Các chuỗi bán lẻ lớn mở rộng mạnh mẽ và cạnh tranh ngày càng gay gắt

10:10 | 07/02/2025

|
Cạnh tranh chính là yếu tố quyết định doanh nghiệp chiếm lĩnh thị trường và định hình tương lai của ngành bán lẻ luôn hướng tới sự hoàn thiện. Điều này cũng đặt ra những thách thức lớn cho các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trong dài hạn, cuộc cạnh tranh này sẽ góp phần làm cho thị trường trở nên minh bạch hơn, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh cao, có chiến lược kinh doanh hiệu quả và linh hoạt hơn gia tăng thị phần, củng cố vị thế.

Sôi động nhờ doanh nghiệp cạnh tranh

Sau năm 2023 bị ảnh hưởng nặng nề bởi bối cảnh khó khăn chung, sức cầu giảm và mức độ cạnh tranh gay gắt diễn ra trên thị trường qua cuộc đua hạ giá, 11 tháng đầu năm 2024, dù tốc độ phục hồi không quá nhanh, thị trường bán lẻ bước đầu dần có những tín hiệu khả quan.

Bất chấp việc vẫn đối mặt với một số thách thức mang tính hệ thống, bức tranh tổng thể của ngành bán lẻ được dự báo có tiềm năng bứt phá hơn trong những tháng tiếp theo, trên cơ sở ổn định và triển vọng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam, cũng như xu hướng nhộn nhịp hơn trong thời gian cao điểm cuối năm của thị trường này. Tác động của chính sách tiền tệ và tài khóa nới lỏng được triển khai trong giai đoạn 2023-2024, các biện pháp kích cầu tiêu dùng được Chính phủ đẩy mạnh và bối cảnh niềm tin thị trường dần phục hồi sẽ hỗ trợ sức mua từng bước cải thiện mạnh mẽ hơn trong nửa sau của năm 2024.

Kết quả khảo sát tiến hành trong tháng 9/2024 của Vietnam Report ghi nhận phần lớn người tiêu dùng thể hiện niềm tin vào việc nền kinh tế Việt Nam đang vận động theo chiều hướng tích cực với xu thế chuyển giao sang giai đoạn phục hồi và tăng trưởng ngày càng rõ nét. Tỉ lệ người tiêu dùng đánh giá tình hình tài chính của bản thân khả quan hơn trong 12 tháng tới đạt 69,9% và sự lạc quan này được kỳ vọng có thể đưa mức tiêu dùng cải thiện hơn trong tương lai.

Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê, tính chung 11 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 5.822,3 nghìn tỉ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 9,7%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,8% (cùng kỳ năm 2023 tăng 7,0%).

Doanh thu bán lẻ hàng hóa 11 tháng năm 2024 ước đạt 4.487,3 nghìn tỉ đồng, chiếm 77,1% tổng mức và tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 10,8%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 5,9%; may mặc tăng 8,1%; phương tiện đi lại (trừ ô tô) tăng 7,4%; vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 5,6%. Doanh thu bán lẻ hàng hóa 11 tháng năm 2024 so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương như sau: Hải Phòng tăng 9,5%; Quảng Ninh tăng 9,3%; Đà Nẵng tăng 7,4%; Hà Nội tăng 6,5%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 5,2%.

Từ những con số thống kê về mức tăng trưởng, thị trường bán lẻ nội địa nước ta tiếp tục nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư. Lũy kế đến tháng 11/2024, ngành bán buôn bán lẻ có tổng vốn đăng ký đạt gần 1,37 tỉ USD, đứng thứ 3 về thu hút FDI trong số các ngành. Xét về số lượng dự án, bán buôn, bán lẻ là ngành dẫn đầu về số dự án mới (chiếm 35,3%) và số lượt giao dịch góp vốn mua cổ phần (chiếm 42,4%).

Thông tin từ Bộ Công Thương cho thấy, ngành bán lẻ Việt Nam hiện có quy mô 142 tỉ USD, dự báo tăng lên 350 tỉ USD vào năm 2025, đóng góp 59% tổng ngân sách quốc nội GDP. Thị trường bán lẻ rộng lớn nên các doanh nghiệp quốc tế đang chạy đua đầu tư giành thị phần.

Các chuỗi bán lẻ lớn mở rộng mạnh mẽ và cạnh tranh ngày càng gay gắt

Nhiều đại gia đến từ Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore đã hiện thực hóa mục tiêu mở rộng tại thị trường Việt Nam. Trong đó, phải kể đến những công ty lớn như: BRG, Aeon (Nhật Bản)… Điển hình có thể kể đến sự kiện ngày 1/6/2024, Tập đoàn BRG phối hợp với Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) khai trương siêu thị FujiMart tại phố Giảng Võ (quận Ba Đình, TP. Hà Nội), đưa tổng số điểm bán của hệ thống FujiMart tại Hà Nội lên 11 điểm.

Bên cạnh đó, Công ty TNHH Aeon Việt Nam (Aeon Việt Nam) vừa tổ chức lễ khởi công dự án Trung tâm thương mại Aeon Tân An, tại tỉnh Long An. Đây là trung tâm thương mại thứ 8 tại Việt Nam của Aeon Việt Nam và là trung tâm thương mại Aeon đầu tiên ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2025. Aeon Việt Nam có kế hoạch mở mới đa dạng các điểm mua sắm với nhiều mô hình và quy mô khác nhau; mở rộng và phát triển thêm các điểm mua sắm Aeon tại các trung tâm thương mại của các đối tác khác.

Một nhà bán lẻ lớn khác đến từ Thái Lan là MM Mega Market Việt Nam gần đây khai trương kho cung ứng thứ 5 tại Sa Pa (Lào Cai). Vài năm trở lại đây, MM Mega Market Việt Nam liên tục mở rộng các trạm trung chuyển hàng hóa, các kho cung ứng thực phẩm từ Nam ra Bắc. Chiến lược này nhằm tăng chất lượng sản phẩm, đa dạng nguồn cung ứng cho khách hàng và mở rộng cả mảng xuất khẩu hàng hóa ra khu vực.

Một “ông lớn” khác trong ngành bán lẻ là Central Retail của Thái Lan cũng đang mở rộng kinh doanh tại Việt Nam. Central Retail đã cam kết đầu tư thêm 1,45 tỉ USD vào Việt Nam để tăng gấp đôi số lượng cửa hàng, từ 300 lên 600 vào năm 2027. Điều này phản ánh tầm nhìn dài hạn của các tập đoàn nước ngoài tế đối với thị trường bán lẻ Việt Nam, vốn đang ngày càng trở nên sôi động và cạnh tranh khốc liệt hơn.

Doanh nghiệp nội cần tăng khả năng cạnh tranh

Có thể thấy cuộc cạnh tranh không diễn ra một chiều, mà các doanh nghiệp nội địa đã phản công rất quyết liệt, như Saigon Co.op, Satra vẫn trụ vững và phát triển, bất chấp có sự hiện diện của thương hiệu Big C (nay là Go!, thuộc sở hữu của Tập đoàn Central Retail), Lotte Mart, Metro Cash & Carry, Aeon... Không những thế, nhiều doanh nghiệp trước đây xa lạ với thị trường bán lẻ đã nhập cuộc và khẳng định được vị thế như Vinmart/Winmart, Thaco, Kido...

Các chuỗi cửa hàng nội địa như WinCommerce và Bách hóa Xanh cũng trong cuộc đua mở rộng mạng lưới cửa hàng với tốc độ nhanh chóng: WinCommerce với mục tiêu đạt 10.000 cửa hàng vào năm 2030, Bách Hóa Xanh dự kiến mở thêm 100 cửa hàng trong năm tới, không chỉ tập trung vào khu vực miền Nam mà còn mở rộng ra miền Trung và miền Bắc.

Trong quý III/2024, doanh thu thuần của Masan đạt 21.487 tỉ đồng, tăng 6,6% so với mức 20.155 tỉ đồng của quý III/2023 nhờ sự tăng trưởng bền vững từ các mảng kinh doanh tiêu dùng bán lẻ. Kết thúc 9 tháng đầu năm 2024, Masan ghi nhận 60.476 tỉ đồng doanh thu thuần, tương đương mỗi ngày mang về 220 tỉ đồng. Doanh nghiệp báo cáo đã hoàn thành 130% kế hoạch lợi nhuận sau thuế (LNST) kịch bản cơ sở và hướng về kịch bản tích cực trong quý IV/2024.

Các chuỗi bán lẻ lớn mở rộng mạnh mẽ và cạnh tranh ngày càng gay gắt

Cạnh tranh trên thị trường bán lẻ không chỉ giữa doanh nghiệp nội với doanh nghiệp ngoại, mà là cuộc chiến giữa doanh nghiệp nội với “đồng hương”, giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với nhau, giữa hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại với thương mại điện tử và giữa siêu thị, trung tâm thương mại, thương mại điện tử với chợ truyền thống.

Sự cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp đã đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc và định hình lại thị trường. Áp lực cạnh tranh, cuộc đua về chi phí, công nghệ và dịch vụ khách hàng buộc các doanh nghiệp không ngừng tìm kiếm những giải pháp mới để giảm chi phí, tối ưu hóa hoạt động và nâng cao tính cạnh tranh về giá và chất lượng nhằm thu hút và giữ chân khách hàng. Điều này tạo ra một môi trường bán lẻ ngày càng đa dạng, nơi người tiêu dùng được tận hưởng những trải nghiệm tốt hơn, có cơ hội tiếp cận những sản phẩm tốt hơn với mức giá hợp lý

Việc các nhà bán lẻ nước ngoài ồ ạt đổ vốn vào thị trường Việt Nam gây nên sức ép nhất định đến thị phần cho doanh nghiệp nội địa do có lợi thế về năng lực cạnh tranh, về quy mô và chuỗi liên kết toàn cầu với các nhà sản xuất. Trong tương lai, khi thị trường bán lẻ hoàn toàn mở cửa, nếu không có chiến lược phát triển phù hợp, doanh nghiệp trong nước có thể đối diện với nguy cơ mất thị phần, cũng như vị thế trên thị trường khi cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài.

Do đó, các doanh nghiệp phân phối bán lẻ hàng đầu trong nước cần đạt được các mối liên kết đủ mạnh để tạo ra chuỗi cung ứng bán lẻ khép kín từ sản xuất, chế biến, vận chuyển... cho đến khâu phân phối bán lẻ tới người tiêu dùng, bảo đảm được sự liên kết chặt chẽ và linh hoạt trong toàn chuỗi cung ứng, hoàn thiện và nâng cao chất lượng hàng hóa, các dịch vụ bán hàng và sau bán hàng và quan trọng nhất là giá bán cạnh tranh. Cần nhanh chóng nâng cao chất lượng cung ứng, hạ giá bán hàng hóa, thông qua chính sách liên kết với các nhà sản xuất, chế biến, hoặc đầu tư sản xuất sản phẩm, hàng hóa cho hệ thống cung ứng của mình, mặt khác liên tục nâng cao chất lượng dịch vụ bán hàng và sau bán hàng.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phân phối bán lẻ cần nhanh chóng tạo lập và phát triển hệ thống chuỗi, chân rết ở các địa phương, tìm kiếm vị trí kinh doanh thuận lợi và đầu tư bài bản. Vượt qua các thách thức và chuyển đổi từ mô hình mua sắm truyền thống sang hình thức mua sắm hiện đại và đầu tư vào chuỗi các cửa hàng, siêu thị bán lẻ, liên kết để phát triển các hình thức bán lẻ mới.

Đồng thời, cũng cần xây dựng thương hiệu và tham gia mạnh mẽ vào các mô hình bán hàng thông qua thương mại điện tử, bán hàng trực tuyến trên truyền hình, điện thoại. Hướng tới phát triển bền vững thông qua chú trọng tới yếu tố cốt lõi như lợi ích của người tiêu dùng và những đóng góp tích cực cho xã hội.

Nguồn:Các chuỗi bán lẻ lớn mở rộng mạnh mẽ và cạnh tranh ngày càng gay gắt

Lộc Hà

thuongtruong.com.vn