Doanh nghiệp bán lẻ mở cuộc đua kích cầu tiêu dùng cuối năm
Nhiều doanh nghiệp bán lẻ lo ngại tình hình kinh tế khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu nên đã tung ra hàng loạt các biện pháp để kịch cầu trong dịp cuối năm.
Người tiêu dùng cân nhắc khi mua sắm
Những tháng cuối năm thường là thời điểm sôi động của thị trường bán lẻ, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, năm nay, người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu, buộc các doanh nghiệp phải triển khai hàng loạt biện pháp kích cầu.
Chia sẻ từ chị Lương Minh Phương (quận Cầu Giấy, Hà Nội), mặc dù thu nhập của vợ chồng chị đã cải thiện so với năm trước, nhưng vẫn chưa đạt mức trước dịch, trong khi giá cả tiếp tục tăng. Vì vậy, gia đình chị chỉ tập trung mua sắm những mặt hàng thiết yếu, đặc biệt ưu tiên các sản phẩm tại siêu thị giảm giá sâu kèm quà tặng.
"Trong dịp Tết sắp tới, gia đình tôi chỉ dự định mua sắm các nhu yếu phẩm và chỉ mua trong ba ngày Tết, không dự trữ nhiều," chị Phương cho biết.
![]() |
Do nền kinh tế khó khăn, mùa mua sắm Tết năm nay người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu. |
Cũng chia sẻ về xu hướng tiết kiệm, chị Định Lê Thu (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, thay vì du lịch như các năm trước, năm nay gia đình chị quyết định ở nhà và nấu ăn để giảm chi tiêu.
"Tôi sẽ chỉ mua những thứ cần thiết như đồ trang trí nhà cửa và thực phẩm cho Tết, không chọn những mặt hàng cầu kỳ hay đắt tiền. Quà biếu Tết sẽ thiên về nhóm sản phẩm chăm sóc sức khỏe và không mua quá nhiều," chị Thu cho hay.
Theo kết quả khảo sát của Kantar Worldpanel Việt Nam, mặc dù tình hình tài chính của các gia đình đang dần ổn định, nhưng chưa hoàn toàn phục hồi so với thời điểm trước COVID-19, điều này tác động đáng kể đến hành vi mua sắm.
Cụ thể, trong bốn quý gần đây, ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) vẫn chưa ghi nhận dấu hiệu tích cực ở cả khu vực thành thị và nông thôn. Giá trị đóng góp của FMCG trong hai tháng trước Tết có xu hướng giảm do người tiêu dùng có xu hướng đơn giản hóa các hoạt động ngày Tết và dành nhiều thời gian cho bản thân và gia đình hơn.
Những sản phẩm thiết thực như dầu ăn, bột gia vị, mì ăn liền, nước mắm, nước tương được ưu tiên hơn, trong khi nhóm sản phẩm tiện lợi và chăm sóc sức khỏe như snack, hạt, bánh mì đóng gói, sữa chua, nước yến ngày càng được ưa chuộng.
"Với những xu hướng này, dự báo Tết 2025 sẽ là mùa Tết tiết kiệm và thực tế hơn," Kantar Worldpanel Việt Nam nhận định.
Đưa nhiều chương trình khuyến mãi
Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Siêu thị GO! Thăng Long, dù sức mua của người dân vẫn ở mức thấp, nhưng Tết Nguyên đán năm nay đến sớm hơn, gần với Tết Dương lịch, tạo cơ hội lớn cho các nhà bán lẻ đẩy mạnh chương trình khuyến mãi nhằm kích cầu tiêu dùng vào dịp cuối năm.
Doanh nghiệp đã mở rộng khu vực trưng bày sản phẩm Tết, giúp khách hàng dễ dàng tham quan và tiếp cận các sản phẩm Tết phong phú. Bên cạnh kênh bán hàng truyền thống, doanh nghiệp cũng đẩy mạnh kênh bán hàng trực tuyến qua ứng dụng GO! Supermarket, Big C, và Tops Market.
Ông Tuấn kỳ vọng doanh số sẽ tăng trưởng từ 15% đến 20% so với cùng kỳ năm trước nhờ vào việc hợp tác chặt chẽ với nhà cung cấp, dự báo và chuẩn bị sẵn nguồn hàng cho Tết.
Tương tự, ông Nguyễn Ngọc Thắng, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết từ 6 tháng trước, doanh nghiệp đã hợp tác với nhà sản xuất và nông dân để đảm bảo nguồn cung hàng hóa, giúp nhiều mặt hàng Tết giảm giá so với ngày thường.
![]() |
Để kích thích tiêu dùng nhiều doanh nghiệp bán lẻ đã tung ra các chương trình khuyến mại lớn. |
Đặc biệt, với xu hướng người tiêu dùng tiết kiệm và tìm kiếm sự tiện lợi, Saigon Co.op cũng đa dạng hóa sản phẩm bằng cách cung cấp thực phẩm tươi sống và chế biến sẵn, giúp gia đình dễ dàng chuẩn bị bữa ăn Tết mà vẫn đảm bảo chất lượng.
Tại WinMart, các hệ thống bán lẻ đã làm việc với nhà cung cấp từ 2-3 tháng trước để tăng cường dự trữ hàng hóa, đảm bảo không xảy ra tình trạng khan hiếm hoặc tăng giá đột biến.
Khách hàng sẽ dễ dàng tìm thấy các sản phẩm thiết yếu như gạo, dầu ăn, rau củ, thịt, cùng các sản phẩm Tết truyền thống như bánh kẹo, nước giải khát với số lượng lớn.
Toàn hệ thống WinMart sẽ hoạt động đến 12h trưa ngày 29 Tết và mở bán lại từ mùng 4 Tết, điều chỉnh giờ mở cửa linh hoạt để phù hợp với nhu cầu mua sắm của từng khu vực và mô hình cửa hàng.
Nguồn:Doanh nghiệp bán lẻ mở cuộc đua kích cầu tiêu dùng cuối năm
Thanh Cao
thuongtruong.com.vn
- Chặn gian lận xuất xứ, giữ giá trị hàng Việt
- Chính phủ yêu cầu xử lý nghiêm các hành vi găm hàng đội giá, thao túng giá
- Giá xăng tăng trở lại sau 2 kỳ giảm liên tiếp
- Thủ tướng yêu cầu trình quy định quản lý vàng, tiền số trước 15/7
- Doanh thu dịch vụ tiêu dùng và bán lẻ hàng hóa 6 tháng năm 2025 tăng 9,3%
- Xóa nút thắt để hàng Việt vươn xa
-
Bỏ room tín dụng – Cơ hội và thách thức song hành đối với các ngân hàng
-
Khánh Hòa: Khu nghỉ dưỡng Alma ra mắt chương trình biểu diễn nghệ thuật tại nhà hát ngoài trời
-
Sự thật về vụ tranh chấp hầm xe tòa nhà chung cư ở Hà Nội
-
Ra mắt tổ hợp Viện Tầm Nhìn Mới & Học viện Quốc tế FABIA: Cột mốc mới kết nối tri thức, công nghệ và sắc đẹp
-
Tạp chí Thanh niên được Hội đồng Giáo sư Nhà nước phê duyệt lên 0,75 điểm cho bài báo khoa học
-
F88 lập “cú hat-trick” giải thưởng tại Asian Banking & Finance 2025
-
Nghị viện EU thông qua mục tiêu nới lỏng lưu trữ khí đốt
-
Vòng Bán kết “The Charming Beauty – Duyên dáng sắc hương xứ Trà 2025”: Căng thẳng, kịch tính và đầy cảm xúc!
-
Chính phủ yêu cầu xử lý nghiêm các hành vi găm hàng đội giá, thao túng giá