Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh - Một thập kỷ vinh danh

15:20 | 01/01/2025

|
Từ loại hình nghệ thuật dân gian, Ví, Giặm đã “cất cánh bay xa”, trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Một thập kỷ được UNESCO vinh danh, dẫu là chưa dài nhưng cũng không phải là ngắn để mảnh đất xứ Nghệ thấm hơn sức sống lâu bền của của một loại hình nghệ thuật dân gian trong dòng chảy văn hóa đương đại.
Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh - Một thập kỷ vinh danh
Diễn xướng dân ca Ví, Giặm tại Quảng trường Hồ Chí Minh - TP. Vinh

Tròn 10 năm trước, mọi người như vỡ òa khi Di sản văn hóa dân gian quê hương Nghệ Tĩnh, là dân ca Ví, Giặm được UNESCO vinh danh tại Thủ đô Paris (Pháp). Đó là ngày 27/11/2014.

Thực ra, không phải đến thời điểm đó, dân ca Ví, Giặm mới được nhân loại biết đến. Hầu hết các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian đều thống nhất rằng, dân ca Ví, Giặm có nguồn gốc từ cuộc sống lao động, sinh hoạt của các tầng lớp Nhân dân nên rất khó xác định thời gian. Vì sự ra đời ấy mà Ví, Giặm không chịu sự ràng buộc của không gian và thời gian diễn xướng. Lối hát vừa mang tính ngẫu hứng, vừa có thủ tục và quy cách cụ thể, có chung đặc tính địa phương về thang điệu, điệu thức, tiết tấu, giai điệu và giọng hát… được đẽo gọt, tu chỉnh của nhiều thế hệ mà ngày càng hoàn thiện hơn. Ra đời từ lao động sản xuất, gắn chặt với cuộc sống thường ngày nên dân ca Ví, Giặm như một phần cuộc sống, thấm sâu vào máu thịt… trở nên bền vững với thời gian.

Hành trình phát triển của dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là hành trình của một di sản - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Sự công nhận đó của UNESCO không chỉ tôn vinh tầm vóc, giá trị văn hóa mang bản sắc vùng miền, là hồn cốt của Nghệ Tĩnh mà còn vinh danh lớp lớp người dân Nghệ Tĩnh đã tạo ra, bồi đắp nên một di sản văn hóa đi vào lịch sử nhân loại.

Tròn một thập kỷ UNESCO vinh danh, cùng với sự đầu tư nguồn lực để phục dựng, sưu tầm, nghiên cứu dân ca Ví, Giặm, 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã có những chương trình, kế hoạch dài hơi cho việc phát triển loại hình di sản này. Ngoài việc tổ chức sưu tầm, nghiên cứu, tuyên truyền, quảng bá, xuất bản, vinh danh nghệ nhân, hỗ trợ thành lập các câu lạc bộ dân ca thì chính quyền địa phương đã tổ chức các hoạt động liên hoan, hội thi, hội diễn, trại sáng tác, đưa dân ca vào trường học và dạy đàn, hát dân ca trên các phương tiện truyền thông.

Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh - Một thập kỷ vinh danh
Dân ca Ví, Giặm trình diễn tại một sự kiện trên phố đi bộ TP. Vinh

Bởi thế mà cuối năm 2014, toàn tỉnh Nghệ An mới có 82 câu lạc bộ dân ca, đến nay đã lên tới 140 câu lạc bộ dân ca Ví, Giặm ở 20 huyện, thành phố, thị xã, với tổng số hơn 3.000 thành viên. Ngoài ra, toàn tỉnh Nghệ An có 48 nghệ nhân dân ca Ví, Giặm được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú, 1 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân. Còn tại Hà Tĩnh, đến năm 2024 có 209 câu lạc bộ dân ca Ví, Giặm với gần 3.000 hội viên ở nhiều độ tuổi, ngành nghề khác nhau; 68 Nghệ nhân Dân gian được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam phong tặng; 3 Nghệ nhân Nhân dân và 22 Nghệ nhân Ưu tú được Chủ tịch nước phong tặng.

Dân ca Ví, Giặm đã len lỏi vào mọi ngõ ngách của đời sống kinh tế - xã hội, được nhiều người thực hành, nhiều người biết đến. Chính điều này đã giúp Ví, Giặm Nghệ Tĩnh có chỗ đứng vững chãi hơn trong cuộc sống đương đại. Dân ca Ví, Giặm đang kế thừa tinh hoa của thời gian, để tự mình hoàn thiện và phát triển hơn trong giai đoạn hiện nay. Nếu ở phía Nam là Đờn ca tài tử, Cồng chiêng Tây Nguyên, Nhã nhạc Cung đình Huế thì vùng Bắc Bộ là hát Xoan, Quan họ Bắc Ninh. Mảnh đất “non nước Lam Hồng” với cái nôi là dân ca Ví, Giặm đang là trung tâm kết nối của con đường di sản quốc gia.

Một thập kỷ vinh danh là hành trình chưa dài nhưng cũng đủ để hai tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh thấm hơn sức sống sâu bền của một loại hình nghệ thuật dân gian trong dòng chảy văn hóa đương đại. Để rồi từ đó, cùng nhìn lại chặng đường đã qua mà có thêm phương cách trong việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa nhân loại.

Một thập kỷ vinh danh là hành trình chưa dài nhưng cũng đủ để hai tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh thấm hơn sức sống lâu bền của một loại hình nghệ thuật dân gian trong dòng chảy văn hóa đương đại. Để rồi từ đó, cùng nhìn lại chặng đường đã qua mà có thêm phương cách trong việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa nhân loại.

Có ý kiến cho rằng, dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh có sức sống tiềm tàng giống như chính chủ nhân sản sinh ra nó. Quả đúng như thế thật. Trong giai đoạn hiện nay, chính di sản văn hóa dân gian này lại đang là mạch nguồn kiến tạo, bồi đắp và nuôi dưỡng, làm giàu thêm cốt cách tinh thần người dân xứ Nghệ.

Di sản văn hóa dân ca Ví, Giặm không thể bị mai một. Đó không chỉ là sự khẳng định bằng tâm huyết, bằng trách nhiệm của đất và người Nghệ Tĩnh thông qua những nỗ lực trao truyền, kế thừa của lớp lớp nghệ sĩ, nghệ nhân mà còn là sự quan tâm xứng đáng của các cấp chính quyền để một sản phẩm văn hóa dân gian thêm sâu bền với thời gian. Hành trình của di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là một hành trình của kết tinh và lan tỏa.

Nguồn: Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh - Một thập kỷ vinh danh

Nguyễn Thanh

baodantoc.vn