Cà Mau: Liên kết sản xuất chưa đi vào chiều sâu

08:15 | 01/07/2023

|
“Rút kinh nghiệm cho tinh thần chưa sâu sát của các đơn vị liên quan cả trong nghiên cứu tài liệu nguồn cho đến việc triển khai vào thực tế nên kết quả trong triển khai Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ đạt kết quả không cao”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử yêu cầu tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 5/7/2018 của Chính phủ, chiều 29/6.
Cà Mau: Bấp bênh nghề hầm thanCà Mau: Bấp bênh nghề hầm than
Cà Mau: Mang niềm vui hè đến trẻ em nghèo xã Đất MũiCà Mau: Mang niềm vui hè đến trẻ em nghèo xã Đất Mũi

Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử yêu cầu Sở NN&PTNT phải hình thành đội ngũ tư vấn để mỗi dự án phải có một người trực tiếp hỗ trợ cho doanh nghiệp và HTX.

Thực hiện Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ, các sở, ngành có liên quan đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân, hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp tham gia liên kết chuỗi trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Triển khai nhiều chính sách hỗ trợ đầu vào sản xuất để hình thành vùng nguyên liệu sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đầu ra. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở nông thôn, nhất là đường giao thông, thuỷ lợi để nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành, tạo sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng, vận chuyển thuận lợi, thu hút doanh nghiệp.

Tỉnh đặt mục tiêu giai đoạn 2022-2025, tỷ lệ sản phẩm lúa đạt từ 15-20% được tiêu thụ dưới hình thức hợp tác, liên kết.

Theo đó, hiện nay toàn tỉnh có 207 HTX, trong đó có 188 HTX đang hoạt động. Ngoài ra, có 790 tổ hợp tác nông nghiệp với 11.586 thành viên và có 33 trang trại đáp ứng các tiêu chí quy định. Từ đó đã hình thành nên một số liên kết trong sản xuất. Cụ thể, đối với ngành hàng tôm, diện tích nuôi tôm toàn tỉnh hiện nay là 279.648 ha. Trong đó, hỗ trợ cho 7 công ty chế biến xuất khẩu thủy sản đã hỗ trợ vùng nuôi, hộ dân thực hành nuôi tôm - rừng bền vững có trách nhiệm theo các tiêu chuẩn quốc tế, qua đó đã thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tôm - rừng với diện tích 22.606,43 ha và 565 ha tôm - lúa. Đối với cây lúa, đến năm 2022 số chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo đã tăng lên 25 chuỗi (10 công ty, 18 HTX/tổ hợp tác) với diện tích 6.462,5 ha. Ngành hàng gỗ hiện nay cũng đã có 2 liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với diện tích 128 ha.

Cũng trong giai đoạn 2022-2025, tỉnh phấn đấu tỷ lệ sản phẩm gỗ đạt 20% diện tích khai thác được tiêu thụ dưới hình thức hợp tác, liên kết.

Tuy đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở NN&PTNT thẳng thắn nhìn nhận, việc phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh vẫn còn chậm, chưa đi vào chiều sâu, liên kết giữa các chủ thể tham gia thiếu bền vững. Trong đó, việc hỗ trợ kinh phí để thực hiện liên kết còn rất hạn chế.

Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, tồn tại trong liên kết sản xuất được các đại biểu chỉ ra như: Chưa có quy định trình tự, thủ tục nộp và thẩm định kế hoạch liên kết, dự án liên kết, phương thức hỗ trợ; nhận thức của người dân về liên doanh, liên kết hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp chưa cao; nội dung hợp đồng liên kết có tính hướng dẫn, không phải là hợp đồng kinh tế nên tính pháp lý không cao, dễ xảy ra vi phạm hợp đồng, thêm nữa cũng không có đủ cơ sở pháp lý và chế tài để xử lý vi phạm nên dẫn đến mất lòng tin giữa nông dân và doanh nghiệp; quy trình, thủ tục, hồ sơ thực hiện hỗ trợ rườm rà, phức tạp làm cho doanh nghiệp, HTX ngán ngại đăng ký tham gia thụ hưởng chính sách;...

Ông Tiết Tiến Dũng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, cho biết quy trình, thủ tục, hồ sơ thực hiện hỗ trợ theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP rất phức tạp khiến quá trình triển khai thực hiện vô cùng khó khăn.

Nhìn nhận những tồn tại và hạn chế, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử chỉ đạo Sở NN&PTNT tập trung công tác tuyên truyền về chính sách. Tiến hành rà soát các danh mục các ngành hàng, sản phẩm quan trọng để tham mưu đè xuất cho tỉnh xây dựng chương trình, dự án.

“Sở NN&PTNT phải hình thành đội ngũ tư vấn để mỗi dự án phải có một người trực tiếp hỗ trợ cho doanh nghiệp và HTX. Đồng thời, tiến hành xây dựng dự án mẫu trên mỗi lĩnh vực để cho các địa phương tham khảo. Rà soát những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện và có giải pháp tháo gỡ trong năm 2024. Phối hợp với các huyện xây dựng kế hoạch để kịp đề xuất và bố trí ngân sách trong năm 2024”, Phó chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu./.

Nguồn: Liên kết sản xuất chưa đi vào chiều sâu

Nguyễn Phú

baocamau.com.vn