Du lịch mùa Đông ở huyện rẻo cao Kỳ Sơn

08:00 | 25/01/2025

|
Một hướng đi mới lạ, hút khách ở Kỳ Sơn (Nghệ An) là du lịch mùa Đông. Kỳ Sơn không còn là miền rét sương, với những cách trở, xa ngái… mà còn là vùng đất hấp dẫn bởi cảnh sắc trong xanh, mát lành, với thảm mây bồng bềnh quyến rũ; sắc hồng của đào, sắc trắng của mận, sắc vàng của dã quỳ… và ẩm thực độc đáo.
Du lịch mùa Đông ở huyện rẻo cao Kỳ Sơn
Mùa Đông ở Kỳ Sơn đang là điểm đến hấp dẫn của du khách. (Ảnh: Sách Nguyễn)

Với tài nguyên du lịch rất phong phú, đa dạng do có địa hình núi non hùng vĩ và văn hóa đồng bào DTTS còn giữ được các nét nguyên bản chưa được khám phá hết, nên rất hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước. Đây là nền tảng, là cơ hội cho việc phát triển du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch văn hoá tâm linh, du lịch canh nông, du lịch cộng đồng…

Nếu phải tìm một điểm check-in mây ở xứ Nghệ vào mùa Đông, thì đỉnh Puxailaileng ở Na Ngoi (Kỳ Sơn) là một vị trí lí tưởng không thể bỏ qua. Nếu phải tìm sắc hồng của đào, nhuộm thắp khắp núi rừng, nương rẫy; phải tìm màu tinh khôi của mận e ấp trong bảng lảng sương đông… thì hẳn sẽ không thể bỏ qua cổng trời Mường Lống (Kỳ Sơn). Đường đến với Na Ngoi, Mường Lống uốn lượn qua bao dãy núi điệp trùng, lau trắng bạt ngàn; lẩn khuất sau cả những nếp nhà sa mu, pơ mu thâm trầm…

Còn ở vùng Tây Sơn, những nương cải vàng ruộm, những vườn hồng lúc lỉu vàng sẫm… đang là thiên đường cho những người “sống ảo”. Mùa Đông ở Kỳ Sơn cũng là mùa của nhiều lễ hội: hội chọi bò, lễ hội Pu Nhạ Thầu, chợ phiên cuối năm ở Nậm Cắn…

Du lịch mùa Đông ở huyện rẻo cao Kỳ Sơn
Những thảm mây bồng bềnh ở cổng trời Mường Lống

Du lịch mùa Đông ở Kỳ Sơn còn có rất nhiều những trải nghiệm gắn với các tour, tuyến như: tuyến du lịch Mường Xén - Mường Lống - Mỹ Lý. Trong đó, có nhiều điểm đến như: vườn mận Tam Hoa, vườn đào, vườn dâu tây, vườn sâm 7 lá 1 hoa...; Cổng trời Mường Lống, hang Tù, hang Dơi... tại xã Mường Lống; hang Thằm Đạn, tháp cổ Xốp Lợt ở bản Yên Hòa, xã Mỹ Lý; rừng pơ mu xã Tây Sơn, xã Huồi Tụ; dịch vụ tham quan bằng thuyền với những cảm giác mạo hiểm trên sông Nậm Nơn…

Tiềm năng ấy đang là bệ đỡ để du lịch Kỳ Sơn cất cánh. Nhưng Kỳ Sơn đang làm du lịch theo hướng nào?

Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn Nguyễn Viết Hùng chia sẻ: Xác định du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng là hướng đi bền vững trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện, ngay từ đầu nhiệm kỳ, địa phương đã có đề án định hướng, thực hiện phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ, khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Trong đó, có đề án Xây dựng tuyến du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với du lịch tâm linh giai đoạn 2020 – 2025. Đã có rất nhiều nội dung, nhiều sự phối hợp giữa các cấp, ngành cùng với địa phương nhằm từng bước đưa du lịch Kỳ Sơn phát triển, đặc biệt là du lịch mùa Đông.

Du lịch mùa Đông ở huyện rẻo cao Kỳ Sơn
Mùa Đông ở Kỳ Sơn, hoa anh đào rực rỡ núi rừng

Trên tuyến trải nghiệm từ thị trấn Mường Xén vào “thiên đường của sương và hoa Mường Lống”, du khách có thể tham quan rừng pơmu hơn 5.000 cây, check - in cùng những đồi chè Shan tuyết xanh mướt và những cung đường bạt ngàn hoa lau trắng.

Sau khi ghé quán cà phê nơi lưng chừng núi tại bản Trung Tâm, xã Huồi Tụ sẽ đi qua chợ ngã ba Xốp Tụ để đến Mường Lống. Những khu chợ nhỏ bên đường, là bao sản vật của núi rừng: khoai sọ, rau cải mẹo, gừng, mắc khén, các loại rau, măng rừng, thổ cẩm, đồ dùng mây tre đan…

Hiện tại, địa danh đã hình thành phát triển các mô hình du lịch, như điểm du lịch tại xã Na Ngoi (leo núi chinh phục đỉnh Pu Xai Lai Leng), điểm du lịch xã Mường Lống, với nhiều hoạt động vui chơi giải trí như chọi bò, chợ phiên của đồng bào Mông; điểm du lịch bản Yên Hoà, xã Mỹ Lý với nét bản sắc của đồng bào Thái với tháp cổ Xốp Lợt…

Đừng lo nhiều đến hạ tầng lưu trú ở Kỳ Sơn. Ở Mường Lống, du khách có thể lựa chọn địa điểm nghỉ ngơi ở 3 homestay hoặc khu du lịch Mường Lống Eco khá hiện đại. Nghỉ dưỡng tại các điểm lưu trú kể trên, người phương xa sẽ được phục vụ các món ăn đặc trưng do chính tay đồng bào nuôi trồng và chế biến: thịt lợn đen gác bếp, nướng than hoa mắc khén; gà đen nấu lá thuốc, xôi nếp nương, cá nướng, gà đen nướng mắc khén kèm dưa chuột núi tươi rói, rau cải mẹo ngọt mát… bên bếp lửa ấm.

Du lịch mùa Đông ở huyện rẻo cao Kỳ Sơn
Vào mùa Đông, núi rừng Kỳ Sơn như một bức sơn dầu sống động

Từ những đặc trưng của vùng đất, từ những nét văn hóa đậm đà không thể trộn lẫn của các DTTS… Kỳ Sơn đang mời bạn về thăm bằng những tour du lịch đầy triển vọng. Những điểm du lịch tại các xã Mường Lống, Mỹ Lý, Huồi Tụ, Tây Sơn, Hữu Kiệm Na Ngoi, Nậm Cắn… cùng làng nghề dệt thổ cẩm ở bản Na Loi, bản Piêng Lau xã Na Loi; bản Kẻo Lực, Phiêng Pô xã Phà Đánh; làng Xốp Thập, làng Nản Na xã Hữu Lập; làng Cầu Tám xã Tà Cạ; làng Noọng Dẻ xã Nậm Cắn… sẽ là điểm đặc trưng không dễ nơi nào có được. Chỉ mỗi Mường Lống thôi, đã lắm chuyện rồi. Chả thế mà Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn Nguyễn Viết Hùng bảo: Ở Mường Lống, một ngày chưa thể trải nghiệm hết cảnh sắc nơi đây.

Lãnh đạo huyện Kỳ Sơn cũng khẳng định rằng, qua thời gian triển khai thực hiện định hướng phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch mùa Đông, lượng khách tham quan ngày một tăng lên, cho thấy phát triển ngành Du lịch có sự chuyển biến rõ nét, cơ sở vật chất phục vụ du lịch được chú trọng từng bước được đầu tư, công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư được tăng cường.

Tuy nhiên, việc phát triển du lịch ở Kỳ Sơn còn nhiều vấn đề cần được quan tâm giải quyết thấu đáo, trong đó cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật vẫn chưa đảm bảo; các quy định pháp lý về quản lý du lịch chưa đầy đủ và vẫn còn không ít bất cập…

Nguồn: Du lịch mùa Đông ở huyện rẻo cao Kỳ Sơn

An Yên

baodantoc.vn