Đồng Nai: Tìm hướng phát triển bền vững cụm công nghiệp

12:38 | 01/10/2022

|
Cùng với các khu công nghiệp hiện đại, đầu tư hệ thống cụm công nghiệp (CCN) được đánh giá là rất quan trọng. Các CCN đóng vai trò sắp xếp, di dời, quy hoạch các dự án sản xuất của doanh nghiệp (DN) ngoài khu vực tập trung, DN ít có điều kiện vào khu công nghiệp, tạo nên sự phân bổ hợp lý phát triển công nghiệp của địa phương.
Đồng Nai: Tìm hướng phát triển bền vững cụm công nghiệp
Cụm công nghiệp vật liệu xây dựng Tân An (H.Vĩnh Cửu) là một trong những cụm có hiệu quả hoạt động tốt thời gian qua. Ảnh: V.Thế

Tại Đồng Nai đang có 27 CCN được quy hoạch trong giai đoạn 2013-2020. Quá trình đầu tư, phát triển CCN trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã có những hiệu quả đáng khích lệ, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là trong việc thu hút nhà đầu tư dự án hạ tầng. Để phát triển bền vững, cần thiết phải tìm ra hướng đi, có chính sách hấp dẫn hơn nhằm tìm kiếm nguồn lực đầu tư hạ tầng, thu hút DN vào sản xuất, kinh doanh, phục vụ mục tiêu quy hoạch phát triển chung của tỉnh.

* Mảng ghép quan trọng của bức tranh công nghiệp

Trong thực tế, Đồng Nai dù đã có hàng chục ngàn DN hoạt động trên địa bàn song hầu hết các DN đang ở quy mô nhỏ và vừa, thậm chí siêu nhỏ (hơn 95%), nằm rải rác ở các địa phương trong tỉnh. Hệ thống khu công nghiệp đã cung cấp cho các dự án lớn, nhà đầu tư nước ngoài và một số DN có đủ thực lực vào thuê đất sản xuất nhưng hầu hết các DN còn lại rất khó khăn.

CCN được đầu tư nhằm cung cấp cơ sở hạ tầng đạt tiêu chuẩn theo quy định cho các DN nhỏ và vừa, tạo điều kiện về mặt bằng sản xuất để bố trí di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp trong các khu đô thị, khu dân cư tập trung vào CCN. Cụ thể là thu hút các cơ sở sản xuất, các DN nhỏ và vừa, các cá nhân, hộ gia đình ở địa phương vào đầu tư sản xuất, kinh doanh, hình thành mối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, từ đó thúc đẩy phát triển công nghiệp tỉnh theo định hướng và mục tiêu đề ra.

Một số mục tiêu cụ thể phát triển CCN thời gian tới

Giai đoạn 2021-2025 tiếp tục rà soát, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng kỹ thuật 16 CCN đã được thành lập. Phấn đấu 100% các CCN được xúc tiến, thu hút đầu tư thành lập mới trong giai đoạn 2022-2025 đối với 6 cụm hiện nay chưa được thành lập. Phấn đấu 100% CCN đi vào hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn. Thành lập và đưa vào hoạt động 1 CCN chuyên ngành chế biến sâu nông sản thực phẩm. Năm 2025, thu hút, lấp đầy 60% diện tích các CCN đã được thành lập. Giai đoạn 2026-2030 đầu tư đồng bộ hạ tầng, lấp đầy 70% diện tích các CCN đã được thành lập trong giai đoạn 2021-2025.

Bên cạnh đó, phát triển các CCN còn tạo điều kiện di dời các cơ sở sản xuất trong các khu đô thị, khu dân cư tập trung vào CCN, cung cấp quỹ đất cho phát triển đô thị, dịch vụ thương mại trên địa bàn tỉnh và đẩy mạnh phát triển công nghiệp tập trung về vùng nông thôn, phân bố lại sản xuất một cách hợp lý.

Thực hiện mục tiêu trên từ 10 năm qua, Đồng Nai đã tiến hành sắp xếp, quy hoạch, phân bố lại các CCN nhằm thu hút ngày càng nhiều DN quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng, làm cơ sở thu hút, sắp xếp và di dời DN thứ cấp. Đến thời điểm hiện tại, sau khi rà soát và giữ lại 27 cụm thì trong đó 15 cụm có nhà sản xuất đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, các dự án thứ cấp khi đi vào hoạt động đã giải quyết việc làm số lượng lớn, góp phần giải quyết căn bản tình trạng thất nghiệp tại khu vực nông thôn.

Tuy nhiên, đánh giá một cách khách quan, việc thu hút đầu tư hạ tầng CCN còn chậm do nhiều nguyên nhân. Một trong số đó với mức đầu tư lớn trên phần diện tích tương đối khiêm tốn nên không nhiều DN theo đuổi. Nhà nước cũng đã có các chính sách hỗ trợ DN khi triển khai dự án đầu tư xây dựng hạ tầng chung nhưng chỉ đáp ứng một phần nhất định.

Theo Phó giám đốc Sở Công thương Nguyễn Trí Phương, trước đây với mỗi dự án hạ tầng, các nhà đầu tư có thể được hỗ trợ tối đa 20 tỷ đồng từ Nhà nước song vẫn chưa thực sự thu hút được nhiều. Nguyên nhân bởi giá đất trên thị trường giai đoạn này tăng cao, nhiều đơn vị đã đến tìm hiểu rồi rời đi. Từ cuối năm 2021, tỉnh đã nâng mức hỗ trợ tối đa lên 50 tỷ đồng/dự án với mong muốn sẽ tạo khích lệ hơn cho các nhà đầu tư.

Bên cạnh vấn đề kinh phí, có những rào cản khiến DN ngán ngại là thời gian thực hiện thủ tục pháp lý kéo dài; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng phức tạp, chậm; một số khu vực quy hoạch lại chưa thực sự thuận lợi...

* Hướng tới phát triển bền vững

Từ tình hình thực tế và xu hướng phát triển trong tương lai, Đồng Nai đang ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao; công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành mũi nhọn như: cơ khí chế tạo, điện tử - công nghệ thông tin, viễn thông; công nghiệp chế biến nông sản, dự án công nghiệp sạch thân thiện môi trường, tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng và phù hợp với quy hoạch vùng Đông Nam bộ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Do đó, việc phát triển và quy hoạch CCN trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2021-2030 cũng bám sát các định hướng trên.

Theo đó, trong quy hoạch phải có tính khả thi, đáp ứng nhu cầu đầu tư sản xuất của DN; phát triển bền vững các CCN phù hợp với chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp, đồng thời phân bổ hợp lý giữa địa điểm sản xuất và sự an toàn về môi trường sinh thái, giữa khu vực sản xuất và khu dân cư...

Đồng Nai: Tìm hướng phát triển bền vững cụm công nghiệp
Sản xuất gốm sứ tại một doanh nghiệp trong Cụm gốm sứ Tân Hạnh (TP.Biên Hòa). Ảnh: Hải Quân

Đến thời điểm hiện tại, với 27 CCN đã được phê duyệt quy hoạch có diện tích 1,5 ngàn ha, trong đó diện tích đất công nghiệp dùng cho thuê hơn 943ha thì Đồng Nai cũng đã có 190 dự án thứ cấp hoạt động hiện hữu, với tổng diện tích đã cho thuê khoảng 360ha. Diện tích đất để cho thuê với các DN hiện còn lại hơn 583,46ha nhưng phần diện tích này đang vướng khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng, chưa thể bàn giao cho DN đầu tư kinh doanh hạ tầng để triển khai dự án hạ tầng kỹ thuật, thu hút dự án sản xuất, kinh doanh vào CCN. Đây cũng là một trong những vấn đề đặt ra cho công tác quản lý của địa phương.

Tiếp tục thúc đẩy thu hút đầu tư hạ tầng cũng như thu hút DN vào CCN, thời gian gần đây, lãnh đạo tỉnh đã dành nhiều buổi làm việc với các địa phương, nhà đầu tư tại từng địa bàn nhằm nắm bắt khó khăn, tìm kiếm giải pháp tháo gỡ. Vấn đề là phải đẩy nhanh quá trình hoàn thiện hạ tầng tại các cụm đã có sản xuất hiện hữu, cùng với đó là phát triển phải bền vững.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng, với một số CCN trên địa bàn đã có DN sản xuất hiện hữu nhưng chưa đảm bảo các tiêu chí về môi trường thì phải nhanh chóng hoàn thiện, không tiếp nhận dự án thứ cấp mới khi chưa hoàn thành nhiệm vụ này.

Bên cạnh đó, trong tương lai, định hướng phát triển CCN của tỉnh cũng dựa trên tính chất ngành nghề phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng khu vực; có tính liên kết trong chuỗi giá trị của sản phẩm, dịch vụ và có sự tương đồng về mục tiêu ngành nghề với các khu công nghiệp lân cận; gắn với việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm.

Nguồn: Tìm hướng phát triển bền vững cụm công nghiệp

Vương Thế

baodongnai.com.vn