Cà Mau: Ðịnh hình chuỗi liên kết ngành tôm - Bài 2: Nhiều giải pháp cho tương lai

04:08 | 09/09/2022

|
Cà Mau rất quan tâm và chú trọng xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất. Nhiều giải pháp được đưa ra và tích cực triển khai thực hiện. Theo đó, tỉnh đã xây dựng chuỗi liên kết theo Nghị quyết số 20-NQ/TW, về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT) đối với ngành hàng tôm.

Ngày 16/6/2022, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT (thay thế Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002, Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khoá IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT). Theo đó, để tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung của Nghị quyết số 20-NQ/TW, hiện nay UBND tỉnh đang chỉ đạo Sở Kế hoạch và Ðầu tư chủ trì phối hợp với các sở, ngành có liên quan tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh uỷ xây dựng Dự thảo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khoá XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới.

Công tác phát triển kinh tế hợp tác của tỉnh tiến bộ đáng kể, đạt kết quả tích cực, HTX nông nghiệp từng bước phát triển cả về số lượng và chất lượng. Theo đánh giá của các ngành chức năng, hoạt động của các HTX đã đi vào chiều sâu, sản xuất theo chuỗi giá trị được thực hiện tốt. Mô hình chuỗi liên kết phát triển khá, tỷ lệ HTX áp dụng khoa học - kỹ thuật công nghệ cao tăng lên rõ rệt. Các hình thức liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm phát triển theo hướng áp dụng công nghệ cao, khai thác tiềm năng và lợi thế của địa phương, từng bước hướng tới nền sản xuất hiện đại, an toàn, bền vững, hiệu quả, mở ra hướng đi mới với các ngành hàng chủ lực và xây dựng nông thôn mới. Các dịch vụ cung ứng ngày càng đa dạng, từ cung ứng vật tư đầu vào, dịch vụ thu hoạch, vận chuyển, tư vấn chuyển giao kỹ thuật… thực hiện tốt các khâu liên kết sản xuất và tiêu thụ thông qua hợp đồng.

Cà Mau: Ðịnh hình chuỗi liên kết ngành tôm - Bài 2: Nhiều giải pháp cho tương lai
Ðể ngành tôm phát triển cũng như hỗ trợ cho chuỗi liên kết, Cà Mau cần hình thành những cơ sở sản xuất giống tại địa phương nhằm đảm bảo cung ứng nguồn giống chất lượng cao, sạch bệnh cho thị trường. Ảnh: H. Lâm

Theo ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở NN&PTNT, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã kết nối 22 doanh nghiệp, ký kết 63 lượt hợp đồng hợp tác phát triển chuỗi giá trị ngành hàng tôm với 23 HTX/THT để cung ứng vật tư đầu vào và xây dựng vùng nguyên liệu nuôi tôm có chứng nhận quốc tế, gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Ðồng thời, hỗ trợ 7 công ty chế biến xuất khẩu thuỷ sản tiếp tục phối hợp với các Ban Quản lý rừng phòng hộ và các đơn vị có liên quan mở rộng diện tích liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tôm - rừng, đã tăng thêm 9.089,03 ha và 700 ha tôm - lúa ở huyện Thới Bình, nâng tổng diện tích liên kết 28.814,03 ha (trong đó đã được chứng nhận các tiêu chuẩn quốc tế như Naturland, EU Organic, Canada Organic, Selva Shrimp, ASC, BAP, Seafood Watch 19.025 ha, chiếm 6,8% diện tích nuôi và 9.738 ha đang chờ chứng nhận, chiếm 3,48% diện tích nuôi).

Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ các công ty, doanh nghiệp mở rộng chứng nhận tôm sinh thái trên 2 vùng đặc trưng, là tôm - rừng và tôm - lúa, đồng thời hướng đến chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc tế.

Ông Lê Văn Mưa, Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất lúa - tôm Trí Lực, nhận định: “Ðược sự hỗ trợ tích cực của ngành chức năng, doanh nghiệp trong quy hoạch, xây dựng vùng nguyên liệu tôm sinh thái là cơ hội lớn để người nuôi tôm phát triển kinh tế bền vững. Khi con tôm sinh thái của HTX đạt các chứng nhận quốc tế sẽ góp phần nâng cao uy tín, giá trị, qua đó tăng lợi nhuận. Ðiều này không chỉ có lợi cho người nuôi tôm nói riêng mà còn có lợi cho ngành tôm của tỉnh".

Có thể khẳng định, phát triển mạnh KTTT, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp liên quan đến ngành tôm là cần thiết để Cà Mau phát triển bền vững. Ông Huỳnh Minh Triều, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp thuỷ sản Ðoàn Phát, Ấp 8, xã Trí Lực, cho rằng: “Người nuôi tôm đối mặt với nhiều khó khăn thời gian qua, như tình hình thiên tai, dịch bệnh, tình trạng biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đến năng suất tôm nuôi. Do đó, việc quy hoạch ngành tôm mà ngành chức năng hướng tới là bền vững, thích ứng biến đối khí hậu. Trong đó, củng cố và phát triển mạnh chuỗi liên kết là hết sức cần thiết, đáp ứng được mong mỏi của người nông dân. Có như vậy người nuôi tôm mới có thể an tâm thực hiện ký kết các hợp đồng liên kết với tổ chức, doanh nghiệp”.

Cà Mau: Ðịnh hình chuỗi liên kết ngành tôm - Bài 2: Nhiều giải pháp cho tương lai
Kỹ thuật viên Tôm giống Việt Úc (huyện Ngọc Hiển) theo dõi tôm giống trước khi xuất bán cho nông dân. Ảnh: H. Lâm

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp lớn đã chủ động triển khai thí điểm các mô hình liên kết sản xuất, phát triển vùng nguyên liệu tôm, nhất là tôm sinh thái. Vì vậy, vấn đề quy hoạch của ngành chức năng cần sớm hoàn thiện để tạo điều kiện cho con tôm Cà Mau phát triển. Vai trò chỉ đạo của chính quyền là hết sức quan trọng trong thực hiện KTTT và phát triển chuỗi liên kết sản xuất.

Ông Lê Văn Mưa nhận định: “Sự quan tâm, tạo thuận lợi của ngành chức năng, chính quyền địa phương trong phát triển vùng nguyên liệu là hết sức quan trọng. Chuỗi liên kết cần sự đồng bộ từ người dân - doanh nghiệp có năng lực, có kỹ thuật và có thị trường đầu ra ổn định, cũng như sự hỗ trợ qua quản lý tích cực của ngành chức năng. Nói chung, chuỗi liên kết phải đảm bảo lợi ích của tất cả các bên”.

Ngành tôm là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, đóng góp lớn vào sự phát triển của địa phương và cũng là ngành có giá trị xuất khẩu tốp đầu của tỉnh trong nhiều năm qua. Với tầm quan trọng đó, sự quan tâm đầu tư đối với lĩnh vực này cần phải tương xứng tiềm năng. Chúng ta cần thay đổi phương thức sản xuất truyền thống để từng bước hình thành các mô hình sản xuất hiện đại, ứng dụng tốt khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Song, muốn có kỹ thuật, người nuôi sẽ cần tới sự hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp, những đơn vị có kỹ thuật, nắm rõ quy trình kỹ thuật và điều kiện để con tôm đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế trong xuất khẩu. Thực tế, thông qua các mô hình liên kết cũng như hỗ trợ kỹ thuật, nhiều sản phẩm tôm của Cà Mau đã đạt được các chứng nhận của quốc tế như ASC, B.A.P, GlobalGAP, EU, Naturland, Seafood Watch. Chính vì vậy, để ngành hàng tôm Cà Mau phát triển tương xứng với tiềm năng, một trong những giải pháp quan trọng cần thực hiện, đó là phát triển chuỗi liên kết sản xuất theo hướng thực chất, bền vững, vì lợi ích của tất cả các bên tham gia vào chuỗi sản xuất - cung ứng - tiêu thụ./.

Nguồn: Ðịnh hình chuỗi liên kết ngành tôm - Bài 2: Nhiều giải pháp cho tương lai

Đặng Duẩn

baocamau.com.vn