Để du lịch Thủ đô phát triển xứng tầm trong tình hình mới

08:00 | 25/10/2024

|
Du lịch Hà Nội ngày càng khẳng định vai trò của một ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác cùng phát triển, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Sức hút của du lịch Hà Nội

Thủ đô Hà Nội, với bề dày lịch sử hàng nghìn năm văn hiến, cảnh quan tự nhiên và vị trí địa lý chiến lược cũng như hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất hiện đại, là tiềm năng lớn để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn trong bối cảnh mới.

Để du lịch Thủ đô phát triển xứng tầm trong tình hình mới
Du lịch Hà Nội có nhiều tiềm năng phát triển. (Ảnh: Ngô Minh Châu)

Hà Nội có nhiều cơ hội mới trong phát triển du lịch. Các điều kiện về vị trí địa lý là lợi thế để Thủ đô Hà Nội phát triển kinh tế nói chung và du lịch nói riêng, đóng vai trò đầu mối, trung tâm du lịch kết nối cả nước và với khu vực, quốc tế.

Theo các chuyên gia, du lịch Thủ đô ngày càng khẳng định vai trò của một ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác cùng phát triển, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Hình ảnh của Thủ đô được quảng bá rộng rãi đến thế giới.

Dấu ấn nổi bật của Du lịch Thủ đô năm qua là việc liên tiếp được vinh danh trong nhiều giải thưởng du lịch uy tín quốc tế cũng như được truyền thông quốc tế đánh giá cao.

Điển hình Hà Nội được Tổ chức Giải thưởng du lịch thế giới (Word Travel Awards) trao 2 giải thưởng thế giới và 3 giải thưởng châu Á, đó là: Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu thế giới cho kỳ nghỉ ngắn ngày; Điểm đến thành phố Golf tốt nhất thế giới năm 2023; Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á năm 2023; Cơ quan quản lý du lịch Thành phố hàng đầu châu Á. Tạp chí The Travel bình chọn thành phố Hà Nội lọt vào Top 10 điểm đến đẹp nhất Đông Nam Á…

Theo số liệu thống kê từ Sở Du lịch Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 14,05 triệu lượt, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là kết quả tích cực, thể hiện sức hút của du lịch Hà Nội đối với du khách trong và ngoài nước.

Trong số lượng khách du lịch đến Hà Nội, khách du lịch quốc tế ước đạt 3,14 triệu lượt, tăng 52,6% so với cùng kỳ năm 2023; khách du lịch nội địa ước đạt 10,91 triệu lượt, tăng 6% so với cùng kỳ. Nhờ lượng khách du lịch tăng cao, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 55.385 tỷ đồng, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

"Được mệnh danh là thủ đô 'ngàn năm văn hiến', mang trong mình những giá trị văn hóa độc đáo và đa dạng, Thủ đô Hà Nội đã ngày càng khẳng định rõ vị thế quan trọng trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế".

Bên cạnh những thế mạnh nhưng du lịch Hà Nội vẫn tồn tại những mặt hạn chế. Cụ thể, hệ thống tài nguyên du lịch chưa được khai thác, phát huy hiệu quả, nhiều tài nguyên du lịch có giá trị đã được quy hoạch nhưng chưa thu hút được đầu tư để tạo thành sản phẩm du lịch.

Chất lượng sản phẩm du lịch chưa đồng đều, chưa đa dạng, thiếu tính sáng tạo, thiếu những sản phẩm du lịch cốt lõi, chủ lực mang đậm bản sắc của Hà Nội. Hà Nội còn thiếu các khu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng có quy mô lớn, chất lượng cao và đẳng cấp đủ sức hấp dẫn để kéo dài thời gian lưu trú và tăng mức chi tiêu của khách.

Quy mô doanh nghiệp du lịch còn nhỏ, sức cạnh tranh yếu, chưa hình thành được doanh nghiệp du lịch mạnh có thương hiệu tầm cỡ quốc tế. Cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch như cơ sở lưu trú, cơ sở dịch vụ du lịch chưa đồng bộ, phân bổ phân tán, thiếu về số lượng, chất lượng không đồng đều, thiếu cơ sở lưu trú có chất lượng cao (4-5 sao).

Hà Nội chưa có sự phối hợp, gắn kết giữa công tác quảng bá xúc tiến với công tác marketing của doanh nghiệp, chưa theo kịp các xu hướng của thị trường; chưa xây dựng được các sự kiện văn hóa-du lịch có tính chất thường niên, có quy mô lớn mang đậm dấu ấn của Thủ đô… Những hạn chế trên đã phần nào làm giảm sức cạnh tranh của du lịch Hà Nội so với các đối thủ cạnh tranh trong nước, trong khu vực và quốc tế.

Để du lịch Thủ đô phát triển xứng tầm trong tình hình mới
Tiếp tục xây dựng hình ảnh du lịch Thủ đô Hà Nội là điểm đến “An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn”. (Ảnh: Ngô Minh Châu)

Mở ra định hướng mới trong phát triển du lịch

Trước thực trạng đó, cần có những định hướng, giải pháp cụ thể trong thời gian tới phù hợp với tình hình thực tế và xu thế phát triển du lịch hiện nay để đưa du lịch Thủ đô phát triển thực sự xứng tầm với tiềm năng vị thế thời gian tới.

Du lịch Thủ đô đã và đang phát triển theo đúng định hướng, tốc độ phát triển tương đối nhanh, thị trường khách ngày càng được mở rộng, hệ thống sản phẩm du lịch tương đối đa dạng. Hà Nội đã khẳng định được vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển du lịch của miền Bắc và cả nước. Hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch ngày càng được quan tâm đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển du lịch.

Ngày 4/6/2024, UBND TP. Hà Nội có kế hoạch tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 26/6/2016 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo”, giai đoạn 2024-2025.

Kế hoạch nhằm thu hút đông đảo nhân dân, khách du lịch quốc tế và nội địa đến tham quan, trải nghiệm tại Hà Nội; tạo bước tăng trưởng, phát triển toàn diện du lịch Thủ đô đạt cả về quy mô và chất lượng dịch vụ, số lượng và cơ cấu khách du lịch đảm bảo tính bền vững. Đặc biệt, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn thành phố, giữ vững vai trò Hà Nội là trung tâm du lịch lớn của cả nước. Tiếp tục xây dựng hình ảnh du lịch Thủ đô Hà Nội là điểm đến “An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn”, đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới, khẳng định là điểm đến du lịch thành phố hàng đầu thế giới.

Theo đó, kế hoạch xác định 4 nhóm mục tiêu và 4 chỉ tiêu chủ yếu. Trong đó, phát triển du lịch Hà Nội bảo đảm bền vững, hiệu quả, vừa là cửa ngõ đón và phân phối khách du lịch ở phía Bắc và cả nước.

Cùng với đó, triển khai đồng bộ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi, phát triển của du lịch Thủ đô. Phấn đấu một số chỉ tiêu phát triển du lịch trong giai đoạn 2024-2025 phục hồi tương đương và vượt mức so với giai đoạn trước dịch Covid-19.

Thúc đẩy thu hút các nguồn lực phát triển và hình thành các nhóm sản phẩm du lịch thực sự chuyên nghiệp, hấp dẫn có lợi thế, tiềm năng để phát triển đột phá giai đoạn tới bao gồm: Du lịch văn hóa, du lịch MICE, du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch vui chơi giải trí - thể thao, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, du lịch golf.

Thành phố cũng triển khai các giải pháp thu hút khách du lịch quốc tế đến với Hà Nội, trong đó tập trung vào một số thị trường trọng điểm, như: Đông Bắc Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc...), ASEAN, EU, Mỹ; từng bước khai thác hiệu quả các thị trường mới, tiềm năng, như Ấn Độ, các nước khu vực Trung Đông, các nước Đông Âu…

Về chỉ tiêu, thành phố phấn đấu năm 2025, đón và phục vụ trên 30 triệu lượt khách du lịch (trong đó có trên 7 triệu lượt khách quốc tế). Tổng thu từ khách du lịch đạt trên 130 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ đóng góp tổng hợp của ngành Du lịch vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thành phố phấn đấu đạt trên 8%. Công suất sử dụng buồng phòng trung bình khối khách sạn, lưu trú đạt trên 60%.

Để du lịch Thủ đô phát triển xứng tầm trong tình hình mới
Hà Nội là điểm đến yêu thích của nhiều du khách. (Ảnh: Ngô Minh Châu)

Theo thông tin từ Sở Du lịch Hà Nội, năm 2024, Hà Nội vẫn đặt mục tiêu phát triển bền vững, hiệu quả, là "cửa ngõ" đón và phân phối khách du lịch ở phía bắc và cả nước và là điểm đến du lịch "An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn". Bên cạnh đó, ngành du lịch sẽ phấn đấu một số chỉ tiêu phát triển cơ bản hồi phục bằng mức so với giai đoạn trước dịch Covid-19.

Về mục tiêu gia tăng lượng khách quốc tế, Hà Nội sẽ tập trung vào những thị trường trong điểm như Đông Bắc Á, châu Âu, Mỹ và từng bước khai thác hiệu quả các thị trường mới, tiềm năng như: Ấn Độ, các quốc gia Halal (theo đạo Hồi), Nam Mỹ, Australia…

Để làm được điều đó, Hà Nội sẽ tập trung các nguồn lực phát triển và hình thành các nhóm sản phẩm du lịch chuyên nghiệp, hấp dẫn bao gồm: Du lịch văn hóa, du lịch MICE, du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch vui chơi giải trí - thể thao, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, du lịch Golf.

Bên cạnh đó, Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội vừa diễn ra mới đây đã để lại nhiều dư âm đẹp, giữa những ngày Hà Nội chào đón kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Có thể nói, đây không chỉ là một lễ hội ấn tượng, mà còn là một cách bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của Thăng Long - Hà Nội, đồng thời mở ra định hướng mới trong phát triển du lịch.

Nguồn:Để du lịch Thủ đô phát triển xứng tầm trong tình hình mới

Quỳnh Anh Nguyễn

baoquocte.vn