Bình Định: “Cõng luật” về miền núi

16:41 | 11/08/2024

|
Thời gian qua, Ban Dân tộc tỉnh Bình Định thường xuyên phối hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Bình Định tăng cường trợ giúp pháp lý lưu động, tuyên truyền và tư vấn pháp luật cho đồng bào DTTS ở các xã miền núi trên địa bàn tỉnh. Hoạt động này góp phần nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật cho người dân; giải quyết nhiều vướng mắc phát sinh trong cuộc sống và tăng cường gắn kết cộng đồng dân cư.
Bình Định: “Cõng luật” về miền núi
Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật cho học sinh Trường THCS bán trú Canh Thuận, huyện Vân Canh, do Sở Tư pháp phối hợp với Ban Dân tộc, tỉnh Bình Định tổ chức.

Làm cho đồng bào “ưng cái bụng”

Thực hiện Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, các ngành chức năng trong tỉnh Bình Định tổ chức nhiều buổi tuyên truyền pháp luật và trợ giúp pháp lý tại các xã miền núi. Qua các buổi trợ giúp pháp lý, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa được giải đáp những khúc mắc trong cuộc sống, làm cho họ “ưng cái bụng”.

Đơn cử như vào cuối tháng 3/2024, Trung tâm Trợ giúp pháp lý phối hợp với Phòng Tư pháp huyện An Lão, tổ chức thực hiện buổi truyền thông trợ giúp pháp lý. Nhằm giúp người dân bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, nhất là đối với đồng bào DTTS và những người yếu thế…, Trợ giúp viên pháp lý đã giới thiệu đến đông đảo người dân tham dự về Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và văn bản liên quan thiết thực đến đời sống của đồng bào DTTS như: Luật Đất đai, Luật An toàn Giao thông đường bộ, Luật Hôn nhân và Gia đình, các quy định liên quan đến tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, Luật Phòng chống bạo lực gia đình… đã thu hút hàng trăm người tham dự.

Buổi truyền thông trợ giúp pháp lý lưu động này đã góp phần trang bị cho người tham dự những nội dung kiến thức cơ bản của các luật, từ đó nhằm nâng cao hiểu biết pháp luật, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật. Đồng thời góp phần bảo vệ tốt quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý và giảm thiểu những vấn đề bức xúc diễn ra trong đời sống hằng ngày. Các trợ giúp viên đã tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý trực tiếp cho 5 trường hợp với 5 nội dung khác nhau như: Tranh chấp đất đai giữa hai hộ gia đình (một bên có sổ đỏ và một bên không có sổ đỏ); hôn nhân và gia đình, bạo lực gia đình…

Bình Định: “Cõng luật” về miền núi
Những buổi trợ giúp pháp lý lưu động thu hút nhiều người dân tham gia.

Bà Đinh Thị Oanh, trú tại thôn 2, xã An Dũng bày tỏ: Những buổi trợ giúp pháp lý lưu động, tư vấn pháp luật rất hữu ích đối với bà con. Các nội dung, quy định của Luật Trẻ em; Luật Đất đai; Luật Hôn nhân và gia đình… được cán bộ truyền tải ngắn gọn, gần gũi với đời sống hằng ngày nên bà con dễ nghe, dễ hiểu. Sau khi được trợ giúp giải đáp những điều chưa rõ, ai cũng cảm thấy hài lòng và mong muốn có nhiều đợt trợ giúp pháp lý như thế này để từng bước nâng cao nhận thức về pháp luật.

Một buổi trợ giúp pháp lý khác được tổ chức tại huyện Vân Canh, các trợ giúp viên đã giải đáp một số vướng mắc của người dân có nhu cầu hỏi về các chế độ chính sách; về tảo hôn; về quyền thừa kế; về chuyển mục đích sử dụng đất; việc bảo vệ, phát triển rừng và một số lĩnh vực pháp luật khác… Ông Sô Y Khó ở làng Canh Lãnh, xã Canh Hoà chia sẻ: Trước giờ, bà con nhận thức pháp luật còn hạn chế. Từ khi có cán bộ tỉnh và huyện về tuyên truyền, hỗ trợ thông tin pháp luật, bà con mừng lắm. Chúng tôi không những được nâng cao nhận thức về pháp luật mà còn hiểu biết về chính sách trợ giúp pháp lý của Đảng và Nhà nước dành cho người nghèo, người DTTS như chúng tôi. Sau khi được giải đáp những vấn đề chưa hiểu, ai cũng hài lòng.Còn ông Đinh Văn Đậm, ở khu phố Hiệp Hà, thị trấn Vân Canh cho hay: Mỗi khi nghe tin có buổi trợ giúp pháp lý lưu động, tư vấn pháp luật ở địa phương, rất nhiều bà con sắp xếp công việc để tham gia. Đây là hoạt động giúp bà con hiểu biết pháp luật, tránh những tranh chấp, mâu thuẫn không đáng có trong cuộc sống.

Bình Định: “Cõng luật” về miền núi
Các em học sinh tham gia chơi trò chơi “đi tìm ô chữ” để trang bị kiến thức về phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Tiếp tục hướng về cơ sở

Với mục đích hướng về cơ sở, nhất là địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, các cấp ngành tiếp tục phối hợp để tổ chức ngày càng nhiều những buổi trợ giúp pháp lý lưu động. Tại các nơi trợ giúp, cán bộ, trợ giúp viên ưu tiên tuyên truyền, phổ biến đến người dân nhiều quy định pháp luật liên quan thiết thực trong cuộc sống hằng ngày. Những quy định về đất đai, lâm nghiệp, bảo vệ rừng, hôn nhân và gia đình, quyền trẻ em, bạo lực gia đình… sẽ được các trợ giúp viên dành thời gian trình bày cụ thể, rõ ràng. Đồng thời, giải đáp những vấn đề thắc mắc, bức xúc của người dân; hướng dẫn người dân ứng dụng các quy định pháp luật vào cuộc sống; tránh thực hiện những hành vi, việc làm vi phạm pháp luật.

Ông Lâm Thanh Tùng, Phó Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Bình Định, kiêm trợ giúp viên pháp lý cho biết: Thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý lưu động, sau khi nghe người dân trình bày, các trợ giúp viên pháp lý phân tích hợp tình, đúng lý, giúp bà con hiểu biết và tháo gỡ nhiều vụ việc vướng mắc trong cuộc sống. Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục tăng cường hoạt động trọ giúp pháp lý lưu động; đảm bảo 100% các xã thuộc huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn, các xã miền núi, bãi ngang được tổ chức trọ giúp pháp lý lưu động ít nhất 1 lần trong năm.

Bình Định: “Cõng luật” về miền núi
Người dân chăm chú lắng nghe trong các buổi trợ giúp pháp lý lưu động.

Hiện nay, đa số người dân sống ở vùng sâu, vùng xa tiếp cận pháp luật hạn chế, nên khi truyền thông, các cấp ngành phải chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo nội dung chính xác nhưng dễ hiểu nhất. Các trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên và luật sư cũng sẽ giải đáp rõ ràng, cụ thể các vụ việc; giúp bà con tháo gỡ nhiều vướng mắc về pháp lý trong cuộc sống. Thực tế hiện nay cho thấy, nhu cầu tìm hiểu pháp luật và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về pháp lý của người dân, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS ngày càng tăng. Nhiều khi, quyền lợi hợp pháp của người dân bị xâm phạm nhưng họ không biết tìm đến đâu để được giải quyết.

Theo ông Đinh Văn Lung, Trưởng ban Ban Dân tộc tỉnh Bình Định, đa số người dân ở các xã miền núi đều là đồng bào DTTS, vốn kiến thức pháp luật chưa cao. Do đó, những buổi trợ giúp pháp lý lưu động không chỉ trợ giúp, tư vấn cho từng trường hợp cụ thể mà còn giúp cộng đồng dân cư tiếp cận pháp luật, nâng cao hiểu biết và kiến thức pháp luật để tiếp tục là điểm tựa pháp lý cho đồng bào DTTS, người yếu thế trên địa bàn tỉnh.

“Thời gian tới, Ban Dân tộc tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành tổ chức nhiều buổi trợ giúp pháp lý lưu động ở các xã vùng đồng bào DTTS. Đặc biệt tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý. Đồng thời, đổi mới, đa dạng hóa nội dung, hình thức tổ chức phù hợp với từng đối tượng, địa bàn nhằm giúp nâng cao khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân”, ông Lung chia sẻ thêm.

Nguồn: Bình Định: “Cõng luật” về miền núi

Thành Nhân

baodantoc.vn