Giảm giá cuối năm: Cảnh giác với ‘chiêu đẩy hàng’ của nhà bán lẻ

16:50 | 09/12/2024

|
Cuối năm, mùa mua sắm sôi động nhất trong năm, là thời điểm các nhãn hàng và doanh nghiệp tung ra hàng loạt chương trình khuyến mại hấp dẫn. Tuy nhiên, đằng sau những biển hiệu "giảm giá sốc", "sale khủng", hay "mua 1 tặng 1", không ít chiêu trò khiến người tiêu dùng dễ dàng rơi vào "bẫy" mua sắm.

Bẫy giăng khắp nơi

Cứ vào dịp cuối năm, các trung tâm thương mại tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng…bắt đầu đưa ra những chính sách giảm giá sâu để kích cầu tiêu dùng, đồng thời giải quyết lượng hàng tồn đọng trong năm.

Trọng tâm mùa giảm giá có thể kể tới ngày Black Friday, khuyến mãi dịp Noel, Tết Dương lịch... Để kích thích sức mua, nhiều sàn thương mại điện tử, nhiều thương hiệu còn kết hợp cùng các nghệ sĩ, KOLS, TikToker, những người nổi tiếng có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội tổ chức chuỗi livestream bán hàng với nhiều ưu đãi hay với sản phẩm đồng giá, miễn phí giao hàng…

Giảm giá cuối năm: Cảnh giác với ‘chiêu đẩy hàng’ của nhà bán lẻ
Nhiều cửa hàng treo biển giảm giá dịp cuối năm.

Không chỉ khuyến mãi trong các phiên livestream, dịp này đồng loạt tại các siêu thị lớn, các hệ thống bán lẻ tại Hà Nội cũng thực hiện nhiều chương trình giảm giá sâu để kích cầu sức mua. Những banner “Sale 50-70% tất cả mặt hàng”, “Mua 1 tặng 1, mua 2 trả tiền 1”, “Khuyến mại khủng cuối năm giảm 30-50% giá trị mặt hàng”… xuất hiện ở khắp các cửa hàng điện tử, đồ gia dụng cho đến thực phẩm, thời trang... cũng như trên các website quảng cáo.

Chưa cần biết hàng hóa đó xuất xứ từ đâu, giá cả thị trường như thế nào, chỉ cần được dán mác “Sale off”, “giảm giá” là các cửa hàng truyền thống đến online đã thu hút được rất nhiều khách hàng.

Trong đó phải kể đến Black Friday là ngày hội giảm giá lớn nhất trong năm có nguồn gốc từ Mỹ và đã lan rộng ra khắp thế giới. Hưởng ứng ngày hội này, tại Hà Nội và nhiều thành phố lớn, hàng loạt chương trình khuyến mãi, giảm giá hấp dẫn được nhiều cửa hàng thời trang, đồ gia dụng đến thiết bị điện tử triển khai nhằm kích cầu tiêu dùng và gia tăng doanh số.

Không chỉ các cửa hàng truyền thống, các nền tảng mua sắm trực tuyến cũng đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi. Từ các sàn thương mại điện tử lớn đến các cửa hàng bán hàng qua mạng xã hội đều tham gia vào “cuộc đua” Black Friday. Người tiêu dùng có thể dễ dàng đặt hàng trực tuyến với giá ưu đãi mà không cần chen chúc tại các cửa hàng.

Giảm giá cuối năm: Cảnh giác với ‘chiêu đẩy hàng’ của nhà bán lẻ
Black Friday là ngày hội giảm giá lớn nhất trong năm, tại Hà Nội và nhiều thành phố lớn, hàng loạt chương trình khuyến mãi, giảm giá hấp dẫn nhằm kích cầu tiêu dùng và gia tăng doanh số.

Tuy nhiên, khi tiếp cận các chương trình giảm giá, khuyến mại, nhiều người tiêu dùng khá bất ngờ vì dù đã khuyến mại, giảm giá nhưng nhiều sản phẩm vẫn đắt hơn hoặc ngang bằng sản phẩm cùng loại tại các cửa hàng khác.

Trong khi đó, nắm bắt được tâm lý chung của người tiêu dùng là mong đợi dịp khuyến mại cuối năm để “săn” đồ giảm giá, nhiều cửa hàng lợi dụng dịp này để xả hàng tồn kho, hàng lỗi, thiếu size, thậm chí hàng giả, hàng nhái, chất lượng không như mong đợi khiến không ít người tiêu dùng ôm “trái đắng”.

Những con số khuyến mãi khủng, những biển quảng cáo sale sập sàn thực chất chỉ là chiêu trò để hút khách. Trên thực tế, mức giảm giá chỉ được áp dụng cho một số mặt hàng và không được nhiều như biển quảng cáo. Người tiêu dùng dễ bị cuốn vào các chương trình giảm giá “khủng” mà không để ý đến chất lượng thực tế.

Chị Lý Thị Hoài (Thường Tín, Hà Nội) cho biết:“Nhân ngày Black Friday, mẹ con tôi cũng rủ nhau đi dọc phố Cầu Giấy nhưng mất cả buổi tối đi không mua được gì. Hàng mới thì không sale. Hàng cũ, hàng lỗi mốt, hàng thiếu size thì giảm giá. Nhiều nơi họ tăng giá lên 70% rồi lại gạch giá đó, niêm yết giảm lại 70% để thu hút người tiêu dùng nhưng thật ra giá vẫn y như cũ. Tất cả chỉ là chiêu trò của người bán hàng thôi, có người mua nhầm chứ người bán hàng không bao giờ nhầm”.

Cẩn trọng khi nhà bán lẻ tung chiêu

Lợi dụng chương trình giảm giá, một số đối tượng tạo ra các trang web hoặc fanpage giả mạo, sử dụng tên tuổi của các thương hiệu lớn, chạy quảng cáo với chiêu trò giảm giá khuyến mãi kịch sàn. Nhiều người ham mua hàng hiệu giá rẻ sau khi người tiêu dùng chuyển tiền đặt cọc, các trang này sẽ “biến mất”.

Nhiều trang page quảng cáo cho rằng người mua sẽ được tặng sản phẩm miễn phí, chỉ cần trả tiền vận chuyển. Tuy nhiên, phí vận chuyển thường cao hơn giá trị thực của món quà.

Một số dịch vụ như spa, tập gym, hoặc du lịch thường quảng cáo gói ưu đãi giảm giá sâu cuối năm. Nhưng khi khách hàng mua gói dịch vụ, họ lại chịu thêm chi phí hoặc dịch vụ kém xa so với quảng cáo ban đầu.

Giảm giá cuối năm: Cảnh giác với ‘chiêu đẩy hàng’ của nhà bán lẻ
Nhiều sản phẩm treo giảm giá khủng nhưng khi thanh toán lại không được như quảng cáo.

Mới đây, dư luận xôn xao khi một website thông báo hãng đồng hồ Omega nổi tiếng từ Thụy Sĩ đang “sale hủy diệt”, giảm giá đến 70% kèm theo hình ảnh khách hàng phải vật vã xếp hàng dài trước siêu thị chờ mua sản phẩm cùng lời khuyến nghị khách hàng đặt hàng qua website thì lúc nào cũng có. Để kích thích khách hàng, trên website còn hiển thị đồng hồ đếm ngược thúc giục mọi người mua hàng khi chương trình khuyến mại sắp hết hạn.

Với chiêu trò này, kẻ lừa đảo đã đánh vào tâm lý ham rẻ của người tiêu dùng tự nguyện chui đầu vào bẫy vì những chiếc đồng hồ Omega “sale sập sàn” kể trên chỉ là hàng nhái, hàng giả mang danh nghĩa “hàng chính hãng giảm giá”. Trong khi trên thực tế, đại diện của hãng Omega tại Việt Nam khẳng định không có bất cứ chương trình khuyến mại nào và địa chỉ website trên mạng xã hội không phải website chính thức của đại lý phân phối.

Thực tế cho thấy chiêu trò “giảm giá” dịp cuối năm chỉ là cái cớ để xả hàng lỗi của các cửa hàng, thương hiệu. Nhiều sản phẩm không có chính sách đổi trả. Mô tả sản phẩm mơ hồ, không rõ ràng. Hàng giảm giá thường không có bảo hành hoặc bảo hành ngắn hạn.

Không ít người mua sắm phản ánh rằng các mặt hàng giảm giá thường là quần áo hoặc giày dép không đủ size phổ biến, hoặc thuộc mẫu mã từ các mùa trước. Điều này khiến họ cảm thấy bị “dắt mũi” bởi quảng cáo giảm giá tràn lan nhưng không có sản phẩm phù hợp.

Nhiều cửa hàng tăng giá sản phẩm lên cao rồi giảm xuống mức giá bình thường khiến khách hàng lầm tưởng mình mua được hàng giá hời, trong khi thực tế lại khác xa.

Giảm giá cuối năm: Cảnh giác với ‘chiêu đẩy hàng’ của nhà bán lẻ
Chị Lý Thị Hoài (Thường Tín, Hà Nội) bức xúc khi hàng mới thì giảm ít, hàng cũ, hàng thiếu size, hàng lỗi thì giảm nhiều.

Dịp giảm giá cuối năm không hoàn toàn là cơ hội “vàng” để săn hàng giá rẻ mà đôi khi lại là “cái bẫy” cho những ai không tỉnh táo. Hãy trở thành người tiêu dùng thông minh để tránh sập bẫy của các chiêu trò giảm giá “ảo” và đảm bảo số tiền bỏ ra xứng đáng với giá trị bạn nhận được.

Theo Nghị định số 81/2018/NĐ-CP, mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ khuyến mại không được vượt quá 50% giá hàng hóa, dịch vụ đó ngay trước thời gian khuyến mại. Chương trình triển khai kế hoạch khuyến mại tập trung năm 2025 và các chương trình khuyến mại thường niên được xem là giải pháp để kích thích sức mua là động thái hết sức tích cực nhằm kích cầu tiêu dùng và bình ổn thị trường.

Tuy nhiên, để các chương trình này đi vào thực chất, các cơ quan chức năng cần có trách nhiệm, tăng cường hơn nữa kiểm tra, kiểm soát để đem lại niềm tin cho người tiêu dùng.

Quan trọng hơn là làm lành mạnh môi trường cạnh tranh, nhất là tại các mô hình thương mại hiện đại. Người tiêu dùng trước khi mua hàng, dù trực tiếp hay trực tuyến cũng cần tìm hiểu kỹ thông tin về chương trình khuyến mại, thông tin doanh nghiệp, thông tin sản phẩm để tự bảo vệ quyền lợi của mình.

Nguồn:Giảm giá cuối năm: Cảnh giác với ‘chiêu đẩy hàng’ của nhà bán lẻ

Quang Anh

thuongtruong.com.vn