Hà Giang: Phát triển chăn nuôi gia súc tạo sinh kế cho người dân

14:00 | 19/10/2024

|
Năm 2019, sản phẩm bò vàng của tỉnh ta được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Từ đó đến nay, các sản phẩm được chế biến từ bò vàng đã tạo vị thế vững chắc trên thị trường... Đây được xem là lợi thế phát triển đàn gia súc, giúp người dân giảm nghèo nhanh và bền vững.

Gia đình ông Vừ Dùng Pó, thôn Đoàn Kết, xã Sủng Là (Đồng Văn) từng là hộ nghèo. Năm 2022, gia đình ông mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội mua 2 con bò về nuôi. Sau 4-6 tháng nuôi vỗ béo, ông bán được 40 triệu đồng/con, lợi nhuận thu về 8 - 10 triệu đồng. Từ đó, ông liên tục nuôi quay vòng, chăn nuôi bò nhốt chuồng vỗ béo đã giúp cuộc sống gia đình dần ổn định, từng bước vươn lên thoát nghèo. Ngoài gia đình ông Pó, hiện nhiều hộ dân cũng đầu tư nuôi bò, đưa tổng đàn đại gia súc của thôn Đoàn Kết lên 157 con, bình quân mỗi hộ có từ 2-4 con.

Hà Giang: Phát triển chăn nuôi gia súc tạo sinh kế cho người dân
Gia đình ông Lò Dùng Pó, thôn Đoàn Kết, xã Sủng Là (Đồng Văn) nuôi bò vàng, giúp tăng thu nhập.

Nuôi bò đã tạo nguồn sinh kế cho người dân xã Sủng Là và đang góp phần hiện thực hóa mục tiêu giảm nghèo bền vững. Đến nay xã Sủng Là có 750 hộ nuôi bò nhốt chuồng với tổng đàn 1.450 con. Để phát triển chăn nuôi bò vỗ béo, xã đã vận động các hộ dân tham gia mô hình nuôi bò nhốt chuồng; hướng dẫn người dân vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện đầu tư chăn nuôi. Đồng chí Lý Thị Chiến, Phó Chủ tịch UBND xã Sủng Là cho biết: Nhận thấy nuôi bò vỗ béo mang lại lợi nhuận thiết thực, được Nhà nước hỗ trợ vốn nên tư duy của người dân đã thay đổi, mạnh dạn đầu tư và bước đầu mang lại hiệu quả.

Không chỉ riêng các xã thuộc huyện Đồng Văn, hiện nay chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa đã, đang được triển khai, nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh. Ham học hỏi và yêu thích chăn nuôi, năm 2020 anh Ly Mí Sình, thôn Nà Tạo, xã Hữu Vinh (Yên Minh) đã đầu tư chuồng trại, mua giống bò về nuôi theo quy mô hàng hoá. Với số tiền tích cóp và vốn vay thêm từ ngân hàng, anh mua từ 10 - 15 con bò gầy về vỗ béo. Anh Sình chia sẻ, để nuôi bò vỗ béo đạt kết quả cao, nguồn thức ăn phải phong phú nên anh đã chủ động mở rộng diện tích trồng cỏ và cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho vật nuôi. Nguồn thu nhập từ bán bò đã giúp gia đình có cuộc sống ổn định.

Mèo Vạc là một trong những huyện có thế mạnh về chăn nuôi với tổng đàn gia súc đạt trên 65.000 con, trong đó đàn bò trên 33.800 con; bò xuất chuồng 4.500, giá trị đạt 288 tỷ đồng, nguồn thu từ chăn nuôi bò hàng hóa chiếm 38% giá trị sản xuất nông nghiệp. Nhằm thực hiện mục tiêu phát triển chăn nuôi bền vững, huyện đã tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân trồng cỏ, mở rộng quy mô chợ bò nhằm ổn định đầu ra cho nhân dân. Đồng thời, đẩy mạnh tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật chăn nuôi và phòng, chống bệnh dịch cho đàn bò.

Còn tại huyện Quản Bạ, tổng đàn trâu, bò hiện có trên 23.000 con; trong đó, đàn trâu 6.910 con, đàn bò 16.250 con. Thời gian qua, cơ quan chức năng của huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao nhận thức của người dân, dần chuyển từ chăn nuôi truyền thống sang hướng hàng hóa. Tổ chức tốt khâu chọn con giống, nâng cao chất lượng vật nuôi, chú trọng thị trường tiêu thụ; chủ động phòng, chống dịch bệnh, đói rét… Trưởng phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Quản Bạ Nguyễn Chiến Thuật cho biết: Với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự vào cuộc hưởng ứng của người dân, phong trào phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hoá, bền vững của huyện đã mang lại hiệu quả, tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng hiệu quả kinh tế.

Hiện nay, chuỗi giá trị sản phẩm bò vàng tập trung chủ yếu tại 4 huyện vùng Cao nguyên đá với tổng đàn khoảng 122.778 con; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 3.283,9 tấn/năm, giá trị đạt 230,5 tỷ đồng. Năm 2019, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) đã cấp chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm bò vàng với phạm vi bảo hộ tại 44 xã thuộc 6 huyện, gồm: Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ, Hoàng Su Phì và Xín Mần. Đồng thời, Bộ Nông nghiệp - PTNT đã bình chọn và đưa bò vàng của tỉnh ta vào danh sách bảo tồn. Từ đó đến nay, tổng đàn bò vàng của tỉnh không ngừng tăng, hiện đạt trên 185.000 con; sản phẩm bò vàng không ngừng nâng cao giá trị, tạo dựng vững chắc thương hiệu trên thị trường, giá bán thịt bò tươi dao động từ 350-450 nghìn đồng/kg, thịt bò khô từ 1,1-1,3 triệu đồng/kg. Chăn nuôi bò vàng theo hướng hàng hóa và chế biến các sản phẩm thịt bò đang mở ra cơ hội làm giàu cho người dân, từng bước thúc đẩy hiệu quả quá trình giảm nghèo bền vững tại 6 huyện vùng chỉ dẫn địa lý.

Nguồn: Phát triển chăn nuôi gia súc tạo sinh kế cho người dân

Tiến Chiến

baohagiang.vn