Đồng Nai: Cần xã hội hóa để nhiều trẻ được học bơi

13:10 | 10/05/2022

|
Hè đến cũng là thời điểm số vụ tai nạn đuối nước ở trẻ em gia tăng, để lại những nỗi đau cho các gia đình và xã hội. Tại Đồng Nai, chỉ từ tháng 3 cho đến nay, đã ghi nhận ít nhất 2 vụ tai nạn đuối nước, làm 4 học sinh tử vong.
Đồng Nai: Cần xã hội hóa để nhiều trẻ được học bơi
Các trường tư thục với điều kiện tài chính tốt đã đầu tư cơ sở vật chất cho công tác phổ cập bơi. Ảnh: C.Nghĩa

Vấn đề tai nạn đuối nước ở trẻ em những ngày sắp tới có thể lại nhức nhối khi học sinh được nghỉ hè ở nhà, thêm vào đó là cao điểm của mùa mưa.

* Nhiều vụ đuối nước trong mùa hè

Là khu vực trung tâm thành thị nhưng TP.Biên Hòa lại là địa phương để xảy ra khá nhiều vụ tai nạn đuối nước ở trẻ em. Một trong những nguyên nhân khách quan là thành phố có nhiều sông suối chảy qua, trong khi phụ huynh chưa quản lý con em mình chặt chẽ, đồng thời chưa chủ động trang bị kỹ năng bơi cho các em.

Tháng 1-2022, UBND tỉnh đã ban hành Đề án phòng, chống tai nạn thương tích, xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2030. Mục tiêu đến năm 2025, có 60% trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước; 50% trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi biết bơi an toàn, đồng thời giảm 10% số trẻ em bị tử vong do đuối nước (giảm 2 em).

Điển hình nhất là vào cuối tháng 3 vừa qua, 3 em nhỏ tại KP.Bình Hóa (P.Hóa An) đi tắm ở một đoạn sông Đồng Nai thì có 2 em thiệt mạng. Cách đây hơn 1 năm, trên địa bàn P.Phước Tân (TP.Biên Hòa) cũng từng xảy ra vụ tai nạn đuối nước ở đoạn Sông Buông, khiến 2 em học sinh 10 tuổi tử vong. Thậm chí, tại một khu vui chơi ở P.Hiệp Hòa, ngay cả khi có cha mẹ đi cùng, có cứu hộ hồ bơi nhưng vẫn xảy ra cái chết thương tâm của 2 học sinh.

Trong khi đó, trên địa bàn H.Trảng Bom, vào ngày 29-4 vừa qua đã xảy ra vụ tai nạn đuối nước làm 2 nữ sinh của Trường TH-THCS-THPT Trần Quốc Tuấn (xã Trung Hòa) tử vong. Phó trưởng phòng GD-ĐT H.Trảng Bom Lê Thị Thu Hà cho biết, vụ tai nạn đuối nước cướp đi sinh mạng của 2 nữ sinh tại một hồ nước thuộc xã Giang Điền là một hồi chuông cảnh báo đến tất cả các nhà trường và phụ huynh về những nguy hiểm rập rình khi mùa hè sắp đến. Phòng ngừa những sự việc đáng tiếc lặp lại, đơn vị đã chỉ đạo các trường học trên địa bàn tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức phòng, chống tai nạn đuối nước cho học sinh, đồng thời nhắc nhở phụ huynh phối hợp quản lý con em mình chặt chẽ hơn.

Những năm gần đây, bình quân mỗi năm Đồng Nai có từ 15-20 trẻ em bị thiệt mạng do tai nạn đuối nước. Tỷ lệ trẻ tử vong do tai nạn đuối nước đứng đầu bảng so với các tai nạn thương tích khác. Các huyện: Tân Phú, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Trảng Bom, Định Quán, Vĩnh Cửu vẫn là những “điểm nóng” về tai nạn đuối nước ở trẻ em. Thời điểm xảy ra các vụ tai nạn đuối nước nhiều nhất từ tháng 4 đến tháng 8, khi chuẩn bị bước sang hè và là thời gian học sinh nghỉ học ở nhà.

* Vẫn học bơi… trên giấy

Bơi lội là một trong những kỹ năng sinh tồn quan trọng cần được trang bị cho trẻ em, thế nhưng thực tế với nhiều trẻ, kỹ năng này vẫn còn bị “bỏ ngỏ” không chỉ trẻ em ở nông thôn mà ngay cả ở thành thị. Một trong những nguyên nhân chính là các cơ sở giáo dục công lập chiếm số lượng lớn học sinh toàn tỉnh hiện vẫn chưa được trang bị hồ bơi, đội ngũ giáo viên thể dục muốn dạy học sinh học bơi cũng chỉ có thể dạy “trên giấy”. Những học sinh có kỹ năng bơi lội chủ yếu nhờ phụ huynh chủ động cho con em mình đi học ở các hồ bơi dịch vụ do tư nhân đầu tư.

Đồng Nai: Cần xã hội hóa để nhiều trẻ được học bơi
Các trường tư thục với điều kiện tài chính tốt đã đầu tư cơ sở vật chất cho công tác phổ cập bơi. Ảnh: C.Nghĩa

Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT, hiện phần lớn các trường phổ thông tư thục trên địa bàn Đồng Nai đã có hồ bơi phục vụ dạy kỹ năng bơi cho học sinh. Ngược lại, hầu hết các trường phổ thông công lập chưa có hồ bơi, vì vậy kỹ năng bơi cho học sinh vẫn còn bỏ ngỏ. Một trong những nguyên nhân chính khiến công tác dạy bơi cho học sinh trong các trường phổ thông hiện nay vẫn đang gặp khó khăn là quỹ đất dành cho xây dựng hồ bơi, kinh phí xây dựng và vận hành hồ bơi. Việc xây dựng hồ bơi trong trường học không chỉ khó với các huyện mà ngay tại TP.Biên Hòa khi quỹ đất các trường đã cạn kiệt.

Hiệu trưởng một trường THCS tại TP.Biên Hòa cho biết, trường muốn xây một hồ bơi cho các em tập luyện nhưng gặp khó khăn do thiếu kinh phí và không có đất nên đành “bó tay”. Hai năm trước, trường đi tham khảo mô hình hồ bơi lắp ghép nổi trên mặt đất nhưng kinh phí lên tới 200 triệu đồng, tuổi thọ công trình lại không cao nên thôi”.

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Võ Ngọc Thạch cho biết, trong điều kiện các trường chưa thể có hồ bơi, việc dạy bơi chưa thể phổ biến thì trước mắt cần thực hiện các giải pháp xã hội hóa. Cụ thể là khuyến khích tư nhân xây dựng hồ bơi để có thêm nhiều điểm học bơi. Bên cạnh đó, các nhà trường có thể hợp đồng với các đơn vị tư nhân đang vận hành hồ bơi, điều này vừa giảm áp lực đầu tư công, vừa tăng hiệu quả phổ cập bơi. Không chỉ trông chờ vào nhà trường, phụ huynh có thể tìm các địa chỉ học bơi bên ngoài trường học.

Nguồn: Cần xã hội hóa để nhiều trẻ được học bơi

Công Nghĩa

baodongnai.com.vn