thoại Chiến lược và Hợp tác quốc phòng Việt - Pháp. Hai bên sẽ sớm tổ chức các phiên họp tiếp theo của các nhóm công tác trong khuôn khổ này cũng như đối thoại chiến lược giữa các Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng (« 2+2 »). Để làm sâu sắc thêm nội dung các cuộc đối thoại, hai nước sẽ sớm ký thỏa thuận về trao đổi và bảo vệ thông tin mật. Hai bên hoan nghênh việc các tàu quân sự Pháp thăm xã giao hoặc ghé đậu kỹ thuật phù hợp với các quy định pháp luật Việt Nam và tiếp tục triển khai Tuyên bố về Tầm nhìn chung trong hợp tác quốc phòng giai đoạn 2018-2028. Hai bên chủ trương tiếp tục hợp tác đào tạo sĩ quan tại Pháp, trong lĩnh vực học tiếng Pháp, đặc biệt là nhằm triển khai các lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình tại các khu vực nói tiếng Pháp. Hai bên sẽ tiếp tục và chính thức hóa hợp tác trong lĩnh vực quân y thông qua ký Thỏa thuận khung về hợp tác Việt- Pháp trong lĩnh vực quân y. Cuối cùng, trong lĩnh vực an ninh nội địa, hợp tác giữa Việt Nam và Pháp sẽ được tăng cường trong các vấn đề di cư và buôn bán người.
3. Việt Nam và Pháp sẽ nỗ lực hoạt động theo hướng tăng cường triển khai các quan hệ đối tác giữa EU với Việt Nam và EU với ASEAN, trong khuôn khổ chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của EU và nhiệm kỳ Pháp làm chủ tich EU trong nửa đầu năm 2022. Pháp khẳng định cam kết hợp tác ngày càng sâu rộng với ASEAN. Pháp cảm ơn Việt Nam đã có vai trò tích cực hỗ trợ Pháp đạt quy chế đối tác phát triển của ASEAN. Việt Nam ủng hộ Pháp tham gia vào các cơ chế hợp tác của ASEAN.
Việt Nam và Pháp tái khẳng định tôn trọng đầy đủ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, cũng như giải quyết hòa bình các tranh chấp, loại trừ mọi hành động sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Hai bên khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở tất cả các vùng biển và đại dương, đặc biệt là ở Biển Đông, trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế. Hai bên hoan nghênh vai trò trung tâm của ASEAN trong việc ủng hộ đối thoại, hợp tác, luật pháp quốc tế ; ủng hộ các nỗ lực của ASEAN và Trung Quốc nhằm thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về luật biển.
Pháp hoan nghênh Việt Nam đã đảm nhiệm xuất sắc cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và chúc mừng sự hợp tác chặt chẽ giữa hai nước trong suốt nhiệm kỳ này.
4. Pháp và Việt Nam đoàn kết đối mặt với những hậu quả kinh tế và xã hội của đại dịch COVID19. Hai bên tái khẳng định quyết tâm tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế. Trên tinh thần này, hai bên sẽ tổ chức Đối thoại cấp cao kinh tế, diễn đàn chính của đối thoại kinh tế song phương, trong tháng 01 năm 2022 nếu điều kiện cho phép theo một hình thức giúp đạt được những tiến bộ cụ thể.
Hai bên khẳng định tầm quan trọng của việc triển khai đầy đủ và nhanh chóng Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu, có hiệu lực từ tháng 8 năm 2020. Về việc này, hai bên nhấn mạnh cam kết tuân thủ các nghĩa vụ theo qui định của Hiệp định, trong đó có lĩnh vực phát triển bền vững, tạo điều kiện cho trao đổi thương mại và tiếp cận thị trường, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, hai bên hoan nghênh việc Việt Nam mở cửa thị trường với các sản phẩm từ trứng của Pháp và hợp tác song phương tốt đẹp về quản lý dịch bệnh động vật nhằm giảm thiểu tác động đến thương mại song phương.
Hai bên tiếp tục và tăng cường hợp tác trong việc phát triển ngành thủy sản bền vững, phù hợp với các tiêu chuẩn của Việt Nam và EU.
Việt Nam và Pháp, đặc biệt thông qua cơ quan Business France, tiếp tục có những hoạt động cụ thể nhằm tạo thuận lợi cho việc kết nối và trao đổi hàng hóa và dịch vụ giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các doanh nghiệp tầm trung của Pháp và Việt Nam, theo các trục hợp tác ưu tiên.
Việt Nam và Pháp ghi nhận sự đóng góp của các công ty Pháp ở nước ngoài (EFE) đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam và đối với mối quan hệ song phương.
5. Trong khi dịch bệnh Covid-19 làm chậm lại sự giao lưu nhân dân hai nước, Pháp và Việt Nam mong muốn tạo điều kiện sớm nối lại quan hệ này. Hai bên mong muốn khuyến khích trao đổi khách du lịch, sinh viên, giáo viên và cán bộ giáo dục, nhà nghiên cứu, nghệ sĩ, nhân viên y tế, thực tập sinh và tình nguyện viên quốc tế, cũng như các chuyên gia và các doanh nhân hai nước - những người đang hàng ngày tạo nên sức sống cho mối quan hệ Pháp - Việt.
6. Pháp cam kết sát cánh cùng Việt Nam trong quá trình phát triển bền vững, đặc biệt trong khuôn khổ các dự án cơ sở hạ tầng lớn. Hai bên tái khẳng định mong muốn sẵn sàng tăng cường quan hệ đối tác kinh tế và công nghiệp lâu dài trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, giao thông, năng lượng và vũ trụ. Hai bên mong muốn các dự án đang tiến hành sớm đạt được thành công và các công ty Pháp sẽ được mời tham gia vào các dự án trong tương lai.
Về vấn đề giao thông đô thị, hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của dự án tuyến metro số 3 tại Hà Nội, do Pháp cho vay hơn 500 triệu € và khẳng định mục tiêu đưa vào vận hành phần trên cao của tuyến tàu điện ngầm từ nay đến cuối năm 2022. Hai bên cam kết sớm tìm ra giải pháp nhằm đạt được những mục tiêu chung, trong đó tính đến việc ký hợp đồng đưa vào khai thác đoạn trên cao, áp dụng khuôn khổ hợp đồng FIDIC nhằm đảm bảo vận hành hiệu quả dự án và điều chỉnh khuôn khổ đầu tư dự án cho phép tiếp tục xây dựng phần ngầm sau năm 2022.
Pháp ủng hộ nỗ lực của Việt Nam trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng, thí dụ thông qua ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo. Việt Nam hoan nghênh các đề xuất của Pháp trong lĩnh vực năng lượng (năng lượng mặt trời, gió, sinh khối, khí đốt) về phân phối, lưu trữ cũng như về tài chính và hỗ trợ kỹ thuật. Việt Nam hoan nghênh dự án do Pháp tài trợ để công ty Weatherforce của Pháp hỗ trợ Tổng cục Khí tượng Thủy văn Việt Nam nghiên cứu, phát triển các giải pháp thời tiết thông minh hỗ trợ sản xuất nông nghiệp.
Trong lĩnh vực hàng không, một lĩnh vực chiến lược trong quan hệ song phương, đặc biệt liên quan đến việc cung cấp máy bay và các dịch vụ kèm theo cho các hãng hàng không, trang thiết bị, đào tạo và kỹ thuật cho toàn ngành, Việt Nam và Pháp đã bày tỏ quan tâm đến việc tiếp tục hợp tác trên tất cả các mặt.
Trong lĩnh vực vũ trụ, Việt Nam và Pháp tái khẳng định mong muốn tiếp tục hợp tác cả trong lĩnh vực vệ tinh cũng như để sử dụng hình ảnh vệ tinh trong nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, khí tượng thủy văn, ứng phó biến đổi khí hậu và phòng ngừa rủi ro thiên tai.
Hai bên hoan nghênh các khoản đầu tư của Pháp vào lĩnh vực logistics và hạ tầng cảng biển, cho phép tạo thuận lợi cho thương mại giữa hai nước và cam kết duy trì hợp tác trong lĩnh vực này nhằm tránh gián đoạn chuỗi cung ứng.
Cuối cùng, hai bên ghi nhận tầm quan trọng của hợp tác trong lĩnh vực đô thị bền vững, đặc biệt là tại Hà Nội với các dự án giao thông và quy hoạch đô thị, triển khai chợ đầu mối trong tương lai.
7. Sau cùng, lãnh đạo Chính phủ hai nước hoan nghênh việc tiếp tục tăng cường hợp tác giữa các địa phương Việt Nam và Pháp, sự hợp tác trong những thập kỷ qua đã giúp phát triển các mối quan hệ phong phú và độc đáo giữa các địa phương, cũng như các trường trung học, đại học và bệnh viện, của Pháp và Việt Nam.
Pháp và Việt Nam coi hợp tác giữa các địa phương là một trụ cột của hợp tác song phương góp phần tăng cường mối quan hệ và tình đoàn kết giữa hai nước và nhân dân hai nước. Kỳ họp tiếp theo về hợp tác giữa các địa phương tại Hà Nội vào cuối năm 2022 sẽ là một giai đoạn quan trọng cho việc ký kết các quan hệ đối tác mới.
Nguồn: Tuyên bố chung Việt Nam và Pháp
Vân Anh
kinhtexaydung.petrotimes.vn
-
Dự báo thời tiết đêm nay và ngày mai 24/11: Hà Nội và các khu vực trên cả nước
-
Messi: ‘Đội hình Barca hiện tại thật phi thường’
-
4 nhóc tỳ đáng yêu, kháu khỉnh nhà Vân Trang
-
Cuộc sống của Thanh Thanh Hiền trong nhà vườn nghìn mét vuông
-
Nam vương Tuấn Ngọc xuất sắc lọt Top 5 Dự án Nhân ái tại Mr World 2024
- Nâng cao năng lực tham mưu cho cán bộ tuyên giáo cấp huyện trong giai đoạn hiện nay
- Tình cảm bạn bè quốc tế với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua những con số ấn tượng
- Vẻ đẹp nhân phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh thức lòng dân và sự đoàn kết
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - nhà lãnh đạo liêm khiết, giản dị trong lòng mỗi người dân Việt Nam
- Khắc sâu những hình ảnh đẹp, kỷ niệm khó quên về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Sáng ngời trí tuệ lớn, nhân cách lớn
- Tang lễ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức theo nghi thức Quốc tang
- Infographic: Tiểu sử Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Bác Trọng - Nhà lãnh đạo của lòng dân
- Thúc đẩy giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam và tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc trong ngành xây dựng, nội thất, gia dụng
- Thủ tướng: Không quên những người làm nên "cột mốc vàng" lịch sử Điện Biên Phủ
-
Eximbank: Không có việc NHNN đang thanh tra các hoạt động cấp tín dụng tại ngân hàng
-
Techcombank kinh doanh ra sao trong 9 tháng đầu năm 2024?
-
Vietinbank dẫn đầu ngành ngân hàng về tổng thu nhập hoạt động 9 tháng đầu năm 2024
-
Giá hoa tươi dự kiến tăng cao dịp 20/11
-
Khởi nghiệp trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cùng với TT-GREEN
-
CLB Viettel đại thắng 5 sao, vươn lên top 3 V-League 2024/25
-
Ngân hàng SHB - Top 10 ngân hàng có lợi nhuận cao nhất 9 tháng đầu năm 2024
-
Đội tuyển Nga tiếp tục vắng mặt ở vòng loại World Cup 2026
-
Vinamilk nhận loạt giải thưởng về quản trị và phát triển bền vững