Giá khí đốt tăng vọt khiến châu Âu khốn đốn
|
Hình minh họa |
Giá khí đốt tăng mạnh do nguồn cung sụt giảm
Giá khí đốt tự nhiên tại châu Âu đã tăng vọt vào đầu năm 2025, chạm ngưỡng cao nhất kể từ năm 2023. Hiện tại, chỉ số tham chiếu giá khí đốt châu Âu, TTF (Title Transfer Facility), dao động quanh mức 47 EUR/MWh (14,50 USD/MBtu). Dù thấp hơn nhiều so với mức kỷ lục sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine vào năm 2022, giá khí đốt hiện vẫn cao gấp đôi so với thời kỳ trước khủng hoảng.
Nguyên nhân chính dẫn đến đợt tăng giá này là do Nga ngừng vận chuyển khí đốt qua Ukraine từ tháng 1/2025, làm giảm đáng kể nguồn cung cấp cho châu Âu. Bên cạnh đó, thời tiết mùa đông năm nay trở lại mức bình thường sau hai năm có nhiệt độ ấm hơn, khiến nhu cầu tiêu thụ khí đốt gia tăng.
Ngoài ra, một hiện tượng khí hậu mang tên "Dunkelflaute" - tình trạng kéo dài với gió yếu và thiếu nắng vào tháng 11/2024 - đã buộc châu Âu phải tăng tiêu thụ khí đốt lên 80% so với năm trước để đảm bảo nguồn điện ổn định. Trong khi đó, nguồn cung khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) toàn cầu chỉ tăng nhẹ 5% trong năm 2025, chủ yếu nhờ vào tốc độ mở rộng sản xuất tại Bắc Mỹ. Tuy nhiên, mức tăng này không đủ bù đắp sự sụt giảm nguồn cung từ Nga.
Dự trữ khí đốt chịu áp lực lớn
Lượng khí đốt dự trữ trong các kho của Liên minh châu Âu đang ở mức thấp hơn 24 tỷ mét khối so với cùng kỳ năm ngoái, tạo thêm áp lực lên giá cả. Để đảm bảo nguồn cung trước mùa đông tới, châu Âu sẽ phải gia tăng nhập khẩu, đặc biệt từ thị trường LNG toàn cầu, có thể khiến cán cân cung - cầu trở nên căng thẳng hơn.
Trong bối cảnh giá khí đốt cao và biến động, các Chính phủ châu Âu đang triển khai nhiều biện pháp để bảo vệ người tiêu dùng và đảm bảo an ninh năng lượng. Các chương trình hỗ trợ giá, nghĩa vụ dự trữ khí đốt và cơ chế mua chung giữa các nước thành viên đã được áp dụng nhằm giảm bớt tác động tiêu cực.
Tác động lên khả năng cạnh tranh công nghiệp
Việc giá khí đốt tăng cao đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng. Hiện tại, chi phí khí đốt đối với các doanh nghiệp châu Âu cao hơn khoảng 30% so với Trung Quốc và gấp 5 lần so với Mỹ kể từ năm 2022. Điều này khiến nhiều công ty phải cắt giảm sản xuất, thậm chí đóng cửa nhà máy.
Ngoài ra, giá khí đốt tăng còn làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát và đẩy nhiều hộ gia đình vào cảnh "nghèo năng lượng", gây khó khăn kinh tế trên diện rộng.
Tuy nhiên, từ năm 2022 đến nay, châu Âu đã bổ sung thêm 250 GW công suất năng lượng tái tạo, giúp giảm hơn 60 tỷ mét khối khí đốt tiêu thụ trong ngành điện. Cùng với đó, việc lắp đặt bơm nhiệt, dù có dấu hiệu chững lại, vẫn đang góp phần hạn chế nhu cầu sử dụng khí đốt, giúp giảm bớt phần nào áp lực lên thị trường.
Triển vọng và thách thức trong thời gian tới
Bất ổn địa chính trị và tình trạng dự trữ khí đốt thấp khiến năm 2025 được dự báo sẽ tiếp tục là một năm đầy thách thức đối với ngành năng lượng châu Âu. Các chuyên gia dự đoán tình hình có thể được cải thiện từ năm 2026, khi nguồn cung LNG toàn cầu gia tăng đáng kể, đặc biệt từ Mỹ và Qatar.
Dù vậy, đây là giải pháp dài hạn, và trong ngắn hạn, các Chính phủ châu Âu sẽ cần tăng cường các biện pháp nhằm cải thiện hiệu quả năng lượng, đa dạng hóa nguồn cung và nâng cao khả năng chống chịu của hệ thống năng lượng. Một trong những ưu tiên hàng đầu là đảm bảo an ninh năng lượng thông qua việc đàm phán các hợp đồng dài hạn, giúp ổn định nguồn cung và giảm bớt tác động của biến động giá cả.
Nguồn:Giá khí đốt tăng vọt khiến châu Âu khốn đốnNh.Thạch
nangluongquocte.petrotimes.vn
- Phân tích dự báo nhu cầu khí đốt của Đông Nam Á trước năm 2050
- Sản lượng dầu thô của Mỹ đạt đỉnh sớm hơn dự kiến
- Bản tin Năng lượng xanh: Equinor cho biết có thể mất hàng tỷ đô la do chính sách siết chặt năng lượng gió của Tổng thống Trump
- Nga hạ dự báo doanh thu năng lượng khi giá dầu lao dốc
- Trung Quốc gia hạn lệnh đình chỉ nhập khẩu LNG của Mỹ
- Bản tin Năng lượng xanh: Nhà phát triển điện gió ngoài khơi lớn RWE đã dừng các dự án tại Mỹ
-
Hang Rái – Khúc giao hòa kỳ ảo giữa đá và sóng
-
Hà Giang vào top 44 địa điểm đẹp nhất thế giới
-
PVCFC duy trì nền tảng tài chính ổn định, đạt kết quả khả quan trong quý I/2025
-
Ngắm biển Đồng Châu “ảo diệu” trong ánh bình minh
-
Hàng trăm doanh nghiệp "đổ bộ" Triển lãm Kho vận và Tự động hóa Việt Nam
-
F88 chính thức trở thành công ty đại chúng
-
Lâm Đồng: "Lát gạch xanh" trên bản đồ cà phê bền vững
-
HLV Vũ Hồng Việt nói về cuộc đua vô địch V-League
-
PV Power đẩy mạnh chuyển dịch năng lượng: Chủ động bắt nhịp xu thế xanh