Cà Mau: Cơ hội cho phát triển nông nghiệp

15:19 | 11/11/2021

|
Theo UBND huyện Thới Bình, các mô hình được nhân rộng trong năm 2021 là những mô hình điển hình đã qua giai đoạn khảo sát và triển khai thực hiện bước đầu hiệu quả tốt, mở ra nhiều cơ hội mới cho phát triển nông nghiệp, nông thôn tại địa phương.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Thới Bình, cho biết, thời gian qua, địa phương đã thực hiện thành công nhiều mô hình, đồng thời nhân rộng trên địa bàn.

Trong đó, ở lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản có mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến 2 giai đoạn; diện tích cuối năm 2020 là hơn 20.796 ha, diện tích ước thực hiện cuối năm 2021 là 20.931 ha, đạt 101% kế hoạch năm. Mô hình nuôi tôm kết hợp, diện tích cuối năm 2020 là 4.664 ha, ước đến cuối năm nay 5.528,5 ha, đạt 119% kế hoạch. Mô hình lúa - tôm càng xanh, diện tích cuối năm 2020 là 1.108 ha, ước cuối năm 2.945 ha, đạt gấp 2 lần so với kế hoạch.

Cà Mau: Cơ hội cho phát triển nông nghiệp
Người dân chủ động học hỏi, áp dụng nhiều hình thức sản xuất mới, bước đầu cho hiệu quả cao. (Trong ảnh: Mô hình nuôi rắn ri tượng của người dân ở xã Thới Bình).

Ông Nguyễn Văn Phúc thông tin, hình thức nuôi tôm càng xanh kết hợp với 1 vụ lúa ở huyện Thới Bình phát triển khá mạnh, tập trung chủ yếu ở các xã: Biển Bạch, Biển Bạch Ðông, Trí Phải, Tân Bằng và Thới Bình. Mặc dù giá cả có nhiều biến động do cơ chế thị trường, nhưng theo nhiều người nuôi, sau khi thu hoạch vẫn cho lợi nhuận khá cao.

Ðối với lĩnh vực trồng trọt, trong năm huyện đã nhân rộng mô hình sản xuất lúa an toàn với diện tích hơn 18 ha, đạt gấp 2,5 lần so với kế hoạch. Mô hình sản xuất lúa hữu cơ diện tích hơn 560 ha, đạt 137% so với kế hoạch.

Những năm gần đây, biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới mọi mặt của sản xuất nông nghiệp, tác động đến thời vụ, sự sinh trưởng, phát triển, năng suất của cây trồng, vật nuôi; làm tăng nguy cơ bùng phát, lây lan sâu bệnh hại cho cây trồng, vật nuôi...

Ông Nguyễn Văn Phúc cho biết, để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu trong sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, ngành nông nghiệp địa phương đã có nhiều giải pháp cụ thể nhằm phát triển nông nghiệp bền vững. Trong đó, công tác khuyến nông là một trong những mặt then chốt, góp phần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn sản xuất, nuôi trồng thuỷ sản, góp phần thay đổi diện mạo và nâng cao mức sống nông dân. Phòng NN&PTNT huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn trực thuộc tăng cường phối hợp với các địa phương, các tổ chức liên quan đẩy mạnh tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân, tạo được sự đồng tình cao trong dân.

Theo đó, địa phương đã xây dựng thành công nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp, góp phần tăng nhanh sản lượng và giá trị sản xuất. Ðơn cử như mô hình cánh đồng lớn thâm canh lúa cao sản, cánh đồng lớn luân canh lúa - tôm, mô hình nuôi tôm sú, thẻ chân trắng công nghiệp hạn chế dịch bệnh, mô hình cải tạo vườn tạp… Qua đó, thành lập nhiều THT sản xuất.

Ngoài những mô hình do các ban, ngành, đoàn thể huyện phát động nhân rộng, người dân cũng chủ động học hỏi, áp dụng nhiều hình thức sản xuất mới, bước đầu cho hiệu quả cao. Các hình thức tổ chức sản xuất gắn với nhóm nông sản chủ lực từng bước được quan tâm và hoạt động ngày càng hiệu quả, vừa thể hiện được vai trò quan trọng trong ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, vừa là cầu nối giữa các hộ thành viên với doanh nghiệp.

Qua đó, thúc đẩy hoạt động chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá, khai thác và tận dụng thế mạnh của địa phương, góp phần nâng cao đời sống người dân nông thôn, thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Cà Mau nói chung và huyện Thới Bình nói riêng./.

Nguồn: Cơ hội cho phát triển nông nghiệp

Văn Ðum

baocamau.com.vn