Hà Giang: Sức sống mới ở Thái An

10:00 | 12/01/2025

|
Những năm qua, Chương trình xây dựng Nông thôn mới (NTM) là động lực để người dân xã Thái An (Quản Bạ) vượt khó trong phát triển KT-XH. Đến Thái An hôm nay, có thể cảm nhận rõ diện mạo nông thôn nơi đây đang thay đổi rõ rệt.

Những năm qua, Chương trình xây dựng Nông thôn mới (NTM) là động lực để người dân xã Thái An (Quản Bạ) vượt khó trong phát triển KT-XH. Đến Thái An hôm nay, có thể cảm nhận rõ diện mạo nông thôn nơi đây đang thay đổi rõ rệt.

Thái An là xã vùng cao nằm cách trung tâm huyện Quản Bạ 29 km, toàn xã có 6 thôn, 569 hộ, 2.950 nhân khẩu gồm đồng bào các dân tộc Mông, Dao, Nùng, Giấy sinh sống.

Do trình độ dân trí không đồng đều và tỷ lệ hộ nghèo cao, quá trình triển khai xây dựng NTM gặp không ít khó khăn. Thời gian qua, xã đã phân công cán bộ phụ trách từng thôn; phối hợp với Bí thư chi bộ, trưởng thôn, và người có uy tín đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho bà con về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Đến nay, xã đã đạt 13/19 tiêu chí về xây dựng NTM như: Quy hoạch, thủy lợi, điện, thông tin và truyền thông, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, tổ chức sản xuất, nhà ở, văn hóa, giao thông, y tế, môi trường, cơ sở vật chất văn hóa, quốc phòng và an ninh.

Sức sống mới ở Thái An
Đoàn thanh niên xã Thái An ra quân chỉnh trang tuyến đường sáng – xanh – sạch – đẹp tại thôn Séo Lủng 2.

Đồng chí Sùng Mí Lùng, Bí thư Đảng ủy xã Thái An cho biết: “Đảng bộ xã có 189 đảng viên. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đảng bộ đã tập trung lãnh đạo xây dựng NTM, chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển KT - XH, đạt nhiều kết quả rõ nét. Với 97% dân số là đồng bào dân tộc Mông, đời sống còn nhiều khó khăn, vì vậy Đảng ủy xã đã ban hành nghị quyết chuyên đề về xây dựng NTM, đề ra mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Đảng ủy đã phân công các đồng chí đảng ủy viên, cán bộ chủ chốt thường xuyên bám dân, dự sinh hoạt cùng chi bộ thôn để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, từ đó đưa ra những giải pháp kịp thời trong chỉ đạo, điều hành. Nhờ vậy, cán bộ, đảng viên luôn phát huy tinh thần trách nhiệm, nêu gương trong phát triển KT - XH”.

Minh chứng rõ nét cho sự đổi thay tại Thái An là xã đã xây dựng được 4 khu dân cư kiểu mẫu tại hai thôn Séo Lủng 1 và Séo Lủng 2 gắn liền với chỉnh trang các tuyến đường sáng, xanh, sạch, đẹp và phát triển dịch vụ homestay. Xã cũng cải tạo chuồng trại để phục vụ chăn nuôi khép kín, thúc đẩy chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường; cải tạo vườn tạp để trồng các loại rau theo mùa, cây ăn quả. Đặc biệt, đã vận động 14/14 dòng họ đưa người chết vào áo quan trước khi tổ chức tang lễ, rút ngắn thời gian tổ chức tang lễ không quá 48 giờ và hạn chế giết mổ nhiều gia súc trong lễ tang. Các hoạt động văn hóa cũng được duy trì, với trên 65% hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa. Thu nhập bình quân đầu người đạt 20 triệu đồng/năm.

Sức sống mới ở Thái An
Người dân thôn Lùng Hẩu, xã Thái An đan quẩy tấu để tăng thêm thu nhập.

Ông Ma Mí Giáo, Phó Bí thư Chi bộ - người có uy tín thôn Lùng Hẩu, cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của Đảng ủy xã, Chi ủy thôn tập trung lãnh đạo cán bộ, đảng viên phát huy vai trò, vận động Nhân dân tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Là một thôn vùng cao còn nhiều khó khăn, ngoài việc trồng ngô, Tam giác mạch, chăn nuôi, nhiều gia đình ở thôn còn đan quẩy tấu để tăng thêm thu nhập. Trung bình, một chiếc quẩy tấu bán được 100.000 - 150.000 đồng, với đầu mối thu mua tại chỗ, giúp nhiều hộ dân vượt khó, thoát nghèo, góp phần xây dựng thôn Lùng Hẩu nói riêng và xã Thái An nói chung ngày càng phát triển, sớm đạt chuẩn Nông thôn mới”.

Với sự đoàn kết, đồng lòng của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân, Chương trình xây dựng NTM đã và đang thay đổi nhận thức, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường của bà con vùng cao nơi đây.

Nguồn: Sức sống mới ở Thái An

Nguyễn Dịu

baohagiang.vn