Hà Giang: Hành trình lịch sử vùng biên viễn
Lịch sử hình thành và các lần chia tách
Theo nhiều tài liệu lịch sử, từ thời Văn Lang – Âu Lạc, mảnh đất Hà Giang vốn đã thuộc bộ lạc Tây Vu. Trong thời kỳ nghìn năm phong kiến phương Bắc đô hộ, khu vực Hà Giang vẫn nằm trong địa phận huyện Tây Vu, quận Giao Chỉ. Cho đến khi người Việt giành lại độc lập, từ năm 1075, dưới thời nhà Lý, miền đất Hà Giang được phân về châu Bình Nguyên. Đến thời Trần, khu vực Hà Giang – Tuyên Quang khi đó được gọi là châu Tuyên Quang, thuộc lộ Quốc Oai, đến năm 1397 thì đổi thành trấn Tuyên Quang.
Năm 1835, mảnh đất Hà Giang được nhà Nguyễn chia làm hai huyện: Khoảng Bắc Mê, Yên Minh và một phần Quản Bạ ngày nay thuộc huyện Vĩnh Điện; một phần Đồng Văn, Mèo Vạc và khoảng huyện Bảo Lạc, Cao Bằng ngày nay thuộc huyện Để Định. Đến năm 1842 tiếp tục chia làm 3 hạt: Hà Giang, Bắc Quang, Tuyên Quang.
![]() |
Dòng sông Lô chảy quanh thị xã Hà Giang trong những năm đầu thế kỷ 20. |
Năm 1887, thực dân Pháp đánh chiếm Hà Giang. Dưới sự cai trị của thực dân Pháp, ngày 20.8.1891, tỉnh Hà Giang được thành lập. Cho đến trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, Hà Giang có 4 châu (Bắc Quang, Vị Xuyên, Đồng Văn, Hoàng Su Phì) và 1 thị xã Hà Giang.
![]() |
Khu vực chân núi Mỏ Neo, thị xã Hà Giang thời Pháp thuộc. |
Năm 1959, Hà Giang được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh sáp nhập vào Khu tự trị Việt Bắc. Tháng 12 năm 1975, tỉnh Hà Tuyên được thành lập trên cơ sở hợp nhất hai tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang. Cho đến năm 1991, Quốc hội khóa VIII quyết định chia Hà Tuyên thành hai tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang, tỉnh Hà Giang được tái lập với 9 huyện và 1 thị xã.
![]() |
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Hà Giang tháng 3 năm 1961. |
Tên gọi và trung tâm hành chính qua các thời kỳ
Theo nhiều tài liệu lịch sử, Hà Giang trước đây còn được gọi là Hà Dương, mang nghĩa một vùng đất tươi sáng bên sông. Tên gọi này ít nhất đã có từ thời nhà Trần và được sử dụng cho đến đầu thế kỷ XVIII. Trải qua quá trình phát triển, tên gọi Hà Giang dần dần được hình thành từ tên gọi cũ Hà Dương. Tuy nhiên, việc sử dụng chính thức cái tên Hà Giang cho đơn vị hành chính cấp tỉnh chỉ được xác lập vào ngày 20.8.1891, khi Toàn quyền Đông Dương quyết định thành lập tỉnh Hà Giang. Cái tên Hà Giang vẫn thể hiện đặc trưng địa lý của vùng đất này với nhiều dòng sông như sông Lô, sông Miện, sông Nho Quế… uốn lượn qua các dãy núi trùng điệp.
![]() |
Cảnh trên bến dưới thuyền giao thương một thời hai bên bờ sông Lô. |
Trung tâm hành chính của Hà Giang cũng trải qua nhiều lần thay đổi. Kể từ khi chính thức là một hạt riêng dưới thời nhà Nguyễn (năm 1842), phủ Tương Yên (nay thuộc huyện Vị Xuyên) là trung tâm chính trị - quân sự của vùng. Khi người Pháp cai trị, họ chuyển trung tâm hành chính về thị xã Hà Giang (nay là thành phố Hà Giang), nơi có địa thế thuận lợi hơn trong quản lý và phát triển. Từ đó đến nay, thành phố Hà Giang vẫn giữ vai trò là trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa của tỉnh, là nơi tập trung các cơ quan hành chính và là đầu mối giao thông quan trọng kết nối với các huyện miền núi.
![]() |
Khu vực đồi Tỉnh ủy, thị xã Hà Giang những năm 1930. |
![]() |
Quảng trường 26/3, thành phố Hà Giang ngày nay. (Ảnh: Khánh Linh) |
Lá chắn nơi biên cương cực Bắc Tổ quốc
Là tỉnh địa đầu của dải đất hình chữ S, với đường biên giới dài hơn 277 km giáp Trung Quốc, Hà Giang không chỉ là phên dậu vững chắc mà còn là tuyến đầu trong các cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền dân tộc.
Trong lịch sử, Hà Giang từng là chiến trường quan trọng trong nhiều giai đoạn. Đặc biệt, trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc giai đoạn từ năm 1979 đến năm 1989, Hà Giang là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Các huyện như Vị Xuyên, Đồng Văn, Mèo Vạc đã trở thành điểm nóng, nơi quân và dân kiên cường chiến đấu để giữ vững từng tấc đất thiêng liêng. Những di tích thuộc mặt trận Vị Xuyên vẫn còn ghi dấu những trận chiến ác liệt, thể hiện tinh thần chiến đấu bất khuất của quân dân ta.
![]() |
Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên - nơi an nghỉ của những người anh hùng đã hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc. (Ảnh: Minh Ty) |
Ngày nay, trong bối cảnh hội nhập và phát triển, Hà Giang tiếp tục giữ vững vai trò là tuyến phòng thủ quan trọng. Lực lượng biên phòng tỉnh thường xuyên phối hợp với lực lượng biên phòng nước bạn tuần tra, kiểm soát biên giới, ngăn chặn các hoạt động vi phạm chủ quyền, buôn lậu và xuất nhập cảnh trái phép. Bên cạnh đó, Hà Giang cũng đẩy mạnh hợp tác với các địa phương giáp ranh để xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, tạo điều kiện phát triển kinh tế và giao thương.
Tiềm năng phát triển kinh tế và thương hiệu văn hóa, du lịch Hà Giang
Hà Giang là tỉnh miền núi với địa hình hiểm trở, song cũng sở hữu tiềm năng phát triển kinh tế đa dạng. Những năm qua, tỉnh tập trung phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn như du lịch, nông – lâm nghiệp và thương mại biên giới. Với Cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận là Công viên Địa chất Toàn cầu, Hà Giang trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, các sản phẩm đặc sản như chè Shan tuyết, mật ong bạc hà, thịt bò vàng, cam sành Bắc Quang… không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho người dân mà còn khẳng định thương hiệu nông sản địa phương.
![]() |
Du khách nước ngoài tìm hiểu thông tin về làng Lô Lô Chải, huyện Đồng Văn. (Ảnh: Mai Ánh) |
Cùng với phát triển kinh tế, Hà Giang đặc biệt chú trọng gìn giữ bản sắc văn hóa các dân tộc. Những lễ hội truyền thống như chợ tình Khâu Vai, lễ cúng tổ tiên của người Lô Lô hay các làn điệu dân ca của người Tày, người Dao tạo nên nét độc đáo cho văn hóa vùng cao. Năm 2024, lượng khách du lịch đến Hà Giang ước đạt 3,286 triệu lượt người, tăng 8,8% so với năm 2023, tổng doanh thu du lịch đạt 8.149 tỷ đồng. Hà Giang được vinh danh là Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á năm 2023, Điểm đến văn hóa khu vực hàng đầu châu Á năm 2024… Những giải thưởng này không chỉ tôn vinh nỗ lực của Hà Giang trong việc phát triển du lịch bền vững mà còn góp phần nâng cao vị thế của tỉnh trên bản đồ du lịch quốc tế.
![]() |
Thành phố Hà Giang lung linh ánh điện về đêm. (Ảnh: Mai Ánh) |
Với những trầm tích lịch sử hào hùng và tiềm năng mạnh mẽ, từ một tỉnh biên giới còn nhiều khó khăn, Hà Giang dần vươn mình trở thành một “điểm sáng” trên bản đồ dải đất hình chữ S. Những giá trị văn hóa phong phú cùng với lòng đoàn kết dân tộc là yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của vùng đất này. Nếu tiếp tục phát huy lợi thế và tiềm năng sẵn có, Hà Giang sẽ không chỉ là lá chắn biên cương vững chắc mà còn là điểm đến đầy hấp dẫn, góp phần vào sự phát triển chung bền vững của đất nước.
Nguồn: Hà Giang: Hành trình lịch sử vùng biên viễn
Minh Nhật
baohagiang.vn
- Khánh Hòa: Nỗ lực phát triển nuôi biển công nghệ cao
- Niềm vui mới của đồng bào Co ở Nóc Ông Đến
- Dự kiến sau sắp xếp, Hà Giang còn 74 đơn vị hành chính cấp xã
- Khánh Hòa: Lữ đoàn 146 tuyên truyền biển, đảo cho hơn 1.200 học sinh
- Lâm Đồng: Lạc Dương thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
- Bắc Giang: Từ vườn tạp thành vườn mẫu
-
Khánh Hòa: Quyết tâm phát triển du lịch xanh
-
Duyên dáng Sắc hương xứ Trà 2025: Sân chơi mới cho nữ sinh Việt tỏa sáng
-
Vinamilk tặng 50.000 hộp sữa cho thiếu nhi TP.HCM hướng đến sự kiện đặc biệt 30/4
-
Hà Giang: Bắc Quang kiến tạo cuộc sống mới cho người nghèo
-
PV GAS D tổ chức “ra quân làm sạch môi trường biển” và trao tặng nhà tình thương
-
Manulife phối hợp cùng Diễn đàn Kinh tế thế giới phát động cuộc thi "Đổi mới vì tương lai dân số châu Á"
-
Ca sĩ Hòa Minzy tặng học bổng cho học sinh nghèo vượt khó
-
Lisa (BLACKPINK) tạo hình ‘cực cháy’, khuấy động sân khấu 'Coachella 2025'
-
Khoa học công nghệ – động lực nội sinh của Hòa Phát