Hà Giang: “Sao” OCOP sáng kinh tế nông thôn
Tân Quang là địa phương thuần nông với phần lớn dân cư là đồng bào dân tộc Mông, Dao, Tày, Hoa... Lợi thế về thổ nhưỡng và khí hậu đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển các loại cây trồng chủ lực như lúa, ngô, cùng hơn 2,5 ha cây dược liệu quý như Bồ kết, Đu đủ, Sả, Tam thất… Đây là nguồn tài nguyên quý để xã phát triển các sản phẩm nông sản đặc trưng, từng bước nâng cao giá trị sản xuất.
![]() |
Sản phẩm OCOP của Hợp tác xã Nhật Minh được bày bán tại Gian hàng giới thiệu và bán các sản phẩm đặc trưng của tỉnh. |
Tính đến cuối năm 2024, toàn huyện Bắc Quang có 60 sản phẩm OCOP đạt từ 3 - 4 sao cấp tỉnh. Riêng xã Tân Quang có 3 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao gồm: Trà lá hoa Đu đủ Thuận Mai (thôn Xuân Hòa); mô hình cây đào cảnh (thôn Mỹ Tân) và rượu Tửu Vương (thôn Vinh Quang). Những sản phẩm này không chỉ góp phần nâng tầm thương hiệu nông sản địa phương mà còn khẳng định vai trò tích cực của chương trình OCOP trong chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, chuyên nghiệp, bền vững.
Một trong những mô hình tiêu biểu là HTX Nhật Minh, do chị Đinh Thị Thu làm Giám đốc. Tận dụng những bài thuốc cổ truyền từ lá, hoa Đu đủ, chị Thu cùng các thành viên HTX đã nghiên cứu, sản xuất thành công sản phẩm Trà lá hoa Đu đủ Thuận Mai. Sản phẩm đã được đánh giá OCOP 3 sao và đang hoàn thiện hồ sơ nâng hạng. Kết hợp nguyên liệu địa phương với công nghệ sấy, sao hiện đại, sản phẩm trà không chỉ giữ được hương vị tự nhiên mà còn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh tin tưởng lựa chọn. Ngoài ra, HTX còn phát triển thêm dầu gội Bồ kết túi lọc, góp phần đa dạng hóa sản phẩm, gia tăng giá trị sử dụng từ các nguyên liệu quen thuộc.
Chị Đinh Thị Thu, Giám đốc HTX Thuận Mai chia sẻ: “Với phương châm liên kết sản xuất, HTX Nhật Minh đã ký hợp đồng thu mua nguyên liệu ổn định cho các hộ dân ở xã Tân Quang và các địa bàn lân cận… Mỗi năm tiêu thụ hàng tấn lá và hoa Đu đủ khô, tạo đầu ra ổn định, đảm bảo nguồn nguyên liệu chất lượng cho chế biến”. Sản phẩm Trà lá hoa đu đủ hiện được phân phối trên toàn quốc thông qua các kênh truyền thống và sàn thương mại điện tử, mang lại cho HTX nguồn doanh thu hơn 2 tỷ đồng/năm. Hiện nay, HTX tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động với thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng.
![]() |
Hợp tác xã Hải Khang (Bắc Quang) có nhiều sản phẩm đạt Ocop. Ảnh: CTV |
Chị Hoàng Thị Kiều, công nhân tại xưởng sơ chế của HTX Nhật Minh chia sẻ: “Tôi làm ở xưởng đã gần 10 năm, nhờ có HTX mà tôi tìm được công việc ổn định. Gia đình tôi còn mở rộng trồng Đu đủ để cung cấp nguyên liệu, vừa tăng thu nhập”. Từ một bài thuốc dân gian, sản phẩm Trà đu đủ không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa - y học cổ truyền của đồng bào vùng cao. Đây cũng là minh chứng cho hiệu quả rõ nét của chương trình OCOP khi được triển khai đúng hướng, sát thực tế và có sự đồng hành của chính quyền, HTX và người dân.
Tương tự như HTX Nhật Minh, hộ sản xuất Vương Chí Chi (dân tộc Hoa) đã tận dụng hiệu quả nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương để phát triển sản phẩm rượu mang thương hiệu rượu Tửu Vương. Điểm đặc biệt của sản phẩm này nằm ở sự kết hợp tinh tế giữa bí quyết ủ rượu truyền thống của gia đình và quy trình sản xuất hiện đại. Anh Chi cho biết: Nguyên liệu chính để nấu rượu là gạo lứt, được thu mua trực tiếp từ các hộ dân trong huyện. Rượu được ủ bằng men lá truyền thống và bảo quản trong hầm kín với thời gian tối thiểu một năm trước khi đưa ra thị trường. Trong suốt quá trình sản xuất, sản phẩm còn được xử lý qua hệ thống máy móc hiện đại như máy lọc rượu, thiết bị khử andehit, máy đo nồng độ cồn... nhằm đảm bảo chất lượng rượu đạt chuẩn, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng và không gây cảm giác mệt mỏi sau khi sử dụng.
Việc kết hợp giữa yếu tố truyền thống và công nghệ hiện đại không chỉ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn tạo dựng niềm tin với người tiêu dùng. Trung bình mỗi năm, anh Chi cung ứng ra thị trường khoảng hơn 20.000 lít rượu Tửu Vương đạt chuẩn OCOP 3 sao, đa dạng về mẫu mã, đáp ứng nhu cầu thưởng thức, làm quà biếu. Mô hình này không chỉ mang lại giá trị kinh tế cho hộ sản xuất với doanh thu lên đến hàng tỷ đồng mỗi năm mà còn góp phần tiêu thụ nông sản địa phương, tạo việc làm và thúc đẩy phát triển kinh tế cộng đồng.
Hiện nay, UBND xã Tân Quang đang phối hợp với cơ quan liên quan hỗ trợ các chủ thể OCOP nâng cao chất lượng sản phẩm, hoàn thiện mẫu mã, truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại. Đặc biệt, sản phẩm Trà lá hoa đu đủ đang được kỳ vọng đạt hạng 4 sao trong thời gian tới, đánh dấu bước chuyển mình quan trọng trong hành trình đưa nông sản địa phương vươn xa.
Nguồn: “Sao” OCOP sáng kinh tế nông thôn
Như Quỳnh
baohagiang.vn
-
Khánh Hòa: Quyết tâm phát triển du lịch xanh
-
Duyên dáng Sắc hương xứ Trà 2025: Sân chơi mới cho nữ sinh Việt tỏa sáng
-
Petrovietnam và PETRONAS thúc đẩy hợp tác thăm dò dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam
-
Lisa (BLACKPINK) tạo hình ‘cực cháy’, khuấy động sân khấu 'Coachella 2025'
-
PSI ra mắt chương trình ưu đãi đồng hành cùng nhà đầu tư trong bối cảnh thị trường tài chính biến động
-
BSR tập trung nguồn lực triển khai dự án NCMR NMLD Dung Quất đúng tiến độ
-
Doãn Quốc Đam lên tiếng về ồn ào quảng cáo sữa
-
Luka Modric trở thành ông chủ đội bóng Anh
-
Man Utd cam kết mang đội hình ngôi sao đấu thầy trò HLV Kim Sang-sik