Giao dịch thương mại điện tử Việt Nam đạt 13,82 tỷ USD trong năm 2024

23:49 | 24/01/2025

|
Năm 2024, thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam ghi nhận bước tiến vượt bậc với tổng giá trị giao dịch (GMV) đạt 13,82 tỷ USD, tăng 40% so với năm 2023.

Theo báo cáo doanh thu từ YouNet ECI, thị trường TMĐT Việt Nam đã có những chuyển biến mạnh mẽ, cho thấy sự chuyển dịch của người tiêu dùng từ các kênh mua sắm truyền thống sang nền tảng trực tuyến.

Giao dịch thương mại điện tử Việt Nam đạt 13,82 tỷ USD trong năm 2024

Giao dịch thương mại điện tử Việt Nam đạt 13,82 tỷ USD trong năm 2024

Trong cuộc đua cạnh tranh giữa các nền tảng lớn, Shopee và TikTok Shop tiếp tục dẫn đầu thị trường với tổng GMV lần lượt đạt 9,3 tỷ USD và 3,8 tỷ USD, chiếm 66,7% và 26,9% thị phần. Tốc độ tăng trưởng doanh thu của hai nền tảng này đạt 41% và 99% so với năm trước, làm nền tảng vững chắc cho sự phát triển của TMĐT Việt Nam.

Đặc biệt, trong quý IV/2024 – giai đoạn cao điểm của ngành TMĐT – tổng giá trị giao dịch toàn thị trường đạt 97.960 tỷ đồng. Shopee và TikTok Shop tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu với 62,2% và 32,5% thị phần. Phần lớn giá trị giao dịch đến từ các ngành hàng thời trang và phụ kiện (26,5%), FMCG (16,6%), điện gia dụng và công nghệ (15,8%) cũng như ngành hàng sắc đẹp (13,1%).

Báo cáo của YouNet ECI nhấn mạnh rằng nhóm ngành hàng thiết yếu, bao gồm FMCG (hàng tiêu dùng nhanh) và chăm sóc sức khỏe, đã trở thành động lực tăng trưởng chính của TMĐT năm 2024. Số liệu cho thấy, nhóm ngành này tăng trưởng 54% về giá trị giao dịch, trong khi riêng ngành FMCG đạt mức tăng trưởng ấn tượng 62%, vượt qua ngành điện gia dụng và công nghệ để chiếm vị trí thứ hai về mức độ quan trọng trong giỏ hàng trực tuyến chỉ sau thời trang và phụ kiện.

Tăng trưởng của FMCG chủ yếu đến từ sản lượng bán hàng nhiều hơn thay vì việc tăng giá, phản ánh sự ổn định và hình thành nhu cầu mua sắm các sản phẩm thiết yếu qua kênh trực tuyến.

Trong quý IV/2024, doanh thu các gian hàng chính hãng đã tăng trưởng đáng kể nhờ vào sự tin tưởng của người tiêu dùng với chất lượng sản phẩm. Các thương hiệu uy tín trên thị trường bán lẻ truyền thống được hưởng lợi lớn từ xu hướng này. Thêm vào đó, dữ liệu cũng cho thấy các thương hiệu ngành hàng FMCG thuộc phân khúc giá phổ thông và tiết kiệm có lợi thế lớn trong việc thúc đẩy tăng trưởng cho các sàn TMĐT.

Ông Nguyễn Phương Lâm, Giám đốc Phân tích Thị trường tại YouNet ECI nhận định, người tiêu dùng ngày càng ưu tiên TMĐT, ngay cả với sản phẩm thiết yếu, nhờ sự tiện lợi, ưu đãi hấp dẫn và sự đa dạng của sản phẩm. Đây là cơ hội để các thương hiệu tối ưu chiến lược kinh doanh và khai thác tiềm năng của thị trường.

Mới đây, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu và sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về TMĐT để định danh người bán hàng trên các sàn TMĐT thông qua VNeID.

Trao đổi với phóng viên PetroTimes, chuyên gia thuế Nguyễn Văn Được - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín cho rằng, trong bối cảnh TMĐT ngày càng phát triển mạnh mẽ, việc định danh người bán hàng trên các sàn TMĐT thông qua hệ thống VNeID được đánh giá là một bước tiến quan trọng trong cải cách hành chính và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Việc này không chỉ giúp giảm thiểu tình trạng gian lận, lừa đảo mà còn nâng cao trách nhiệm của người bán trong việc tuân thủ các quy định pháp lý. Việc xác thực danh tính người bán hàng thông qua VNeID sẽ mang lại sự an tâm cho người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến. Họ có thể dễ dàng tra cứu thông tin về người bán, từ đó giảm thiểu rủi ro khi giao dịch. Đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế có thể theo dõi và giám sát hoạt động kinh doanh trên các sàn TMĐT một cách hiệu quả hơn, từ đó phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật.

Nguồn:Giao dịch thương mại điện tử Việt Nam đạt 13,82 tỷ USD trong năm 2024

Đình Khương

kinhtexaydung.petrotimes.vn