Khắc phục tính ba phải ở trẻ bằng cách nào?

09:15 | 23/07/2024

|
Cách dạy con theo lối áp đặt, ra lệnh… khiến trẻ sợ hãi, không dám bày tỏ bản thân. Thay vào đó, phụ huynh cần giúp trẻ tự tin, nói lên suy nghĩ và bày tỏ chính kiến.
Khắc phục tính ba phải ở trẻ - Giúp con nói lên suy nghĩ

Trẻ mắc lỗi là điều hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, chỉ cần cha mẹ không can thiệp nhiều, để trẻ có chính kiến trong mọi việc, dần dần bé sẽ làm tốt hơn.

Biết phân biệt đúng sai

Nuôi con, sẽ có lúc nhiều phụ huynh phải đối mặt với trường hợp bé nói “KHÔNG” với tất cả mọi thứ cha mẹ yêu cầu. Con thường hành động trái ý và từ chối lắng nghe những lời dạy bảo của người lớn. Tuy nhiên, những lúc trẻ bướng bỉnh, khó bảo, nếu cha mẹ phản ứng mà không suy nghĩ thì sẽ khiến thái độ của con càng trở nên tiêu cực.

Trong cuốn sách “Nuôi dạy em bé có chính kiến”, tác giả Alicia Vu cho biết, trẻ sinh ra đều có chính kiến và biết bản thân muốn gì. Bằng chứng là ngay từ khi sơ sinh, chúng đã biết quay đầu đi không bú nữa khi đã no. Chỉ cần người lớn đừng can thiệp và cố gắng thay đổi, chúng sẽ giữ được cá tính và chính kiến đến khi trưởng thành.

Tuy nhiên, thực tế, không ít phụ huynh vô tình làm “thui chột” chính kiến trong trẻ. Một số người có xu hướng kiểm soát, yêu cầu trẻ nghe theo mọi lời mình nói, thậm chí là cả những điều nhỏ nhất như quần áo, giày dép… Lâu dần, trẻ không còn chính kiến và khó có thể tự đưa ra quyết định.

Tính cách ba phải dần hình thành và theo trẻ cho tới tận sau này. Vậy, cách nào để khắc phục thói quen xấu này của trẻ? Theo các chuyên gia tâm lý, cha mẹ trước hết cần tăng cường năng lực phân biệt đúng, sai cho trẻ.

Do tuổi còn nhỏ nên quan niệm về đạo đức ở trẻ chưa được hình thành, chuẩn mực trong phán đoán đúng, sai còn mơ hồ. Hơn thế, khả năng kiểm soát của trẻ còn yếu và thường không phân biệt được thế nào là tốt - xấu mà chỉ biết bắt chước theo người lớn. Vì thế, cha mẹ cần hướng dẫn và cho trẻ cơ hội luyện tập, từng bước nhận thức đúng, sai trong hành vi của mình thông qua sự đánh giá của người lớn, tăng cường năng lực cho trẻ thông qua các câu chuyện, hoặc bộ phim thiếu nhi.

Đồng thời, thường xuyên đưa ra các tình huống để trẻ lựa chọn. Từ đó, để trẻ nói ra cảm nghĩ của mình. Một nguyên tắc mà cha mẹ cần lưu tâm và thực hiện nghiêm túc, đó là khắc phục tính ỷ lại của trẻ.

Cha mẹ cũng cần sớm cho trẻ luyện tập kỹ năng cơ bản trong cuộc sống như: Tự mặc quần áo, lau bàn, rửa tay, quét nhà... Người lớn nên cố gắng cho trẻ cơ hội độc lập thực hiện nhiệm vụ. Nếu trẻ làm chưa tốt, cha mẹ không nên la mắng mà hãy hướng dẫn, khuyến khích con làm lại cho tốt hơn.

Song, thực tế, không ít cha mẹ tự hào khi con luôn nghe lời “răm rắp”, không bao giờ biết cãi.

Chị Hoàng Minh Thảo (Cầu Giấy, Hà Nội) rất tự hào khi con gái 6 tuổi “ngoan hết phần trẻ khác”. Phụ huynh nói gì, con cũng nghe lời ngay lập tức và không bao giờ cãi. Hầu như con không bao giờ làm điều gì theo ý mình, chỉ cần cha mẹ nhìn với ánh mắt không đồng tình, bé lập tức dừng lại. Chị Thảo cho biết, con mình làm vậy là đúng vì không muốn bị mắng do không nghe lời cha mẹ.

Khắc phục tính ba phải ở trẻ - Giúp con nói lên suy nghĩ
Khi không có chính kiến, trẻ sẽ nghe lời người khác vô điều kiện để không khiến ai phật lòng. Ảnh minh họa: ITN.

Cấm con cãi hoặc có ý kiến khác là cách dạy của không ít phụ huynh. Chị Nguyễn Thanh Tâm (Ba Đình, Hà Nội) thường xuyên yêu cầu con làm theo mọi yêu cầu của mình, bất kể chúng có thích hay không.

Ví dụ, khi con nói: “Mẹ ơi, con thấy bộ quần áo này hơi chật”, chị Tâm vẫn sẽ yêu cầu con mặc vào. Bởi, theo chị, “cứ mặc đi, một lát là khắc thấy quen”. Hoặc, khi con nói thích đọc truyện vào ngày cuối tuần, chị Tâm sẽ yêu cầu: “Hôm nay trời đẹp lắm, cuối tuần mà, con ở nhà làm gì? Ra ngoài chơi đi chứ!”.

Thậm chí, một số phụ huynh luôn nhấn mạnh với con rằng, phải nghe lời ông bà khi ở nhà, thầy cô khi đến trường, nghe lời tuyệt đối anh chị của chúng. Điều này thấm nhuần vào tư tưởng của trẻ ngay khi còn nhỏ. Song, câu hỏi được đặt ra là: Điều đó có thật sự tốt? Liệu cha mẹ có hạnh phúc khi con mình trở thành đứa trẻ ngoan, không có chính kiến, phục tùng người khác vô điều kiện?

Các chuyên gia cho biết, việc luôn bắt trẻ vâng lời chưa hẳn là điều tốt. Thực tế, để trẻ trình bày ý kiến, tôn trọng quyết định của con mới là điều tốt nhất. Cha mẹ cần cho con quyền được phát ngôn, thay vì bắt trẻ nghe lời một cách mù quáng. Mỗi người có một suy nghĩ khác nhau và nên bày tỏ điều đó.

Với những đứa trẻ quá nghe lời, chúng thường lo lắng trước cảm xúc của người khác mà từ bỏ suy nghĩ thật của bản thân. Dần dần lớn lên, trẻ sẽ nghe lời người khác vô điều kiện để không khiến ai phật lòng và bản thân cũng không phải suy nghĩ nhiều. Theo thời gian, tư duy não bộ của trẻ sẽ không phát triển, không có chính kiến rõ ràng. Lúc này, trẻ giống như một chiếc thuyền không có cánh buồm, trôi lênh đênh trên biển mà không có định hướng. Vì vậy, cha mẹ cần cho con cơ hội được bày tỏ suy nghĩ trong quá trình giáo dục.

Khắc phục tính ba phải ở trẻ - Giúp con nói lên suy nghĩ
Cha mẹ cần dạy con cách chủ động tự nói lên suy nghĩ của mình. Ảnh minh họa: ITN.

Kiên nhẫn lắng nghe trẻ

Theo cô Đặng Thục Hà My - Trung tâm Ngoại ngữ Bình Minh (Hà Nội), có rất nhiều bạn nhỏ chọn cách im lặng khi gặp một vấn đề. Thậm chí, trẻ cũng có thể không dám nói cho cha mẹ biết để tìm hướng giải quyết hợp lý. Do đó, phụ huynh không hiểu được con mình có đang chịu những tổn thương về tinh thần hay thể chất gì không. Phụ huynh cũng sẽ không thể biết được con mình đang thực sự gặp phải vấn đề gì và thiếu hụt những kỹ năng sống nào.

Cô Hà My cho rằng, nếu muốn biết những suy nghĩ của con khi gặp những vấn đề xảy ra mà không phải thúc ép trẻ nói, cha mẹ hãy dạy con cách chủ động tự nói lên suy nghĩ của mình.

“Hiện nay, có khá nhiều phụ huynh than phiền rằng: ‘Chúng tôi thấy rất khó khăn vì nhiều lúc chẳng biết bọn trẻ muốn gì’. Tôi cho rằng, có một số nguyên nhân khiến trẻ gặp khó khăn trong việc nói lên tiếng nói của chính mình. Trẻ đôi khi không biểu đạt được ý muốn của mình qua lời nói. Bên cạnh đó, không phải phụ huynh nào cũng đủ kiên nhẫn để lắng nghe hết những tâm tư của con. Cha mẹ thậm chí còn gắt lên bằng những câu nói: Nhanh lên! Con muốn nói cái gì hả?”, cô My cho biết.

Theo nữ giáo viên này, muốn con nói lên được những suy nghĩ của bản thân, người lớn hãy để trẻ cảm thấy “thích” được tâm sự và phải thoải mái về tâm lý. Phụ huynh nên lắng nghe con với thái độ chăm chú và biểu thị đồng tình, có thể chỉ là những cái gật đầu, hoặc lời nói đệm: “Thế à”, “Ừ, con nói tiếp đi”… Những cử chỉ dù nhỏ này cũng sẽ giúp trẻ cảm thấy tự tin hơn. Đồng thời, trẻ cũng tin là cha mẹ đang rất lắng nghe và quan tâm đến vấn đề của mình.

Cha mẹ cũng cần luôn cổ vũ trẻ mạnh dạn đưa ra ý kiến của bản thân một cách phù hợp trong các cuộc tranh luận. Việc phản bác ý kiến của người khác cũng là yêu cầu khá phức tạp. Đối với trẻ, điều này càng khó khăn vì nó có liên quan đến khả năng sáng tạo và kỹ năng tư duy phản biện. Trong khi đó, sự sáng tạo thường bắt đầu từ khả năng suy nghĩ độc lập và “chịu khó” phản bác ý kiến của người khác.

Vì vậy, nếu trẻ muốn trình bày những ý kiến riêng của bản thân, cha mẹ nên tôn trọng và khuyến khích con. Trong đó, mạnh dạn tự tin trong giao tiếp là kỹ năng rất cần thiết đối với mỗi trẻ em, và còn là điều kiện cơ bản để phát triển trí tuệ, cả về ngôn ngữ và nhận thức xã hội của trẻ. Trẻ muốn giao tiếp tốt phải có ngôn ngữ phong phú, đa dạng, hiểu biết nhiều…

Giao tiếp là công cụ đắc lực giúp trẻ phát triển các kỹ năng xã hội. Tự tin trong giao tiếp giúp trẻ mạnh dạn trao đổi với mọi người, tự đề xuất hoặc nói lên những mong muốn, suy nghĩ hoặc ý kiến của mình với người khác. Từ đó, giúp trẻ có thể mở lòng mình để tâm sự, sẻ chia cùng mọi người.

“Cha mẹ không nên áp đặt rằng, khi trẻ không thích những đồ chơi bố mẹ mua cho thì là ‘lắm chuyện’, khi không nhất nhất làm theo điều bố mẹ dặn thường thì là ‘cứng đầu, cứng cổ’… Việc phụ huynh không để con có ý kiến riêng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển tự nhiên của con trẻ. Hậu quả là cha mẹ có thể biến con mình thành kiểu gió thổi chiều nào xoay chiều đó”, cô Hà My nhận định.

Theo cô Hà My, cho dù ý kiến của trẻ còn sai lệch thì cha mẹ vẫn nên động viên con phát biểu, tự chủ suy nghĩ. Phụ huynh chỉ làm nhiệm vụ điều chỉnh, sửa chữa những suy nghĩ sai của con, thay vì “suy nghĩ hộ” trẻ. Hãy để trẻ độc lập suy nghĩ và tự do phát biểu ý kiến của bản thân. Bởi, đó là cách để bồi dưỡng khả năng sáng tạo và kỹ năng sống của trẻ.

Nguồn: Khắc phục tính ba phải ở trẻ bằng cách nào?

Vân Huyền

giaoducthoidai.vn