Cà Mau: Chông chênh tàu 67 - Bài cuối: Kỳ vọng của ngư dân

13:26 | 07/10/2022

|
Mặc dù trong quá trình triển khai thực hiện có nhiều vướng mắc cần tháo gỡ, nhưng thực tế không thể phủ nhận Nghị định 67/2014 là chính sách lớn, phù hợp với nguyện vọng của ngư dân. Những địa phương có biển, có cửa biển lớn luôn cần sự đầu tư về mọi mặt, trong đó có những chính sách hỗ trợ, ưu đãi để nghề biển, nghề truyền thống của người dân ven biển vươn tầm theo hướng hiện đại.

Vấn đề hiện nay là ngành chức năng sớm khắc phục những tồn tại đã qua để chuyến tàu này thật sự mang lại ấm no cho người dân.

Chặt chẽ nhưng vẫn khó

Sông Ðốc là một trong những cửa biển lớn của tỉnh và khu vực, chính vì vậy, khi triển khai thực hiện các chính sách phát triển thuỷ sản theo Nghị định số 67, UBND thị trấn Sống Ðốc đã triển khai nhanh, chặt chẽ ngay từ đầu.

Ông Nguyễn Ðình Triểu, Phó chủ tịch UBND thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời cho biết: “Ngay từ đầu chúng tôi đã rà soát, kiểm tra lại tất cả các khóm trên địa bàn thị trấn về các đối tượng hoạt động nghề cá trên địa bàn. Khi Nghị định 67 có hiệu lực, địa phương triển khai sâu rộng trên Trạm Truyền thanh thị trấn, lồng ghép vào các cuộc hội thảo, hội nghị, các cuộc tiếp xúc cử tri và xuống khóm mời bà con ngư dân tập trung lại để triển khai các văn bản cho ngư dân nắm rõ. Việc thẩm định các đối tượng khách quan, minh bạch, xét từng đối tượng, đúng từng trường hợp và làm đúng theo quy định, quy trình. Kết quả, huyện thẩm định đạt 172 đối tượng chuyển về cấp tỉnh thẩm định và được phân theo nghề đăng ký”.

Kết quả, Sông Ðốc có 26 đối tượng được xét duyệt theo Nghị định 67, trong đó đóng mới tàu khai thác là 19, đóng mới tàu dịch vụ hậu cần là 5 và nâng cấp 2 tàu. Tất cả các tàu này đều đi vào hoạt động. Ông Nguyễn Ðình Triểu cho biết thêm: “Thực tế vốn đối ứng của người dân rất lớn, không phải ai cũng có sẵn tiền nên nhiều trường hợp vay thêm để đối ứng. Cụ thể, tổng số tiền đầu tư của 26 tàu là 288 tỷ 917 triệu đồng, trong đó ngân hàng giải ngân 243 tỷ 746 triệu đồng; vốn đối ứng 45 tỷ 171 triệu đồng. Sau này khi hoạt động khai thác không hiệu quả, những đối tượng này dễ dẫn đến không có khả năng trả lãi ngân hàng”.

Cà Mau: Chông chênh tàu 67 - Bài cuối: Kỳ vọng của ngư dân
Nguồn lợi thuỷ sản dần cạn kiệt, ngư trường đánh bắt thu hẹp khiến ngư dân gặp nhiều khó khăn.

Sau một thời gian hoạt động, ông Lê Văn Lịnh, Khóm 6A, thị trấn Sông Ðốc, chấp nhận cho nằm bờ chiếc tàu nâng cấp theo Nghị định 67. Ông Lịnh cho biết: “Do làm ăn không hiệu quả, nhiều chuyến ra khơi lỗ vốn nên tôi quyết định ngừng hoạt động”. Riêng trường hợp ông Phan Văn Sơn, Khóm 1, thị trấn Sông Ðốc thì tàu khai thác vi phạm vùng biển nước ngoài và bị bắt.

Hoạt động khai thác ngày càng khó khăn, năng suất giảm, chi phí mỗi chuyến biển tăng cao và nhiều yếu tố khác tác động đã dẫn đến thực trạng nhiều tàu thuộc diện đóng mới, nâng cấp phải nằm bờ và số lượng tàu bị phát mãi vẫn tiếp tục tăng lên.

Ông Nguyễn Ðình Triểu cho biết: “Việc trả nợ vốn vay cho ngân hàng đối với ngư dân những năm đầu thực hiện cũng khá tốt, tuy nhiên vẫn còn một vài trường hợp trễ hạn nợ vay và được ngân hàng đến nhắc nhở để thực hiện. Thị trấn tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con ngư dân được vay đóng mới tàu cá trả nợ đúng kỳ hạn cho ngân hàng”.

Cần hoàn thiện chính sách

Dù thực tế còn nhiều khó khăn nhưng không thể phủ nhận Nghị định 67 đã tạo cơ hội lớn để Cà Mau cũng như các tỉnh có biển hiện đại hoá nghề khai thác hải sản. Ông Ðỗ Chí Sĩ, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản tỉnh Cà Mau, đánh giá: “Sau 7 năm triển khai thực hiện, Nghị định 67 thực sự đi vào cuộc sống, được dư luận xã hội đồng tình ủng hộ, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo ngư dân; mục tiêu hiện đại hoá tàu cá bước đầu đã đạt được, số lượng tàu khai thác gần bờ giảm, số lượng tàu cá khai thác xa bờ tăng; tai nạn tàu cá giảm đáng kể; góp phần tích cực bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia trên biển; ngư dân yên tâm bám biển sản xuất, đời sống nâng lên, nhiều mô hình liên kết sản xuất trên biển đã hình thành và phát triển”.

Nghị định 67 mang tính đột phá, đồng bộ, phù hợp với tâm tư nguyện vọng của đông đảo ngư dân, góp phần quan trọng vào việc phát triển ngành thuỷ sản theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá và tái cơ cấu ngành thuỷ sản, phát triển bền vững. Vấn đề hiện nay là cần khắc phục những bất cập, khó khăn khi triển khai Nghị định 67 thời gian qua.

Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản cũng chỉ ra những hạn chế dẫn đến các chính sách hiệu quả chưa cao mà dự thảo nghị định mới thay thế Nghị định 67 cần nhìn thấy, như các hạng mục đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước cho cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão chưa đồng bộ, chưa kịp thời đáp ứng sự phát triển về số lượng, kích thước và công suất lớn của đội tàu hiện nay; chính sách bảo hiểm hỗ trợ giảm từ 90% xuống còn 50%, ngư cụ không còn được bảo hiểm, dẫn đến chi phí cho tàu tăng cao, ảnh hưởng đến việc trả nợ vay; chính sách hỗ trợ chi phí vận chuyển hàng hoá từ đất liền ra tàu khai thác hải sản xa bờ và vận chuyển sản phẩm hải sản khai thác xa bờ không còn được hỗ trợ…

Về chính sách hỗ trợ chi phí đào tạo, hướng dẫn thuyền viên vận hành tàu vỏ thép, tàu vỏ vật liệu mới; hướng dẫn kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm theo công nghệ mới, ông Ðỗ Chí Sĩ nhận xét: “Trình độ của ngư dân còn hạn chế nên việc tiếp thu kiến thức, kỹ năng sử dụng, vận hành tàu vỏ thép, hiện đại chưa đạt yêu cầu; một số ngư dân chưa phát huy tính năng kỹ thuật của các trang thiết bị hiện đại trên tàu trong quá trình khai thác hải sản. Bên cạnh đó, về chính sách hỗ trợ chi phí các thiết kế mẫu tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới, vỏ gỗ thì Bộ NN&PTNT đã công bố mẫu tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới, nhưng không được ngư dân chọn, các thiết kế mẫu chưa phù hợp với đặc điểm từng vùng, miền, nghề khai thác của địa phương. Hiện Cà Mau chưa có doanh nghiệp đầu tư cơ sở đóng, sửa tàu vỏ thép; vật liệu mới nên việc duy tu sửa chữa còn khó khăn”.

Cà Mau: Chông chênh tàu 67 - Bài cuối: Kỳ vọng của ngư dân
Cà Mau có nhiều ý kiến đóng góp cho dự thảo nghị định mới, trong đó có đào tạo nghề, thực hiện hỗ trợ chuyển đổi nghề cho các hộ dân nhằm hiện đại hoá nghề khai thác hải sản. (Trong ảnh: Tàu cá của ngư dân Khánh Bình Tây Bắc vào cửa Ba Tỉnh sau chuyến khai thác).

Những vấn đề liên quan đến nợ ngân hàng, chủ tàu bị ngân hàng phát mãi tài sản khi không có khả năng trả nợ như hiện nay là tình hình chung của nhiều tỉnh khi triển khai thực hiện Nghị định 67. Tuy nhiên, về lâu dài, để Nghị định 67 cũng như những chính sách về phát triển thuỷ sản phát huy hiệu quả, ngành chức năng cần lắng nghe nhiều hơn nữa những ý kiến đóng góp từ các địa phương thụ hưởng, những địa phương trực tiếp quản lý, có nhiều phương tiện khai thác đánh bắt hải sản.

Ông Nguyễn Ðình Triểu nêu quan điểm: “Chúng tôi rất mong Chính phủ, Bộ NN&PTNT, ngân hàng, ngành chức năng… sớm đưa ra giải pháp để gỡ khó cho chính quyền các địa phương, ngư dân trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định 67”.

Ông Ðỗ Chí Sĩ cho biết: “Cà Mau đã có 2 lần góp ý Dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 67 với các góp ý tập trung về nuôi biển, đồng quản lý. Cụ thể, ngoài các chính sách đã quy định tại Nghị định số 67 cần được sửa đổi, bổ sung, nghị định khi ban hành cần cân đối, bố trí nguồn kinh phí đối với các công trình đầu tư kết cấu hạ tầng cho ngành thuỷ sản như cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão…; chính sách hỗ trợ một lần sau đầu tư (nuôi thuỷ sản trên biển, cơ sở nuôi, giống…); phí bảo hiểm rủi ro (thuyền viên, lao động nuôi thuỷ sản trên biển, cơ sở nuôi, giống…); phí đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn (đào tạo nghề, chuyển đào tạo cho đổi nghề…); thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản; thực hiện hỗ trợ chuyển đổi nghề cho các hộ dân có hoạt động khai thác, nuôi thuỷ sản trong phạm vi khu bảo tồn biển”./.

Nguồn: Chông chênh tàu 67 - Bài cuối: Kỳ vọng của ngư dân

Đặng Duẩn

baocamau.com.vn