Hà Giang: Người La Chí ở Bản Díu bảo tồn văn hóa truyền thống

15:00 | 30/08/2024

|
Bên cạnh thực hiện xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh thì việc bảo tồn văn hóa truyền thống luôn được cộng đồng người La Chí ở xã Bản Díu (Xín Mần) chú trọng thực hiện. Điều này đã, đang góp phần tạo nên môi trường sống lành mạnh, văn minh, khơi dậy giá trị văn hóa để phát triển KT - XH, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc trên địa bàn.

Dân tộc La Chí ở Bản Díu chiếm trên 65% dân số toàn xã, người dân sinh sống chủ yếu tại các thôn Na Lũng, Díu Hạ, Díu Thượng và Nam Lim. Là dân tộc có nhiều nét văn hóa đậm đà bản sắc, người La Chí tại đây luôn nỗ lực bảo tồn những giá trị văn hóa gắn liền với đời sống qua bao thế hệ. Có thể kể đến như: Gìn giữ đầy đủ các nghi lễ trong Lễ hội Hoàng Vần Thùng gắn với Tết Khu Cù Tê vào tháng 7 âm lịch hàng năm; lễ cúng tổ tiên 3 đời vào các tháng 3, 5, 7, 9, 12 âm lịch; hát giao duyên trong đám cưới, lễ, tết; mặc trang phục truyền thống vào những ngày lễ quan trọng của gia đình và địa phương...

Hà Giang: Người La Chí ở Bản Díu bảo tồn văn hóa truyền thống
Theo nhịp trống, bà con đưa lễ dâng hương lên Đền thờ Hoàng Vần Thùng.

Đặc biệt, việc may trang phục dân tộc luôn được người La Chí chú trọng và truyền dạy cho con cháu trong gia đình. Ngay từ khi còn nhỏ các em gái đã được bà, mẹ hướng dẫn tỉ mỉ từng công đoạn để may thành công một bộ quần áo. Nhờ đó, trang phục của người dân ở đây qua bao thế hệ vẫn luôn gìn giữ được những giá trị văn hóa của tộc người La Chí. Ngoài ra, gìn giữ ngôn ngữ của dân tộc cũng được cộng đồng người La Chí thực hiện rất tốt. Để tiếng La Chí không bị mai một, các gia đình đều chủ động hướng dẫn con em học tiếng dân tộc ngay từ khi còn nhỏ.

Chủ tịch Hội nghệ nhân dân gian xã Bản Díu, Long Đức Khương cho biết: Bảo tồn văn hóa truyền thống là yếu tố quan trọng trong đời sống của người La Chí, bên cạnh việc duy trì những nét văn hóa đậm đà bản sắc thì yếu tố gìn giữ ngôn ngữ cho giới trẻ hiện nay luôn được chính quyền địa phương và người dân chú trọng. Việc duy trì nói tiếng La Chí trong sinh hoạt tại mỗi gia đình giúp các cháu nhỏ từ 5 - 6 tuổi có thể nghe và hiểu ý nghĩa từ câu nói của người lớn, còn với các cháu từ 7 tuổi trở lên đã giao tiếp được bằng tiếng La Chí rất tốt.

Cùng với bảo tồn văn hóa, người La Chí ở Bản Díu cũng thực hiện nghiêm túc xóa bỏ hủ tục từ khi Nghị quyết 27 được triển khai. Cụ thể: Thời gian tổ chức Tết Khu Cù Tê gắn lễ hội Hoàng Vần Thùng đã được rút ngắn từ 15 ngày xuống còn 7 ngày; đám cưới không còn tình trạng thách cưới, hôn nhân cận huyết thống, thời gian tổ chức dài ngày và các cặp đôi khi tổ chức hôn lễ đều đã đủ tuổi kết hôn, có giấy đăng ký kết hôn; đám tang 100% hộ dân đều thực hiện đưa người chết vào áo quan, không giết mổ nhiều gia súc, tổ chức đám tang không quá 48 tiếng, đi lễ bằng tiền mặt thay cho đóng góp lễ vật. Trong đời sống, sinh hoạt người dân chủ động dọn dẹp, vệ sinh xung quanh nhà ở, không còn tình trạng nuôi nhốt gia súc, gia cầm dưới gầm sàn nhà ở; mỗi hộ gia đình đều có vườn rau, bể nước, nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh và làm hố rác, chuồng trại xa nhà; khi gia đình có người ốm đều đưa đến thăm khám tại các cơ sở y tế, không còn xem bói, cúng bái...

Để làm tốt công tác bảo tồn văn hóa tốt đẹp, thời gian tới xã Bản Díu sẽ kết hợp với các trường học đưa nghệ nhân vào giảng dạy múa trống, may trang phục dân tộc, đan lan và hát giao duyên cho học sinh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân nâng cao ý thức gìn giữ các giá trị văn hóa của dân tộc mình gắn với xóa bỏ hủ tục.

Nguồn: Người La Chí ở Bản Díu bảo tồn văn hóa truyền thống

Hồng Nhung

baohagiang.vn