Cà Mau: Nặng lòng với đất - Bài 1: Bỏ việc kế toán làm hàng xuất khẩu

15:05 | 01/06/2022

|
Khởi nghiệp, cụm từ quen thuộc trong vài năm trở lại đây không riêng Cà Mau. Các chương trình hỗ trợ, ý tưởng khởi nghiệp luôn được đông đảo thanh niên, phụ nữ tham gia, như chất xúc tác, khơi dậy tiềm năng mạnh mẽ nhất. Những câu chuyện khởi nghiệp đã và đang mở ra bức tranh tương lai, nhất là với thế hệ trẻ, những người dám nghĩ, dám làm. Đó còn là quá trình đấu tranh với chính mình để từ bỏ những lối nghĩ chưa thông, là cả cuộc đấu tranh dai dẳng giữa cũ và mới.

Bài 1: Bỏ việc kế toán làm hàng xuất khẩu

Đó là câu chuyện của anh Nguyễn Trường Giang, bạn bè trân quý thường gọi biệt danh “Giang ròm”. Anh sinh năm 1991 trên vùng đất giàu truyền thống cách mạng xã Trí Phải, huyện Thới Bình. Từng là “cậu ấm” theo cách nghĩ xưa, nhưng với bản tính thích tìm tòi và say mê khám phá cái mới, anh Giang luôn nỗ lực lập thân.

Năm 2017, từ bỏ công việc kế toán tổng hợp ở Công ty Thương nghiệp Cà Mau, chàng trai trẻ bắt đầu cuộc hành trình lập thân.

Chiêm nghiệm về những việc đã làm, anh Giang từ tốn kể: “Ban đầu, khi quyết định bỏ việc làm ổn định ở Công ty Thương nghiệp Cà Mau, gia đình, bè bạn, đồng nghiệp rất lo lắng. Nhưng khi mình giải thích và phân tích về những công việc mới thì anh em bắt đầu ủng hộ. Đó cũng là nguồn động lực không hề nhỏ. Tuy vậy, không phải bè bạn, người thân nào cũng nhất trí cao”.

Năm 2017, ngã rẽ của Giang ròm bắt đầu. Công việc tự thân đầu tiên của anh bạn trẻ hừng hực khí thế tuổi 27 là mở công ty xây dựng. “Quê hương đang trong quá trình xây dựng nông thôn mới nên ngành nghề xây dựng cầu, đường rất hot. Với mớ vốn liếng tích góp, cộng thêm kinh nghiệm của gia đình, tôi bắt đầu những công trình đầu tiên. Nhìn những đoạn đường, cây cầu hoàn thành, bàn giao mà không giấu nổi niềm phấn khởi”, anh Giang tâm sự.

Cà Mau: Nặng lòng với đất - Bài 1: Bỏ việc kế toán làm hàng xuất khẩu
Anh Nguyễn Trường Giang sẵn sàng từ bỏ công việc có thu nhập ổn định để bắt đầu cuộc hành trình lập thân.

Sau hơn 2 năm hành nghề xây dựng, anh Giang bắt đầu cảm thấy nhiều “hoài nghi” về tương lai của sự phát triển. Bởi việc làm tuy hậu hỷ nhưng không thoả chí và chưa phải là kỳ vọng của bản thân. Anh Giang luôn tâm niệm: “Phải làm giàu trên mảnh đất quê hương, bằng chính những công việc thiết thực và giúp đỡ nhiều người khác”.

Thế là một mặt vẫn duy trì công việc của công ty xây dựng, một mặt nảy ý tưởng mới từ mảnh đất, đầm tôm gia đình đang canh tác. “Trong lúc đang say mê tìm tòi những giải pháp ứng dụng mới về nghề nuôi tôm, tôi bắt gặp ý tưởng từ những phế phẩm mà bấy lâu nay quê hương đang bỏ đi. Đó là cây năn tượng mục trong vuông tôm. Vậy là từ ý tưởng ấy đã đưa tôi đến với các mặt hàng đan thủ công mỹ nghệ và được Công ty MCF có trụ sở chính ở Cần Thơ mời gọi, tư vấn, hướng nghiệp và đặt hàng”.

Trên những tuyến đường quê, Giang ròm bắt đầu những chuyến hành trình tư vấn, thu mua loài cỏ dại ấy. Nhưng rất gian nan, mọi người không thể không hoài nghi cực độ về tên thương lái ốm tong vào vùng lúa - tôm thu mua năn tượng! “Họ nghĩ mình đang âm thầm phá vỡ quy hoạch của cây lúa, con tôm”, anh Giang cười khì với vẻ mặt đầy ưu tư.

Bước đường mới vừa mở ra thì khó khăn lại ập đến. Anh Giang bắt đầu soi xét lại phương pháp, cách thức và chiêm nghiệm lại tất cả những giải pháp tối ưu nhất. Bởi là vùng lúa - tôm nhưng đâu phải ai cũng gieo cấy lúa trên đất tôm. Ngược lại, rất nhiều bà con đã và đang trồng năn tượng trên đầm tôm để cải tạo môi trường nước. Thực tế, mỗi năm người nuôi tôm (không trồng lúa) phải cất công thuê nhân lực phá năn tượng và phải tốn chi phí để xử lý lượng năn lớn, tránh sau khi phân huỷ làm ảnh hưởng đến nguồn nước. “Vậy thì mình thu mua thay vì bà con thuê người chặt bỏ”, anh Giang ngời lên công việc của ý tưởng mới.

Cà Mau: Nặng lòng với đất - Bài 1: Bỏ việc kế toán làm hàng xuất khẩu
Anh Nguyễn Trường Giang (bìa phải) bên những sản phẩm vừa được đặt hàng xuất sang Mỹ.

Sau khi thuyết trình hợp lý với phía đối tác là Công ty Mỹ nghệ MCF, anh Giang được công ty hỗ trợ một số vốn kha khá trở về thu mua năn tượng để làm nguyên liệu. Cũng phải nói rằng, hàng thủ công mỹ nghệ đan đát từ nguyên liệu lục bình, lác, tay chuối… ở các tỉnh khu vực ĐBSCL đã thịnh hành nhiều năm qua. Tuy nhiên, với tính năng dẻo dai, màu tự nhiên rất bắt mắt của cây năn tượng cùng những minh chứng của anh Nguyễn Trường Giang đã “níu” chân doanh nghiệp.

6.000 đồng/kg năn khô, cái giá chào hàng lạ lẫm ấy bắt đầu gây sự chú ý và “phủi” hết bao hoài nghi về hướng đi mới của anh Giang. Những người khấm khá, có vuông tôm lớn, năn tượng nhiều không bán năn mà theo cách vận động của anh Giang, thay vì thuê người chặt bỏ họ đã cho những người có hoàn cảnh khó khăn chặt và gom năn bán (khỏi trả công). Mỗi 1.000 m2 mặt đầm, nếu năn dày, tốt anh Giang chiết tính đạt 1 tấn năn khô, tương đương 6 triệu đồng. Công việc thu mua bắt đầu thuận lợi, nhiều địa phương, cả chính quyền cũng đã nhìn thấy hiệu quả và ưng ý với cách nghĩ, cách làm này.

Ông Lê Thành Tây, Bí thư Đảng uỷ xã Tân Lộc, chia sẻ: “Ban đầu tôi nghe thông tin có người thu mua năn tượng cũng chưa tin mấy. Vì loài cây này lâu nay trên đồng đất nuôi tôm mọc rất nhiều và là thứ bỏ đi. Sau khi thấy việc thu mua và biến đổi từ phế phẩm thành sản phẩm bán được, tôi đã tin”.

Cà Mau: Nặng lòng với đất - Bài 1: Bỏ việc kế toán làm hàng xuất khẩu
Mặt hàng đan thủ công mỹ nghệ đang được chào đón sôi động vì tính năng ưu việt đảm bảo vệ sinh, môi trường.

Những đại lý thu mua bắt đầu mở ra, xe tải từ vùng Hậu Giang, Cần Thơ theo đơn hàng len lỏi khắp miền quê ở Cà Mau để vận chuyển nguyên liệu về công ty bảo quản và tiến hành đan hàng. Anh Giang lại nảy sáng kiến nhận cả đơn hàng đan thành phẩm. Bằng cách ấy, phía công ty đã cử kỹ thuật đến truyền nghề, tập huấn cho số lượng lớn lao động ở thôn quê.

Từ những đôi tay quen với cày sâu, cuốc bẫm, giờ đã mượt mà với những sọt, giỏ, chậu hoa, túi xách. Vừa bán được năn tượng, vừa làm hàng, thu nhập vì thế tăng nhanh chóng trên mỗi lao động.

“Giờ thì mỗi ký năn khô tôi thu mua giá 10.000 đồng, mỗi sản phẩm đan đát tôi trả 22.000 đồng. Trung bình lao động nhàn rỗi mỗi ngày thu được cả trăm ngàn đồng mà vẫn ở ngay tại nhà, làm được việc nhà, trông dạy con trẻ”, anh Giang hớn hở phân tích.

Chuyến hàng đầu giao về công ty có đến 50% sản phẩm qua kiểm tra không đạt yêu cầu phải làm lại. Nhưng anh Giang không nản chí, từ những thực tiễn ấy, anh càng xắn tay và cùng lượng lớn nhân công “chi li” lại từng công đoạn, đường nét.

“Đầu năm 2022, khi lượng hàng giỏ từ vùng Cà Mau được xuất sang Mỹ, chị em nhân công và tôi mừng đến rớt nước mắt. Vậy là thành quả bao ngày đã được bù đắp”, anh Giang không giấu được niềm vui. “Giờ thì công ty đang có đơn hàng xuất sang Thuỵ Sỹ”, anh Giang thố lộ.

Từ chuyện “hoài nghi” khi có người thu mua năn tượng, nay anh Giang đã mở được 7 tổ đan với hơn 200 nhân công. Riêng đại lý thu mua thì đảm bảo thu mua hết lượng hàng hoá đã cam kết với bà con.

“Mình không có ý định dừng lại mà sẽ mở rộng thêm đa ngành, lĩnh vực trên đầm tôm, vùng đất quê hương. Hiện có công ty đã nhận lời hỗ trợ tôi thử nghiệm các chế phẩm sinh học trong cải tạo, ủ men vi sinh hỗ trợ nuôi tôm sạch”, anh Giang thố lộ.

Niềm trăn trở và bao hoài vọng đã và đang tưới mát nỗi khát vọng “thay đổi” trong anh Giang như chính dòng sông hiền hoà Chắc Băng, nơi anh sinh ra, đang chở từng dòng nước ngọt về tưới mát ruộng đồng.

Anh kế toán tổng hợp ngày nào giờ tất bật với những đơn hàng xuất khẩu. Để thực sự tạo dựng thương hiệu và hoạt động chính danh, anh Giang đang liên hệ ngành chức năng, hoàn thiện các thủ tục theo quy định để thành lập “Hợp tác xã MCF Thới Bình thôn” ngay tại quê hương Trí Phải. Công ty xây dựng của anh Giang cũng vừa được chứng nhận loại 2, có thể tham gia đấu thầu xây dựng những công trình giao thông cấp bộ.

BÀI 2: CÔ GIÁO ĐƯA NÔNG SẢN U MINH LÊN SÀN OCOP

Nguồn: Nặng lòng với đất - Bài 1: Bỏ việc kế toán làm hàng xuất khẩu

Phong Phú

Báo Cà Mau