Bến Tre: Thạnh Phú nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực

03:14 | 22/08/2022

|
Cây dừa, cây lúa, cây xoài tứ quý, con bò, con tôm và gia súc được xác định là 6 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện Thạnh Phú. Hiện nay, các chuỗi giá trị nông nghiệp chủ lực của huyện được hình thành và từng bước phát triển ổn định.
Bến Tre: Thạnh Phú nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực
Thu hoạch tôm công nghệ cao tại xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú.

5 chuỗi đang hoàn thiện, phát triển mạnh

Các chuỗi cây lúa, dừa, xoài, bò và tôm biển đang hoàn thiện và phát triển khá mạnh. Từng chuỗi sản phẩm được tập trung phát triển các loại hình sản xuất phù hợp theo từng vùng sinh thái của các tiểu vùng theo hướng sản xuất hàng hóa, nhằm nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập.

Chuỗi giá trị cây dừa được hình thành, với trên 7,6 ngàn ha. Sản lượng bình quân hàng năm trên 67,7 triệu trái. Trong đó, có hơn 665ha dừa trồng theo mô hình hữu cơ giá trị cao, với 729 hộ (thuộc xã Tân Phong, Phú Khánh, Đại điền, Thới Thạnh). Các hợp tác xã phối hợp với Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex) phát triển mô hình trồng dừa theo hướng hữu cơ, an toàn thân thiện với môi trường và tiêu thụ dừa lấy dầu giúp người trồng dừa có thu nhập ổn định và mở rộng các dịch vụ khác từ sản phẩm dừa nhằm giải quyết việc làm, tăng thêm thu nhập cho thành viên.

Các xã như Hòa Lợi, Quới Điền, Mỹ Hưng mặc dù hộ dân tham gia mô hình trồng dừa hữu cơ chưa nhiều nhưng huyện hỗ trợ các địa phương tiến đến ký kết tiêu thụ dừa lấy dầu cho người dân và hướng dẫn trồng dừa theo hướng hữu cơ. Hiện nay, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đang phối hợp triển khai mô hình chuyển đổi đất trồng lúa, mía kém hiệu quả sang trồng dừa tại các xã Hòa Lợi, Mỹ Hưng, Bình Thạnh. Đây là mô hình trình diễn, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, tăng thu nhập.

Chuỗi giá trị cây xoài (xoài tứ quý) có trên 480ha, tập trung ở các xã Thạnh Phong, Thạnh Hải và Giao Thạnh. Sản lượng hàng năm ước khoảng 7 ngàn tấn. Hiện nay, người dân từng bước áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng và giá trị cây xoài như: tham gia mô hình tưới tiết kiệm nước và dinh dưỡng cho cây xoài giúp cho cây sinh trưởng và phát triển tốt. Trái xoài đang tiếp cận thị trường TP. Hồ Chí Minh, Bình Phước... Hợp tác xã Nông nghiệp Thạnh Phong đã ký kết hợp đồng với doanh nghiệp, nhưng sản lượng chưa đủ lớn theo yêu cầu doanh nghiệp. Hợp tác xã đang tiếp tục vận động thành viên sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, tiêu chuẩn sạch, hữu cơ... để đáp ứng nhu cầu thị trường, mở rộng ký kết đầu ra với thành viên và từng bước chế biến sản phẩm từ xoài. Trái xoài tứ quý đã được công nhận và công bố nhãn hiệu chứng nhận “Xoài tứ quý Thạnh Phú”.

Hiện UBND huyện đã ban hành kế hoạch phát triển 1.500ha nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021 - 2025. Mô hình nuôi tôm thâm canh theo hướng ứng dụng công nghệ cao đến nay có trên 800ha (đạt 100% chỉ tiêu năm và 53,33% kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025), tập trung ở các xã: Thạnh Hải, Thạnh Phong, Giao Thạnh, An Điền, An Nhơn, An Qui, An Thuận, An Thạnh, Mỹ An. Năng suất thu hoạch trung bình khoảng 40 tấn/ha diện tích nuôi. Mô hình này đem lại hiệu quả rất cao, rủi ro tương đối thấp, hiện đang phát triển mạnh.

Chuỗi giá trị con bò đã hình thành, với trên 46 ngàn con/tổng số trên 48 ngàn con (đạt 95%). Huyện đang tiếp tục phát triển tăng về số lượng và chất lượng. Thời gian qua, giá cả khá ổn định nên người chăn nuôi an tâm duy trì và tăng đàn. Bên cạnh đó, huyện còn xây dựng kế hoạch về nhân rộng và phát triển đàn bò sữa trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 - 2030; tổ chức thí điểm xây dựng mô hình Tổ hợp tác nuôi bò sữa xã Mỹ Hưng, nhằm đem lại hiệu quả, đàn bò sữa phát triển tốt. Hiện tổng đàn bò sữa toàn huyện có 131 con, trong đó số bò đang cho sữa khoảng 50 con. Sản lượng sữa từ 500 - 600 kg/ngày. Giá bình quân 14 ngàn đồng/kg. Chuỗi giá trị bò của huyện đang từng bước hoàn thiện gắn với chuỗi giá trị bò của tỉnh.

Phát huy tốt vai trò của các bên tham gia

Theo Chủ tịch UBND huyện Thạnh Phú Đào Công Thương, kế hoạch hoàn thiện các chuỗi giá trị nông sản chủ lực phải gắn với chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng. Tập trung xây dựng các mối liên kết chuỗi giá trị gắn với việc phát huy tốt vai trò của từng bên tham gia chuỗi giá trị nông sản.

Bến Tre: Thạnh Phú nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực
Tập trung sản xuất dừa hữu cơ tại Hợp tác xã Nông nghiệp Thới Thạnh.

Cần nêu cao vai trò định hướng của UBND huyện, các ngành, các đoàn thể huyện, xã trong việc định hướng, tuyên truyền, vận động xây dựng, hoàn thiện các chuỗi giá trị chủ lực. Triển khai tốt các cơ chế, chính sách, tạo môi trường đầu tư thuận lợi để các tác nhân tham gia xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị.

Chủ tịch UBND huyện Thạnh Phú Đào Công Thương cho rằng, đối với người sản xuất, chăn nuôi cần chủ động, tự nguyện tham gia hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, thay đổi thói quen sản xuất tự phát, nhỏ lẻ để chuyển hướng sang sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm đáp ứng yêu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Doanh nghiệp đẩy mạnh cung cấp dịch vụ đầu vào, đầu ra sản phẩm, kết nối giữa sản xuất với thị trường, chủ động liên kết với nông dân và tham gia vào chuỗi giá trị.

Kết quả của những việc làm trên nhằm hướng đến phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, xây dựng, nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế phù hợp với địa phương, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Thực hiện Nghị quyết số 07 của Tỉnh ủy về “xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Bến Tre”, Huyện ủy đã xây dựng Kế hoạch số 06 về “nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp của huyện Thạnh Phú theo hướng phát triển bền vững giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030”.

Nguồn: Thạnh Phú: Nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực

Cẩm Trúc

baodongkhoi.vn