Hết lòng vì đất nước nhưng vị vua này vẫn bị mang tiếng oan...

21:10 | 03/08/2021

|
Trong số các vị hoàng đế nhà Minh, Hoàng đế Vạn Lịch là một vị vua khá nổi trội, ông có thời gian trị vì lâu nhất triều đại - dài tới 48 năm. Vạn Lịch lên ngôi khi chỉ 10 tuổi, mới là đứa trẻ chưa hiểu chuyện thế gian.

Hoàng đế Vạn Lịch Chu Dực Quân là con trai thứ ba của Minh Mục Tông. Năm Long Khánh thứ 6, Mục Tông băng hà. Chu Dực Quân lên ngôi khi mới chỉ 10 tuổi, sang năm sau đổi niên hiệu thành Vạn Lịch.

Từ năm 1572 tới năm 1620, Vạn Lịch đã làm Hoàng đế 48 năm. Điều khiến người đời tranh cãi chính là việc trong 48 năm đó, Hoàng đế Vạn Lịch không lâm triều tới 28 năm liên tiếp.

Hết lòng vì đất nước nhưng vị vua này vẫn bị mang tiếng oan...
Hoàng đế Vạn Lịch Chu Dực Quân

Đã có ý kiến cho rằng, Hoàng đế Vạn Lịch Chu Dực Quân là Hoàng đế lười nhác nhất trong lịch sử! 28 năm không quan tâm chính sự!

Thật ra không phải như vậy, quy kết tất cả cho lười nhác là sai lầm. Suốt cuộc đời Hoàng đế Vạn Lịch có được ba trợ thủ đắc lực, đó là Từ Thánh hoàng thái hậu, Phùng Bảo và Trương Cư Chính.

Từ Thánh hoàng thái hậu có lòng yêu thương nhân từ độ lượng của người mẹ, Hoàng đế Vạn Lịch vô cùng kính trọng bà. Có đôi lúc bà cũng sẽ tham gia việc chính trị, giúp đỡ Vạn Lịch. Phùng Bảo được Vạn Lịch gọi là 'Đại Bảo', là trợ thủ đắc lực của Hoàng đế, cũng là một người bạn đồng hành từ nhỏ đến lớn của ông.

Người có ảnh hưởng lớn nhất đến Vạn Lịch là Trương Cư Chính. Trương Cư Chính đã làm vô cùng tốt vai trò người thầy nghiêm khắc bậc nhất của Hoàng đế Vạn Lịch.

Sau khi Vạn Lịch lên ngôi, có hơn phân nửa việc chính sự được Trương Cư Chính và ông cùng xử lý. Chính thứ quan hệ vua tôi hài hoà này đã mang tới thời kỳ xã hội ổn định, kinh tế phát triển kéo dài mười năm mang tên 'Vạn Lịch trung hưng'.

Vạn Lịch dựa dẫm rất nhiều vào Trương Cư Chính, đến mức sau khi Trương Cư Chính qua đời, ông không biết phải nghe theo ai, bắt đầu bỏ bê triều chính. Đây là một nguyên nhân, nhưng không phải là nguyên nhân chủ yếu nhất.

Vạn Lịch bỏ thiết triều 28 năm, nguyên nhân lớn nhất là vì ông hoàn toàn thất vọng về đám quan văn. Bởi thất vọng, nên ông mới cố gắng chống lại và bài xích. Đa số quan văn nhà Minh đều mưu cầu tư lợi. Thái độ của phần lớn trong số đó khi ấy là: Chỉ cần đứng đúng vị trí trong những việc phải trái rõ ràng, ngày thường nhận một chút lợi lộc sẽ chẳng ảnh hưởng gì lớn.

Điều quan trọng là quyền lực của đám quan văn rất lớn. Việc họ phản đối Vạn Lịch lập con thứ ba làm Thái tử đã trở thành giọt nước tràn ly. Từ đó về sau, Vạn Lịch không còn cùng làm việc với quan văn nữa. Thật ra, thay vì nói Vạn Lịch bỏ bê triều chính, nên nói ông tránh mặt đám quan văn mới phải.

Không lâm triều là để không thấy sẽ khỏi phải phiền lòng, không có nghĩa là Vạn Lịch không màng chính sự. Ngược lại, điều này còn nâng cao hiệu suất hành chính ở một mức độ nhất định, Hoàng đế Vạn Lịch có thể chuyên tâm xử lý quốc sự hơn.

Đây là lý do tại sao giai đoạn sau của thời Vạn Lịch vẫn còn có công trạng như 'Vạn Lịch tam đại chinh'. Bên trong, có Chiến dịch Ninh Hạ dẹp yên cuộc nổi loạn của người Mông Cổ; bên ngoài, có Chiến tranh Nhật Bản - Triều Tiên (1592-1598) đánh lại Nhật Bản.

Điều đáng buồn là cuối thời Vạn Lịch, đám quan văn ngày càng càn quấy dẫn đến nội loạn, triều đình chia năm xẻ bảy. Tộc Nữ Chân nhân sơ hở tấn công, nhà Minh sắp đến ngày tận số.

Theo các sách sử, vị hoàng đế nhà Minh chưa một lần nào chính thức xác nhận về lý do mình không thiết triều, trước những lời phàn nàn của quần thần, ông chỉ đơn giản trả lời là mình không được khỏe. Phải tới 400 năm sau, hậu thế mới tìm ra lý do không thiết triều của vị hoàng đế nhà Minh khi khai quật lăng mộ của ông!

Bí mật trong quan tài Hoàng đế Vạn Lịch

Năm 1955, nhóm khảo cổ dẫn đầu bởi nhà sử học Quách Mạt Nhược đã khai quật khu lăng mộ Định Lăng của Hoàng đế Vạn Lịch và cải tạo thành một bảo tàng ngầm dưới lòng đất.

Lăng mộ này dù không lớn nhưng thiết kế vô cùng cẩn mật, phải mất hơn 1 năm đoàn khảo cổ mới tìm được lối vào. Theo số liệu công bố, vật tùy táng bên trong có tới hơn 3.000 văn vật gồm rất nhiều đá quý, trân châu cùng nhiều vật phẩm và tơ lụa.

Khi mở nắp quan tài, bí ẩn lớn nhất về vị vua thứ 13 của nhà Minh đã dần được tiết lộ. Bản khôi phục hài cốt của Hoàng đế Vạn Lịch cho thấy hai chân của ông có độ dài không đồng đều, chân phải dài hơn chân trái một chút khiến việc đi lại rất bất tiện.

Dị tật chân bất cân xứng xuất hiện do Vạn Lịch mắc chứng teo cơ khá trầm trọng, điều này trực tiếp lý giải vì sao ông không thể ngồi lâu trên ghế rồng.

Trình độ y học thời đó còn kém phát triển, bệnh tình của vua không thể chữa khỏi, dáng đi cũng vì bệnh mà kém uy nghiêm nên Vạn Lịch đã chọn cách ẩn mình sau màn trướng để giải quyết chính sự.

Vị vua vẫn siêng năng vì nước vì dân dù không được người đời nhìn thấy, vậy mới hiểu thiên tử cũng có những nỗi khổ thật không thể chia sẻ cùng ai! Nhờ công trình khảo cổ năm 1955, hậu thế đã nhận ra danh hiệu "hoàng đế lười nhất lịch sử" mà người ta gán cho Hoàng đế Vạn Lịch hóa ra chỉ là một tiếng oan!

Nguồn: Hết lòng vì đất nước nhưng vị vua này vẫn bị mang tiếng oan...

Thúy An (t/h)

dulich.petrotime.vn